Đất Thủ Thiêm

Bút ký của Võ Đắc Danh

Hôm nay thấy cộng đồng mạng, đặc biệt là những bạn đồng nghiệp bày tỏ sự bất bình đối với hình thức kỷ luật những cán bộ liên quan đến tội ác thủ thiêm, đặc biệt là hình thức “phê bình ” ông Tất Thành Cang, lão nông xin đăng lại bút ký Đất Thủ Thiêm để góp phần làm rõ sự tương phản giữa nỗi đau hàng chục năm của bà con nơi đây và hình thức xử lý những kẻ đã làm nên tội ác. Có thể nói, đây là một bút ký dài nhất, được thực hiện kỳ công nhất trong cuộc đời cầm bút của lão nông, và không ít lần phải rơi nước mắt trên bàn phím.

Võ Đắc Danh

*

Nhố nhăng

Suốt bao nhiêu tháng, họp hành chán chê, cuối cùng Thành ủy TP.HCM (thông qua Ủy ban Kiểm tra) ra được cái kết luận nhẹ hều phê bình Tất Thành Cang.

Mà chối tỉ bỏ mẹ, trong kết luận chỉ ghi “Ông Tất Thành Cang – Thành ủy viên, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải”. Tay Cang này vi phạm nghiêm trọng cả khi nó là Phó bí thư thường trực Thành ủy, sao lại cố tình lờ đi, giấu ém đi cái chức vụ quan trọng ấy?
Nói thẳng, qua vụ này, tôi càng coi ông bí thư Nhân chả ra gì, chỉ làm trò, đánh bóng là giỏi, không có tí bản lĩnh, thực chất cách mạng nào. Tôi hỏi ông, bênh cho thằng Cang, dây dưa xử lý nó, ông có được nó trả cho thùng trái cây nào không mà nhố nhăng thế.

Lại còn mấy ông trung ương lúc nào cũng đốt lò tôn không có vùng cấm nữa, các ông để sứ quân nó tự tung tự tác coi thường kỷ cương phép nước như vậy mà im, hay im lặng là… vàng hở.

Nguyễn Thông

*


THẾ NÀY LÀ THẾ NÀO. ANH NHÂN?

Theo Ban Thường vụ Thành ủy thành phố HCM, ông Tất Thành Cang có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, nhưng do đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng nên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất kết luận hình thức… phê bình.

Ông Tất Thành Cang, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công trình Lịch sử TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở GTVT.

Các chức cựu Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh của Cang đã làm cho Cang vi phạm kỷ luật không thấy ghi ở đâu?

Hà Phi

*

Sự khốn nạn với Nước, với Dân có thể hết thời hiệu với đảng nhưng với Dân thì không

Không!

Cho nên các cụ từ xửa xưa đã dặn:

Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Tất Thành Cang cùng bè lũ của Cang gây ra bao khốn cùng cho Dân Thủ Thiêm, gây thất thoát mấy chục ngàn tỷ của Dân, đảng bảo “hết thời hiệu kỉ luật ” nên chỉ … phê bình.

Kiểu như học trò đi muộn cô giáo phê bình, nhắc nhở: lần sau em đừng đi muộn nữa nhé!

Nhưng Dân coi đó là tội ác.

Đảng phủi phủi bụi, vuốt má… có đau bằng Dân chửi không?

Lãnh đạo đảng tp HCM chả lẽ muốn chia rẽ ý đảng lòng Dân?

Lưu Trọng Văn

*

I: GIẤC NGỦ BA TRĂM NĂM

Tôi đã bỏ ra một thời gian để sưu tầm tài liệu liên quan đến lịch sử vùng đất Thủ Thiêm, nhưng hầu như không tìm thấy tư liệu nào để có thể gọi là “bề dầy lịch sử” của vùng đất nầy ngoài một vài trận chiến thời kỳ nhà Nguyễn cùng với những cuộc di dân cũng từa tựa như những cuộc di dân trên vùng đất phương Nam. Song, điều đáng ngạc nhiên mà chưa thấy nhà nghiên cứu nào lý giải rằng vì sao chỉ cách trung tâm Sài Gòn có vài ba trăm mét bởi một con sông mà Sài Gòn – ngay từ khi chiếm được Nam kỳ, người Pháp đã muốn biến Sài Gòn thành Hòn Ngọc Viễn Đông để cạnh tranh với các nước thuộc địa của Anh trong khu vực. Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, dọc theo bờ sông Sài Gòn, cùng với thương cảng Bến Nghé, Bạch Đằng, hàng loạt công trình nguy nga đã được mọc lên trên đường Catinat (Đồng Khởi), Kênh Lớn (Nguyễn Huệ), Kênh Xáng (Hàm Nghi)… rồi đến nhà thờ Đức Bà, nhà hát Lớn, chợ Bến Thành… Sài Gòn đã trở thành thủ phủ của Đông Dương. Nhưng bên kia sông, cách Sài Gòn chỉ vài ba trăm mét, Thủ Thiêm như một vùng đất bị lãng quên.

Hai mươi năm với hai nền Đệ Nhị Cộng Hòa, Sài Gòn đã trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông thì bên kia sông Sài Gòn, Thủ Thiêm vẫn như một vùng đất bị lãng quên.
Sau năm 1975, gần một phần ba thế kỷ, Sài Gòn phát triển khá rầm rộ với những khu đô thị mới mọc lên ở ngoại thành, những tòa nhà cao tầng mọc lên ở ven sông Sài Gòn, nhưng phía bên kia sông, Thủ Thiêm vẫn như một vùng đất bị lãng quên.

Có thể nói, trong lịch sử ba trăm năm hình thành và phát triển Sài Gòn, Thủ Thiêm như bị chìm trong giấc ngủ ba trăm năm. Rồi bỗng một ngày, Thủ Thiêm thức dậy, vội vã khoác lên mình chiếc áo đô thị mới còn dở dang trong tiếng khóc than, rên rỉ xé lòng của người dân mất nhà mất đất… Và, chiếc áo ấy sẽ còn dở dang, nham nhở cho đến bao giờ?

Tôi nhớ cách đây gần hai mươi năm, một cô bạn đồng nghiệp kể chuyện vừa đi chơi Thủ Thiêm mới về, tôi ngồi nghe mà cứ hình dung như cô đang kể về một vùng đất xa xôi nào đó ở miền tây nam bộ, rằng cô thuê một chiếc xuồng chèo đi len lỏi trong những con rạch hoang vu, mênh mông dừa nước, mắm, bần, cóc kèn, ô rô, cỏ lác, có cả những đám lúa ma, cô gặp nhưng người dân đi săn chuột đồng, cắm câu, giăng lưới, đặt lờ đặt lọp, làm ruộng, nấu rượu, nuôi heo… Rồi cô kết luận: Cách trung tâm Sài Gòn chỉ một dòng sông mà Thủ Thiêm giống như một miền cổ tích.

Nhà văn Sơn Nam được xem là Nhà Nam Bộ Học, nhưng trong cuốn sách Bến Nghé Xưa dầy 240 trang, ông chỉ dành cho Thủ Thiêm mấy dòng ngắn gọn: “Bên kia sông, chợ Thủ Thiêm ở làng An Lợi (thành lập chánh thức vào năm 1751), sau tách ra thêm làng An Lợi Đông, phía lưng giáp với Giồng Ông Tố chuyên ruộng nương và vườn tược, muốn qua Sài Gòn phải nhờ “con đò Thủ Thiêm”.

Có lẽ vì sự ngủ yên của Thủ Thiêm không có gì cần thiết để ông nghiên cứu chăng? Nhưng tôi chú ý cụm từ “con đò Thủ Thiêm” mà nhà văn Sơn Nam dùng co chữ nghiêng và đặt trong ngoặc kép.

Ầu ơ… Bao giờ Chợ Quán hết vôi

Thủ Thiêm hết giặc em thôi đưa đò

Bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

Nói là nói vậy, nhưng “con đò Thủ Thiêm” vẫn tồn tại đến hơn ba mươi năm kể từ ngày “Thủ Thiêm hết giặc”.

ình ảnh có thể có: 3 người, ngoài trời và nước

Cụm từ “con đò Thủ Thiêm” như là một thuật ngữ, một hình ảnh, một dấu ấn văn hóa mang tính đặc trưng của một vùng đất. Chưa có tài liệu nào cho biết “con đò Thủ Thiêm” ra đời vào thời điểm nào, cũng có thể là vài trăm năm, trước khi có chợ Thủ Thiêm (1751), nghĩa là khi những cư dân đầu tiên trên vùng đất nầy có nhu cầu đi lại giữa hai bờ sông. Ngay cả cái bến đò Thủ Thiêm, người ta chỉ xác định được thời gian qua một dấu chấm trên tấm bảng đồ Environs de Saigon do chính quyền Nam kỳ vẽ vào năm 1911 để căn cứ vào đó như cái mốc lịch sử của bến đò.

Một tài liệu nghiên cứu tổng hợp về Thủ Thiêm cho biết, trước năm 1975, bến đò Cây Bàng có 127 chiếc đò, bến đò An Lợi Đông có hơn 60 chiếc, bao gồm đò dọc, đò ngang, đò chèo, đò máy. Chúng ta chưa có số liệu để so sánh rằng có bến sông nào trên đất nước nầy mà số lượng đò nhiều như Thủ Thiêm chăng?

Lịch sử thăng trầm của một bến đò qua bao thế kỷ, bao nhiêu thế hệ đưa đò, bao nhiêu thế hệ khách sang sông, bao nhiêu đời người mỗi ngày qua lại, bao nhiêu xác con đò đã qua đời, vùi lấp dưới đáy sông…!

*
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín với bút ký Đi Chơi Thủ Thiêm đăng trên báo Người Lao Động Cuối Tuần phát hành ngày 16 tháng 11 năm 2001, kể rằng, anh đến Thủ Thiêm lần nầy là lần thứ hai, lần thứ nhất vào đầu thập niên 80, lúc bấy giờ “con đường Lương Định Của còn là con đường độc đạo chạy một mạch lên ngã ba Cát Lái, không con đường nào cắt ngang, với đất đỏ và ngổn ngang ổ gà, xe đạp phải men theo lề đường. Hai bên đường trống trơn toàn đất bãi với bần, đế, cỏ lác…”.

