Chứng cứ do VTV cung cấp

Hoàng Xuân Phú

(Trích bài viết “Viết thêm về tội ác Đồng Tâm” của GS Hoàng Xuân Phú)

GIÁO SƯ TOÁN HỌC HOÀNG XUÂN PHÚ CHỨNG MINH:

– KHÔNG CÓ CHUYỆN DÂN ĐỒNG TÂM “NÉM BOM XĂNG, SỬ DỤNG LỰU ĐẠN, DAO PHÓNG TẤN CÔNG LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG”.

– VẬT LIỆU CHÁY ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG HỐ KỸ THUẬT THUỘC DẠNG PHÁO HOA, ĐƯỢC SỬ DỤNG VỚI KHỐI LƯỢNG LỚN, NÊN KHÔNG THỂ THUỘC VỀ NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÂM.

NHƯ VẬY VIỆC ĐỐT CHÁY 3 XÁC ĐÓ ĐÃ ĐƯỢC CQ THU XẾP TRƯỚC NHƯ MỘT ĐẶC VỤ RIÊNG BIỆT.

Mặc dù Phần 2 (Vết tích vụ cháy dưới đáy hố kỹ thuật) đã giúp thu hẹp đáng kể phạm vi phỏng đoán vật liệu cháy được sử dụng, song ta vẫn muốn biết cụ thể: Thứ vật liệu ấy là gì?

Để có được câu trả lời, bình thường phải đợi kết quả xét nghiệm. Song trong trường hợp này, chính đoạn video mà VTV đã phát, có lẽ do công an cung cấp để tố cáo người dân Đồng Tâm, lại cung cấp miễn phí những bằng chứng để bảo vệ người dân Đồng Tâm.

Ta hãy cùng nhau khảo sát 32 giây đầu (từ thời điểm 0:00 đến thời điểm 0:32) của đoạn video chiếu trên VTV24 về việc “bắt giữ các đối tượng gây rối ở xã Đồng Tâm”, được lưu trữ tại địa chỉ https://www.youtube.com/watch?v=FrfuIDJLI-g.

Đoạn 32 giây này tương ứng với khoảng thời gian từ 36:27 đến 36:59 trong đoạn video của chương trình Thời sự 19h, phát trên VTV1 vào đêm 9/1/2020, và được lưu trữ tại địa chỉ https://vtv.vn/video/thoi-su-19h-vtv1-09-01-2020-415508.htm.

Về mặt âm thanh, đầu tiên ta nghe thấy một giọng đàn ông gào lên: “Yêu cầu các đối tượng đầu hàng, đừng để hành vi đi vượt giới hạn”. Tiếp đó, một nữ phát thanh viên dõng dạc: “Mặc dù đã dùng loa kêu gọi, không được hành động vượt quá giới hạn, nhưng các đối tượng chống đối vẫn rất manh động. Chúng đã ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng tấn công lực lượng chức năng”.

Ơ hay, nếu quả thật “mặc dù đã dùng loa kêu gọi, không được hành động vượt quá giới hạn, nhưng các đối tượng chống đối vẫn rất manh động”, thì phải kêu gọi tiếp, chứ tại sao lại gào lên đúng một lần, rồi đột nhiên dừng hẳn, như thể lịch sự nhường lời cho nữ phát thanh viên?

Hơn nữa, giọng đàn ông át cả tiếng súng nổ đì đoàng phía xa xa, chẳng ăn nhập với cảnh đụng độ đang diễn ra, khiến người nghe cảm thấy tiếng gào đã được bổ sung thêm trong phòng thu, chứ không phải được hét vào loa khi đang diễn ra chiến sự. Âu cũng là một cách diễn, nhằm nhấn mạnh sự manh động của đối tượng chống đối, và tô vẽ thêm sự kiềm chế nhẫn nại của lực lượng tấn công.

Về mặt hình ảnh, trong số 32 giây video mà VTV dùng để mô tả trận tấn công vào Đồng Tâm 9/1/2020, thì 9 giây được dành cho cổng làng, tất cả 23 giây còn lại đều được dành để đặc tả tâm điểm của trận tấn công. Đó là khu vực có bốn ngôi nhà của cụ Lê Đình Kình, ông Lê Đình Công, ông Lê Đình Chức và ông Lê Đình Hợi (xem Ảnh 1).

