Tàu – cái nôi của đại dịch vi trùng corona – đã huênh hoang trở lại

Edward Lucas

Nguyệt Quang Bảo dịch

Trung Quốc – có vẻ như – đã thắng được trận chiến chống lại vi trùng corona. Cũng có thể quốc gia đó đã thắng được cuộc chiến giành quyền bá chủ toàn cầu nữa.

Điều đó có thể là một cái kết quả ngược đời. Sự bùng phát trận dịch vi trùng corona bắt nguồn từ Trung Quốc, theo tin tức loan truyền là từ các khu chợ bán gia súc ‘không cấm’ ở thành phố Vũ Hán. Những tập tục kỳ quái (đối với chúng ta) ăn những động vật hoang dã nhiễm đầy vi trùng gây bệnh như là rắn và dơi – cũng như loài tê tê đang bị đe doạ nghiêm trọng nữa – bán ở những khu chợ này là một sở thích của một thiểu số ở Trung Quốc hiện đại.

Nhưng trong một môi trường có mật độ dân số dày đặc, nối kết với nhau thì đó là một ác mộng về dịch tễ học – và là một mối nguy mà giới cầm quyền Trung Quốc đã ngơ đi.

Sự trì hoãn và lừa dối về các xuất xứ của trận bùng phát đại dịch đã khiến phải trả giá bằng khoảng thời gian quý báu – và nhiều ngàn sinh mạng cả trong Trung Quốc lẫn phần còn lại của thế giới do sự trì hoãn và lừa dối đó.

Thật sự là Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đang dối trá về con số thật sự của những ca bệnh và trường hợp tử vong, theo một báo cáo mới của tình báo Hoa Kỳ rò rỉ trong tuần này. Điều này đã dẫn đến một trận khẩu chiến ngày càng gay gắt giữa hai quốc gia này.

Nhưng khi các nước khác vật vã tìm cách đương đầu với đại dịch này, sự tương đối thành công của Trung Quốc đang tạo ra sự chú ý.

Có những lý do hiển nhiên cho điều đó. Bởi không bị những ràng buộc phải xem xét những vấn đề như là tính hợp pháp và quyền riêng tư, chế độ độc tài đó đã sử dụng (và vẫn còn đang sử dụng) sự cách ly bắt buộc cùng với những biện pháp khắc nghiệt khác, như là theo dõi từng người qua điện thoại di động của họ, dùng máy thu hình bằng tia hồng ngoại đo nhiệt độ, và dùng phần mềm vi tính nhận diện để ngăn chặn đại dịch ngay tại chỗ.

Trong lúc chúng ta ở phương Tây chật vật với việc phong toả và giao tiếp cách ly, thì đời sống ở hầu hết khắp Trung Quốc đều đang trở lại bình thường khi những hạn chế được dỡ bỏ từng phần hoặc hoàn toàn, giao thông giữa các thành phố tái lập, các hãng xưởng bắt đầu sản xuất và các nhà kho bắt đầu chất chứa hàng hoá trở lại.

Một quyển sách mới được viết đúng lúc bởi một chuyên gia người châu Á, Kishore Mahbubani, thẳng thừng đặt ra một câu hỏi: ‘Trung Quốc đã thắng hả?’.

Lập luận của ông là sự lãnh đạo của Trung Quốc quyết đoán và hiệu quả đã bỏ xa Hoa Kỳ là quốc gia có hình mẫu kinh tế, chính trị và xã hội đang thất bại – và sự ứng phó vụng về của chính quyền Trump đối với đại dịch vi trùng corona chắc chắn là một bằng chứng cho điều này.

Mặc dù Mahbubani bỏ qua một số về những tật xấu của Trung Quốc, nhưng bài viết phê bình gay gắt của nhà ngoại giao Singapore kỳ cựu này về tính tự phụ, tham lam và thiển cận phương Tây cũng hoàn toàn hợp lý.

Nó làm cho những lời xì xào khoa trương rỗng tuếch trong tuần này ở Downing Street về một sự ‘tính sổ’ với Trung Quốc một khi đại dịch này đã qua có vẻ như quá tự tin một cách đầy nguy hiểm.

Điều trước tiên là phải đứng lên chống lại những gian hùng và xảo trá của Vladimir Putin trong điện Kremlin. Ngoài những nguồn tài nguyên thiên nhiên ra, nền kinh tế bị thu hẹp, trì trệ của Nga xuất cảng chẳng có gì đáng kể.