Đất Thủ Thiêm vào những năm nầy người ta sang nhượng cho nhau với đơn vị tính là công và mẫu, nhưng đến những năm cuối thế kỷ 20 bước qua đầu thế kỷ 21, khi dư luận râm ran về đại lộ Đông – Tây và đường hầm Thủ Thiêm thì đơn vị tính của đất chuyển từ công, từ mẫu sang mét vuông, và theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín thì lúc bấy giờ, tức thời điểm năm 2001, đất trên đường Lương Định Của đã lên đến ba triệu đồng một mét vuông.

Cách nay chưa lâu, khi câu chuyện về Đất Thủ Thiêm bùng nổ trên báo chí và mạng xã hội, đầy rẫy những hình ảnh với âm thanh gào khóc của những người dân mất đất, tôi đem câu chuyện về giấc ngủ ba trăm năm của Thủ Thiêm ra trao đổi với một người bạn, anh nầy vốn là cử nhân Phật học, một nhà phong thủy có uy tín, sau khi tốt nghiệp ở học viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, anh không đi tu mà ra làm kinh doanh ngành in và nghiên cứu về phong thủy, anh ngồi trầm ngâm nghe tôi kể về giấc ngủ của Thủ Thiêm bên cạnh ba trăm năm hình thành và phát triển của Sài Gòn, anh kết luận một câu ngắn gọn: Vậy là đất Thủ Thiêm chắc chắn có vấn đề về phong thủy.

Thật tình, tôi không rành và cũng không quan tâm tới vấn đề phong thủy, chỉ luôn đặt câu hỏi trong đầu vì sao cách Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông chỉ một con sông 300 mét mà Thủ Thiêm vẫn chìm trong giấc ngủ ba trăm năm? Câu hỏi ấy đã thúc bách tôi lao vào tra cứu, tìm kiếm những tài liệu liên quan đến Thủ Thiêm, nhưng cuối cùng, đến giờ nầy vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Trong những ngày lang thang qua Thủ Thiêm, tiếp cận với những người dân kêu cứu vì mất đất, đầu óc tôi càng căn thẳng, cứ lảm nhảm như một thằng điên, gặp ai, ngồi với ai cũng kể chuyện Thủ Thiêm như nỗi oan ức của chính mình. Một hôm, thằng em tôi nói: Hồi xưa, ông Nguyễn Tấn Đời có một dự án về Thủ Thiêm nhưng không thành. Tôi hỏi tài liệu đó ở đâu? Nó nói tôi quên rồi. Gần suốt một đêm, theo đường dẫn của Google, tôi đọc gần hết những câu chuyện về Nguyễn Tấn Đời nhưng không hề tìm thấy cái dự án của ông về Thủ Thiêm, buộc lòng sáng hôm sau tôi phải nhờ “500 anh em trên facebook”. Và như một cơ duyên, chị Mai Lan, cựu phóng viên báo SGGP nhắn tin bảo tôi qua nhà chị lấy cuốn Hồi Ký Nguyễn Tấn Đời.

Có lẽ trong chúng ta, không ít người biết về cuộc đời và sự nghiệp của tỷ phú Nguyễn Tấn Đời. Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ ở Long Xuyên, nhưng khi được giao cho cai quản điền địa, ông đã đứng về phía tá điền để chống lại cha mình và bỏ nhà đi theo Việt Minh. Rồi vì một chuyện bất đồng với người chỉ huy, ông bỏ ngũ. Năm 1945, toàn bộ ruộng đất và tài sản của gia đình ông bị Cách mạng tịch thu, bản thân ông bị kết án tử hình vì tội đào ngũ. Ông bỏ trốn lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Từ cuộc mưu sinh bằng công việc làm môi giới vật liệu xây dựng, ông trở thành chủ hãng gạch bông Đời Tân, vua cao ốc và trùm Ngân hàng Tín nghĩa. Nhưng rồi không hiểu vì sao, ông bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tổ chức ám sát hụt chết hai lần rồi bị bắt giam, tịch thu gia sản cùng với cả hệ thống Tín nghĩa Ngân hàng. Năm 1975, ông vượt biên sang Canada với hai bàn tay trắng. Ở đây, ông bắt đầu gầy dựng lại cơ nghiệp và lại thành công với chuỗi nhà hàng Kobe từ Canada sang Bắc Mỹ. Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 1995 tại Orlando, bang Florida, Hoa Kỳ, thọ 73 tuổi. Cuốn hồi ký ông xuất bản cũng tại Florida vào năm 1988, dầy 310 trang, trong đó ông dành hơn 5 trang để kể tóm tắt về dự án Mỗi Người Dân Một Mái Nhà như sau:

“Sau khi thành công trên đường sự nghiệp, một ngày đẹp trời nọ, tôi đứng trên cao ốc, tầng 12 của Président Hotel 727 đường Trần Hưng Đạo Saigon. Nhìn quanh tứ phía, tôi thấy nhà cửa dân nghèo ở Thủ đô được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông hay Saigon Hoa Lệ, người dân đang sống trong các chòi ọp ẹp, sình lầy, tối tăm, bẩn thỉu… Tôi chạnh lòng nhớ đến những tá điền quen thuộc xưa kia, họ mộc mạc, hiền lương, đầy tình người và thật thà, giản dị… Cũng tự nghĩ, dù tôi có làm giàu đến đâu đi nữa, chỉ được tiếng giàu có như “Thạch Sùng”, cũng chỉ ngày ba bữa ăn mà thôi, rồi khi chết, chỉ còn hai bàn tay trắng với một nấm mồ ở lòng đất lạnh.
Nay tôi đã giàu có rồi, dư ăn dư để, thử hỏi tại sao tôi phải tiếp tục làm giàu thêm để sống một nếp sống ích kỷ, không nghĩ đến kẻ bất hạnh nghèo khó, chân lấm tay bùn, họ chỉ vì an ninh mà bỏ nơi chôn nhau cắt rún, bỏ ruộng vườn, nhà cửa cũng vì chiến tranh, họ tìm nơi lánh nạn, nên đã chịu chui rúc như ổ chuột. Vậy tôi phải làm gì, trước để giúp người dân, sau để lòng mình được an vui thanh thản, còn để lại tiếng tốt cho mai sau, hơn là cứ dấn thân vào tiền tiền, bạc bạc mãi. Đắn đo suy nghĩ mãi, rồi cũng tìm ra được một chương trình “Mỗi Người Dân Một Mái Nhà” mà không tốn tiền công quỹ quốc gia”.

Theo Nguyễn Tấn Đời, chương trình “Mỗi Người Dân Một Mái Nhà” của ông được phác thảo với nhiều dự án trải dài từ các quận ngoại thành đến vùng ven đô thị của các tỉnh miền Nam. Giải pháp ông đưa ra là mua đất của dân theo giá cả hiện hành, quy hoạch thành các trung tâm thương mại và khu đô thị sang trọng, bao gồm những khu nhà song lập, biệt lập và nhà liên kế để kinh doanh, tạo ra nguồn quỹ để xây những khu nhà bình dân cấp không cho người nghèo.

Nguyễn Tấn Đời chọn Thủ Thiêm để thiết lập dự án đầu tiên cho chương trình Mỗi Người Dân Một Mái Nhà. Theo dự án nầy, ông sẽ mua 500 mẫu đất từ bến đò Thủ Thiêm lên Cát Lái. Ngay chỗ bến đò Thủ Thiêm, ông sẽ cho xáng múc con kinh chiều ngang 30 mét, sâu 25 mét, dài 500 mét ăn sâu vô đất liền. Ở đoạn cuối con kinh, ông cho làm cái hồ nhân tạo, ngang 500 mét, dài 1.000 mét, sâu 15 mét, dùng xáng thổi đất lên bốn phía bờ hồ để san lấp mặt bằng. Xung quanh bờ hồ và dọc theo hai bờ kinh, ông xây dựng thành khu thương mại, đồng thời, xây dựng những khu nhà biệt lập, song lập để kinh doanh, tạo nguồn quỹ để xây dựng những khu nhà bình dân lân cận, cấp không cho người nghèo. Trong khu nhà bình dân sẽ có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, đường xá, điện nước, cây xanh, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho đời sống. Theo ông, Thủ Thiêm sẽ là một Saigon mới, một Hongkong thứ hai, có bến phà lớn, có xe bus qua lại liên tục cho người dân đi về với Saigon, Chợ Lớn để mưu sinh, có bến tàu thương mại để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh và ngược lại. Khu thương mại chung quanh bờ hồ và hai bên bờ kinh được ăn thông với sông Saigon để ghe thương hồ mang hàng hóa trực tiếp đến người tiêu thụ, giảm bớt trung gian. Hồ nhân tạo ngoài vai trò cảnh quan và giao thương còn là nơi sinh hoạt lễ hội với các hoạt động văn hóa tượng trưng cho miền sông nước. Trên các đường phố, mỗi lề đường sẽ được trồng một loài cây riêng biệt và giao cho từng gia đình chăm sóc, hàng năm tổ chức cuộc thi cây đẹp trong từng khu phố và cây đẹp trong toàn vùng để trao giải thưởng để khuyến khích người dân tham gia làm nên vẻ đẹp của thành phố.

Soạn thảo chương trình xong, Nguyễn Tấn Đời trình với phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, được ông Thơ góp ý, chỉnh sửa rồi trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Diệm cho mời ông Đời vào dinh, tỏ ý hoan nghinh. Chỉ một tháng sau, chương trình Mỗi Người Dân Một Mái Nhà của Nguyễn Tấn Đời đã được ông Diệm phê duyệt trên nguyên tắc. Theo đó, ông Diệm quyết định xuất 500 triệu từ quỹ xổ số kiến thiết cho Nguyễn Tất Đời vay không lãi trong mười năm, với điều kiện ông Đời phải đem toàn bộ tài sản ra thế chấp cho Chính phủ; giao cho Nguyễn Tấn Đời được toàn quyền điều hành dự án dưới sự giám sát về kỹ thuật của Bộ Công Chánh và giám sát nguồn thu và nguồn chi của Bộ Tài Chánh. Nhưng tiếc thay, dự án Thủ Thiêm chưa kịp triển khai thì Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh.

Từ năm 1965 đến năm 1972, chính phủ đệ nhị Cộng hòa cũng đã hai lần thuê các chuyên gia nước ngoài lập đồ án quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm nhưng không thành. Nhiều người cho rằng do hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng theo bạn tôi thì đất Thủ Thiêm có vấn đề về phong thủy.