Phía trước bốn ngôi nhà có một con đường dọc, vừa to vừa thẳng, hướng đúng vào khu vực này. Cho nên, nếu muốn thì có thể đứng trên con đường ấy mà quay video từ xa, vừa an toàn, lại vừa quay được rõ ràng và trọn vẹn toàn bộ khung cảnh của khu tâm điểm. Thế nhưng, họ đã chọn vị trí đứng quay video trên con đường ngang. Từ góc nhìn ấy, ngôi nhà hai tầng của ông Công che hết ngôi nhà cụ Kình (nơi diễn ra cuộc tấn công và giết người phi pháp), và che cả khu vực miệng hố kỹ thuật (nơi thiêu cháy ba sĩ quan công an). Rõ là tinh vi, phải không?

Ảnh 1: Khung cảnh tâm điểm của trận tấn công vào Đồng Tâm 9/1/2020

Đặc biệt, suốt 32 giây ghi hình chiến sự, ống kính chỉ hướng chếch lên cao, chẳng lúc nào hướng vào đường thôn, hay mặt đất.

Thử hỏi, có bao giờ quay phim chiến sự diễn ra trên mặt đất, mà lại tránh ghi hình mặt đất hay không? Phải chăng họ có quay cả đường thôn, nhưng rồi đành phải cắt bỏ, vì khi xem lại thì chỉ thấy toàn cảnh sát lúc nhúc trên đường thôn, mà chẳng hề xuất hiện bóng ma nào của đối tượng chống đối?

Mặc dù đã được chuẩn bị công phu và quay phim trong thế hoàn toàn chủ động, theo đúng kế hoạch đã được đề ra từ trước, nhưng đoạn video được VTV trình chiếu không hề trưng ra bất cứ hình ảnh nào về việc các đối tượng chống đối “ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng tấn công lực lượng chức năng”.

Vâng, chẳng hề thấy hình ảnh nào của đối tượng chống đối, mà chỉ thấy đầu của mấy cảnh sát, tha thẩn đứng ngay trước ống kính, thản nhiên như mấy kẻ tò mò ngoài cuộc. Thậm chí, hình ảnh một chai bom xăng đang bốc cháy cũng không có nốt.

Giả sử, nếu người dân Đồng Tâm đã ném bom xăng khi bị tấn công, thì tất nhiên chai chứa xăng đã cháy (còn lành hay đã vỡ) vẫn nằm ngổn ngang trên đường Đồng Tâm lúc trời sáng hẳn. Khi đó, đối tượng chống đối đã bị bắt hết và công an đã chiếm hết thôn Hoành. Vậy tại sao không quay phim, chụp ảnh vết tích bom xăng đã được sử dụng?

Từ đó ta thấy:

(1) Trên thực tế, khi diễn ra cuộc tấn công vào Đồng Tâm 9/1/2020, chẳng hề có chuyện đối tượng chống đối “ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng tấn công lực lượng chức năng”.

Vì vậy, Bộ Công an – thông qua VTV – đành tạo ra cái cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ. Đó là cách sáng tác nhất quán từ đầu đến cuối của Bộ Công an đối với cuộc tấn công vào Đồng Tâm.

Nhận xét này có thể khiến một số người xem video phản đối, sau khi đã nghe nhiều tiếng nổ, đã thấy nhiều tia chớp và đám lửa. Đúng là có nhiều tiếng nổ, nhiều tia chớp và đám lửa, nhưng vấn đề là chúng từ đâu mà ra?

Để có được câu trả lời, tôi đã phải xem đi xem lại đoạn video, kiên trì lặp đi lặp lại cực nhiều lần vòng thao tác: bắt đầu – dừng lại – tách ảnh màn hình – lưu trữ. Đặc biệt, phải nhấp chuột cực nhanh, thì mới thu được những khoảnh khắc quan trọng chỉ diễn ra trong chớp nhoáng. Nhờ thế, đã chớp được hơn 150 khoảnh khắc mang tính đặc trưng. Để rồi, khi từ từ cho chúng hiển thị liên tiếp, thì như có được một đoạn phim cực chậm, trong đó quá trình diễn ra của từng đợt cháy nổ và đường bay của từng đốm cháy hiện ra rõ mồn một.

Qua đó có thể khẳng định:

(2) Nhiều đợt cháy nổ hiện ra trong đoạn video xuất phát từ hố kỹ thuật nằm giữa nhà ông Chức và nhà ông Hợi.

