Vụ án Đồng Tâm không có xác người chết vẫn xử tội giết người

Nguyễn Mạnh Hùng

Tòa án Hà Nội đang mở ra phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm vụ án giết người xảy ra tại Đồng Tâm trong mấy ngày qua gây bức xúc trong nhiều tầng lớp nhân dân. Đây là phiên tòa vi phạm tố tụng nhiều nhất và nghiêm trọng nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mà các luật sư tham gia vụ án đã công bố.

Người viết không có hồ sơ vụ án của các cơ quan tham gia tố tụng. Để có tư liệu viết bài này, người viết thu thập các thông tin trên mạng, chủ yếu là thông tin trên báo chí đã được cơ quan tuyên giáo kiểm duyệt và các thông tin từ phiên tòa rò rỉ ra ngoài. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ đưa ra quan điểm bàn về tội "giết người” đã được quy định trong Bộ luật Hình sự của nước CNXHCNVN.

Vụ án xảy ra tại Đồng Tâm là vụ án giết người, hậu quả theo Cáo trạng có 4 người bị chết. Ông Lê Đình Kình bị bắn chết có xác tại hiện trường, có hình ảnh chứng minh, còn 3 công an không có xác, không có hình ảnh chứng minh. Theo luật sư Manh Dang nói với BBC “trong giám định pháp y có kết luận ba công an chết do ngạt khí, và trong khí quản có CO2. Cáo trạng ghi do cháy xăng”. Như vậy hậu quả gây ra cái chết cho 3 công an theo kết quả giám định pháp y và cáo trạng đã mâu thuẫn với nhau.

Kết quả giám định thể hiện nguyên nhân chết do ngạt khí, và trong khí quản có CO2 phù hợp quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định “bắt buộc phải trưng cầu giám định: Khoản 3. Nguyên nhân chết người; Khoản 6. Mức độ ô nhiễm môi trường”. Cáo trạng ghi nguyên nhân chết do cháy xăng là không có căn cứ bởi lẽ:

- Hồ sơ vụ án không thể hiện có ai nhìn thấy 3 người rơi xuống hố kỹ thuật (giếng trời).

- Không có hình ảnh hay video thể hiện xác nạn nhân bị chết dưới hố, như vậy không có xác chết thì không thể kết luận là đã chết.

- Không có hình ảnh hay video thể hiện nạn nhân bị chết cháy do xăng đốt.

Theo quy định pháp luật Việt Nam thì giết người được hiểu là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật được quy định trong Bộ luật Hình sự. Hành vi giết người là đặc biệt nghiêm trọng, ngay sau khi có án mạng xảy ra phải thu thập chứng cứ, tang chứng, vật chúng vụ án tại hiện trường. Đặc biệt vụ án này có sự tham gia của các cơ quan điều tra và cơ quan nghiệp vụ thì toàn bộ diễn biến của vụ án đã được thu thập trực tiếp, như một “phóng sự chiến trường”.

Yếu tố bắt buộc (cần và đủ) để cấu thành tội giết người phải [1] có hành vi làm chết người, và [2] hậu quả phải có ngưởi bị chết. Theo đó, yếu tố để cấu thành tội giết người phải căn cứ trên mối quan hệ nhân quả giữa “hành vi giết người” với hậu quả “phải có người bị chết”. Nếu không có người bị chết thì không cấu thành tội giết người, nếu không tìm được xác nạn nhân thì không ai dám khẳng định 100% là nạn nhân đã chết.

Trong thực tế đã xảy ra có một số vụ án truy tố tội giết người nhưng không có xác chết. Mới đây trên mạng xã hội rúng động về vụ hai cha con cô giáo Phan Thị Mỹ Xuyên (Hà Tĩnh) cởi truồng, chặn đoàn đại biểu quốc hội kêu oan ngày 9/6/2020 tại Hà Nội. Ông Phan Văn Tuấn không chết, đã trở về kêu oan cho vợ và con trai bị bắt với tội danh là cùng âm mưu giết chồng, giết bố (nạn nhân chính là ông). Xem tại đây: Hà Tĩnh: Hai người cởi truồng chặn xe đoàn ĐBQH kêu oan cho vợ và con trai

Một vụ nữa là ông Hời ở Đà Nẵng tự đầu thú về việc đã bóp cổ con gái 8 tuổi đến chết và cho xác vào bao để ném xuống sông Hàn. Cơ quan chức năng đã tổ chức tìm kiếm thi thể cháu bé nhưng không thấy. Vì vậy ông Hời đã được trả tự do. Xem tại đây: Lý giải vụ nghi phạm giết người được thả tự do vì không tìm thấy xác nạn nhân

(Đó chỉ là 2 trong nhiều nhiều vụ án oan)

PHẦN KẾT:

Vì không thấy xác chết, dư luận nghi ngờ 3 công an nghe nói người dân Đồng Tâm quyết tâm giữ đất, sợ chết đã “đào ngũ” nên không tìm thấy xác. Hoặc có thể tự té xuống giếng trời chết nên không công bố xác chết để vu khống cho người dân Đồng Tâm thiêu đốt chết. Khi chưa được nhìn thấy xác 3 công an thì người dân có quyền nghi ngờ. Khi và chỉ khi công bố xác chết của 3 công an thì sự thật của vụ án mới được sáng tỏ.

Mục đích của pháp luật là trừng trị tội phạm và răn đe ngăn ngừa hành vi phạm tội. Các vụ án liên quan tới bí mật quốc gia cần phải xử kín để bảo đảm bí mật quốc ga, còn các vụ án hình sự nên xử công khai để người dân tự do tham dự. Như vậy người dân biết được hành vi nào bị cấm, hành vi nào không bị cấm vừa hạn chế được tội phạm, vừa cải thiện được an ninh xã hội, vừa đỡ tốn tiền thuế của nhân dân vào các vụ án như thế này. Nếu sợ gây mất trật tự trong phòng xử án thì có thể tổ chức một phòng riêng, hoặc có một kênh riêng truyền hình trực tiếp phiên tòa để người dân theo dõi.

Sài Gòn 20:00 ngày 10/9/2020

N.M.H.

Nguồn: FB Manh Hung Nguyen

This entry was posted in Vụ án Đồng Tâm. Bookmark the permalink.