Trước Đại hội đảng 13, lãnh đạo cấp cao tăng cường chỉ trích các “thế lực thù địch”

Cao Nguyên

2020-10-02

Tổng bí thư (TBT) Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước (CTN) Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cùng với Tướng công an Lê Quý Vương và Tướng quân đội Ngô Xuân Lịch vào ngày 28 tháng 9 vừa qua lại cùng có những phát biểu cho rằng “thế lực thù địch, phản động” đang gia tăng chống phá, công khai và quyết liệt hơn.

Hình minh hoạ. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng 12 ở Hà Nội hôm 21/1/2016. Reuters

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu trong Hội nghị sơ kết công tác công an Quý III/2020 tại Hà Nội rằng: “Đại hội 13 là điều kiện để các thế lực thù địch, phản động gia tăng chống phá”.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đưa ra nhận định: “Thế lực thù địch chống phá ngày càng công khai, quyết liệt và trực diện hơn”, trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân ngày 28/9.

Cùng ngày, Ông TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng tham dự Đại hội đảng Quân đội đã nhấn mạnh, yêu cầu quân đội phải tiên phong trong việc đấu tranh với cái mà ông này gọi là “quan điểm sai trái thù địch”.

Phản ứng dư luận

Liên tục các phát biểu của lãnh đạo Việt Nam về các “thế lực thù địch” như thế thu hút sự chú ý của dư luận. Trên fanpage của Đài Á Châu Tự do, phát biểu của Đại tướng Tô Ân Xô nhận được gần 400 lượt chia sẻ và 1400 bình luận. Phát ngôn của Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương có gần 200 lượt chia sẻ và hơn 700 bình luận. Dưới đây là quan điểm của một số độc giả để lại bình luận trên fanpage của RFA:

Độc giả Cường Nguyễn nhận xét: “Hòa bình gần nửa thế kỷ rồi mà cứ còn thế lực thù địch là sao? Ai thù, ai địch? Tại sao người ta lại thù? Và tại sao người ta lại địch? Các cụ ngày xưa dạy: phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.

Và “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Phải hỏi mình xem mình đã làm gì để người ta thù địch? Có thế mới tiến bộ được, bằng không thì vứt”.

Độc giả Crystal: “Thôi nói thẳng ra là tuyên truyền, quản lý thất bại rồi đổ lỗi cho người ta đi. Nếu họ thực sự minh bạch thì làm gì phải sợ thế lực thù địch chứ!”.

Phát biểu của Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương về thế lực thù địch hôm 28/9/2020 được đăng trên FB của Đài Á Châu Tự Do Photo: RFA

Độc giả Nguyễn Văn Hùng: “Thế lực thù địch nào, ở đâu, họ làm cái gì mà kêu là chống phá? Toàn các đồng chí phá nhau rồi gán ghép cho nhân dân. Không những đồng chí chống phá nhau, mà còn phá hoại luôn cả quê hương, giống nòi!

Nhìn chung những người dám nói lên sự thật thì sẽ trở thành thế lực thù địch ngay lập tức”.

Độc giả Hoàng Xuân Diệu: “Mấy ông áp bức người dân đến tận cùng rồi người dân phản ứng lại thì chụp mũ họ là thế lực thù địch”.

Tăng cường “tấn công” đối lập trước Đại hội đảng

Một bài viết có nội dung “chống diễn biến hoà bình” đăng trên mạng báo Biên Phòng ngày 28/9 có đoạn: “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng sắp tới, các thế lực phản động, cơ hội chính trị gần đây lại giở nhiều chiêu trò tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

“Thế lực thù địch” là cụm từ thường được đảng Cộng sản, Nhà nước và báo chí Việt Nam ám chỉ những người hay tổ chức bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam, dù là ôn hòa hay bạo động, bất kể là trong hay ngoài nước.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, cựu Tù nhân Chính trị, từng đi tù 2 lần vì những hoạt động “phản kháng” Đảng và Nhà nước Việt Nam, tự nhận mình là “thế lực thù địch” nếu chiếu theo định nghĩa của Nhà cầm quyền.