Trong 23 giây video quay tâm điểm chiến sự, có ít nhất 9 lần vật liệu cháy bay ra từ phía hố kỹ thuật và phát nổ trên đường thôn.

Hẳn có người thắc mắc: Làm gì có chuyện vật liệu cháy từ đáy hố kỹ thuật (sâu khoảng 4 mét) bay lên gần với phương thẳng đứng, rồi đột nhiên đổi chiều và bay cắm xuống đường thôn?

Bình thường thì điều đó khó xảy ra, nhưng trong trường hợp này thì hoàn toàn có thể.

Hãy xem lại Ảnh 1 (phần phóng to ở góc trên bên trái), để thấy mái bằng bê tông của nhà ông Hợi chìa ra khỏi tường một đoạn khá lớn. Và hãy xem lại đoạn video, để thấy rằng, nhiều khối vật liệu cháy nổ dường như xuất phát từ phần mái bằng chìa ra ấy. Đơn giản là, khi vật liệu cháy bay lên từ đáy hố kỹ thuật thì vấp phải mái bằng của nhà ông Hợi, nên đổi chiều chuyển động và bay xuống đường thôn. Điều đó lý giải, tại sao trong đoạn video có nhiều lượt cháy nổ xuất hiện trên đoạn đường trước nhà cụ Kình và nhà ông Chức.

Vâng, đúng là có nhiều tiếng nổ, nhiều tia chớp và đám lửa xuất hiện trong đoạn video do VTV công bố. Nhưng không phải do người dân Đồng Tâm, mà do vật liệu cháy nổ từ dưới hố kỹ thuật bay lên gây ra.

Để bạn đọc có thể hình dung rõ hơn, tôi đã chọn ra 32 khoảnh khắc và ghép lại trong bốn bức ảnh, từ Ảnh 2 đến Ảnh 5.

Ảnh 2: Tám khoảnh khắc diễn ra từ giây 0:18 đến giây 0:19

Xem Ảnh 2, ta thấy trong hình số 1 của Ảnh 2 có một vụ cháy xuất hiện phía sau chậu cây cảnh đặt trên ban công nhà ông Công (so sánh với Ảnh 1 để thấy hình ảnh của chậu cây cảnh được chụp vào ban ngày). Đó là khi quầng lửa mới vượt ra khỏi miệng hố kỹ thuật. Rồi bùng cháy to hơn trong hình số 2. Hình số 3 thể hiện rõ ràng hiện tượng đổi chiều chuyển động của vật liệu cháy, do vấp phải phần mái bằng chìa ra. Hình số 4 ghi lại chuyển động tiếp theo của vật liệu cháy. Hình số 5 ghi lại khoảnh khắc bùng nổ lớn nhất. Sau đó khu vực cháy nổ co dần trong ba hình còn lại, để lộ ra hình ảnh của nhiều cục vật liệu cháy khác đang bay tiếp. Quá trình ấy diễn ra từ giây 0:18 đến giây 0:19.

Xem Ảnh 3, ta thấy trong hình 1 của Ảnh 3 giai đoạn vật liệu cháy đã đổi chiều. Các cục vật liệu cháy bay trong hình số 2, số 3 và số 4, rồi bùng nổ trong bốn hình còn lại. Quá trình ấy diễn ra từ giây 0:19 đến giây 0:20.

Ảnh 3: Tám khoảnh khắc diễn ra từ giây 0:19 đến giây 0:20

Xem Ảnh 4, ta lại thấy trong hình số 1 của Ảnh 4 một vụ cháy xuất hiện phía sau chậu cây cảnh đặt trên ban công nhà ông Công. Hình số 2 thể hiện giai đoạn vật liệu cháy nổ vừa mới đổi chiều. Sáu khoảnh khắc tiếp theo của vụ nổ được thể hiện trong sáu hình còn lại. Quá trình ấy diễn ra trong giây 0:21.

Ảnh 4: Tám khoảnh khắc diễn ra trong giây 0:21

Ảnh 5 cho ta một khung cảnh đặc biệt.

Đó chính là cận cảnh của bức tường nhà ông Hợi, nơi tiếp giáp với sân thượng nhà ông Chức và nằm sát miệng hố kỹ thuật.