II: CÚ LỪA NGOẠN MỤC

Tháng Năm năm 2018, trong những ngày Thủ Thiêm trào nước mắt với tiếng kêu khóc thảm thiết của những người dân bị cướp nhà cướp đất dậy sóng trên mạng xã hội, bất chợt người ta thấy trên Facebook của chị Mai Xuân Phượng có một stt ngắn với những lời “Xin lỗi nhân dân, tôi ngàn lần xin lỗi nhân dân… với trách nhiệm là chủ tịch phường An Khánh, tôi đã thuyết phục bà con chấp hành giao đất, hy sinh lợi ích riêng tư rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó từ thời thơ ấu đến tuổi xế chiều để nhường chỗ cho việc hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tôi ngàn lần xin lỗi bà con vì tôi đã tin tưởng tuyệt đối cấp trên sẽ đưa dân mình vào tái định cư tại chỗ theo quy hoạch, để cuối cùng tôi cũng cùng chung số phận với bà con, ra đi rồi không có chỗ để quay về. Xin bà con hãy tha thứ cho tôi – Mai Xuân Phượng, nguyên phó bí thư, chủ tịch phường An Khánh”. Và rồi chỉ trong phút chốc, những lời xin lỗi ấy bỗng biến mất đi.

Cảm giác có cái gì đó bí ẩn ở người phụ nữ nầy, chúng tôi tìm đến chị ở phường Thạnh Mỹ Lợi, cách Thủ Thiêm hơn mười cây số.

Chị Phượng kể, gia đình chị ba đời sống ở Thủ Thiêm, tính ra đã hơn một trăm năm, từ khi nơi đây còn là vùng đất hoang vu. Cha chị, ông Mai Văn Năm đã từng làm phó chủ tịch xã An Khánh, mẹ chị, bà Nguyễn Thị Bông, từng là “Việt cộng nằm vùng”, từng vào tù ra khám và đã qua đời. Chị Phượng đi Thanh niên xung phong từ năm 1976, tham gia tải đạn ở chiến trường biên giới Tây Nam. Sau một trận sốt rét rừng bán sống bán chết, chị được giải ngũ, đi học văn hóa, chính trị rồi về An Khánh làm chủ tịch phường từ năm 1997 đến giữa năm 2004. Cũng trong những năm ấy, Thủ Thiêm được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành khu đô thị mới. Nhìn vào bản đồ quy hoạch, người ta hình dung một Thủ Thiêm nguy nga, tráng lệ như Phố Đông của Thượng Hải, như Manhattan của New York, một trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa mang tầm quốc tế, một khu đô thị sinh thái đậm chất Nam Bộ với những dòng sông, ao hồ, kinh rạch ngoằn ngoèo, những làng biệt thự, những tòa nhà chọc trời từ 32 đến 40 tầng soi bóng nước. Nhưng theo chị Phượng, niềm vui lớn nhất của chị là 14 ngàn 600 hộ dân với 60 ngàn cư dân trong vùng dự án sẽ được táo định cư tại chỗ trên diện tích 160 héc ta theo quy hoạch. Nghĩa là họ sẽ thoát khỏi cảnh bùn lầy, ao tù nước đọng, nhà cửa nhếch nhác, âm u, muỗi mòng, rắn rết để tận hưởng đời sống của một khu đô thị Thủ Thiêm mang tầm quốc tế. Từng ngày, từng ngày đi tuyên truyền, vận động bà con trong phường giao đất, chị đã nói như thế. Và, bà con đã hăm hở giao đất cho nhà nước để ra đi về nơi tạm cư với một niềm tin như thế, một niềm tin đổi đời cho ngày trở lại với một Thủ Thiêm như một thiên đường.

Năm ấy, ông Mai Văn Năm, ba chị Phượng đã tám mươi hai tuổi. Chị Phượng còn nhớ như in, ngày dọn nhà ra đi, ba chị quảy cái túi trên vai, tay cầm cái bình thủy đứng trước sân, nhìn lại ngôi nhà, nhìn lại khu vườn mà rưng rưng nước mắt, ông nói hơn tám mươi năm ba đã gắn bó với nơi nầy, biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của một đời người… nhưng mà thôi… mình ra đi là để trở về với một Thủ Thiêm đàng hoàng hơn, văn minh hơn… Nghĩ thế mà ông Năm vừa cười vừa lau nước mắt.

Nhưng sau đó không lâu, ông Năm lâm bệnh và qua đời ở nơi tạm cư. Chị Phượng nói… cũng may phước cho ba tôi là ông mang xuống mồ một viễn cảnh huy hoàng của Thủ Thiêm trong tương lai con cháu, cũng may phước là ông không phải chứng kiến cái cảnh ta thán nhân tình của Thủ Thiêm suốt gần hai chục năm qua, khi mà sau đó hơn mười bốn ngàn hộ dân với hơn sáu vạn con người bị sa vào một cú lừa ngoạn mục, nghĩa là 160 héc ta đất tái định cư của dân bị cướp trên tay để biến thành đất kinh doanh của những đại gia bất động sản. Họ ra đi rồi không có đường quay lại như lời hứa ban đầu. Mỗi gia đình nhận một ít tiền hỗ trợ để mua đất tái định cư tận trên Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc, cách xa nơi chôn nhau cắt rún của họ hơn mười cây số.

Dân Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Nam Rạch Chiếc lại bị người ta nhân danh “thu hồi đất để tái định cư cho dự án Thủ Thiêm”, phải chịu lây mất đất. Nhưng lòng tham không dừng lại, dự án tái định cư cho Thủ Thiêm ở Nam Cát Lái, người dân ở đây bị thu hồi 90 héc ta, nhưng người ta lại bán cho tập đoàn Novalan 30 héc ta để xây làng biệt thự và tập đoàn Đất Xanh 30 héc ta để xây khu resort.

Chị Phượng vừa hỗ thẹn với bà con, vừa xót đau cho thân phận của mình bởi chính chị cũng nằm trong hàng vạn con người bị một cú lừa ngoạn mục.

III: TA THÁN NHÂN TÌNH

Các-Mác từng nói: Khi lợi nhuận tăng lên 100 phần trăm thì cha nó nó cũng giết. Điều đó cũng có thể hiểu rằng, vì sao người ta bất chấp tình đồng loại, bất chấp đạo lý, bất chấp nghĩa nhân và luật pháp để đuổi hàng vạn người dân cố cựu ra khỏi Thủ Thiêm – vốn là nơi chôn nhau cắt rún của họ để nuốt trọn 160 héc ta đất tái định cư của dân mà Chính phủ đã phê duyệt. Không có gì khó hiểu khi bùn đen đã trở thành vàng, không có gì khó hiểu khi đất từ hai trăm ngàn đồng lên vài trăm triệu đồng trên mỗi mét vuông.

Trong những trang tiểu thuyết, những tuồng tích kiếm hiệp, thỉnh thoảng ta thấy xuất hiện những tay giang hồ hảo hớn chuyên cướp của người giàu để chia cho người nghèo. Ngay cả cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền Việt Minh cũng tịch thu đất đai của điền chủ để phân phát cho tá điền. Vậy thì tại sao ngày nay, người ta nhân danh chính quyền của dân, do dân, vì dân lại đi cướp đất của người dân khốn khổ để giao cho những đại gia bất động sản tiếp tục làm giàu? Điều nầy chỉ có những quan chức trong cuộc mới có thể tự lý giải với lương tâm (nếu có lương tâm) hoặc trả lời trước vành móng ngựa (nếu có thể lôi họ ra được vành móng ngựa).

Sau khi nuốt trọn 160 héc ta đất tái định cư của dân, người ta lại tiếp tục cướp luôn phần đất đai và cả sự sống của những hộ dân nằm ngoài khu quy hoạch. Nghĩa là họ không thể để cho người dân lân cận được “ăn theo” môi trường sang trọng của khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Chúng tôi gặp cụ Lê Huy Tiêu, 83 tuổi chống gậy đi từng bước chậm với sự dìu dắt của người vợ là cụ bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi. Hầu như mỗi ngày hai ông bà đều tới quán cà phê số 16 Vũ Tông Phan của anh Bùi Quốc Toản để trò chuyện cùng với hàng chục dân oan Thủ Thiêm, những người cùng nỗi niềm mất đất. Anh Toản sau khi bị cướp đất cướp nhà, anh về đây thuê một căn phố để mở quán cà phê kiếm sống. Khách của anh hầu hết là những dân oan. Vốn là người học cao hiểu rộng, am tường về pháp luật, nên anh Toản tư vấn hồ sơ khiếu kiện giúp cho từng hộ gia đình. Mỗi người khách đến đây đều quảy trên lưng một ba lô chứa đựng hồ sơ. Có lẽ, đó là phần tài sản duy nhất, sự sống duy nhất của họ sau khi nhà cửa đất đai bị cướp. Riêng cô Trần Thị Mỹ thì bộ hồ sơ của cô đóng thành một tập dầy cộm, có cả những bức ảnh màu chụp nhiều hình ảnh của khu vườn và ngôi nhà bị cướp.

Cô Mỹ và chú Tiêu thuộc thế hệ đầu của trường đại học Bách khoa Hà Nội. Chú Tiêu từng du học ở Đức, ở Liên Xô, và từng làm chuyên gia cho Bỉ, cho Hà Lan rồi về nước làm việc ở Viện nghiên cứu khoa học của Bộ Thủy Lợi, cô Mỹ làm chuyên viên của Tổng Công ty Xây dựng số 4.

Cô Mỹ kể rằng, hồi xưa quê cô ở làng Vũ Đại, cha cô, ông Trần Đức Thùy, gia đình nghèo không ruộng đất phải đi cạo mủ cao su. Năm 18 tuổi, ông tha hương cầu thực vào Nam, rồi sang Campuchia làm công nhân cho một đồn điền cao su của Pháp. Cô Mỹ được sinh ra trên đất khách. Năm 1945, cha cô hồi hương, tham gia Việt Minh ở Sài Gòn. Năm 1958, cô Mỹ được đi tập kết ra Bắc. Năm 1978, cả hai vợ chồng cùng chuyển vào Nam. Đầu thập niên 1990, họ lần lượt về hưu và sống cùng con cháu trong căn hộ chung cư ở quận 5. Năm 2001, họ qua Thủ Thiêm mua 2120 mét vuông đất ruộng trên đường Lương Định Của rồi san lấp thành một khu vườn, trồng xoài, trồng mít, trồng mận, trồng nhãn, trồng hoa kiểng và nuôi mấy đàn ong. Năm 2005, khi vườn cây bắt đầu cho trái, cô chú vừa mới tìm được niềm vui sau những năm khai hoang nhọc nhằn vất vả, cứ tưởng bắt đầu từ đây sẽ được tận hưởng thành quả lao động trong niềm vui của tuổi xế chiều. Cứ nghĩ, biết rằng tuổi mình không còn vui thú điền viên được bao lâu nhưng ít ra cũng làm nên một gia sản để lại cho đời con đời cháu. Nhưng có ngờ đâu nhân tai ập đến, cô nhận được thông báo giải tỏa với mức đền bù theo giá đất nông nghiệp là 150.000 đồng một mét vuông, cộng với 50.000 đồng công san lấp, nghĩa là họ sẽ đền bù cho cô tổng cộng trên 400 triệu đồng, nghĩa là tổng cộng số tiền không bù nổi công san lấp (!).

