Hoàng Xuân Phú
Ngày 05/6/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra bản kết luận điều tra số 210/PC01 (Đ3) đối với vụ án xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Theo đó, về tội “Giết người” có 25 người dân Đồng Tâm bị đề nghị truy tố theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Bauxite Việt Nam xin trích lại các đoạn trong bài viết của GS. TS. Toán học Hoàng Xuân Phú phân tích về “nguyên nhân” cái chết của 3 sĩ quan công an.
Để tiện cho độc giả theo dõi khi xem lại toàn bộ bài viết, chúng tôi xin giữ nguyên các số thứ tự phân mục và hình ảnh như trong bài gốc.
Bauxite Việt Nam
***
Hãy tưởng tượng xem, sau khi cụ Lê Đình Kình bị giết dã man như vậy, thì điều gì sẽ xảy ra, nếu phía công an chẳng có ai bị chết? Đương nhiên, dư luận sẽ lên án hành vi man rợ, chà đạp thô bạo Hiến pháp, pháp luật.
Nếu chỉ có một công an bị chết, thì vẫn chưa đủ để xoa dịu dư luận. Nhưng khi 3 công an bị chết thì câu chuyện đã khác.
Nếu chỉ có Thiếu úy và Trung úy bị chết, thì có thể còn bị gièm pha, rằng chẳng qua sa sẩy do còn ngờ nghệch. Nhưng khi Thượng tá, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô cũng bị chết, thì khó có thể quy kết cho khả năng và trình độ chiến đấu kém cỏi.
Đặc biệt, nếu 3 công an bị chết vì đạn hay mìn, thì có lẽ chỉ gây thương xót. Nhưng khi họ chết vì bị thiêu cháy, như trong Ảnh 18 và Ảnh 19, thì sẽ khiến hàng triệu người căm thù cụ Lê Đình Kình và những người dân Đồng Tâm. Cơn phẫn nộ ấy mạnh đến mức xóa tan những băn khoăn về cuộc tấn công và việc giết hại cụ Kình một cách hoàn toàn phi pháp.
(Trích bài viết Tội ác Đồng Tâm của GS.TS. Hoàng Xuân Phú)
2. CÁI CHẾT CỦA BA SĨ QUAN CÔNG AN
Ba sĩ quan công an bị chết là Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân và Trung úy Phạm Công Huy. Họ được lãnh đạo và đài báo quốc doanh ca ngợi đã dũng cảm hy sinh. Song liệu bản thân họ có tự hào và hài lòng với sự hy sinh của mình hay không?
Nghe nói Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân đã từng viết: "Chiến tranh bảo vệ tổ quốc không đáng sợ, nhưng đáng sợ là máu đổ chính vì người dân mình."
Nếu quả thật anh đã từng viết như vậy, thì khó có thể tự hào về việc mình bị chết khi tham gia tấn công người dân Đồng Tâm. Và cũng khó có thể hài lòng, khi ngẫm nghĩ nơi chín suối về cái chết của bản thân.
2.1. QUYẾT ĐỊNH BẤT THƯỜNG
Ngày 10/1/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 41/QĐ-CTN, truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho ba cá nhân Nguyễn Huy Thịnh, Dương Đức Hoàng Quân và Phạm Công Huy, vì "đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc"
(xem Ảnh 16).
Ảnh 16: Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất
Về phần mình, với Quyết định này, Chủ tịch nước cũng lập chiến công với ba kỷ lục.
– Kỷ lục thứ nhất là về thời gian: Quyết định được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký chỉ một ngày sau khi 3 sĩ quan công an lập chiến công (vào ngày 9/1/2020). Như vậy là nhanh gấp 4 lần so với thời gian mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang cần để xem xét và ký quyết định (vào ngày 21/2/2018) truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhì cho Thượng úy công an Lưu Minh Thức, đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ truy bắt đối tượng liên quan đến vụ án giết người (vào ngày 17/2/2018). Và nhanh gấp 3 lần so với thời gian mà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cần để xem xét và ký quyết định (vào ngày 10/7/2014) truy tặng Huân chương Chiến công cho các sĩ quan và chiến sĩ quân đội đã hy sinh và bị thương trong vụ rơi máy bay Mi-171 (xảy ra vào sáng 7/7/2014).
