Đại dịch Vũ Hán: Đảng CSTQ và nhu cầu cải tổ công pháp quốc tế (武汉病毒大流行期间中共在国际舞台上的话语和行为以及迫切需要改革国际法)

Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao)

Nhân loại đương đại đã trải qua nhiều thảm họa lớn lao. Hai cuộc Thế chiến thứ Nhất (1914-1918) và thứ Hai (1939-1945), cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (1929-1933), các tội khủng bố và diệt chủng của Hitler và Đức Quốc Xã, các tội khủng bố, chống nhân loại và diệt chủng của Stalin, Mao Trạch Đông và Polpot…

Đại dịch Vi Khuẩn Vũ Hán là một trong những thảm họa lớn lao của nhân loại.

Số người nhiễm bệnh lên đến hàng trăm ngàn và nhanh chóng đến hàng triệu. Số người tử vong hàng chục ngàn và trên đà nhanh chóng lên đến hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu. Vi khuẩn Vũ Hán có tiềm năng gieo rắc tang thương cho nhân loại vượt ra ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Vi khuẩn này tàn độc vì không những nó giết con người, mà còn giết cả nền tảng kinh tế của nhân loại.

Tại Úc Đại Lợi, một trong những quốc gia trù phú nhất thế giới, tình trạng kinh tế trở nên vô cùng tệ hại. Chính phủ chi ra hàng trăm tỷ để cứu vãn nền kinh tế quốc gia, kể cả trợ cấp 70% lương bổng của mỗi công nhân (1500 Úc Kim mỗi 2 tuần) hầu họ giữ được việc làm. Tại Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển khác, đều có những biện pháp tương tự.

Tại các quốc gia nghèo hơn như Ấn Độ, tình trạng bi thảm hơn nhiều. Hàng ngàn người tử vong và triệu người trên thế giới thất nghiệp rơi vào cảnh thiếu ăn và màn trời chiếu đất.

Trên nguyên tắc, các cá nhân (Tập Cận Bình và đồng lõa) và tập thể (Đảng CSTQ và chính quyền Trung Quốc) có thể phải chịu trách nhiệm về đại họa này vì họ đã cấu tạo đủ các yếu tố vi phạm các tội hình luật nghiêm trọng sau đây:

  1. Tội khủng bố (terrorism): được định nghĩa như sử dụng bạo lực và sự đe dọa phi pháp, nhất là chống lại thường dân, hầu đạt đến những mục tiêu chính trị.

  1. Tội nhà nước khủng bố (state terrorism):được định nghĩa như hành động khủng bố của một quốc gia đối với một quốc gia khác hoặc đối với chính những công dân của mình.

  1. Tội ác chống nhân loại (crime against humanity):được định nghĩa như hành động cố tình nhằm tấn công một cách rộng rãi và có hệ thống chống lại bất cứ cá nhân dân sự hoặc một thành phần có thể nhận diện của quần chúng dân sự. Tội này bao gồm tội diệt chủng (genocide) được định nghĩa như giết hàng loạt một nhóm người chẳng hạn thuộc một dân tộc hay chủng tộc.

Tuy nhiên trên bình diện công pháp quốc tế, khả năng truy tố cá nhân và tập thể trên hầu như không có vì những lý do sau đây:

Sau Đệ nhị Thế chiến, trật tự thế giới qua những định chế như Liên Hiệp Quốc và hệ thống công pháp quốc tế không hoàn toàn đặt nền tảng trên công lý, mà phần lớn đặt nền tảng trên sức mạnh của kẻ chiến thắng. Chính vì thế, trên bình diện tích cực, chúng ta có bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các văn bản liên hệ nói lên các bản giá trị nền tảng của các quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp Quốc.