Nhưng Trung Quốc thì lại là vấn đề khác. Cơn khát hàng hoá rẻ của chúng ta đã cung cấp năng lượng cho sự nở rộ nhanh chóng về kinh tế ở đó, làm cho nó trở thành cường quốc chế tạo đầy quyền năng của thế giới và là một phần sống còn của chuỗi cung ứng của chúng ta.

Tháo gỡ rối ren từ những mối quan hệ này sẽ là một công việc chậm chạp và tốn kém, cho dù chúng ta thực hiện điều đó cùng với các đồng minh của chúng ta.

Như Charles Parton, người đã từng đứng đầu ‘canh chừng Trung Quốc’ trong chính phủ Anh, lập luận trong phiên bản mới nhất của tạp chí Standpoint, chúng ta không có một chiến lược đối phó với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc thì lại có một chiến lược để đối phó với chúng ta.

Qua nhiều năm chế độ Bắc kinh đã và vẫn còn đang chơi trò chia và trị chống lại một phương Tây ầm ĩ lặt vặt và tự mãn.

Nhưng Trung Quốc đã gài sang số mới cho chiến thuật của nó.

Trước tiên là nó phun đầy trên bức tranh truyền thông của nó bằng những thuyết âm mưu lố bịch – chẳng hạn như là cáo buộc rằng vi trùng corona đã được thiết kế trong một phòng thí nghiệm của Mỹ để dùng làm một phần trong một âm mưu gây tổn hại cho Trung Quốc.

Rồi nó làm cho nổi bật những yếu kém trong cách ứng xử của các nước khác đối với trận bùng nổ dịch bệnh đó dưới chiêu bài giúp đỡ các nước đó. Nó sử dụng cái ảnh hưởng của nó là nơi sản xuất để gởi những gì trông có vẻ như là những số lượng khổng lồ tiếp liệu y tế đến các nước đã bị ảnh hưởng nặng, kèm theo đó là những đòi hỏi về những nhượng bộ ngoại giao và chính trị.

Câu chuyện này lại được chế tạo ở một quy mô rộng lớn để tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.

Phần lớn của cái ‘viện trợ’ này là kết quả của những sự giao hàng căn cứ trên những hợp đồng thương mại hiện có.

Nhưng hình ảnh của một Trung Quốc tự tin, có năng lực và quảng đại, một siêu cường thực sự, tất cả đều trái ngược quá rõ nét với sự ứng phó quờ quạng của Donald Trump ở Mỹ. Hoặc quả thực là những nỗ lực ngày càng kém may mắn thêm của chính phủ chúng ta.

Nhưng với tất cả những thất vọng đối với các lãnh đạo của chúng ta, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề đại dịch này đã nêu rõ chiến lược lâu dài và động cơ của Trung Quốc. Đừng có nghi ngờ gì cả: Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa nhắm tới thống trị thế giới vào khoảng năm 2049.

Điều đó chẳng phải là chuyện phao tin đồn hoang tưởng. Đó là cái đích công khai rõ ràng của lãnh đạo Trung Quốc – Hoàng đế – Tập cận Bình.

Ông ta muốn đất nước ông ta được ‘phát triển đầy đủ, giàu có, và hùng mạnh’ – và thoạt nhìn thì cũng sẽ chẳng mấy ai không đồng ý về điều đó.

Trí thông minh và sự cần cù của người Trung Quốc thực sự đã đưa đất nước đi lên từ một cảnh sống cơ cực và kinh hoàng gây ra bởi sự điên rồ của những cuộc thí nghiệm hệ tư tưởng không khoan nhượng của Mao Chủ tịch. Ở đâu chủ nghĩa cộng sản thất bại, ở đó chủ nghĩa tư bản chiến thắng.

Các thủ phủ đang nở rộ của Trung Quốc làm cho các thành phố của chính chúng ta có vẻ như tồi tàn và lạc hậu. Sản phẩm Trung Quốc thường rẻ hơn, hiện đại hơn và tin tưởng hơn so với những đối tác phương Tây của chúng ta.

Chúng ta nên chia sẻ niềm vui với sự thịnh vượng mới có được của người dân Trung Quốc, hệt như là chúng ta ngưỡng mộ nền văn hoá của họ.

Nhưng chúng ta cũng nên sợ cái chế độ độc ác cai trị họ.

