Hình như có những mối liên hệ hữu cơ giữa một dự án như Đường sắt cao tốc đã bị Quốc hội bác bỏ với một hiện tượng “ôi thối” kiểu Vinashin? Đúng, chúng đều bắt đầu nẩy ra từ trong cái đầu rửng mỡ của những cô Perrette [1] nước Nam. Có điều, những cô Perrette ở xứ mình không phải mộng mơ một con bò cái với một chú bê con nhảy nhót xung quanh con bò mẹ đâu. Giấc mơ của cô ấy thuộc loại siêu đẳng không một cô Perrette nào của nước Pháp sánh được: cô ta mơ ôm được một phần mười trong con số 56 tỷ đô-la Mỹ cơ. Khiếp không? Cô ấy cũng không mơ xây lâu đài ở Tây Ban Nha làm gì cho nó hão huyền [2] mà là mơ một con số chất ngất trong trương mục của cô ở Nhà băng Thụy Sĩ. Ấy, đích ngắm của các cô là ở đấy đấy.
Bây giờ thì sao? Lẽ ra mấy cô Perrette này đã bị chồng cho ăn đòn hoặc ly hôn từ lâu. Nhưng miệng các cô giẻo lắm, giẻo quẹo. Các cô đứng giữa bàn dân thiên hạ, giơ tay lên, mặt nghênh ngáo, rồi bỗng tỉnh bơ, lên giọng đe dọa: “Cách đi thì ai làm?”
Đành chịu các cô.
Nguyễn Huệ Chi
Từng chất vấn trước Quốc hội về sai phạm của Tập đoàn Vinashin, ĐBQH Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho hay, cùng với các ĐBQH khác, sẽ theo dõi chặt chẽ việc xử lý sai phạm ở tập đoàn này. “Chắc chắn nếu trong quá trình xử lý có dấu hiệu chậm trễ, tôi và các ĐBQH sẽ chất vấn, đôn đốc”, ông Hải nói.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được công bố hôm qua (5/7), Vinashin đã có quá nhiều sai phạm như thành lập gần 200 công ty con không đủ năng lực, đầu tư dàn trải… nên đã trở thành con nợ lớn, công nhân mất việc làm, nợ lương, nợ bảo hiểm. Từng nhiều lần chất vấn trước diễn đàn QH về các sai phạm của Vinashin, ông có hài lòng với kết luận trên?
– Kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ là một tín hiệu rất vui. DNNN nào có công thì phải vinh danh, còn khi phạm khuyết điểm thì phải bị xử lý minh bạch.
Nhưng đáng lẽ ra, sai phạm của Vinashin phải bị xử lý từ lâu rồi, chứ không phải kéo dài, dây dưa đến tận bây giờ. Thất thoát vốn lớn dần, lao động thiếu công ăn việc làm, công trình dự án dang dở, gây bức xúc cho xã hội.
Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước
Nhiều lãnh đạo trên diễn đàn Quốc hội cũng khẳng định với các đại biểu là chưa phát hiện ra sai sót hoặc thua lỗ của Vinashin. Nhưng trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ lại nói rõ là lãnh đạo Tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình thực tế. Vậy, để chuyện đi xa đến như vậy, nên xem xét trách nhiệm thế nào cho thỏa đáng?
– Trước hết là trách nhiệm của Tập đoàn, tập thể và các cá nhân lãnh đạo.
Thứ hai, đây là bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện trách nhiệm quản lý phần vốn nhà nước.
Không phải các sai phạm đến giờ mới phát hiện ra. Đã từ lâu vốn có nhiều ý kiến về việc làm ăn thua lỗ của tập đoàn này. Rồi ý kiến chất vấn trên diễn đàn QH, kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Thế nhưng chuyện làm ăn thua lỗ như vậy cứ kéo dài, vấn đề này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải xem xét trách nhiệm.
Tại cuộc họp báo chiều 2/7, Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn nói Chính phủ không ưu ái Vinashin.
Tuy nhiên, ông Muôn cho hay “ở Vinashin, có những dự án đã đầu tư, có những tàu đã mua nhưng Bộ GT-VT không biết, Thủ tướng không biết, xong xuôi rồi mới hay”.
Vừa qua Chính phủ đã có chủ trương tái cơ cấu lại Vinashin, ông có hài lòng với cách gỡ khó này?
– Tái cơ cấu là cần thiết, động thái tích cực để thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả.
Nhưng tái cơ cấu phải làm rõ lợi ích các đơn vị khác, khi họ phải gánh vác nợ nần. Biết rằng đều là DN nhà nước cùng gánh vác, cùng chia sẻ nhưng phải xem có phải lại chuyển khó khăn từ DN này sang cho các DN khác. Đừng để việc này thành chuyện cực chẳng đã.
Vì tái cơ cấu cũng phải làm rõ chuyện thất thoát, mất vốn nhà nước, nếu không thì tình trạng nợ nần cứ kéo dài.
Vậy còn vai trò giám sát của QH như thế nào khi để tình trạng một tập đoàn kinh tế lớn mắc phải nhiều sai phạm kéo dài lâu đến như vậy?
– Năm ngoái, Ủy ban Thường vụ QH đi giám sát tập đoàn và đã chỉ ra nhiều sai phạm ở Vinashin. Giám sát của QH quan trọng và cần thiết. Nhiều trường hợp đã chuyển biến tốt, tự khắc phục những hạn chế và thúc đẩy cơ quan quản lý nhà nước ráo riết hơn.