Hình số 1 của Ảnh 5 chụp khoảnh khắc lửa trùm hết mặt tường đầu hồi của nhà ông Hợi. Sau đó quầng lửa thu hẹp lại và tan dần trong năm hình tiếp theo, để lộ ra đường ống thoát nước từ mái, mà ta có thể nhìn thấy rõ hơn [đường ống thoát nước đó] trong Ảnh 1. Đợt cháy trước vừa kết thúc trong hình số 7, thì một đợt cháy mới lại bùng lên từ hố kỹ thuật trong hình số 8. Quá trình ấy diễn ra từ giây 0:29 đến giây 0:30.

Ảnh 5: Tám khoảnh khắc diễn ra từ giây 0:29 đến giây 0:30

Hai giây sau, VTV ngừng chiếu cảnh chiến sự Đồng Tâm, để trưng ra lời khai của Nguyễn Văn Tuyển, rằng “cụ Kình chỉ đạo cứ cho 3 thằng chết là phải chạy hết…”. Vì vậy, khán giả VTV không còn cơ hội chứng kiến diễn biến tiếp theo của vụ thiêu xác trong hố kỹ thuật.

Tuy nhiên, xem đến đó cũng đã đủ để tin rằng:

(3) Có một vụ thiêu đã diễn ra trong hố kỹ thuật.

Hơn nữa, hiện tượng cháy kèm theo tiếng nổ cho thấy:

(4) Vật liệu cháy được sử dụng trong hố kỹ thuật thuộc dạng pháo hoa.

Ta viết “thuộc dạng pháo hoa”, bởi có lẽ không phải là nguyên ống pháo hoa thông thường, mà có thể được chế ra từ đó. Chẳng hạn, có thể lấy ống pháo hoa thông thường, rồi bỏ bớt bộ phận có chức năng đẩy pháo bay xa và gây ra vụ nổ lớn. Thậm chí, có thể cắt bớt ống pháo hoa cho đủ ngắn, vừa dễ vận chuyển, vừa đỡ bị lộ. Chính vì vậy, mặc dù phần lớn vật liệu cháy bắn vào vách trái của hố kỹ thuật, gây ra một số tổn thương trên vách đó, nhưng không xuất hiện những vùng lõm do nổ lớn tạo ra. Và những khối vật liệu cháy vượt ra khỏi hố kỹ thuật cũng không bay xa, như khoảng cách bay thường thấy của pháo hoa.

Mặc dù hầu hết vật liệu được ném xuống đã cháy hết ngay trong hố kỹ thuật, nhưng số vật liệu bay ra khỏi hố kỹ thuật (ngoài ý muốn) cũng khá lớn. Kết hợp với vết tích lưu lại trên vách trái của hố trong Ảnh 2.5, có thể suy ra:

Ảnh 2.5: Vách trái của hố kỹ thuật

(5) Khối lượng vật liệu cháy đã được ném xuống hố kỹ thuật lớn đến mức không thể là trang bị thông thường, mà việc thu xếp để có được chúng phải là một đặc vụ riêng biệt.

Ai có thể có và làm thế nào để có được một khối lượng vật liệu cháy dạng pháo hoa như vậy? Cần khẳng định ngay:

(6) Số vật liệu cháy đã được ném xuống hố kỹ thuật KHÔNG thuộc về người dân Đồng Tâm.

(Trong một thể chế tử tế, thì khẳng định này là thừa. Song, sau khi đã chứng kiến cơ quan công an chữa kịch bản Đồng Tâm bằng ấy lần, thì không ai có thể đảm bảo, họ sẽ không bịa thêm một kịch bản mới, nhằm cáo buộc người dân Đồng Tâm đã sử dụng pháo hoa để thiêu ba sĩ quan công an).

Tại sao có thể khẳng định kết luận (6)?

Bởi vì một mặt, nếu số vật liệu cháy đã được ném xuống hố kỹ thuật thuộc về người dân Đồng Tâm, thì “Cơ quan điều tra Việt Nam thuộc hàng giỏi nhất thế giới” đã phát hiện ra, và vì thế đã không cáo buộc là người dân Đồng Tâm đổ xăng để thiêu chết ba sĩ quan công an.

Mặt khác, với quy định ngặt nghèo về quản lý và sử dụng pháo trong Nghị định số 36/2009/NĐ-CP, và trong hoàn cảnh Nhà máy Z121 của Bộ Quốc phòng là nơi duy nhất của Việt Nam được quyền sản xuất pháo hoa, thì dù ba hoa đến mấy, người dân Đồng Tâm cũng không thể kiếm được bằng ấy pháo hoa.