Cô Mỹ bắt đầu đi kiện, cuộc khiếu kiện kéo dài đến năm 2012, họ nâng lên mức đền bù cho cô mỗi mét vuông là 920.000 đồng, cô vẫn không chấp nhận. Lúc bấy giờ, những hộ chung quanh xóm cô đều bị cướp nhà cướp đất được mệnh danh bằng cụm từ cưỡng chế giải tỏa thu hồi đất. Cô nghĩ, trước sau gì cũng tới phận mình, nhưng với lòng tự trọng của người trí thức, cô không muốn bị tổn thương khi người ta đem cobe, xe ủi, xe cứu thương, cứu hỏa cùng với hàng trăm nhân viên công lực bao vây lôi mình ra sân để chiếm đoạt nhà cửa đất đai, cô lên quận làm giấy tờ thỏa thuận rằng, cô tạm thời giao đất cho chính quyền và tạm nhận căn hộ chung cư để tiếp tục đi khiếu kiện, tất nhiên, cô không chấp nhận đồng tiền gọi là đền bù giải tỏa trên bốn tỷ đồng.

Vậy là từ ấy đến nay, mười bảy năm cô về sống Thủ Thiêm thì đã mất mười bốn năm đi kiện với hàng trăm lá đơn kêu cứu. Nhưng đất trời nào có thấu? Cô kiện thì cứ kiện, trên trang web của ban quản lý dự án người ta vẫn kêu gọi đầu tư vào khu đất của cô, và, trong các dự án giáp ranh với khu đất ấy, một mét vuông đã lên đến hơn 200 triệu đồng.

Tôi nhìn cô dìu chú Tiêu đi từng bước chậm mà không kềm được nỗi xót xa, cô chú sẽ còn tiếp tục đi kiện đến bao giờ, còn đủ sức và quỹ thời gian để đi kiện được bao lâu trong khi hai tấm thân già đã tới tuổi gần đất xa trời!

*
Ông Nguyễn Phi Thường, 71 tuổi, nhưng trông dáng người lụm khụm, khắc khổ, trầm buồn, lúc nào cũng như đang khóc. Có lẽ vì chuyện bi kịch đất đai đã quá sức chịu đựng của ông.

Ông Thường sinh năm 1948 ở Ninh Bình, năm 22 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ, vượt Trường Sơn vào Nam, tham gia những trận chiến bán sống bán chết ở Quảng Bình, Quảng Trị, Campuchia, mang trên người nhiều thương tích và chiến tích. Năm 1987, ông ra quân vì mất sức. Sau nhiều năm lang thang trong hẻm hóc ở Sài Gòn, đến năm 2001 ông cùng sáu anh em trong gia đình hợp sức, bán hết tài sản hùn lại sang Thủ Thiêm, thuộc phường Bình Khánh mua gần mười ngàn mét vuông đất ruộng chỗ cầu Cá Trê và giao cho ông Thường đứng tên cai quản. Thấy trồng lúa không khá nổi, ông xin chuyển sang đất thổ vườn, ông san lấp 400 mét vuông làm nhà ở, toàn bộ phần còn lại ông đào ao lên liếp, dưới nước nuôi cá, trên bờ trồng 400 cây xoài và tu dưỡng hơn 40 cây dừa của người chủ cũ. Những ao cá đã cho ông đủ cập nhật manh áo chén cơm, nhưng vườn xoài phải đợi chờ qua nhiều năm tháng. Nghĩ thế, ông Thường chuyển sang nghề kinh doanh cây kiểng, ông ươm trồng và mua bán các loại hoa. Cần cù và chịu khó, chỉ sau ba năm, vườn kiểng An Bình của ông Thường trở nên nổi tiếng ở Thủ Thiêm, ông trồng mai vừa bán vừa cho thuê trong dịp tết, ông nhận chăm sóc mai cho khách, ông trồng cau sâm banh cung cấp cho các biệt thự sân vườn… 400 cây xoài và gần 50 cây dừa cũng đã đơm bông kết trái.

Thế rồi đùng một cái, nhà chức trách tới báo cho ông biết rằng đất của ông nằm trong khu quy hoạch, phải thu hồi. Người ta đưa cho ông bảng chiết tính đền bù 150.000 đồng một mét vuông, hỗ trợ tái định cư 720.000 đồng một mét vuông, với điều kiện phải ra đi tự tìm chỗ tái định cư, nếu ông nhận căn hộ chung cư thì sẽ không nhận 720.000 đồng của mỗi mét vuông phần hỗ trợ. Tùy ông lựa chọn. Không cần lựa chọn, không cần nghĩ suy toan tính, ông Thường hiểu ngay rằng, với một vườn kiểng, vườn cây ăn trái, ao cá gần một héc ta đổi lấy một căn hộ chung cư thì chỉ có thằng điên mới chấp nhận. Nhưng nghịch lý thay, đây không phải là cuộc thỏa thuận mà là sự áp đặt của kẻ cầm quyền. Chấp nhận hay không là việc của ông, còn việc của chính quyền là cưỡng chế thu hồi đất bằng bạo lực.

Ngày 14 tháng 10 năm 2011, khoảng mười giờ sáng, sau khi cưỡng chế hai căn nhà bên cạnh, họ kéo tới trước nhà ông, hàng trăm nhân viên công lực được trang bị tận răng trong tư thế sẵn sáng chiến đấu, xe cuốc, xe ủi, xe cứu thương, xe cứu hỏa cùng một đoàn xe tải xếp hàng chờ lệnh. Biết mình không thể chống cự, ông Thường cùng vợ con, cháu nội cháu ngoại chị biết khóc lóc đứng nhìn. Sau khi nhà chức trách đọc xong lệnh cưỡng chế, xe ủi, xe cuốc xông vào san phẳng ngôi nhà, nhân viên công lực cầm cưa máy xông vào quật ngã vườn cây. Vườn mai hàng trăm cây của ông và của khách gởi ông chăm sóc, trị giá hàng tỷ đồng bị chúng nó khiêng từng chậu chất đầy tám chiếc xe tải, chở đi đâu ông không biết…

Câu chuyện xảy ra gần tròn bảy năm, giờ ông Thường kể lại vẫn trong trạng thái kinh hoàng, rưng rưng nước mắt. Ông cho tôi xem bức ảnh chụp vườn cau sâm banh bị chúng cưa đứt đọt, hàng trăm cây xếp hàng dọc hàng ngang, trông thê thảm như hàng trăm con người bị chém đứt đầu. Những bức ảnh chụp khu vườn xoài vườn kiểng hoa trái xum xuê cùng với những bức ảnh chụp khu vườn đổ nát, hoang tàng sau khi bị cướp. Ông Thường nói, nhà tôi hồi năm 1953 bị Tây đốt một lần, tới năm 1966, một lần nữa bị bom Mỹ đánh sập, nhưng không đến nỗi kinh hoàng, khủng khiếp như lần nầy…

Suốt bảy năm qua, ông Thường vừa cùng với bà con Thủ Thiêm đi kiện, mặt khác, ông xin vào làm bảo vệ cho một công ty để kiếm đồng lương phụ với con cái thuê nhà. Nhưng đầu năm nay, tuổi cao sức yếu, người ta không thèm thuê ông nữa.

IV: TỘI ÁC NỐI DÀI TỘI ÁC

Chị ơi! Sắp đến ngày kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Em hy vọng đảng bộ thành phố sẽ giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại tố cáo của việc cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật tại địa chỉ B26/9 khu phố 1, phường Bình An, quận 2 theo đúng pháp luật để chúng em còn ổn định lại cuộc sống. Đập nhà chúng em, thu gom toàn bộ từ xác nhà và tất cả đồ đạc chở đi đâu đến nay chúng em không biết, làm cho một gia đình đang sinh sống ổn định, hạnh phúc, bỗng chốc nhà tan cửa nát, đó là tội ác. Gần sáu năm nay chúng em sống vất vưởng, chồng em cũng vì việc nầy mà sinh đổ bệnh rồi chết. Tại sao đất nước HÒA BÌNH, ĐỘC LẬP mà chúng em không có TỰ DO, HẠNH PHÚC? Kính xin chị và đoàn đại biểu Quốc hội hãy lên tiếng cho chúng em. Xin hãy thương xót cảnh mẹ góa con côi, thương cảnh con gái em sanh không có nhà để ở…”. Đó là những dòng tin nhắn của chị Nguyễn Thị Kim Phượng gởi chị Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư thành ủy.

Trong chiếc điện thoại “cùi bắp” của chị Phượng còn lưu lại hàng loạt tin nhắn với nội dung tương tự như vậy gởi cho các vị lãnh đạo thành phố, nhưng phần lớn những tin nhắn ấy chìm trong im lặng, cũng có vài tin nhắn mà phía dưới có vài câu phản hồi ngắn gọn, vô cảm, khô khốc, lạnh lùng, đại loại như “Hãy yên tâm chờ … giải quyết”. Chị Phượng nói buồn quá, đau quá, tuyệt vọng quá không biết làm gì, chị gởi tin nhắn để cầu may.

Tháng 3 năm 1976, chị Phượng tham gia lực lượng thanh niên xung phong, đi xây dựng nông trường Phạm Văn Hai cùng với ông Trương Tấn Sang. Năm 1978, chị tình nguyện chuyển sang quân đội, làm việc tại phòng vận tải trung đoàn 657, thuộc cục hậu cần quân khu 7. Năm 1981, chị ra quân với cấp hàm thượng sĩ, chuyển qua làm việc tại công ty dược 3/2. Năm 1985, chị kết hôn với anh Trương Việt Hiếu, công nhân cơ khí cùng cơ quan. Năm 1986, vợ chồng chị được cấp và hóa giá căn nhà 87 mét vuông trên đường Lương Định Của. Họ sinh được hai đứa con, một trai một gái. Cuộc sống sẽ kéo dài hạnh phúc, và căn nhà của chị vốn nằm ngoài ranh quy hoạch, cạnh khu đô thị mới Thủ Thiêm, vợ chồng chị sẽ sở hữu khối tài sản trị giá vài chục tỷ đồng nếu ngôi nhà không bị cướp.

