Người nghèo Việt Nam ‘bội thu’ tiền an sinh từ Chính phủ

Lynn Huỳnh

Bộ Lao động, thương binh và xã hội vừa có đề xuất sẽ hỗ trợ an sinh bước đầu cho người nghèo, với kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn, sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). Đối tượng thụ hưởng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12-2020.

Về gói hỗ trợ thứ nhất (gói 62.000 tỷ đồng), tại công văn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, tính đến hết tháng 7-2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17.500 tỷ đồng.(1)

Nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo đang sinh sống và có hộ khẩu ngay tại địa phương. Tuy nhiên con số có gần 350 tỷ đồng đến được tay 355.000 người lao động nghèo như một bài báo trên tờ Tuổi Trẻ số phát hành hôm 21-8-2020, cho thấy đúng là một tiếng thở dài cho chính sách cho hơn bốn tháng kể từ khi gói hỗ trợ mang đầy tính nhân văn, nhân đạo này được triển khai.

Tin không, tính đến trung tuần tháng 8-2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ cho biết địa phương mới hoàn tất chi hỗ trợ cho hơn 85.000 trường hợp là người có công với cách mạng, người được bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo với tổng kinh phí hơn 94,5 tỷ đồng.

Báo cáo của Cần Thơ nhận xét rằng các đối tượng còn lại tiến độ chi trả rất chậm, đến nay vẫn còn vướng thủ tục, hồ sơ giấy tờ… Riêng nhóm lao động tự do, có 29.959 người với dự kiến kinh phí gần 30 tỷ đồng, các quận huyện có trình danh sách lên chính quyền thành phố phê duyệt, nhưng do sai sót về thủ tục giấy tờ nên yêu cầu bổ sung, chưa chi hỗ trợ.

Tuy nhiên con số thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến gói an sinh 62 ngàn tỷ lại chênh lệch rất đáng kể so với công bố của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Hôm 15-8-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp thảo luận các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay.

Tại buổi thảo luận, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải. Chẳng hạn gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng mới triển khai được hơn 11 ngàn tỷ đồng, là đạt tỷ lệ quá thấp; có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ. Các chuyên gia cho rằng cần có tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ lần nhất để rút ra những điều chỉnh cần thiết.(2)

Thế nhưng số liệu của 2 cơ quan cấp bộ kể trên đều mâu thuẫn so nội dung bài báo hôm 15-8-2020 đăng trên tờ Nhân Dân – Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài báo có đoạn kết như sau:

“Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã có ban hành gói hỗ trợ với dự toán kinh phí lên tới 62 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng sâu về thu nhập, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và chưa được hỗ trợ tiếp cận nhiều với lưới an sinh xã hội sẵn có. Đây là một chính sách mạnh dạn, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và được ban hành ngay từ những ngày đầu tháng 4 năm 2020, nhằm hỗ trợ cho người lao động trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6.

Tính đến nay, theo báo cáo của các cơ quan chịu trách nhiệm triển khai, gói hỗ trợ đã cơ bản hoàn thành chi trả cho các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương như người nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Nhìn chung, gói chính sách đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng và bảo đảm đúng đối tượng, đúng phương pháp và đúng thời điểm.

Trong thời gian tới, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các ảnh hưởng tới kinh tế – xã hội và thị trường lao động còn cần được theo dõi sát sao. Các nước, bao gồm cả Việt Nam, có thể cần có thêm những chính sách hỗ trợ mới nếu tình hình dịch trở nên nghiêm trọng hơn”.(3)

Mang so sánh những thông tin được tô đậm ở những viện dẫn nói trên, cho thấy tin tức của Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam là cần được tin cậy, vì báo Nhân Dân được coi là “Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam”.

Và như vậy, không quá lời khi vừa có gói hỗ trợ an sinh đợt 1, giờ người nghèo sắp được nhận gói hỗ trợ an sinh lần 2. Một năm có 12 tháng, hai gói hỗ trợ an sinh cho người nghèo bị ảnh hưởng dịch Covid, đã có tổng thời gian ‘nhận tiền hỗ trợ’ đến những 6 tháng. Đây là một nỗ lực chia sẻ rất đáng hoan nghênh dành cho Đảng và Nhà nước Việt Nam.

L.H.

_________

Chú thích:

(1) https://tuoitre.vn/de-xuat-goi-ho-tro-lan-2-18-600-ti-cho-nguoi-lao-dong-doanh-nghiep-bi-anh-huong-vi-covid-19-20200821165007435.htm

(2) http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Danh-gia-lai-cac-goi-ho-tro-thiet-ke-chinh-sach-kinh-te-phu-hop-hon/404447.vgp

(3) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/lao-dong-va-phan-ung-chinh-sach-truoc-dai-dich-covid-19–612245/

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Covid-19 và người nghèo. Bookmark the permalink.