Nhưng chuyện hậu giám sát, đôn đốc kiểm tra sau khi có kết luận vẫn còn hạn chế.
QH cũng có trách nhiệm nào đấy, vì khi có kết quả giám sát rồi, phải theo dõi để thực hiện tốt và sát sao hơn nữa.
Lần này, Ủy ban Kiểm tra TƯ cũng đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm, nhưng ở ta lâu nay vẫn có tình trạng kết luận sai phạm kéo dài mà nhiều khi không được xử lý dứt điểm. Cá nhân ông có tiếp tục quan tâm để đôn đốc và nêu ý kiến nếu quá trình xử lý chậm trễ không?
– Ủy ban Kiểm tra TƯ đã kết luận tức là mọi chuyện rõ ràng rồi. Các cơ quan nhà nước sẽ theo dõi để xử lý.
Với tư cách ĐBQH, tôi cũng theo dõi chặt chẽ, chắc chắn nếu trong quá trình xử lý có dấu hiệu chậm trễ, tôi và các ĐBQH sẽ chất vấn, đôn đốc.
“Quá nuông chiều”
Lâu nay dư luận vẫn cho rằng Chính phủ còn nuông chiều các tập đoàn kinh tế “con cưng” nên mới xảy ra những chuyện sai phạm như ở Vinashin. Vậy, qua kết luận sai phạm lần này, ông mong chờ bước tiếp theo là gì?
– Quản lý nhà nước là tạo cơ chế để DNNN thực hiện vai trò kinh tế chủ đạo.
Nhưng nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ thì phải xem xét các nguyên nhân. Tôi chia sẻ với người làm kinh doanh là họ phải chịu những rủi ro khách quan, tác động bên ngoài.
Nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là thực tiễn sai phạm.
Nhà nước lâu nay nuông chiều. Chúng tôi ngoại đạo cũng nhìn thấy sai phạm của Vinashin, làm ăn thất thoát, mua tàu thua lỗ. Toàn những việc đầu tư lãng phí.
Để xảy ra những chuyện như vậy kéo dài nhiều năm thì phải xem lại năng lực quản lý chứ không thể cứ kéo dài hoặc thấy thế buông lỏng quản lý, thất thoát vốn nhà nước.
Sắp tới đây, tôi nghĩ dư luận nhân dân rất mong chờ nhà nước có thể làm rõ trách nhiệm, vị trí, vai trò của một tập đoàn khác, đó là Tập đoàn Điện lực, nhất là sau chuyện thiếu điện kéo dài thời gian gần đây.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng (kỳ họp thứ 7), ĐBQH Vũ Quang Hải hỏi về việc Vinashin mua con tàu trên 1 nghìn tỷ sau đó đưa vào khai thác không có hiệu quả. “Bộ trưởng thừa nhận là việc khai thác con tàu không hiệu quả ảnh hưởng đến tình hình tài chính của tập đoàn Vinashin và từ năm 2009 thì con tàu đã không đưa vào sử dụng, cũng đang tìm kiếm hiệu quả đầu tư?”.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Vinashin đã mua một con tàu với mục tiêu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Đứng về mặt phù hợp với quy hoạch, chúng tôi cho rằng quy hoạch phát triển vận tải hàng hải cũng khuyến khích các doanh nghiệp tìm phương án tổ chức.
Tuy nhiên, Vinashin đã gặp rủi ro về khủng hoảng kinh tế. Doanh nghiệp chưa tính hết về sự kết nối các phương thức vận tải mà trong đó không phải chỉ đơn giản là vận tải bằng tàu, mà còn hệ thống cảng như thế nào, hậu cảng ra sao, các hệ thống kết nối đường bộ như thế nào để tạo điều kiện kết nối các phương tiện vận tải.
Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm.
Sau khi nghe thông tin về tình hình khó khăn và công ty còn định đầu tư tiếp, Bộ đã đình chỉ, yêu cầu công ty xem xét lại phương án làm ăn và không được tiếp tục đầu tư thêm.
Hiện nay, tình trạng dẫn tới thua lỗ và trách nhiệm đây là vốn của doanh nghiệp khai thác và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hiệu quả việc làm ăn của mình. Doanh nghiệp đang xây dựng một vài phương án để xử lý về vấn đề này, tuy nhiên cụ thể thì chúng tôi chưa được báo cáo.
LN
Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201007/Le-ra-Vinashin-phai-bi-xu-ly-tu-lau-roi-920342/
Chú thích của BVN:
[1] Nhân vật trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine trong bài La laitière et le pot au lait (Cô hàng sữa và liễn sữa), chỉ với một liễn sữa kê trên đầu, trên đường ra chợ cô mơ từ tiền bán sữa sẽ sinh rôi ra một đàn gà, một đàn lợn rồi đến một bò cái với một chú bê con. Nhưng vì hứng chí với giấc mơ trong đầu, cô bỗng nhảy nhót như chú bê, và liễn sữa trên đâu liền lăn xuống đất vỡ tan, sữa chảy mất sạch.
[2] Mượn một ý của La Fontaine trong phần kết bài thơ Cô hàng sữa và liễn sữa: “Quel esprit ne bat la campagne? / Qui ne fait château en Espagne?” (Đầu óc nào mà chẳng toan tính những chuyện hão huyền? / Ai mà chẳng định xây lâu đài ở Tây Ban Nha?).