Một hôm, có một nhóm người của nhà nước tới cho chị hay, nhà của chị nằm trong diện phải thu hồi, đề nghị chị cho họ đo vẽ để chiết tính giá đền bù. Anh Hiếu nói đất của anh không nằm trong quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, và anh đuổi họ ra khỏi nhà. Cứ thế, mỗi lần họ tới đo vẽ đều bị đuổi. Cuối cùng họ dùng biện pháp cưỡng chế.

Ngày 4 tháng 11 năm 2010, hơn một trăm nhân viên công lực cùng với nhân viên địa chính, xe cứu thương, cứu hỏa kéo tới, họ cắt hàng rào lưới B40 rồi xông vào đo vẽ. Sau đó họ lập bảng chiết tính, áp giá đền bù cho vợ chồng chị theo hai phương án: Thứ nhất, chị sẽ nhận số tiền 236.449.000 đồng và được mua căn hộ chung cư 51 mét vuông bằng số tiền ấy, nếu muốn mua căn hộ diện tích rộng hơn thì chị phải trả tiền thêm theo giá bảo toàn vốn. Phương án thứ hai, nếu chị không mua căn hộ tái định cư thì sẽ nhận khoảng đền bù cộng với tiền hỗ trợ di dời tương đương 18.000.000 đồng trên mỗi mét vuông cả nhà lẫn đất, tức khoảng hơn 1,5 tỷ đồng rồi tự đi tìm chỗ ở.

Anh Hiếu và chị Phượng cùng hàng trăm bà con Thủ Thiêm làm đơn khiếu nại, nhưng không thành. Ngày 29 tháng 6 năm 2012, chúng đem quân tới cưỡng chế. Chị Phượng thương lượng xin hoãn lại hai tuần, họ chấp nhận không đập nhà. Chị viết thư gởi khẩn cấp cho ông Trương Tấn Sang hy vọng cầu cứu ở người sếp cũ. Ông Sang chỉ đạo cho văn phòng Chủ tịch nước làm công văn gởi ông Tất Thành Cang, yêu cầu ông Cang tiếp chị Phượng và báo cáo sự việc lên Chủ tịch nước trước ngày 20 tháng 8 năm 2012. Chị Phượng mừng rỡ mang “lá bùa” ấy lên ủy ban quận 2, nhưng ông Cang không tiếp. Ngày 31 tháng 7 năm 2012, tức là trước thời hạn 20 ngày ông Tất Thành Cang phải trả lời Chủ tịch nước, một đoàn xe cứu hỏa, cứu thương, xe tải, xe ủi, xe cuốc cùng với hàng trăm nhân viên công lực kéo đi giải tỏa, đập phá sáu căn nhà ở khu phố 1, đường Lương Định Của, phường Bình An.

Căn nhà chị Phượng bị đập vào lúc 10 giờ 30 sáng, toàn bộ vật dụng trong nhà chúng chất lên xe tải chở đi đâu không biết, chỉ nghe chúng nói chở vào khu tạm cư. Vợ chồng chị Phượng không vào khu tạm cư, chị nói trong đó chúng nhét mỗi gia đình vô căn phòng tạm bợ 21 mét vuông, không đủ chứa vật dụng thì làm sao ăn ở. Hai đứa con, một đứa về nhà cậu, một đứa về nhà ngoại, anh Hiếu vào ở trong cơ quan, chị Phượng lấy bốn khúc tre với tấm nilon dựng mái lều trên cái nền nhà đổ nát, đi kiếm việc làm thuê tạm sống qua ngày, ai kêu lau nhà thì tới lau nhà, ai kêu đón con thì đi đón con. Anh Hiếu có hôm thì ở cơ quan, có hôm thì về tá túc trong mái lều với chị.

Trong cảnh màn trời chiếu đất, anh Hiếu lại lâm trọng bệnh, khi đưa anh vào nhập viện, chị Phượng như sét đánh ngang tai, người ta cho chị hay anh Hiếu bị ung thư phổi ở giai đoạn cuối. Không còn khả năng điều trị, nhưng về đâu? Không thể đưa anh về chờ chết trong mái lều bạt trên nền nhà cũ. May thay, người chị ruột của chị ở Gò Vấp bảo chị đưa anh về đó tạm trú trong những ngày tháng cuối đời. Và cuối cùng, anh Hiếu đã ra đi trong cảnh tan nhà nát cửa. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh nói với chị Phượng rằng khi di quan, hãy cho chiếc xe tang chở anh đi qua con đường Lương Định Của để anh chào vĩnh biệt ngôi nhà, dù bây giờ nó chỉ còn là mái lều trơ trọi. Nhưng khi di quan, nhân viên của nhà chức trách bước lên chiếc xe tang, ngồi cạnh tài xế với lý do là để can thiệp khi tình huống kẹt xe. Thế là, chiếc xe tang đi thẳng về nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Tiếp xúc với chị Phượng, tôi cảm nhận được nỗi đau đã làm cho chị biến đổi tính tình. Từ một mái lều bạt, chị nhặt tol cũ chung quanh về dựng lại căn chòi trên nền nhà cũ, nền rải đá mi, một chiếc ghế bố, một bàn thờ nhỏ cho anh Hiếu, một chồng hồ sơ khiếu kiện. Đó là tất cả những gì còn lại sau trận cướp phá kinh hoàng.

Đã khổ đến thế, nhưng chị Phượng còn quan tâm, chở che cho những thân phận khổ hơn mình. Chị đưa chúng tôi đến thăm chị Vinh, một trong vài căn nhà còn sót lại giữa cái bãi đất hoang tàn, ngổn ngang xà bần của hàng trăm ngôi nhà bị đập phá trên đường Lương Định Của.

Chị Phạm Thị Vinh năm đời cha ông sống ở Thủ Thiêm, chị bị khuyết tật bẩm sinh, phải di chuyển bằng xe lăn và nạng gỗ. Năm 1968, lên 11 tuổi, chị được tổ chức Terre des hommes đưa sang Tây Đức nuôi dưỡng và cho học hành, đến năm 1974, chị quên mất tiếng Việt nên không liên lạc được với gia đình, chị xin phép về Việt Nam ôn lại Việt ngữ một thời gian ba năm, đến năm 1975, chị kẹt ở lại. Cha mẹ qua đời, chị lên Đồng Nai học Đông y rồi về Thủ Thiêm dựng căn nhà gỗ 15 mét vuông cạnh ủy ban phường Bình An, mở quán nước và phòng mạch Đông y từ thiện, khám chữa bệnh bằng thuốc Nam, ai cho bao nhiêu thì bỏ vào thùng phước thiện. Chị nói ở đây hồi ấy còn hoang vu, gần phòng mạch của chị có cái bô rác của chính quyền cũ để lại, chị lên quận xin dọn dẹp để cất nhà ở, ông chủ tịch quận nói mầy cất nhà chỗ đó tao còn mừng, để cái bô rác vừa mất mỹ quan, vừa ô nhiễm môi trường, lại là nơi chích choác của bọn xì ke ma túy. Chị Vinh thuê xe rác tới dọn dẹp rồi thuê người tới đập phá, san lấp mặt bằng, dựng lên căn chòi che mưa che nắng. Phòng mạch của chị bắt đầu thu phí, có được ít tiền, chị thuê thợ xây nhà, mua vật liệu trả góp, vay mượn bạn bè, cuối cùng chị đã dựng lên được ngôi nhà cấp bốn.
Thế nhưng, khi cuộc càn quét Thủ Thiêm xảy ra, chị Vinh không được đền bù vì nhà của chị không có giấy tờ. Người ta chỉ bảo chị đi tạm cư ở một căn hộ chung cư để giao đất cho nhà nước, chị nói tôi què quặt thế nầy là sao ở được chung cư, hồi xưa chỗ nầy là cái bô rác, tôi xin cất nhà, các anh còn mừng, tại sao bây giờ các anh lại cướp của tôi? Nói gì thì nói, không đi thì cưỡng chế.

Cuộc cưỡng chế lần thứ nhất không thành vì luật sư Trần Vũ Hải đứng ra bảo vệ chị, ông nói nếu các anh cưỡng chế nhà chị Vinh, tôi sẽ tố cáo các anh lên tổ chức bảo vệ người tàn tật thế giới. Chúng tạm dừng lại. Cuộc cưỡng chế lần thứ hai, bà con Thủ Thiêm kéo tới làm hàng rào sống bảo vệ chị. Chúng tạm dừng lại. Cuộc cưỡng chế lần thứ ba, cũng vậy, bà con kéo tới làm hàng rào cản đầu xe ủi, trong nhà, chị Phượng chuẩn bị sẵn đầy một bình xăng trong chiếc Honda, sẵn sàng châm lửa, chị nói với chị Vinh, chuyến nầy hai chị em mình cùng chết. Chúng dùng loa tay đọc lệnh cưỡng chế và kêu gọi chị Vinh mở cửa, mở cổng rào để giao nhà, giao đất. Bà con bên ngoài hò hét, đả đảo, chửi bới làm át tiếng loa, bên trong, chị Phượng mở nắp bình xăng, tay cầm quẹt gas, tay cầm tờ giấy báo làm mồi lửa trong tư thế sẵn sàng. Cuối cùng chúng phải rút quân.

V: ĐAU THƯƠNG CHỒNG CHẤT ĐAU THƯƠNG

Gần nhà chị Vinh, một ngôi nhà còn sót lại nằm chơ vơ giữa bãi tha ma là ngôi nhà của vợ chồng ông Hùynh Văn Lực và bà Nguyễn Thị Giáp. Ông Lực 91 tuổi đời, 70 tuổi đảng, bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường, bà Giáp 83 tuổi, lụm khụm chăm sóc cho chồng. Hồi xưa họ có người con trai hiền lành, ngoan ngoãn, nhưng đã chết vì tai nạn điện. Bà nói, nếu nó còn sống thì đỡ khổ cho tôi, ít ra có con cháu cũng bớt đi sự cô quạnh của tuổi già. Giờ trong tình cảnh nầy, nếu tôi ngã bệnh thì thật là khổ.