Vì cho dù Đảng Cộng sản Trung Quốc nói về sự hợp tác hữu nghị Đông-Tây, nhưng những tham vọng điên cuồng của nó là chẳng có bất cứ thứ gì có tính hữu nghị trong đó cả.

Nó nắm và sử dụng quyền lực ngoại giao, kinh tế, quân sự và công nghệ độc ác nhằm đeo đuổi mục đích này: một thế giới tuân theo những luật lệ của Trung Quốc.

Những luật lệ này sẽ làm ớn lạnh đến tận tim của chúng ta.

Điều trước tiên là rằng lời của Đảng đó là luật. Sự phê bình chỉ trích bị bóp nghẹt ngay tại chỗ bởi cái ‘Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc’, nó ngăn, không cho 1,4 tỷ dân nhận những thông tin trên mạng từ thế giới bên ngoài. Thông tin liên lạc giữa người Trung Quốc với nhau bị quản lý và kiểm duyệt. Những ai lên tiếng đều trả một cái giá đáng sợ.

Chúng ta đã biết về số phận khủng khiếp của thiểu số theo đạo Hồi của quốc gia đó, những người Uighur ở miền tây Trung Quốc. Nền văn hoá lịch sử của họ phá huỷ hoàn toàn, với một triệu người hoặc hơn đã bị đưa tới những trại điều khiển tư tưởng, nơi mà họ bị buộc phải tẩy xoá những tục lệ tôn giáo của họ.

Những gia đình người Uighur bị buộc phải chấp nhận những người đàn ông Trung Quốc thuộc sắc tộc Hán làm ‘những người tạm trú’ – những người khách không được hoan nghênh không những kiểm soát những khoảnh khắc riêng tư nhất của gia đình mà còn đòi hỏi phải có những quan hệ tình dục từ những người chủ nhà.

Thật xấu hổ, những quốc gia Hồi giáo, thường lớn tiếng bênh vực những người đồng đạo của họ, lại giữ im lặng về những trường hợp bất lương này.

Tôi vừa mới gặp Liu Xia, goá phụ của tù nhân chính trị nổi tiếng của Trung Quốc, Liu Xiabo quá cố.

Và chúng ta cũng đừng quên Li Wenliang, vị bác sĩ dũng cảm 33 tuổi ở Vũ-hán.

Sau khi ông ta đã cảnh báo cho các bác sĩ đồng sự về căn bệnh truyền nhiễm mới này rằng nó có thể gây ra viêm phổi chết người và hối thúc họ mang áo quần bảo hộ, cảnh sát đã bắt ông ta phải ký một bản tường thuật thừa nhận rằng sự cảnh bảo của ông đã cấu thành ‘hành vi bất hợp pháp’. Ông ta chết tháng vừa rồi sau khi nhiễm vi trùng corona từ các bệnh nhân.

Chí ít thì chúng ta cũng )biết được số phận của ông ta. Một bác sĩ lên tiếng cảnh báo khác ở Vũ-hán, Ai Fen, chỉ đơn giản là mất tích.

Bác sĩ Li Wenliang (Lý Văn Lượng 李文亮) – người cảnh báo sớm về coronavirus của Trung Quốc đã qua đời vào ngày 7 tháng 2, tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Những cảnh báo ban đầu của ông về sự bùng phát coronavirus mới của Trung Quốc đã bị cảnh sát TQ đàn áp.

Chế độ đó cũng đang ra sức đàn áp sự chỉ trích từ bên ngoài. Các đại sứ quán Trung Quốc trên khắp thế giới mắng chửi các cơ quan báo chí vì đưa tin chỉ trích, phun ra những sự buộc tội kỳ thị chủng tộc, bài Trung và thành kiến.

Một lá thư từ Zeng Rong (Tăng Vanh 曾嵘), người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở London cho xuất bản trong một tờ báo Anh ngày hôm qua đã theo đúng chủ trương như vậy, mắng chửi một bài báo chuyển tải những sự chỉ trích Trung Quốc về cách xử lý sai lầm của nó đối với vi trùng corona và kết quả là tranh cãi về những hạn chế thương mại mới nghiêm ngặt.

‘Coi thường sự hy sinh khổng lồ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19 là sự phỉ báng’, người phát ngôn đó viết như vậy.

