Tư hữu hóa đất đai sẽ rất phức tạp?

Hà Nguyên

Với người nông dân thời nào cũng vậy, đất đai luôn gắn bó như máu thịt. Bỗng vào một ngày xấu trời, tự dưng đất đai đó được dán bảng “quy hoạch”, vậy là người nông dân bị mất đất – dù họ có nhận khoản tiền gọi là “đền bù giải tỏa”.

Thích thì nhân danh quyền lực Nhà nước, người ta sẽ ‘vẽ’ ra dự án để chiếm đất của người dân với mỹ từ là “đền bù giải tỏa”. Chuyện tùy tiện ấy dường như chỉ xảy ra đối với những quốc gia theo chế độ công hữu về đất đai.

Người viết bài này thử làm một khảo sát nho nhỏ, với câu hỏi chung: Có nên tư hữu hóa đất đai kể từ nhiệm kỳ mới sắp tới của Đảng?

Dưới đây là một số ý kiến ghi nhận:

– “Muốn tư hữu hóa thì phải có một quy hoạch tổng thể thống nhất và xây dựng các chế định hoàn thiện bảo vệ cho quy hoạch đó. Ở Việt Nam mình, quy hoạch thay đổi xềnh xệch, quy hoạch treo lơ lửng, quy hoạch manh mún,… sao dám tư hữu.

Tôi nghĩ không cần quan tâm đến ai sở hữu; vì dù ai sở hữu thì đó cũng trong lãnh thổ Việt Nam chứ không mang ra ngoài lãnh thổ được. Quan trọng là cơ chế đảm bảo cho việc sử dụng, sở hữu nó mà thôi”.

– “Theo tôi, hình thức sở hữu đất đai không quyết định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cũng như trước đây chúng ta thay đổi từ nền kinh tế tự cung tự cấp (bao cấp) sang nền kinh tế thị trường vậy.

Hiện tại, việc sở hữu toàn dân đang là tiền đề cho quá nhiều phức tạp trong quản lý sử dụng đất, dễ thấy nhất là tình trạng quy hoạch treo mà người dân ẵm đủ; đây cũng là một trong những nguyên nhân kiềm chế hiệu quả sử dụng đất, qua đó tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế”.

– “Sở hữu tư là nền tảng cơ sở của chủ nghĩa tư bản – khuyến khích làm giàu cho cá nhân dựa trên các tài sản mà cá nhân sở hữu thông qua việc sử dụng, phát triển, trao đổi tài sản. Sở hữu toàn dân là chẳng ông dân nào thực sự sở hữu cả nên việc quản lý, sử dụng nó để đem lại lợi ích cho toàn dân là cả một vấn đề mà mấy chục năm qua nhà nước giải mãi mà chẳng ra nên cứ như con kiến lại leo cành đa…”.



– “Tư hữu và công hữu khác nhau trước hết ở chủ thể có quyền sở hữu. Việc thay đổi chủ thể có quyền sở hữu sẽ đưa tới thay đổi chủ thể có quyền định đoạt.

Ở đây hiện đang là Nhà nước có quyền định đoạt việc sử dụng đất đai, thích thu hồi là thu hồi, khi gặp ngăn cản việc thu hồi thì Nhà nước sẽ gọi đó là chống đối nhà nước, vậy là Nhà nước sẽ thực hiện quyền cưỡng chế.

Nếu thay đổi chủ thể có quyền định đoạt, với việc dân có quyền định đoạt việc sử dụng đất đai, thì tất yếu Nhà nước muốn thu hồi phải được sự đồng ý của dân, tất nhiên trừ những trường hợp vì lợi ích chung. Dân không muốn cho Nhà nước sử dụng, thì Nhà nước muốn cưỡng chế cũng không được. Khi ấy không còn cơ hội cho những nhóm lợi ích thâu tóm đất đai để chiếm lợi về mình.

Còn các lý do như:

1. Thay đổi chế độ sở hữu =>> Thay đổi pháp luật phức tạp =>> Lý do này vớ vẩn, hệ thống pháp luật của nước ta luôn luôn thay đổi, 20 năm trước cũng thay đổi lại toàn bộ và đất nước tiến lên =>> Vậy cớ gì thay đổi pháp luật thì dân nghèo nước yếu!?

2. Thay đổi chế độ sở hữu =>> hỏng chế độ XHCN =>> Lý do này càng vớ vẩn, chế độ XHCN đơn giản là có đặc điểm là kỹ thuật tiên tiến, khoa học phát triển, dân trí cao, con người công bằng bình đẳng với nhau…. còn cái công hữu tư liệu sản xuất nó là sang tận chủ nghĩa cộng sản rồi.

3. Thay đổi chế độ sở hữu =>> thay đổi hệ thống hành chính =>> Nhà nước là của dân thì thành lập, thay đổi hay tiêu diệt nó đều là quyền của dân, không phải quyền của nhà nước”.

Người viết xin tạm kết vấn đề ở đây bằng một giải pháp trung dung:

“Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực chất quan hệ đất đai ở Việt Nam. Tốt nhất là gọi tên chế độ sở hữu đất đai, một chế độ sở hữu đặc biệt, như thông lệ trên thế giới, phù hợp hơn với nhu cầu thực tế phát triển, tạo cơ hội làm giảm nguy cơ tham nhũng trong bộ máy quản lý đất đai.

Chúng ta cần chấp nhận sở hữu tư nhân về đất đai, thiết lập chế độ đa sở hữu về đất đai gồm cả sở hữu nhà nước, sở hữu chung, sở hữu tập thể và sở hữu của tất cả các thành phần kinh tế gồm cả sở hữu tư nhân. Ngoài những ý nghĩa đối với kinh tế, xã hội, nhân văn trong nước, đa sở hữu về đất đai còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế của nước ta”.

H.N.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Đất đai. Bookmark the permalink.