Tuy nhiên trên bình diện tiêu cực, những quy ước về quyền phủ quyết của thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (bao gồm Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh Quốc, Pháp và Trung Hoa Dân Quốc), cũng như sự dung dưỡng và củng cố khái niệm chủ quyền quốc gia (state sovereignty) hoặc chính xác hơn trên phương diện pháp lý là “Chủ quyền tối thượng quốc gia” lại là sự nhượng bộ đáng tiếc của Hoa Kỳ và thế giới tự do cho Đảng Cộng sản Liên Xô sau năm 1945. Sự nhượng bộ đáng tiếc này trở nên tệ hại hơn sau khi Đại hội đồng LHQ năm 1971 quyết định cho Trung Cộng thay thế vị trí của Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan) trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Một cách vắn tắt tính tối thượng của quốc gia bao gồm các yếu tố pháp lý sau đây:

  1. Thường hằng
  2. Độc quyền
  3. Bao quát
  4. Bất biến
  5. Bất khả phân ly và
  6. Tuyệt đối

Trở lực lớn lao cho nền công lý thế giới là khái niệm chủ quyền tối thượng quốc gia này với 6 yếu tính nêu trên.

Những nhà độc tài và các đảng toàn trị trên thế giới luôn núp bóng chính quyền và qua chính quyền này họ được sự bảo vệ tuyệt đối của khái niệm chủ quyền tối thượng quốc gia nêu trên nên hoàn toàn được miễn nhiễm và không thể bị truy tố.

Dĩ nhiên, trên đời này, không có gì là tuyệt đối.

Trên phương diện luật công ty (corporations law), cá nhân những cổ động viên hay thành viên hội đồng quản trị thường núp sau tư cách pháp nhân (legal personality) riêng rẽ của các công ty hầu tránh những trách nhiệm dân sự (về hộ) nhất là bồi thường thiệt hại, tương tự như các tội phạm núp bóng khái niệm chủ quyền tối thượng quốc gia.

Tuy nhiên, tại các quốc gia pháp trị Tây phương đã có những luật lệ chấn chỉnh khuyết điểm này qua khái niệm “chọc thủng hoặc vén bức màn công ty” (piercing or lifting the corporate veil) hầu truy tố các cá nhân phạm tội gian lận hoặc cố tình gây thiệt hại cho phúc lợi cộng đồng.

Ngay cả chính ý niệm quyền tối thượng quốc gia cũng có tiền lệ bị chọc thủng khi Đồng minh dựng lên Tòa án Nuremberg (1945-1949) để xử các tòng phạm của Hitler hoặc tòa án Khmer Rouge (1979) do chính quyền Cam Bốt thành lập với sự đồng thuận của Liên Hiệp Quốc xử các tòng phạm của Polpot. Sự khác biệt dĩ nhiên là sau khi 2 chế độ khát máu đó sụp đổ.

Sự kết án về hình luật sẽ có những hậu quả về dân luật (tức hộ) là bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp đó, các nạn nhân có thể đòi bồi thường thiệt hại nếu các bị cáo lãnh án như Tập Cận Bình hoặc Đảng CSTQ.

Liên hệ đến vấn nạn quan trọng này, ngày 25 tháng 3 vừa qua, Tổng trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã lên tiếng tố cáo các viên chức Trung Cộng đã làm nguy hại sinh mạng hàng ngàn người khi họ giấu diếm tin tức về đại dịch Vũ Hán và cho rằng các công dân TQ có thể quy trách nhiệm cho lãnh đạo của họ về tai họa này.

Mới đây, một nhóm công dân Hoa Kỳ, qua Công ty luật Berman Law Group, vừa khởi kiện Trung Quốc liên hệ đến Đại dịch Vũ Hán này, tại tòa án Hoa Kỳ.

Đã đến lúc công pháp quốc tế cần phải được tu chính sâu rộng hầu trong trường hợp các tội ác lớn lao như khủng bố, chính quyền khủng bố, tội ác chống nhân loại hoặc tội diệt chủng thì khái niệm “chọc thủng hoặc vén bức màn chủ quyền tối thượng quốc gia” (piercing or lifting the veil of the supreme state sovereignty) sẽ được kích hoạt, hầu các tên độc tài khát máu hoặc các tập thể tội phạm như các đảng cộng sản trên thế giới, phải chịu tội trước một pháp đình và công pháp quốc tế nghiêm minh.

04.04.2020

LS Đ.T.D.

Nguồn: https://danlambaovn.blogspot.com/2020/04/ai-dich-vu-han-ang-cstq-va-nhu-cau-cai.html

This entry was posted in Công pháp quốc tế, Đại dịch Vũ Hán, Kiện Trung Quốc. Bookmark the permalink.