Điều này xảy ra sau một cơn giận dữ tương tự hôm thứ Năm, khi Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ về sự ‘phỉ báng đạo đức’ – cũng lại vẫn từ ngữ đó – sau khi cộng đồng tình báo Mỹ tuyên bố Trung Quốc đang xem thường con số ca nhiễm vi trùng corona của họ.

Đây là một phần của những gì mà ông Tập gọi là ‘thuật ngoại giao chó sói’ – một thái độ quyết đoán mới, bất chấp tất cả đối với thế giới bên ngoài. Nó bao hàm bắt nạt và đe doạ, dù là đối với sự chống đối nhỏ nhặt nhất và chỉ có tính cách tượng trưng nhất.

Thuật ngoại giao đó có hiệu quả. Các lãnh đạo của chúng ta sợ lên tiếng về vấn đề nhân quyền.

Trong khi đó, những kẻ hay bắt nạt của Bắc kinh cũng không ngừng ra sức cô lập ‘Trung Quốc khác’ – quốc gia Đài Loan dân chủ, thân thiện và thịnh vượng.

Điều bất ngờ là Đài Loan đã chinh phục được con vi trùng corona hiệu quả hơn nhiều và nhân văn hơn nhiều so với giới cầm quyền cộng sản ở đại lục, với 348 ca nhiễm và 5 trường hợp tử vong tính đến nay. Quốc gia này viện trợ thực sự cho các quốc gia khác đang vất vả với đại dịch này.

Mặc kệ – đảo quốc đó bị đối xử như là một tỉnh nổi loạn. Trung Quốc đã dùng thủ đoạn để tranh thủ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho tới chỗ là các viên chức của nó trong Liên Hiệp Quốc từ chối ngay cả đề cập đến từ ‘Taiwan’ (Đài Loan) trong công chúng.

Khi một phóng viên TV dũng cảm từ Hồng Kông chất vấn Bruce Aylward của WHO về điều này, ông ta chỉ biết cúp điện thoại bà ta. Đoạn video về sự việc đó lan truyền nhanh trên mạng: có vài điều mà ngay cả kẻ quan liêu hách dịch nhất cũng không thể kềm chế được – vẫn còn đó.

Dĩ nhiên là các thư viện cũng đầy những quyển sách về những tội ác bị phạm phải bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại người dân của nó trong hàng thập niên qua, ở cái giá đã trả bằng hàng chục triệu sinh mạng. Vô số sự tàn ác chống lại môi trường cũng đã phạm.

Người dân Trung Quốc vạch đúng ra rằng tài liệu lưu trữ của chúng ta hoàn hảo hơn rất nhiều. Chúng ta ở Anh quốc đã trở nên giàu có bằng cách làm ô nhiễm môi trường – có nhớ ‘những nhà máy tối tăm quỷ quái’ ở Jerusalem không? Chúng ta cũng đã săn lùng các loài vật cho tới mức chúng bị diệt chủng luôn đó.

Thêm vào đó, Anh quốc và các cường quốc phương Tây khác đã lợi dụng không thương tiếc sự yếu kém của Trung Quốc, nhất là trong suốt các cuộc Chiến tranh Nha phiến ô nhục của thế kỷ thứ 19. Nhưng cái nhà nước Trung Quốc hiện đại làm cho Vương quốc Anh cho dù ở mức nhẫn tâm nhứt của mình cũng trông có vẻ nhân từ.

Thương mại, sức mạnh chính trị và hành chính đều bị hỏng. Cái thị trường khổng lồ trong nước, và sự đối xử tàn nhẫn của các công ty ở bên ngoài, nói lên rằng cái sân chơi kinh tế được cấp giấy phép làm lợi cho Trung Quốc một cách không thể nào lay chuyển được.

Bất kỳ một công ty phương Tây nào làm ăn ở Trung Quốc đều phải phục tùng những luật lệ Trung Quốc, bao gồm cả sự hiện diện của một chi bộ Đảng Cộng sản bên trong công việc làm ăn đó, với cái quyền điều khiển cái ban quản lý chỉ trên danh nghĩa. Tài sản trí tuệ thì bị trộm cắp có hệ thống.

Chúng ta có thể nhìn thấy những hậu quả kinh khủng của sự thụ động đối với Huawai. Một cái gọi là công ty độc lập, gã khổng lồ kỹ thuật này thực ra là một công ty hoàn toàn sở hữu và điều khiển của Nhà nước – Đảng Trung Quốc.

