Mai Tú Ân
Khi đã nhận mình là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo hay là một người cầm bút mà đứng trước bất công ta không dám lên tiếng thì liệu ta có xứng đáng với danh xưng vừa cao quí lại vừa giản dị nhỏ bé đó không?
Nhà văn Phạm Thành, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, nhà văn Trần Đức Thạch mới đây và nhà báo Phạm Chí Dũng trước đó, những người vừa bị nhà cầm quyền bắt giữ vô cớ thì đơn giản họ chỉ là những con người luôn sống có trách nhiệm với gia đình, với bạn bè và cao cả hơn là có trách nhiệm với quê hương xứ sở.
Là những người cầm bút chân chính, các anh đã tự đặt cho mình một vị trí đầy trách nhiệm là phổ cập những kiến thức cho người dân, đem lại công bằng cho xã hội. Dùng ngòi bút đầy tính nhân văn các anh ca ngợi những điều tốt đẹp cùng với những con người tốt đẹp, và mài sắc thêm ngòi bút các anh phê phán đả kích những việc xấu cùng những kẻ xấu.
Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy… là những con người giản dị như thế. Bằng cái Tâm, cái Tầm, cái Dũng và với cây bút là vũ khí sắc bén, họ bước vào cuộc đấu tranh không cân sức khi chọn cho mình chỗ đứng cùng với những người dân oan, dân nghèo, những người thấp cổ bé họng, những người luôn bị áp bức…
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ…
(Vũ Hoàng Chương)
Các anh biết trong cuộc đấu tranh ấy, các anh có thể thua cuộc. Đe dọa, khủng bố đồng hành, bắt bớ tù đày song bước nhưng những chân cứng đá mềm của bậc văn nhân trói gà không chặt vẫn không sờn lòng, không lùi bước. Dù không còn trẻ trung trai tráng nhưng những con người cầm bút đang mang trong mình dòng máu đỏ sôi sục của các Sĩ Phu Bắc Hà năm nào, và nó luôn kêu gào phải luôn xứng đáng…
Khi đã nhận mình là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo hay là một người cầm bút mà đứng trước bất công ta không dám lên tiếng thì liệu ta có xứng đáng với danh xưng vừa cao quí lại vừa giản dị nhỏ bé đó không?
Những con người cầm bút đó không còn trẻ nữa, họ đều gần gần với lứa tuổi mà Lý Bạch, nhà thơ Trung Quốc xưa đã nói: ”Người thọ 70 xưa nay hiếm”. Sức đã mòn, lực đã kiệt khi những năm tháng tươi đẹp nhất của họ đã qua từ lâu rồi nhưng dường như dòng máu trai trẻ vẫn chảy trong con người các anh và nó thúc giục các anh tiến tới.
Những con người can đảm đó không cần tôi hay ai khóc xót thương cho số phận hẩm hiu của họ kể từ bây giờ trở đi là những chuỗi ngày ngục tù đen tối. Tất cả đều biết trước cái gì đang chờ đợi họ ở phía trước và không hề sợ hãi, vì nếu sợ họ đã không có mặt trong cuộc đấu tranh này, tất cả đều đã dọn mình chờ đón và chấp nhận nó như một cái giá phải trả khi ta tự nguyện dấn thân…
Những người cầm bút can đảm đó không dấn thân vào nơi mịt mù để rồi khi gãy gánh thì lại cúi đầu xin xỏ, họ cũng không xông vào nơi gió bão để rồi khi ngã ngựa thì lại nại ra tuổi già bệnh tật để cầu xin cái quyền không đứng thẳng người. Trong cuộc đấu tranh không cân sức này họ đứng thẳng người dưới ánh mặt trời. Không hề sợ hãi, họ thanh thản đối đầu với cường quyền, với bóng tối trước mặt với lòng can đảm của những con người mà dòng máu kế thừa của những sĩ phu Bắc Hà xưa còn sôi sục chảy trong huyết quản.
Bỏ lại mái ấm gia đình vợ hiền con dại họ ra đi vào chốn mịt mùng vô định và với nụ cười thanh thản, chấp nhận trả giá cho những việc làm cao cả của mình. Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Trần Đức Thạch, Phạm Chí Dũng… cùng với bao người vô danh khác đã trở thành những người con của nước Nam đang trả nợ cho Mẹ Việt Nam, để cho thiên hạ biết nước Nam luôn có những người Nam sẵn sàng trả nợ cho quê hương Việt Nam…
Người chiến binh bước về phía sông Dịch,
Mà chưa một lần quay đầu ngoái cố hương.
Chân bước gập ghềnh gươm đàn gãy gánh,
Mà tấm lòng son vẫn sáng lung linh…
M.T.Â.
VNTB gửi BVN