Đại hội Đảng 13: có dám thoát Trung?

Nguyễn Nam

Liệu tân Tổng Bí thư khóa 13 của Việt Nam có kế sách gì hữu hiệu cho chuyện ‘thoát Trung’ mạnh mẽ và toàn diện hơn hay không?

Tờ Nikkei Asian Review hôm 21-8, trong bài báo “US allies must brace for tougher China stance from Biden”(*) có đoạn: Dựa vào cương lĩnh của Đảng Dân chủ có thể rút ra ba điều chính quyền Biden sẽ làm với Trung Quốc:

(1) Không cho phép Trung Quốc tiếp tục các hành vi thương mại không công bằng, tấn công tin tặc và mở rộng ảnh hưởng trên biển bằng quân sự;

(2) Phản đối mạnh mẽ hơn các hành vi của Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền, bao gồm vấn đề người Duy Ngô Nhĩ;

(3) Tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trước những thách thức toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.

Giả dụ như điều tương tự kể trên cũng đang nằm trong dự thảo của báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 13 của Việt Nam, rất có thể sẽ thế này:

(1) Chấm dứt việc lệ thuộc phần lớn khâu nguyên liệu đầu vào phải nhập từ Trung Quốc cho chuỗi sản xuất hàng hóa xuất khẩu, và tiêu thụ nội địa của Việt Nam;

(2) Cứng rắn hơn trong pháp lý đối với bất kỳ hành vi xâm lược nào của Trung Quốc đối với biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam;

(3) Thể chế chính trị của Việt Nam, không chịu bất kỳ sự phụ thuộc với các quốc gia khác, đặc biệt là không chịu bất kỳ sự can thiệp, sự chi phối nào của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Xoay quanh ít nhất từ 3 vấn đề nêu trên, cương lĩnh trong nhiệm kỳ mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, phải giải quyết hiệu quả yêu cầu “thoát Trung” vốn đã được đặt ra từ thập niên trước đó trong nền kinh tế hàng hóa Việt Nam.

Ở Việt Nam có Hiến định là Đảng Cộng sản chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo toàn diện của mình trong quản trị quốc gia. Như vậy, rất cần thiết có những phiên điều trần của các ứng viên trong Bộ Chính trị về việc nếu khi họ được tín nhiệm, thì họ sẽ có những giải pháp gì để thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất các yêu cầu mà cương lĩnh đảng nhiệm kỳ mới đặt ra.

Việc điều trần này không diễn ra ở nội bộ đảng viên tham dự Đại hội 13, mà có thể là một “điều trần trực tuyến” để người dân trực tiếp theo dõi, trực tiếp có ý kiến, thậm chí người dân có thể biểu quyết qua hình thức bầu chọn trực tuyến. Điều đó còn chứng minh được khả năng ‘hùng biện’ của ứng viên Tổng Bí thư, người sẽ đứng đầu quốc gia trong suốt nhiệm kỳ mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chắc sẽ có ý kiến phản biện, rằng việc so sánh trong bầu cử người đứng đầu quốc gia tại Mỹ là khác hẳn Việt Nam về mức độ lựa chọn dân chủ, hơn nữa thể chế chính trị ở Việt Nam là độc đảng toàn trị.

Việt Nam độc đảng, nhưng những người đứng đầu Đảng luôn khẳng định là họ không hề độc tài, và đảng viên của Đảng luôn hiểu rõ lời huấn thị của người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không còn lợi ích nào khác. Đảng là đầy tớ của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật”.

Như vậy, với tư cách nhân dân, lẽ tất yếu là bất kỳ người dân cụ thể nào đó cũng được quyền phải biết những ứng viên Tổng Bí thư ở nhiệm kỳ mới của Đảng là ai; những ứng viên Tổng Bí thư này đưa ra được những đường lối cụ thể ra sao để có thể thực hiện tốt nhất cương lĩnh ở nhiệm kỳ mới của Đảng; và người dân được thể hiện quyền của mình đến đâu khi “Đảng là đầy tớ của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật”?

Trên mạng xã hội đang đưa ra dự báo các ứng viên cho vị trí Tổng Bí thư Đảng, như Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính…, và có thể luôn cả ông Nguyễn Phú Trọng ‘tái cử’. Ai sẽ quản trị đất nước tốt nhất khi được trao quyền lực tối cao quốc gia?

Để có sự lựa chọn, cần thiết có những phiên điều trần trước bàn dân thiên hạ, tương tự như cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, như đương kim Tổng thống Donald Trump ở hiện tại.

Có thể thấy mặc dù ở Mỹ là đa đảng, song chủ nghĩa tư bản vẫn là lựa chọn chung của các đảng phái.

Tương tự, Việt Nam chỉ có một đảng và chủ nghĩa xã hội là lựa chọn. Cho dù một đảng, song về nguyên tắc, không hề giới hạn cho quyền được lựa chọn ai sẽ là người đứng đầu để giúp đất nước phát triển tốt đẹp, phát triển đúng như những gì mà lý thuyết của chủ nghĩa xã hội hướng đến.

Bởi rất có thể với ông Nguyễn Phú Trọng thì “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”(**); nhưng đâu hẳn với các chính khách khác họ cũng bi quan như vậy.

Và có lẽ trong chuyện hoạch định Đại hội Đảng lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng cần tiên liệu việc dịch Covid còn kéo dài.

N.N.

_________

Chú thích:

(*) https://asia.nikkei.com/Spotlight/Comment/US-allies-must-brace-for-tougher-China-stance-from-Biden

(**) https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bieu-tai-to-ve-du-thao-sua-doi-hien-phap-1992-469414.html

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Đại hội 13, Thoát Trung. Bookmark the permalink.