Những thiết bị và phần mềm (software) của nó thì rẻ. Nhưng cái giá phải trả thực sự của nó thì đến sau – bằng cách cho phép Huawei (Hoa Vi 华为) đóng một vai trò trong mạng lưới di động 5G mới của chúng ta khi chính phủ chúng ta đã thực hiện xong là chúng ta đưa cho những kẻ quan liêu đầy thú tính của Bắc kinh nắm những chiếc chìa khoá vào tương lai của đất nước chúng ta.

Vài đồng minh thân cận nhứt của chúng ta, Úc và Hoa Kỳ đã nghiêm cấm sự hiện diện của Huawei trong hạ tầng cơ sở của họ, còn chúng ta thì không. Thế nhưng, bộ máy giám sát công chúng của Trung Quốc chẳng phải chỉ nhằm vào việc giữ dân chúng của nó trong tầm quản lý, mà nó còn đang thu thập dữ liệu về thế giới bên ngoài nữa.

Hiện nay Trung Quốc đang bắt đầu triển khai một cuộc đấu thầu trơ tráo để định hình tương lai của mạng thông tin toàn cầu (Internet). Cấu trúc hiện thời, vô trật tự không còn tin tưởng được nữa, các viên chức Trung Quốc lập luận như vậy.

Họ nói đúng, rằng Internet, chê bai gốc rễ của nó là một mạng lưới dành cho những người không chuyên nghiệp và dùng trong giáo dục, không hề được phác hoạ cho vai trò hiện đại của nó như là hệ thần kinh trung ương của nền văn minh chúng ta.

Nó mang lại cái phạm vi khổng lồ cho các tội phạm, côn đồ và những kẻ bất lương khác.

Nhưng kế hoạch của Trung Quốc sẽ làm cho chúng ta rợn người. Được soạn thảo bởi nhóm viễn thông Huawei, cùng với các công ty quốc doanh China Unicom và China Telecom, cùng với Bộ Kỹ thuật Công nghệ và Thông tin (MIIT) của quốc gia đó, tiêu chuẩn ‘Quy Tắc Mạng Mới’ (‘New IP’) sẽ được bầu chọn tại một hội nghị của Liên hiệp Viễn thông Quốc tế vào tháng Mười Một, một cơ quan liên chính phủ đã muốn nắm quyền điều khiển Internet từ lâu.

Phương án đó sẽ thay thế kiểu mẫu phân cấp (phi tập trung) hiện tại của Internet, kiểu mẫu mà việc quyết định gởi hay nhận dữ liệu nằm trong tay cá nhân những người sử dụng và các máy vi tính của họ, bằng một kiểu mẫu ‘từ trên xuống’ mà ở nhiều quốc gia nó sẽ trao sự quản lý việc đọc thông tin trên mạng và sử dụng Internet của chúng ta cho các công ty viễn thông quốc doanh.

Tuy nhiên, sự đời đang đổi thay. Nhiều Nghị viên Bảo thủ điên tiết về sự quỵ luỵ của đất nước này đối với Trung Quốc qua Huawei. Họ cũng lưu ý đến sự tổn hại mà nó đang gây ra cho mối quan hệ của chúng ta với các nước mà chúng ta chia sẻ thông tin tình báo với họ.

Với sức ảnh hưởng của Huawei đã gắn liền vào mạng lưới viễn thông của chúng ta, những nước này sẽ chẳng còn sẵn lòng, hoặc có thể, chia sẻ những bí mật với chúng ta theo như cách mà chúng ta đã coi như là điều tự nhiên từ những năm 1940.

Các quốc gia khác cũng đang thức tỉnh.

Liên hiệp Châu Âu hiện giờ coi Trung Quốc là một ‘đối thủ chung’. Úc đã thông qua một số luật mới không thể ngờ, hình sự hoá sự can thiệp bên ngoài vào nền chính trị của họ, và buộc phải có một sự đăng ký bắt buộc đối với những ai đang vận động hành lang cho quyền lợi của những thế lực bên ngoài. Chúng tôi sẽ khẩn cấp xem xét những biện pháp tương tự như vậy.