Ông Đài cho rằng phát biểu nêu trên của những người đứng đầu nhà nước nhằm đe doạ, răn đe những ai có ý định lên tiếng chỉ trích chính quyền. Đặc biệt là trong lúc Đảng Cộng sản đang ráo riết chuẩn bị nhân sự cho khoá sau, cũng như Đại hội đảng 13 sắp tới, luôn có nhiều đồn đoán về chuyện đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực của lãnh đạo cấp cao:

Các lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản họ muốn tỏ ra cứng rắn đối với những người phản đối. Sự nổi dậy của người dân ngày càng nhiều hơn, trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội.

Điều đó cũng phản ánh một thực tế là chỉ thông qua thông tin của nhà nước Cộng sản thôi, bất kỳ một trang báo nào đều có những bất cập xã hội, từ tệ nạn đến tham nhũng. Nó xảy ra gần như triền miên từ cấp trung ương cho đến địa phương.

Người dân Việt Nam đã chịu nhiều bất công rồi cho nên khi đọc những tin như vậy, rõ ràng là họ cảm thấy bất bình và tìm cách phản kháng lại, thì đó là chuyện đương nhiên. Bất bình nào đối với nhà cầm quyền Cộng sản thì họ cũng coi là một sự chống đối.

Nếu đảng Cộng sản không muốn những thế lực đối lập thêu dệt hay vẽ nên những câu chuyện theo thuyết âm mưu, thì họ cần phải công khai minh bạch tất cả, chứ đừng đưa sức khỏe của các vị lãnh đạo vào danh mục bí mật của đất nước nữa.

Nhân dân cần phải biết sức khỏe của những vị lãnh đạo có khả năng để dẫn dắt không. Nếu họ công khai minh bạch thì làm gì có chuyện thêu dệt nên những câu chuyện như vậy”.

Hình minh họa. Công an ngăn chặn người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 17/7/2016. Reuters

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng ở Đại hội Đảng lần này, chính quyền Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, thất bại về kinh tế và chính trị nên tìm cách “đổ lỗi” cho một thế lực mơ hồ:

Các lãnh đạo cấp cao lo lắng cho sự tồn vong của chế độ là chuyện đương nhiên. Chuyện đấy đã từng diễn ra trong rất nhiều các kỳ Đại hội đảng, cho nên tôi cũng không ngạc nhiên lắm về bình luận của họ.

Có thể do kỳ Đại hội lần này có những khó khăn, thách thức từ những biến động về chính trị và kinh tế thế giới, cũng như như dịch COVID đã tạo ra khó khăn rất lớn cho Việt Nam.

Thế thì lãnh đạo Việt Nam trong bối cảnh phải chèo chống vốn đã rất khó khăn, bây giờ lại càng khó khăn hơn, thì cường độ và tần suất phát biểu như vậy sẽ ngày càng nhiều hơn”.

Có “thế lực thù địch” nào đủ sức lật được Đảng Cộng sản?

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, hiện tại, chưa có một cá nhân hay tổ chức đối lập nào có đủ khả năng “lật đổ” được Đảng Cộng sản Việt Nam:

Xét về năng lực thì hoàn toàn chưa đủ khả năng tại thời điểm này. Nhưng ngày nay với truyền thống mạng xã hội thì mọi thứ có thể thay đổi, người dân có thể tiếp cận thông tin và đến lúc họ bừng tỉnh thì mọi chuyện có thể thay đổi ngay”.

Cùng quan điểm, ông Thắng nói:

Việc cáo buộc như vậy tôi cho rằng rất quy chụp. Rõ ràng những người dân như chúng tôi thường quan tâm đến xã hội thì cũng chỉ bằng lời nói thôi.

Cả một cái đảng cầm quyền, một bên là công an, một bên là quân đội hùng mạnh như vậy thì làm sao người dân có thể làm gì được”.

Vào ngày 1/10, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã chiếu chuyên mục “Đối diện” với chủ đề “Cảnh giác với âm mưu phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”.

Nội dung bản tin này cáo buộc rằng một trong những thủ đoạn tuy không mới nhưng rất thâm độc của thế lực thù địch, đó là chiêu bài đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”. Lâu nay nhiều lãnh đạo tại Việt Nam luôn nhắc lại nhiệm vụ của quân đội và công an là bảo vệ đảng. Hai lực lượng này được ví như ‘thanh kiếm và lá chắn’ bảo vệ chế độ.

C.N.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/before-party-congress-high-ranking-leaders-increasingly-criticize-hostile-forces-10022020185412.html

This entry was posted in Thế lực thù địch. Bookmark the permalink.