Ngược lại, nếu muốn thì Bộ Công an có thể có pháo hoa bằng những cách khác nhau.

Ví dụ, cách chính quy là nhân danh xử lý đối tượng chống đối trong quá trình xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn và dành đất cho Viettel (cả hai đều của Bộ Quốc phòng), Bộ Công an có thể đề nghị Bộ Quốc phòng cung cấp pháo hoa do Nhà máy Z121 sản xuất.

Cách linh hoạt là nhập pháo hoa từ nước ngoài. (Sau khi đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay giữa thủ đô Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức, rồi đưa về Hà Nội một cách ngoạn mục, để Thanh nộp “Đơn xin đầu thú”, thì việc mua pháo hoa từ nước ngoài chỉ là chuyện vặt).

Cách đơn giản và ít để lại dấu vết, là bớt từ số pháo hoa được cung cấp cho các điểm bắn pháo hoa trên toàn quốc. Vì thời điểm tấn công vào Đồng Tâm gần Tết, nên có lẽ khi ấy một lượng pháo hoa khổng lồ đã được Nhà máy Z121 xuất kho và chuyển đi khắp nơi, để bắn vào lúc giao thừa. Do đó, chỉ cần kín đáo bớt xén mỗi nơi một ít, thì gom lại đã có đủ vật liệu cháy để tiến hành công vụ Đồng Tâm. (Thời điểm tấn công Đồng Tâm sát Tết âm lịch còn đem lại lợi thế như vậy!). Hoặc có thể bớt từ số pháo hoa đã được bắn tại một số điểm vào dịp Tết dương lịch 2020.

Kết thúc phần phân tích chứng cứ do VTV cung cấp, cần khẳng định thêm:

(7) Để có thể ném xác của ba sĩ quan công an xuống hố kỹ thuật và phóng hỏa thiêu cháy một cách an toàn và kín đáo, hung thủ chỉ có thể đứng trong nhà ông Hợi và nấp sau cái cửa sổ hướng ra hố kỹ thuật.

Thật vậy, nếu không đứng ở trong nhà ông Hợi, thì hung thủ chỉ còn cách đứng trên sân thượng của nhà ông Chức để hành sự. Khi đó, những đám lửa bùng cháy trùm cả khu vực (như đã thấy trong bốn ảnh, từ Ảnh 2 đến Ảnh 5) sẽ thiêu cháy cả hung thủ. Hơn nữa, nếu hình ảnh hung thủ không lọt vào ống kính chỉ cách đó có mấy chục mét, thì nhiều người trong đội quân tấn công cũng nhìn thấy quá trình hung thủ sát hại ba sĩ quan công an.

Tóm lại, đoạn video mà VTV đã phát để tố cáo người dân Đồng Tâm lại cung cấp miễn phí những bằng chứng để bảo vệ người dân Đồng Tâm. Qua đó, có thể rút ra bảy kết luận đã nêu trên, xin được nhắc lại ở đây:

(1) Trên thực tế, khi diễn ra cuộc tấn công vào Đồng Tâm ngày 9/1/2020, chẳng hề có chuyện đối tượng chống đối “ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng tấn công lực lượng chức năng”.

(2) Nhiều đợt cháy nổ hiện ra trong đoạn video xuất phát từ hố kỹ thuật nằm giữa nhà ông Chức và nhà ông Hợi.

(3) Có một vụ thiêu đã diễn ra trong hố kỹ thuật.

(4) Vật liệu cháy được sử dụng trong hố kỹ thuật thuộc dạng pháo hoa.

(5) Khối lượng vật liệu cháy đã được ném xuống hố kỹ thuật lớn đến mức không thể là trang bị thông thường, mà việc thu xếp để có được chúng phải là một đặc vụ riêng biệt.

(6) Số vật liệu cháy đã được ném xuống hố kỹ thuật KHÔNG thuộc về người dân Đồng Tâm.

(7) Để có thể ném xác của ba sĩ quan công an xuống hố kỹ thuật và phóng hỏa thiêu cháy một cách an toàn và kín đáo, hung thủ chỉ có thể đứng trong nhà ông Hợi và nấp sau cái cửa sổ hướng ra hố kỹ thuật.

Lưu ý rằng, kết luận (4) hoàn toàn phù hợp với bốn kết luận đã được trình bày trong Phần 2 (Vết tích vụ cháy dưới đáy hố kỹ thuật).