Về lý mà nói, phải có khoảng thời gian cần thiết để xem xét thận trọng, xác định rõ nguyên nhân cái chết cũng như chất lượng chiến đấu, trước khi quyết định truy tặng Huân chương Chiến công. Bởi không thể trao Huân chương Chiến công cho những người đã chết chỉ vì làm sai quy định, hay làm trái mệnh lệnh chiến đấu. Vậy mà, trong trường hợp này, ba sĩ quan công an mới bị chết ngày 9/1/2020, thì ngay ngày hôm sau, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công cho họ, trước cả khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký Quyết định số 70/QĐ-TTg vào ngày 11/1/2020 về việc cấp bằng "Tổ Quốc ghi công" cho ba liệt sĩ.
– Kỷ lục thứ hai là về sự hào phóng: Cả sĩ quan cấp tá Nguyễn Huy Thịnh và hai sĩ quan cấp úy Dương Đức Hoàng Quân, Phạm Công Huy đều được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất.
Nhắc lại rằng:
+ Thượng úy công an Lưu Minh Thức chỉ được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhì.
+ Với 18 sĩ quan quân đội đã hy sinh trong vụ rơi máy bay Mi-171, chỉ có ba sĩ quan cấp tá được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất và hai sĩ quan cấp tá được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhì, còn tất cả 13 sĩ quan cấp úy đều chỉ được truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba.
Chứng tỏ, chiến công tấn công người dân Đồng Tâm được đánh giá cao hơn hẳn so với chiến công quốc phòng và chiến công truy bắt đối tượng liên quan đến vụ án giết người.
– Kỷ lục thứ ba là về tính tiên phong: Trong Quyết định số 41/QĐ-CTN ký ngày 10/1/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gọi Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh là Đại tá, gọi Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân là Trung úy, và gọi Trung úy Phạm Công Huy là Thượng úy (xem Ảnh 17), mặc dù một ngày sau đó (tức 11/1/2020) Bộ trưởng Bộ Công an mới ký quyết định thăng cấp bậc hàm cho ba người ấy.
Ảnh 17: Danh sách các cá nhân được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất
Không dừng lại ở đó, mấy ngày sau Dương Đức Hoàng Quân lại được truy phong tiếp lên Thượng úy và Phạm Công Huy được truy phong tiếp lên Đại úy. Tức là, hai sĩ quan cấp úy được truy phong hai cấp, trong khi liệt sĩ thường chỉ được truy phong một cấp mà thôi.
Vì sao?
2.2. HIỆU QUẢ HY SINH
Tại sao cái chết của ba sĩ quan công an lại được đánh giá là "chiến công đặc biệt xuất sắc"?
Hãy tưởng tượng xem, sau khi cụ Lê Đình Kình bị giết dã man như vậy, thì điều gì sẽ xảy ra, nếu phía công an chẳng có ai bị chết? Đương nhiên, dư luận sẽ lên án hành vi man rợ, chà đạp thô bạo Hiến pháp, pháp luật.
Nếu chỉ có một công an bị chết, thì vẫn chưa đủ để xoa dịu dư luận. Nhưng khi 3 công an bị chết thì câu chuyện đã khác.
Nếu chỉ có Thiếu úy và Trung úy bị chết, thì có thể còn bị gièm pha, rằng chẳng qua sa sẩy do còn ngờ nghệch. Nhưng khi Thượng tá, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô cũng bị chết, thì khó có thể quy kết cho khả năng và trình độ chiến đấu kém cỏi.
Đặc biệt, nếu 3 công an bị chết vì đạn hay mìn, thì có lẽ chỉ gây thương xót. Nhưng khi họ chết vì bị thiêu cháy, như trong Ảnh 18 và Ảnh 19, thì sẽ khiến hàng triệu người căm thù cụ Lê Đình Kình và những người dân Đồng Tâm. Cơn phẫn nộ ấy mạnh đến mức xóa tan những băn khoăn về cuộc tấn công và việc giết hại cụ Kình một cách hoàn toàn phi pháp.