Quyển sách mà đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo ở Úc là Silent Invasion (tạm hiểu là Sự Xâm Lược Thầm Lặng), được viết bởi một viện sĩ hàng đầu được gọi là Clive Hamilton. Trong một quả quyết ngấm ngầm về luận cứ của mình, ông ta đã cố sức tìm cách cho nó được xuất bản. Nhưng khi nó thực sự được xuất hiện thì nó đã trở thành một quyển sách bán chạy nhất ngay tức khắc.

Quyển sách kế tiếp của ông ta là Hidden Hand (tạm hiểu Bàn Tay Phía Sau), nói về sự xâm lược Anh quốc của Trung Quốc. Sẽ ra mắt vào đầu tháng Năm, nó là cuốn sách báo động – và sẽ làm xấu hổ tận tâm can những kẻ nào trong giới quyền lực của chúng ta đã nhận tiền và những đặc ân từ chế độ ở Bắc kinh.

Hoàn cảnh của chúng ta có thể có vẻ như thảm khốc. Nhưng chúng ta có hai sự hưởng ứng có hiệu quả: sự đoàn kết và tính tự phát.

Các quan lại cộng sản tin rằng hệt như là họ tuân theo những kế hoạch cứng rắn và những chỉ thị bí mật, phần còn lại của thế giới buộc phải làm theo cùng cách đó. Khi chúng tôi có thể hành động theo sáng kiến riêng của chúng tôi, họ bị thất bại.

Một xã hội tự do thì có đầy các cá nhân và các tổ chức với quyền tự do hoạt động. Với tư cách là những cá nhân, tổ chức thương mại, các tổ chức từ thiện, các trường đại học, chúng ta đều có thể thực hiện quyền tự do đó, hạ thấp những ràng buộc với chế độ cộng sản đó, và nâng cấp những mối giao tiếp với Đài Loan, với những người tham gia các phong trào ở Hồng Kông, và với những người đứng lên chống lại sự ức hiếp bên trong Trung Quốc.

Viên thị trưởng tuyệt vời của thành phố Prague, Zdenek Hrib, đã cho thấy con đường đó hồi năm ngoái. Các đại diện của Trung Quốc doạ áp đặt trừng phạt vì sự ủng hộ nhân quyền của ông ta. Chẳng sao cả, ông Hrib đã nói vậy. Thay vào đó chúng ta sẽ tăng cường những mối liên kết với Đài Loan.

Cũng có sự an toàn nằm trong những con số. Trừng phạt một cá nhân, một tờ báo hoặc một quốc gia thì dễ. Nhưng nếu sự phản đối được nhân rộng thành hàng chục, hàng hai chục hoặc hàng trăm lần khắp nhiều quốc gia, các sự bắt nạt sẽ hoàn toàn bất lực. Trung Quốc là một nước lớn. Nhưng nó không thể chống lại cả thế giới.

Chúng ta cần thể hiện sự đoàn kết với những ai bị Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ. Bởi nếu chúng ta không sát cánh với họ thì ai sẽ sát cánh với chúng ta khi đến lượt chúng ta bị tấn công?

Nhiều người có thể có cảm nghĩ rằng không có thời gian để khiêu chiến. Sự ‘tính sổ’ thực sự khi sự khủng hoảng đã qua không nên giữa Anh quốc và Trung Quốc, mà là với các quan chức và các chính trị gia, là những kẻ đã trì hoãn và dối trá sự ứng phó của họ đối với COVID-19, đang giáng một đòn những cái giá phải trả khổng lồ về kinh tế, con người và xã hội lên phần còn lại của chúng ta.

Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng ưu điểm tuyệt vời của hệ thống chúng ta là chúng ta có thể bắt những nhà cai trị của chúng ta phải chịu trách nhiệm về những sai lầm của họ. Chúng ta hãy hy vọng rằng chúng ta có thể tiếp tục được như vậy. Còn nói về Trung Quốc thì không thể cũng nói như vậy được.

E.L.

Dịch giả gửi BVN

Dịch từ nguồn: https://www.dailymail.co.uk/news/article-8186173/China-cradle-coronavirus-pandemic-bounced-astonishing-speed.html?ito=facebook_share_article-bottom&fbclid=IwAR0HWOeRQI32NKZ4f6hDFfmcBuiMowwAcxppHLfKU_UWPvDX3FJgP1K8HBQ

BVN bổ sung tên TQ trong bài bằng âm Hán Việt và chữ Hán

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Coronavirus, Virus Trung Quốc, Virus Vũ Hán, Virus Vũ Hán và ĐCSTQ. Bookmark the permalink.