Thay vì phê phán hành động tấn công phi pháp vào Đồng Tâm và giết hại cụ Lê Đình Kình, nhiều người lại đứng về phía chính quyền, lên án cụ Kình và người dân Đồng Tâm. Dư luận đảo chiều như vậy do cái chết bi thảm của ba sĩ quan công an, mà Bộ Công an tuyên bố là họ bị ngã xuống hố kỹ thuật, rồi bị người dân Đồng Tâm đổ xăng thiêu cháy.

Thế nhưng, sau khi đã bổ sung thêm chứng cứ và lập luận ở Phần 2Phần 3, thì càng khó bác bỏ kết luận đã được rút ra trong bài “Tội ác Đồng Tâm“, đó là:

Người dân Đồng Tâm không hề đổ xăng xuống hố kỹ thuật để thiêu cháy ba sĩ quan công an. Hơn nữa, nếu thừa nhận Tiên đề 1 (tức là cả ba sĩ quan công an đều bị chết cháy trong hố kỹ thuật nằm giữa nhà ông Lê Đình Chức và nhà ông Lê Đình Hợi) và Tiên đề 2 (tức là xác người chết cháy và hai đám tro trong hai bức ảnh đã đăng là phần còn lại của ba sĩ quan công an sau khi bị thiêu cháy trong hố kỹ thuật), thì có thể suy ra: Ba sĩ quan công an không tự ngã xuống hố kỹ thuật. Họ đã bị ném xuống hố và bị thiêu cháy, nhưng không phải bởi người dân Đồng Tâm.

Qua bảy kết luận từ (1) đến (7) trong Phần 3, thì chân tướng của vụ thiêu cháy ba sĩ quan công an đã trở nên quá rõ.

Có ý kiến cho rằng, không thể có chuyện công an cố tình giết đồng đội, và đưa ra giả thuyết: Có thể do vô tình mà quân ta bắn phải quân mình ở nơi khác, sau đó mới đành phải khiêng đến đấy, rồi ném xác xuống hố kỹ thuật mà thiêu, nhằm phi tang, tiện thể đổ tội cho gia đình cụ Kình. Vậy thử hỏi, khi ống kính quay video đang hướng liên tục vào phía ấy và có rất nhiều cảnh sát cũng đứng gần khu vực ấy, thì có ai lại dại dột khiêng ba cái xác công an vào đấy để thủ tiêu tang chứng hay không?

Chắc nhiều người vẫn tin, hung thủ không thuộc thành phần tham gia tấn công vào Đồng Tâm, hoặc/và việc ba sĩ quan công an bị giết không thể là kết quả của kế hoạch đã được vạch ra từ trước. Để bảo vệ quan điểm này, phải trả lời được bốn câu hỏi sau, thì mới có thể thuyết phục nhiều người khác cùng tin:

(I) Nếu không thuộc thành phần tham gia tấn công Đồng Tâm, thì hung thủ có thể tiếp cận ba sĩ quan công an với đầy đủ súng ống, để hạ gục và thiêu cháy họ ngay giữa tâm điểm của cuộc tấn công, khu vực có máy quay video liên tục ghi lại diễn biến chiến sự và có rất nhiều cảnh sát chứng kiến hay không?

(II) Nếu không khảo sát kỹ càng từ trước, thì có thể chọn được vị trí đặc biệt phù hợp đến thế, để thiêu cháy ba thi thể bằng vật liệu cháy siêu mạnh hay không?

(III) Nếu không chuẩn bị từ trước, thì có bằng ấy vật liệu cháy dạng pháo hoa để thiêu hay không?

(IV) Nếu không căn cứ vào “quy hoạch cán bộ”, thì có thể đột nhiên “đề bạt” ba sĩ quan công an xa lạ vào một tổ công tác với đội hình quái lạ (như đã phân tích trong Phần 2.4 của bài “Tội ác Đồng Tâm”) hay không?

Link bài trên Facebook:

– Tội ác Đồng Tâm: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10158087036534679&id=85922774678&__tn__=K-R.

– Viết thêm về tội ác Đồng Tâm:

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10158143783249679&id=85922774678&__tn__=K-R.

H.X.P.

Nguồn: http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php…

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Mặt thật cộng sản, Vụ án Đồng Tâm. Bookmark the permalink.