Ảnh 18: Xác một người chết cháy và vết tích cửa sổ bị phá từ phía trong nhà phá ra
Ảnh 19: Bên cạnh hai đám tro có ba que hương và trên mỗi đám tro có một que hương
Nghĩa là, cái chết của ba sĩ quan công an đã giúp nhà cầm quyền biến sai thành đúng, chẳng những tránh được dư luận lên án, mà còn được nhiều người ủng hộ.
Hiệu quả cao như vậy, thì đương nhiên phải đánh giá là "chiến công đặc biệt xuất sắc".
2.3. CÁI CHẾT KỲ DỊ
Sau khi tung ra mấy kịch bản hoang đường về nơi chết và lý do chết của ba sĩ quan công an, sáng 14/1/2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã thông báo cho báo chí về tình huống ba sĩ quan công an hi sinh ở Đồng Tâm như sau:
Tại sao cả ba sĩ quan công an lại cùng ngã xuống hố kỹ thuật như vậy?
Có ý kiến cho rằng vì không tiến hành trinh sát, nên không biết có cái hố kỹ thuật nằm ở vị trí ấy. Nói như vậy là coi thường ý thức và khả năng tổ chức chiến đấu của lãnh đạo Bộ Công an. Thời chiến tranh, bộ đội phải vượt qua nhiều hàng rào dây thép gai dày đặc bom mìn và nhiều vòng canh gác cẩn mật để trinh sát cơ sở địch. Vậy thì bây giờ, khó khăn gì có thể ngăn cản công an trinh sát nhà dân giữa lòng hậu phương? Nếu không thể quan sát trực tiếp từ mấy nhà trong xóm, thì cũng có thể dùng các thiết bị kỹ thuật thông dụng để quan sát từ xa.
Tôi chụp Ảnh 20 (panorama) khi đang đứng ở miệng hố kỹ thuật. Do đó, nếu ta nhìn thấy khu vực nào trong ảnh, thì ngược lại, từ khu vực ấy cũng có thể quan sát miệng hố kỹ thuật. Qua đó ta thấy, có thể quan sát miệng hố kỹ thuật từ rất nhiều vị trí. Nếu không quan sát từ ngôi nhà phía trước, thì chỉ cần cho một chiếc flycam bay lên là có thể ghi hình rõ ràng sân thượng nhà ông Chức cùng hố kỹ thuật. Vậy nên, những người lên kế hoạch tấn công Đồng Tâm phải biết về sự tồn tại của cái hố kỹ thuật ấy.
Ảnh 20: Ảnh chụp panorama từ miệng hố kỹ thuật
Lại có ý kiến cho rằng, ba sĩ quan bị rơi xuống hố kỹ thuật vì trời quá tối, mà lại không được trang bị đèn chiếu sáng. Nói như vậy khác nào chê lãnh đạo Bộ Công an vừa vô trách nhiệm, vừa ăn chặn kinh phí trang bị khí tài, khiến chiến sĩ xung trận không được trang bị những dụng cụ tối thiểu.
Thực ra, khi xảy ra cuộc tấn công thì khu vực xung quanh hố kỹ thuật không hề tối, thậm chí nhiều khi đèn pha còn chiếu thẳng vào nơi đó. Và khu vực ấy cũng không hề bị khói mịt mù bao phủ. Ảnh 21 là bằng chứng rõ ràng cho điều đó. Hình ảnh này được trích ra từ video clip (tại thời điểm 00:31) của chương trình thời sự VTV, được đăng lại trên nhiều báo, ví dụ như trong bài "Thu giữ lựu đạn, bom xăng, bắt các đối tượng gây rối ở xã Đồng Tâm" đăng trên Vietnamnet, hay trong bài "Diễn biến vụ Đồng Tâm: Bắt các đối tượng gây rối" đăng trên báo Đất Việt. (Để thấy quả thật quang cảnh trong Ảnh 21 tương ứng với khu vực xung quanh hố kỹ thuật, hãy so sánh nó với Ảnh 22, được chụp vào ban ngày). Cho nên, ba sĩ quan công an phải nhìn thấy hố kỹ thuật.