Tôi hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu không may bà ngã bệnh giữa cái bãi tha ma nầy, trong căn nhà không có người thứ ba, chung quanh không có láng giềng. Tôi không dám so sánh với bất kỳ quốc gia nào, xã hội nào về chính sách nhân đạo đối với tuổi già, và có lẽ, bà Giáp cũng không có mong muốn nào hơn ngoài việc đừng cưỡng chế, đừng đập phá cướp đất, hãy để yên cho vợ chồng bà trong những năm tháng ngắn ngủi còn lại cuối đời.

Vợ chồng bà Giáp đều là viên chức của Bộ Vật tư, khi về hưu, họ được cấp một căn nhà cộng cư bên phường Thảo Điền, tức là một căn nhà một trệt một lầu được cấp cho hai hộ, bà ở tầng dưới, ông sếp của bà ở tầng trên. Rồi ông Lực ngã bệnh, đứa con trai qua đời. Sau một thời gian chạy chữa cho chồng, chợt nhìn lại thấy mình ngồi trên đống nợ. Không còn cách nào khác, bà phải bán quyền sử dụng cái không gian tầng trệt ấy cho người ở trên lầu. Sau khi thanh toán nợ nần, còn lại ít tiền, bà sang Thủ Thiêm mua lại căn nhà nát trong con hẻm trên đường Lương Định Của, nhà không có chủ quyền, chỉ sang nhượng bằng giấy tay. Nhưng người chủ cũ bằng cách nào đó đã chạy chọt cho bà xây lại ngôi nhà cấp bốn. Ở yên được mười năm, đến tháng tư năm 2011, khi cả khu phố bị cưỡng chế, đập phá thành bình địa thì tới lượt hai ngôi nhà của ông bà và chị Vinh, một người già bị tai biến và một phụ nữ neo đơn khuyết tật bị cưỡng chế sau cùng.

Ngày 18 tháng 4 năm 2011, nhà chức trách tới trao cho bà quyết định cưỡng chế và bảng chiết tính bồi thường với giá… không đồng. Lý do: nhà và đất không có giấy tờ hợp lệ. Tuổi già sức yếu, trong cảnh neo đơn, nhưng bà phải vừa đi kiện vừa chăm sóc cho người chồng nằm liệt giường.

Đến ngày 25 tháng 1 năm 2003, bà nhận được thông báo giải tỏa kèm theo bảng chiết tính bồi thường theo hai phương án như sau: Phương án thứ nhất, nếu bà nhận tái định cư thì bà được trả 9.612.500 đồng (chín triệu sáu trăm mười hai ngàn năm trăm đồng) và được mua một diện tích tái định cư 7,75 mét vuông (bảy phẩy bảy mươi lăm mét vuông) trong căn hộ chung cư bằng với số tiền ấy, nói cho dễ hiểu là ngôi nhà và đất hơn một trăm mét của bà sẽ đổi 7,75 mét vuông chung cư, phần còn lại của căn hộ tùy theo lớn nhỏ bà phải trả tiền theo giá gọi là bảo toàn vốn. Phương án thứ hai, nếu bà không nhận tái định cư thì bà được lãnh số tiền 133.612.500 đồng, tự tìm chỗ ở. Cũng như bao nhiêu người khác, bà không chấp nhận cả hai phương án, và cuối cùng là cưỡng chế, nói cho chính xác hơn là bị cướp.

Cũng như trường hợp của chị Vinh, mỗi lần nhân viên công lực và phương tiện cơ giới tới bao vây thì hàng xóm kéo tới làm hàng rào sống bảo vệ cho vợ chồng bà. Bà khóa cửa rào và lấy hết hơi sức của tuổi già nói vọng ra với nhà chức trách: Các ông muốn làm gì thì cứ làm đi, vợ chồng tôi sẽ ôm nhau cùng chết, thà chết ở đây còn hơn chết ở ngoài đường.

Nhân viên công lực đi cướp thay cho người khác, dù sao cũng là con người, có lẽ cũng biết sợ luật nhân quả nên họ rút lui trước hai con người như ông Lực và chị Vinh, những người mà nếu ném ra đường, họ sẽ chết ngay tại chỗ.

*
Chúng tôi đến thăm anh Đặng Văn Truyền, 50 tuổi đang sống trong căn phòng tạm cư 21 mét vuông như cái ổ chuột ngổn ngang vật dụng gia đình, nhếch nhác, ngột ngạt và oi bức, giống như cái cảnh tản cư chạy giặc hồi chiến tranh. Trong phòng không có chỗ ngồi, anh Truyền bắc ghế ngoài sân để tiếp chúng tôi, anh nói ở khu tạm cư nầy có hàng trăm hộ với ngàn ngàn con người sống chật hẹp và chen chúc như thế, có hộ đã vào đây gần hai mươi năm, mất đất, mất nhà, mất công ăn việc làm, lang thang tìm mọi cách để mưu sinh và… đi kiện.

Trước đây, anh Truyền là chủ cơ sở đại lý gas cạnh chợ An Khánh. Làm ăn khấm khá, năm 2000 anh vay mượn thêm bạn bè, dòng họ để mua căn nhà 50 mét vuông mặt tiền đường Lương Định Của trị giá 75 cây vàng. Do nhà mua bằng giấy tay nên khi giải tỏa, người ta thông báo đền bù cho anh mức giá 36.000.000 đồng, tương đương với một cây vàng (!). Anh nói 36 triệu đồng bây giờ không đủ mua miếng đất để chôn, anh làm đơn khiếu nại, lên quận, quận bác đơn, lên thành phố, thành phố bác đơn, ra trung ương, trung ương làm công văn chuyển đơn về cho thành phố…

Ngày 21 tháng 2 năm 2011, ủy ban quận ra quyết định cưỡng chế, anh nói nếu cưỡng chế anh sẽ tử thủ, cho nổ cửa hàng gas. Lệnh cưỡng chế tạm hoãn thi hành. Người ta cử những đoàn cán bộ tới vận động, thuyết phục, nâng giá đền bù lên 19 triệu đồng một mét vuông, anh kiên quyết không nhận vì cho rằng nhà anh nằm ngoài ranh quy hoạch.

Lúc bấy giờ, những căn hộ chung quanh nhà anh đã bị san bằng. Ngày 23 tháng 12 năm 2015, tới lượt số phận của anh. Khác với những căn hộ khác, khi cưỡng chế nhà anh, ngoài xe ủi, xe cuốc, xe cứu thương, cứu hỏa và nhân viên công lực thông thường, người ta tăng cường thêm một đội đặc nhiệm và trang bị thêm một xe xịt hơi cay và hai xe chữa cháy đặc chủng chở bọt khí foam dùng cho các sân bay. Tất cả để đối phó với một con người và mục tiêu cướp cho được căn nhà năm chục mét vuông (!).

Khi người ta xịt hơi cay vào nhà, anh Truyền đeo mặt nạ và chuẩn bị cho nổ bình gas, nhưng đã muộn vì bọt khí foam đã phủ căn nhà. Chúng dùng xe cuốc phá toang ba cánh cửa, nhân viên đặc nhiệm xông vào, anh Truyền bị những thanh bá trắc đập thẳng vào hai ống quyển và hai bên be sườn, anh té quỵ xuống, hai nhân viên đặc nhiệm đè anh trói thúc ké, họ vừa trói vừa nói: ĐM mầy có biết cưỡng chế căn nhà mầy tụi tao phải tốn hàng trăm triệu tiền hóa chất hay không. Họ vừa trói, vừa chửi vừa đánh, đánh từ nhà đánh lên xe cấp cứu và tiếp tục đánh trên đường đưa anh tới bệnh viện quận 2, hàng trăm người dân kéo theo, rơi nước mắt như khóc cho chính con cháu ruột thịt của mình.

Mấy ngày sau, họ cho anh xuất viện nhưng không dám trao giấy chứng thương. Anh Truyền bị tràn dịch khớp gối, phải vào phẩu thuật trong bệnh viện Sài Gòn.

Cái giá tử thủ với nhà chức trách là như thế. Mất nhà, mất đất, mang thương tật, mất thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, sống cùng quẩn trong căn phòng tạm cư không biết đến bao giờ!

Ba năm qua, anh cùng với bà con Thủ Thiêm mang đơn kêu cứu ra Hà Nội không biết bao nhiêu lần, có lần ăn dầm nằm dề cả hai tháng trời. Nhưng vô vọng!

*
Cách chỗ anh Truyền vài chục mét là căn phòng tạm cư của chị Phan Thị Thủy, 63 tuổi. Đã 17 năm sống trong khu ổ chuột nầy, sống trong sự chồng chất khổ đau và bế tắc.

Mười bảy năm trước, chị Thủy đã có một gia đình đầm ấm, một quán cà phê nho nhỏ trên đường Lương Định Của, gần chợ An Khánh. Chồng chị Thủy, anh Trần Vĩnh Phúc, thiếu tá công an, làm việc ở quận 2. Hai vợ chồng cùng đứa con gái đang sống một cuộc sống bình thường thì nhân tai trút xuống.

Một ngày của năm 2000, chị nhận được thông báo giải tỏa không đền bù vì nhà chị mua bằng giấy tay. Chị làm đơn khiếu nại, nhưng khổ nỗi anh Phúc là đảng viên, là sĩ quan, cái vòng kim cô ấy buộc phải tuân hành.

Chấp nhận dọn vào căn phòng tạm cư, nhưng chị vẫn cùng bà con đi khiếu kiện, thậm chí kéo nhau hàng chục, hàng trăm người đi biểu tình trước văn phòng Chính phủ trên đường Lê Duẩn. Mỗi lần chị đi thì người ta gọi anh Phúc lên, bảo anh phải gọi chị về. Nhưng anh không thể mở lời khuyên can vợ bởi chính anh là người đau xót trước căn nhà trị giá tiền tỷ bị tước đoạt vô lý. Cuối cùng, sau nhiều lần kiểm điểm, anh Phúc bị kỷ luật với hình thức giáng cấp xuống hàm đại úy. Bị tổn thương, anh Phúc xin nghỉ việc về phụ vợ bán cà phê.

