Lập trường của Mỹ về Biển Đông ngày càng cứng rắn

Nguyễn Quang Dy

Chiều 13/7 (giờ Mỹ) Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo về tranh chấp ở Biển Đông. Lập trường cứng rắn của Mỹ được dư luận rất chú ý. Trong khi Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ phản đối (13/7), người phát ngôn BNG Viêt Nam hoan nghênh (15/7). Tiếp theo bài trước Thách thức và cơ hội cho Việt Nam và ASEAN năm 2020 (ngày 12/7), bài này sẽ phân tích thêm về lập trường cứng rắn hơn của Mỹ hiện nay.

Lập trường cứng rắn hơn

Trong một phát biểu trên mạng (ngày 29/6), ông Pompeo báo trước: “Trung Quốc không được coi Biển Đông như vương quốc biển của họ. Chúng tôi sẽ sớm có phát biểu thêm về vấn đề này”. Vì vậy, tuyên bố của ông không phải nhất thời phản ứng trước các diễn biến gần đây, mà nhất quán với chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc ở Biển Đông.

Sáng 14/7 (giờ Mỹ), Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell đã đọc bài tham luận (key note speech) tại hội thảo hàng năm về Biển Đông do CSIS tổ chức. Stilwell làm rõ hơn tuyên bố của Pompeo và đề cập đến khả năng trừng phạt. Về hình thức, đó là tuyên bố với báo chí (press statement) nhưng về thực chất, đó là một tuyên bố chính sách (policy statement).

Lần đầu tiên, Mỹ công khai bênh vực các nước “đồng minh và đối tác” ở khu vực, đặc biệt là bốn nước “ASEAN Four”, chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc. Lần đầu tiên, Mỹ công khai bác bỏ và lên án Trung Quốc đòi chủ quyền phi pháp (unlawful) ở Biển Đông, vi phạm luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA).

Tuyên bố tuy ngắn gọn (chỉ có 770 từ) nhưng những người soạn thảo đã dùng ngôn ngữ rõ ràng và chính xác, trong đó có đoạn còn mở ngoặc giải thích rõ thêm để tránh hiểu lầm. Tuyên bố đã đề cập khá đầy đủ và chi tiết đến ba khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông mà Mỹ quan tâm như điểm nóng, cần được ưu tiên cao như “lằn ranh đỏ” (redline).

Một là Mỹ lên án hành động phi pháp của Trung Quốc đòi chủ quyền và quấy rối Philippines đánh cá và thăm dò dầu khí tại khu vực cãi cạn Scaborough mà Trung Quốc đã chiếm (từ năm 2012) cũng như tại đá Vành Khăn hay bãi Cỏ Mây, mà PCA năm 2016 đã phán quyết là thuộc chủ quyền của Philippines. Mỹ cần ưu tiên cho Philippines vì đó là đồng minh mà Mỹ phải bảo vệ và đang phải tranh thủ để Manila không bỏ hiệp định VFA.

Hai là Mỹ bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền và lên án hành động “phi pháp” của Trung Quốc quấy rối hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Việt Nam tại “Bãi Tư Chính”, của Malaysia tại bãi Luconia, của Indonesia tại đảo Natuna Besar, và của Brunei…

Ba là Mỹ bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với bãi ngầm James shoal (cách mặt biển 20m). Tuy bãi ngầm này cách Malaysia 50 dặm và cách Trung Quốc 1000 dặm, nhưng họ vẫn tuyên truyền đó là “lãnh thổ cực nam của Trung Quốc”.

Tình thế đang thay đổi

Tuy Tổng thống Donald Trump có tính cách thất thường, nhưng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo không phải ngẫu nhiên, mà đã được chuẩn bị từ trước, phản ánh xu thế “bài Trung” hay “tách rời” (decoupling) đang tăng lên không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước phương Tây khác (như Úc và Anh). Trong khi người Mỹ và phương Tây phân hóa mạnh và tranh cãi kịch liệt về nhiều vấn đề, nhưng họ lại đồng thuận về lập trường “bài Trung”.

Theo các nhà phân tích, dù Tổng thống Trump còn tại chức hay mất chức vào tháng 11/2020, thì xu thế đó và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc về cơ bản sẽ không thay đổi. Đây là một nghịch lý và cái giá mà Bắc Kinh phải trả cho cách hành xử thô bạo của họ. Có một thực tế là lãnh đạo Trung Quốc khó thay đổi tư duy (mindset) hay hệ quy chiếu (paradigm), nên dễ mắc sai lầm trước biến đổi khó lường, trong một thế giới đầy biến số.

Người Mỹ tuy năng động hơn, nhưng cũng có “truyền thống” bỏ rơi đồng minh/đối tác. Năm 2012, khi Philippines đối đầu với Trung Quốc tại Scaborough, Chính quyền Obama đã không hành động đủ mạnh để răn đe Trung Quốc, nên họ đã chiếm Scaborough của Philippines. Năm 2017 và 2018, khi Trung Quốc bắt nạt Việt Nam và Repsol, Việt Nam vì cô đơn phải ngừng khoan và bỏ dự án Cá Rồng Đỏ (lô 136 & 07), chịu thiệt hại rất lớn.