Vậy mà vẫn ngã xuống hố, rồi lại được đánh giá là "chiến công đặc biệt xuất sắc"… Điều đó chứng tỏ, hiệu quả hy sinh đã được đánh giá cao hơn hẳn chất lượng và hiệu quả chiến đấu.
Ảnh 21: Quang cảnh xung quanh khu vực hố kỹ thuật khi xảy ra cuộc tấn công
Ảnh 22: Quang cảnh xung quanh khu vực hố kỹ thuật vào ban ngày
Lẽ ra, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng công an, để tránh tái diễn những sai lầm chết người tương tự. Nhưng ngược lại, theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn của Bộ Công an, và Công an các tỉnh lại phát động phong trào học tập ba liệt sĩ đã hy sinh ở Đồng Tâm.
Học tập cái gì?
Phương pháp rơi xuống hố ư?
Không, thứ cần học không phải là phương pháp và kinh nghiệm chiến đấu, mà chỉ là thái độ chấp nhận hy sinh.
Điều đó cho thấy, khi đối tượng tác chiến của lực lượng vũ trang mang tên nhân dân chính là nhân dân, thì thứ thế lực cầm quyền muốn có nhất ở các sĩ quan và chiến sĩ không phải là kỹ năng và hiệu quả chiến đấu, mà là bản năng tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh bất chấp đúng sai, và thái độ nghiễm nhiên chấp nhận hy sinh cả khi phi nghĩa. Chỉ có như vậy, thì họ mới chịu chĩa súng vào đầu dân và chĩa cả vào nhau, sẵn sàng bóp cò mỗi khi có lệnh.
Khi về nơi chín suối, hẳn các liệt sĩ đã kịp nhận ra mức độ hài hước của khẩu hiệu "Còn đảng còn mình". Bởi đảng vẫn còn, mà mình chẳng còn.
2.4. ĐỘI HÌNH QUÁI LẠ
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, "trong quá trình truy đuổi, một tổ công tác gồm ba người đã hi sinh". Ba người ấy là:
– Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an;
– Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an;
– Trung úy Phạm Công Huy, cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Khu vực 3, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố Hà Nội.
Tại sao lại sinh ra một tổ công tác với đội hình lại quái lạ như vậy?
Trung đội trưởng, Đại đội trưởng và Tiểu đoàn trưởng đi đâu, mà để Phó Trung đoàn trưởng phải trực tiếp chỉ huy một cán bộ cấp tiểu đội?
Sĩ quan, chiến sĩ trẻ trung đi đâu, mà để một Thượng tá 48 tuổi phải lạch bạch đuổi theo mấy gã nông dân?
Tại sao Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô không chốt ở vòng ngoài để chỉ đạo chung, mà lại sa đà truy đuổi mấy đối tượng, để rồi ngã xuống hố kỹ thuật?
Tại sao lại phân công một cán bộ chữa cháy vào tổ ba người để truy đuổi đối tượng?
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải thích: "Về việc tại sao tổ công tác có cả cán bộ phòng cháy chữa cháy hy sinh, thì lực lượng này là để xử lý tình huống các đối tượng có bom xăng, bùi nhùi…".
Song chỉ những đầu óc ngây ngô mới có thể thỏa mãn với lời giải thích ấy. Bởi lực lượng tấn công vào Đồng Tâm không thương dân đến mức lo chữa cháy nhà dân, và người dân cũng không dại dột đến mức tự phóng hỏa đốt nhà mình. Thành thử, nếu người dân có ném cái gọi là bom xăng (mà thực chất chỉ là mấy chai bia Hà Nội chứa xăng, được bịt nút bằng ni lông, không hiểu cháy kiểu gì – xem Ảnh 15) và bùi nhùi, thì cũng chỉ ném chúng ra đường, nên cùng lắm chỉ gây ra mấy đám cháy tượng trưng trên mặt đường, một lát sau sẽ tự tắt ngấm, hà tất phải cần đến cán bộ chữa cháy. (Hãy xem các video clip về biểu tình có bạo loạn ở trong và ngoài nước để thấy, chẳng có lính cứu hỏa nào lao vào dập mấy đám cháy trên mặt đường do bom xăng gây ra cả).