Hai vợ chồng cùng với con gái, con rể và đứa cháu ngoại không thể sống nổi trong căn phòng chật hẹp 21 mét vuông, anh Phúc mượn thêm một căn liền vách để chứa vật dụng và mở quán “cà phê chạy”, ai kêu đâu chạy đó. Vốn có bằng đại học Luật, anh Phúc làm thủ tục xin cấp chứng chỉ nghề với mơ ước mở văn phòng Luật sư, nhưng việc không thành, anh đành trở lại lầm lũi, âm thầm với cái quán “cà phê chạy”. Chị Thủy sau một thời gian dài đi kiện, người ta bán cho chị căn hộ tái định cư 41 mét vuông trên lầu 3 ở Bình Trưng, cách đó gần mười cây số với giá 70 triệu đồng. Chị không nhận và tiếp tục đi kiện với lý do, nhà chị 70 mét vuông trên đường Lương Định Của, giờ trở thành đất vàng, bị giải tỏa không đền bù giờ phải mua lại căn hộ 41 mét vuông, quá bất công.

Nhưng rồi bất công chồng chất bất công, người ta ra quyết định cưỡng chế, bắt chị phải ra đi và phạt 25 triệu đồng với lý do chiếm nhà tái định cư trái phép. Chị kiên quyết không đi và cũng không nộp phạt. Cứ tiếp tục cùng bà con làm đơn khiếu kiện.

Anh Phúc bắt đầu thay đổi tính tình như một người trầm cảm, mất ngủ, bỏ ăn. Có lần anh lẩm bẩm với chị: Phải chi tôi đừng nghỉ việc thì bây giờ tôi còn khẩu súng.  Chị can anh, thôi đừng nghĩ bậy.

Buổi sáng ngày 24 tháng 4 năm 2015, không thấy anh dậy sớm pha cà phê như mọi bữa, chị bước qua gọi cũng không thấy anh trả lời, nhìn thấy đèn sáng trong nhà tắm nhưng không nghe tiếng động. Chị bước tới mở cửa, thì trời ơi, anh đã treo cổ…

VI: ĐAU XÓT CHỐN TÂM LINH

Mục sư Nguyễn Hồng Quang, bảo vệ luận án Tiến sĩ Thần học tại Hoa Kỳ, ông tâm sự rằng, không hiểu vì sao, sau khi rời lực lượng Thanh niên xung phong, ông muốn đi tu, nhưng chưa có khái niệm rõ ràng về một tôn giáo nào. Ông nghiên cứu về đạo Cao Đài, Phật giáo, Thiên Chúa giáo… nhưng vẫn cứ phân vân. Rồi ông đi học hớt tóc với ý định mang bộ đồ nghề đi lang thang hớt tóc miễn phí cho trẻ bụi đời, người điên và người cơ nhỡ. Nhưng rồi như một cơ duyên, người dạy ông hớt tóc, sau khi nghe ông nói rằng ông muốn đi tu nhưng chưa biết chọn tôn giáo nào, ông ta giới thiệu với ông về giáo phái Tin lành Mennonite, một trong năm trường phái chính của châu Âu và Bắc Mỹ, được hình thành từ năm 1525 và du nhập vào Việt Nam từ năm 1954. Từ cơ duyên đó, ông Quang trở thành tín đồ Mennonite.

Năm 1992, ông sang Thủ Thiêm, cùng với người mẹ và người em trai mua gần ba ngàn mét vuông đất nông nghiệp. Ông Quang còn nhớ, ở đó có cả cái chuồng trâu và ao rau muống của người chủ cũ. Cuộc sống ban đầu dựa vào những công việc đồng áng, đặt trúm, đặt lọp, đặt lờ, giăng lưới, cắm câu. Dần dần, ông Quang tu bổ nhà cửa, dựng lên một cơ sở từ thiện và tôn giáo gồm một nhà nguyện, một thư quán hướng đạo, một phòng y tế, có cả một nơi dành cho học sinh sinh viên nghèo, bệnh nhân nghèo và người già neo đơn, không nơi nương tựa… Ở đây lúc nào cũng có hơn một trăm người tá túc. Ông Quang vận động nguồn gạo, họ tự trồng rau, kiếm cá và tự quản, người mạnh chăm sóc người bệnh và phân công công việc cho nhau như một đại gia đình.

Trải qua gần hai mươi năm, kẻ đến người đi, có những sinh viên nghèo trở thành kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, có những kẻ xì ke, bụi đời trở thành lương thiện, có những bệnh nhân trở nên lành lặn, và, có những người xấu số được tiễn đưa trong ấm cúng, đàng hoàng trong tiếng cầu kinh của Giáo phái Mennonite.

Thế rồi tang thương ập đến, ông Quang cùng với hơn một trăm con người cơ khổ ấy phải chịu chung số phận với hàng vạn đồng bào trên đất Thủ Thiêm.

Ngày 14 tháng 12 năm 2014, hàng trăm nhân viên công lực tới bao vây, họ dùng loa phóng thanh đọc lệnh cưỡng chế rồi xông vào bắt trói, đánh đập hàng chục người, quăng lên xe công vụ chở đi. Trong đó có bà Trần Thị Chuốt, 73 tuổi. Bà Chuốt vào đây chữa bệnh cùng với đứa cháu ngoại bị bại liệt. Sau khi lành bệnh, bà tình nguyện ở lại làm tạp vụ và chăm sóc cho đứa cháu tật nguyền. Hôm ấy bà phản đối không chịu đi, liền bị nhân viên công vụ hốt quăng lên xe, họ quăng bà từ trên cao rớt xuống, bị gảy be sườn và chấn thương nặng, họ đưa bà đi cấp cứu, nhưng bà không qua khỏi. Ông Quang lên phường xin đưa bà về chỗ cũ làm đám tang theo nghi thức của đạo, nhưng ông liền bị nhốt lại, sau đó người ta đưa xe công vụ tới chở bà Chuốt đi hỏa táng.

Hai hôm sau ông Quang được thả ra, ông trở về chỗ cũ, thì hỡi ơi, hơn năm trăm mét vuông nhà tiền chế, ao cá hàng chục tấn, vườn kiểng, vườn cây cổ thụ… tất cả thành đống xà bần vụn nát.

Cùng số phận với khu vườn nguyện của ông Quang, chùa Liên Trì, đình Thần An Khánh cũng bị san bằng.

Hôm cưỡng chế chùa Liên Trì, nhà sư Thích Không Tánh bị ngất xỉu tại chỗ, người ta đưa ông đi cấp cứu, đến khi trở về, ông chỉ còn biết cầm cây nhang quỵ xuống đống gạch ngói đổ nát. Tất cả tượng Phật và hài cốt Phật tử cùng với vật dụng thờ cúng trong chùa, người ta chở vào nhà kho.

Ông Lê Văn Tốt, Trưởng Ban Quý tế Đình Thần An Khánh nói rằng, hôm giải tỏa ngôi Đình ông không đủ can đảm để chứng kiến, ông ngồi nhà mà nghe nhói trong tim, ruột gan như ai cào ai cấu. Ông Tốt đưa chúng tôi xem bức ảnh của một người nào đó tặng ông, bức ảnh chụp lúc giải tỏa lăng mộ Tiền hiền Trần Thông Quân và phu nhân. Ông nói, ở nước ta hiếm có ngôi đình nào có được lăng mộ của tiền hiền, vậy mà, vì lòng tham, người ta sẵn sàng quật mồ của tổ tiên, người đã có công gầy dựng nên đất Sài Gòn – Gia Định. Một không gian cho Lễ Hội Kỳ Yên tưởng nhớ TIỀN HIỀN KHAI KHẨN – HẬU HIỀN KHAI CƠ gần hai ngàn mét vuông đã bị tước đoạt, tất cả vật dụng thờ cúng, sắc phong, hài cốt và linh hồn của tiền nhân giờ phải náu nương, ở trọ trên Đình Long Phú.

Đau xót biết chừng nào?! Quả báo nầy sẽ thuộc về ai?

VII: TAO BẮN…!

Ba ngôi nhà còn sót lại giữa cái hoang tàn đổ nát như sau một trận bom trên đường Lương Định Của, thuộc khu phố 1, phường Bình An là nhà của chị Vinh, ông Lực và Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải. Nó còn sót lại, có lẽ là vì, với chị Vinh và ông Lực, người ta không dám ném ra đường một người phụ nữ tật nguyền phải nương nhờ vào đôi nạng gỗ và một ông già chín mươi mốt tuổi đời, bảy mươi tuổi đảng bị tai biến nằm liệt giường. Còn với Thiếu tướng Hải, có lẽ vì người ta sợ cái câu: Đứa nào tới, tao bắn…!

Khi chúng tôi tới thăm ông, ông hỏi các anh chị là nhà báo nhưng thuộc phe nào?

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông nói báo chí bây giờ nhiều phe quá, chẳng biết tin ai. Khi cuộc tiếp xúc đến hồi thân thiện, ông Hải kể rằng, năm 1968, sau khi đậu Tú tài, ông được tuyển vào Khoa Không quân trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, lúc bấy giờ ông đang là biệt động thành Sài Gòn. Cấp trên yêu cầu ông nên đi học sĩ quan để tiếp tục “hoạt động trong lòng địch” khi ra trường, nhưng ông từ chối, bỏ học vào chiến khu rồi theo đơn vị trinh sát đặc công. Chúng tôi ngồi nghe ông kể những câu chuyện “xuất quỷ nhập thần” của lính đặc công như huyền thoại, bất kỳ những đồn bót, những căn cứ quân sự của đối phương, lính đặc công vào ra như có phép tàng hình.

Sau chiến tranh Campuchia, ông được phong hàm Thiếu tướng, Tư lệnh phó binh chủng đặc công miền Nam.

Khi xảy ra câu chuyện Thủ Thiêm, bí thư kiêm chủ tịch quận Tất Thành Cang tới nhà ông thương lượng rất chân tình, rằng sẽ đổi căn nhà 160 mét vuông của ông bằng hai nền nhà gần siêu thị điện máy Chợ Lớn trên đường Lương Định Của, nghĩa là ông sẽ được đền bù thỏa đáng. Ông nhẩm tính, hai nền nhà kia trị giá tương đương chín tỷ đồng, ông sẽ lên quận 9 mua được hơn hai ngàn mét vuông đất vườn chỉ hơn năm tỷ, còn lại xây nhà, hai vợ chồng cùng hai đứa con ông sẽ có cuộc sống thanh nhàn, vui thú điền viên.