Từ tháng 7 đến 10/2019, Trung Quốc lại cho tàu hải cảnh liên tục quấy rối tại mỏ Lan Đỏ, Lan Tây, Phong Lan Dại (lô 06), và cho tàu HD-8 liên tục thăm dò tại bãi Tư Chính và các nơi khác, gây đối đầu và khủng hoảng mới tại Biển Đông. Đến ngày 24/10/2019 tàu HD-8 mới chịu rút về, sau khi dàn khoan Hakuryu 5 thuê của Nhật đã rút về Vũng Tàu.

Từ tháng 4/2020, trong khi thế giới bận đối phó với đại dịch thì Trung Quốc ngày càng ngang ngược tại Biển Đông. Ngày 2/4/2020, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam. Ngày 18 và 19/4/2020, Trung Quốc đã công bố thành lập “quận Tây Sa” (tức Hoàng Sa) và “quận Nam Sa” (tức Trường Sa) và ngang nhiên đặt tên Trung Quốc cho 80 thực thể ở Biển Đông, vi phạm luật quốc tế và chủ quyền của Việt Nam.

Từ giữa tháng 4/2020, Trung Quốc đã cho nhóm tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tàu khảo sát HD-8 vào Biển Đông để tập trận và quấy rối nhằm bắt nạt các nước khu vực. Nhóm tàu HD-8 và tàu hải cảnh đã xâm nhập vùng EEZ của Malaysia và Việt Nam, quấy rối và đe dọa dàn khoan West Capella của Petronas đang hoạt động ở khu vực bãi Luconia.

Từ ngày 22/4/2020, Mỹ đã điều động tàu đổ bộ USS America, tàu tuần dương USS Bunker Hill, tàu khu trục USS Barry, và tàu HMAS Parramatta của Úc, vào Biển Đông để tập trận gần nhóm tàu HD-8 của Trung Quốc để bênh vực Malaysia. Đó là một cố gắng lớn của hải quân Mỹ trong bối cảnh hai tàu sân bay USS Ronald Regan và USS Theordore Roosevelt phải cập cảng Guam và Nhật để bảo trì và cách ly vì nhiều thủy thủ bị lây nhiễm Covid-19.

Từ ngày 1 đến 5/7/2020, hải quân Trung Quốc tập trận tại biển Hoàng Sa, và cho tàu HD-4 xâm nhập vùng EEZ của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngăn cản Việt Nam (và Rosneft) khai thác dầu khí tại lô 06 (Nam Côn Sơn), mặc dù Rosneft đã thuê dàn khoan Clyde Boudreaux của Noble tốn hàng chục triệu USD, nay đang phải chờ tại Vũng Tàu.

Lời kết

Đây là lần đầu tiên Mỹ đã điều động nhóm tác chiến gồm hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz vào Biển Đông tập trận quy mô (từ 4/7). Điều đó phản ánh Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng cường răn đe Trung Quốc, để thuyết phục đồng minh/đối tác. Nhưng tàu chiến Mỹ đến rồi lại đi, trong khi họ phải đối mặt với Trung Quốc. Vì vậy, đến lúc Mỹ cần giúp khu vực thực chất hơn như quay lại với TPP, và giúp triển khai dự án Cá Voi Xanh.

Theo Elbridge Colby (cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) để ngăn chặn mục tiêu của Trung Quốc muốn tạo ra “chuyện đã rồi” (fait accompli) ở Biển Đông, Mỹ và đồng minh phải ngăn chặn Trung Quốc ngay từ đầu. Đã đến lúc các nước ASEAN phải đoàn kết như một bó đũa và thông qua các cơ chế an ninh khu vực để tham gia tuần tra hàng hải chung, trong khuôn khổ ASEAN+3, ADMM+ hoặc là “Bộ Tứ Cộng” (Quad plus) đã hình thành.

Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nhấn mạnh “Hợp tác và Đấu tranh”, trong đó đề cập đến tình hình căng thẳng tại Biển Đông và cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy Sách Trắng vẫn duy trì chính sách “Ba Không” nhưng được điều chỉnh thành “Bốn Không” (hay “Ba không Một nếu”), để ngỏ khả năng hợp tác chiến lược với Mỹ, “nếu có chiến tranh”. Nói cách khác, Sách trắng đã vạch ra “lằn ranh đỏ” (Red line) và gửi đi một thông điệp rõ ràng là Việt Nam quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế của mình nếu bị đe dọa.

N.Q.D.

16/7/2020

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Biển Đông, Quan hệ Mỹ - Trung, Quan hệ Mỹ - Việt. Bookmark the permalink.