Ảnh 15: Bom xăng Đồng Tâm
Thông thường thì lính cứu hỏa chỉ đứng ở vòng ngoài, đợi khi có đám cháy to thì mới xông vào chữa cháy. Hơn nữa, lính cứu hỏa không chữa cháy một mình, mà thường sát cánh với nhiều đồng đội cùng tổ chữa cháy, những người đã từng cùng nhau dày công luyện tập hiệp đồng tác chiến. Vậy thì, tại sao lại tách riêng một mình cán bộ chữa cháy Phạm Công Huy, rồi phân vào một tổ với hai người xa lạ, để truy bắt đối tượng?
Không riêng Trung úy Phạm Công Huy, mà Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân cũng bị tách khỏi đội hình gần gũi. Thành thử, nếu có điều bất trắc xảy ra với họ, thì đồng đội thân thiết khó lòng hay biết. Chính vì thế, Huy đã ngã xuống từ khi trời chưa sáng, mà đến lúc họp giao ban hàng ngày Đội trưởng của Huy (Trung tá Nguyễn Như Ý) mới nhận được tin, và vẫn không tin, nên phải liên tục gọi điện thoại nhiều nơi để xác minh. Nghĩa là, khi ngã xuống, gần Huy chẳng có ai là đồng đội thân thuộc (cùng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Khu vực 3).
Thật khó mà tìm được lý do chính đáng để biện minh cho việc lập ra một tổ công tác ba người với thành phần quái lạ như vậy. Tuy nhiên, nếu coi hy sinh và gây căm thù là đích, thì đội hình ấy lại có được mấy lợi thế như sau:
– Một là, một tổ với ba người xa lạ thì chẳng gắn bó, khó phối hợp ăn ý, và không có ràng buộc tình cảm, nên dễ bị hy sinh hơn.
– Hai là, tính mạng Thượng tá Phó Trung đoàn trưởng cao giá hơn hẳn tính mạng mấy sĩ quan cấp úy. Vì thế, tác dụng gây căm thù cũng cao hơn. Ngoài ra, trước khi chết, sĩ quan cấp cao còn có thể thi hành nhiệm vụ tuyệt mật, khó lòng trao cho sĩ quan trẻ với tâm hồn còn trong sáng.
– Ba là, lính cứu hỏa được đào tạo để chữa cháy và cứu người trong những hoàn cảnh đời thường, nhưng khi bản thân bị giết thì khả năng tự vệ rất thấp. Đặc biệt, lính cứu hỏa có thể mang theo, hoặc buộc phải mang theo những thứ có thể gây cháy, để rồi chúng có thể trở thành nhiên liệu thiêu cháy chính bản thân và người khác, tương tự như hoàn cảnh được đề cập trong bài "Đồng Tâm: Lính bị ‘nướng’ 1000 độ?" của Trung Hiếu.
Mặt khác, cán bộ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là thành phần ít bị tai tiếng nhất trong lực lượng công an, nên dư luận càng thương cảm nếu bị giết hại. Hơn nữa, cán bộ chữa cháy Phạm Công Huy đang có đứa con thơ mới 6 tháng tuổi, nên cái chết của Huy lại càng có tác dụng gây căm thù trong nhân dân, đối với những ai bị Bộ Công an cáo buộc là hung thủ, hay đã ra lệnh cho hung thủ. Nghĩa là, chọn Trung úy chữa cháy Phạm Công Huy vào tổ đặc vụ sẽ đồng thời có được mấy lợi thế đặc biệt cho đích hy sinh và gây căm thù.
H.X.P.
Nguồn: Hoang Xuan Phu’s Home Page
*Tên bài do BVN đặt