Nghĩ thế, ông bằng lòng trao đổi. Nhưng một hôm, ông Cang gọi ông lên cáo lỗi, rằng quỹ đất không còn, chỉ đổi với ông một nền. Sau một hồi tranh cãi, ông đứng lên nói thẳng: “Người lớn với nhau không thể nói hai lời. Vậy thì tao không đi đâu cả, tụi bây cứ tới cưỡng chế, nhưng nên nhớ phải mặc áo giáp và đội nón sắt đàng hoàng, đứa nào bước vô tao bắn…! Máu tao đã đổ ngoài chiến trường nhiều rồi, giờ nầy tao không còn tiếc gì nữa, nhưng trước khi chết tao sẽ bắn nát đầu bọn cướp”.

Ông trở về, hàng ngày nhìn cảnh xe ủi, xe cuốc cùng với nhân viên công lực đi cướp bóc, đập phá nhà cửa xung quanh mà trào dâng căm phẫn, thương xót cảnh tan nhà nát cửa của bà con. Nhiều lúc không kềm chế được, ông muốn ra tay… Nhưng ông kịp nghĩ, nếu bắn thì phải bắn mấy thằng “đầu sỏ”, chớ cái đám nầy chỉ là tay sai…

Ông Hải đã bỏ ra nhiều ngày để nghiên cứu địa hình gia cư của những tay “đầu sỏ”, vào lối nào, ra lối nào, nhà có chó dữ hay không… Ông đã lên “phương án tác chiến”, đặt ra những tình huống bất trắc, và, ông viết sẵn mấy bản cáo trạng kể tội từng người. Xử xong người nào, đặt bản cáo trạng lên ngực người đó rồi rút lui. Ông nói, khẩu súng của ông sẽ chừa sẵn hai viên đạn cho mình nếu gặp tình huống bất trắc.

Tôi hỏi vì sao ông không cùng với bà con đi kiện mà nghĩ tới chuyện mạo hiểm như vậy? Ông nói tôi là lính, không thích dây dưa, khi đã xem chúng nó là kẻ thù của nhân dân thì tôi ứng xử theo cách của người lính, hoặc là tấn công, hoặc là rút lui, hoặc là phòng thủ và tử thủ. Ngắn gọn như thế, không cần phải dài dòng.

Thế là hết Thủ Thiêm ơi!

Từ chị Phượng chủ tịch phường xin lỗi nhân dân đến anh Thiếu tá công an Trần Vĩnh Phúc treo cổ tự tử, giờ tới lượt Thiếu tướng Hồng Minh Hải luôn sẵn sàng trong tư thế tấn công, huống chi đến hàng trăm, hàng ngàn con người thấp cổ bé miệng từng ngày ứa gan kêu cứu, gần hai mươi năm khổ đau chờ công lý đến mỏi mòn.

Hôm qua có một cô gái nhắn tin: “Chú ơi, con đã đọc nhiều câu chuyện đau lòng của chú viết về Thủ Thiêm, con mong chú kể tiếp câu chuyện của con, khổ lắm, nhà con bị cưỡng chế đập nát hết, con che tấm bạt dưới gốc cây lót tạm cái giường để hai mẹ con tá túc nhưng cũng bị họ cưỡng chế thêm lần nữa …”.

Tôi đành phải nhắn tin xin lỗi cô gái, cháu ơi, làm sao chú đủ sức đủ tài để kể hàng trăm, hàng ngàn tấn thảm kịch Thủ Thiêm, bởi tội ác cứ nối dài tội ác và đau thương cứ chồng chất đau thương. Chú xin lỗi cháu! Mỗi con người, mỗi gia đình trên ĐẤT THỦ THIÊM giờ đây giống như những trang tiểu thuyết mà bản thân chú không đủ sức đủ tài.

ĐÔI ĐIỀU VỚI CÁC ANH

Các anh là ai? Tôi biết các anh một cách mập mờ, loáng thoáng mà Thiếu Tướng Hồng Minh Hải đã viết sẵn cáo trạng định xử các anh.

Hầu hết các anh đều ít nhứt cũng có tấm bằng đại học, dù nó thật hay giả, dù các anh đã học phổ thông hay bổ túc văn hóa, thì điều chắc chắn rằng các anh đã học qua dòng văn học hiện thực phê phán mà trong đó có những tác giả lừng danh một thời như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan… với những tác phẩm tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến. Những tác giả ấy cũng đã bị phê phán rằng họ chỉ nhìn thấy hiện thực tối tăm, chỉ nhìn thấy cái tiền đồ tối đen như mực của chị Dậu mà không nhìn thấy cái tiền đồ rạng rỡ của dân tộc bởi chỉ vài năm sau, Đảng Cộng sản ra đời!

Nhưng, nếu giờ đây Ngô Tất Tố có đội mồ sống dậy, ông sẽ nói rằng nhân vật chị Dậu mà ông hư cấu làm gì so sánh được với những con người có thật như chị Vinh, chị Phượng, bà Giáp, cô Mỹ… ở Thủ Thiêm?

Giờ đây nếu Nguyễn Công Hoan có đội mồ sống dậy, ông sẽ nói rằng câu chuyện Nghị Lại bày mưu cướp đất của anh Pha mà ông hư cấu làm gì so sánh được với câu chuyện có thật của ông Hùng, anh Truyền bán gas, ông Nguyễn Hồng Quang… ở Thủ Thiêm?

Giờ đây nếu Nam Cao có đội mồ sống dậy, ông sẽ nói rằng Chí Phèo trước khi chết còn giết được Bá Kiến, huống chi anh Thiếu tá Công an Trần Vĩnh Phúc treo cổ chết âm thầm.

Những nhà văn tài hoa ấy không thể hư cấu nổi một nhân vật như Thiếu Tướng đặc công Hồng Minh Hải, không thể hư cấu nổi chuyện phá đình, quật mộ tiền nhân, đập chùa, cướp bóc cả một cơ sở tâm linh và từ thiện của Mục sư Nguyễn Hồng Quang…

Nói chung, không thể có một nhà văn nào trên trái đất nầy có đủ sức tưởng tượng để hư cấu ra những câu chuyện mà chính các anh đã tạo ra ở Thủ Thiêm, một hiện thực đầy bi thương và tội ác, thậm chí rất man rợ xảy ra ngay trên đất nước nầy, bên cạnh một thành phố được nhân danh là VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, NGHĨA TÌNH, những khẩu hiệu mà chính các anh đã đẻ ra, treo đầy trên phố xá.

Cùng các anh (không quý mến)!

Tôi có đứa con gái út, cách đây gần mười năm, lúc đó cháu học lớp mười trường Quốc tế Mỹ tại Sài Gòn. Có lần cháu dịch một bài luận văn của cháu làm từ tiếng Anh sang tiếng Việt để nhờ tôi góp ý (Tôi còn nhớ rõ đó là thời điểm các anh đang cướp Eden bằng khói cay để giao cho Vincom), đại khái thầy giáo người Mỹ ra một đề văn nghị luận chính trị xã hội như thế nầy: “Bạn hãy chọn một vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm đề bày tỏ hai thái độ: Một là đồng tình, hai là phản biện”.

Cháu đã viết: Hiện nay, dư luận xã hội ở Việt Nam đang quan tâm nhất là vấn đề đất đai, những mâu thuẩn xảy ra giữa nông dân với chính quyền và các nhà đầu tư ở các dự án xây dựng khu công nghiệp và khu đô thị. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, muốn phát triển, ngoài mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao thì mục tiêu công nghiệp hóa và đô thị hóa là hai mục tiêu lớn và chính đáng. Nhưng vấn đề đặt ra là đất ở đâu để phát triển các khu công nghiệp và đô thị? Chỉ có một câu trả lời duy nhất là sử dụng đất nông nghiệp. Vì vậy, việc sử dụng đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp và đô thị là một vấn đề tất yếu, không có sự lựa chọn nào khác.

Đó là thái độ đồng tình.

Tuy nhiên, đất nông nghiệp là quyền lợi, là sự sống của người nông dân mà mục tiêu phát triển công nghiệp và đô thị là để phát triển kinh tế xã hội, vì vậy, trước khi sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng các dự án khu công nghiệp và khu đô thị thì chúng ta phải làm cho người nông dân, những chủ sở hữu đất nông nghiệp đó có đời sống tốt hơn trước, họ phải là người hưởng lợi đầu tiên trong các khu công nghiệp và đô thị đó. Nhưng với cách làm của Chính quyền Việt Nam hiện nay, họ dùng biện pháp gọi là “Thu hồi, giải tỏa, đền bù”, họ đẩy người dân ra khỏi quyền lợi ngay trên mảnh đất vốn là sự sống của họ, nghĩa là trả cho họ một số tiền tượng trưng rồi lấy đất của họ giao cho doanh nghiệp kinh doanh, người đã giàu thì giàu thêm, người dân vốn đã nghèo còn bị tước đoạt quyền lợi, thậm chí lâm vào cảnh khốn cùng. Đó là những nghịch lý đã trở thành bức xúc trong dư luận xã hội.

Cùng các anh (không quý mến)!

Đó là góc nhìn, là suy nghĩ của một đứa bé mười lăm tuổi, cháu chưa biết làm chính trị và cũng chưa có khái niệm về chính trị.

Còn tôi, cha của cháu bé ấy, chỉ nhân danh là người kể chuyện, có thể kể hay và cũng có thể kể rất dở. Chỉ được cái là kể rất chân tình và chân thành, chân thật, kể một cách không né tránh dù có những câu chuyện cay đắng, phũ phàng.

Tôi kể về bài tập làm văn ngây thơ và hồn nhiên của con tôi như một câu chuyện để tham khảo cho các nhà chức trách. Tôi kể chuyện bà con Thủ Thiêm để chúng ta cùng chia sẻ nỗi đau, (cũng chẳng hy vọng gì sự chia sẻ từ những trái tim lạnh và “bàn tay sắt”). Tôi kể câu chuyện về những dự định của Thiếu tướng Đặc công Hồng Minh Hải để các anh, ai là người trong cuộc biết được mà tự vệ, đề phòng.

Mười lăm ngàn hộ dân với hơn sáu vạn con người ở Thủ Thiêm đã xem các anh là kẻ thù không đội trời chung, các anh đã tự dựng cho mình tấm bia ở Thủ Thiêm, sẽ vĩnh cửu ngàn năm vì nó là bia miệng.

Cuối cùng, xin chào các anh (không thân mến)!

Người nông dân cầm bút: VÕ ĐẮC DANH

(Chưa dám hứa sẽ còn tiếp)

V.Đ.D.

Nguồn: FB Võ Đắc Danh

This entry was posted in Cướp đất của dân, Thủ Thiêm. Bookmark the permalink.