1. Đặt tên cho con: Hoàng Sa
Quyen Vinh
Vậy là Trung Quốc đã cướp Hoàng Sa của chúng ta 45 năm. Xem lại ảnh này lần nào cũng rưng rưng: Chị Ngô Thị Kim Thanh 28 tuổi một tay ngăn nước mắt một tay bấu chặt con trong bụng tại lễ truy điệu chồng, Hạm phó chiến hạm Nhật Tảo Nguyễn Thành Trí. Chị đã làm khai sinh cho con như một lời gửi gắm: tên Nguyễn Thanh Triết, tự Hoàng Sa. Hoàng Sa cũng là lời thề chung của người Việt.
Tôi đã gặp và đã viết về một trường hợp khác đặt tên con tên đảo, nay xin nhắc lại.
Năm 1993 tôi ra Trường Sa. Nghề phóng sự/bút ký dạy tôi phải kiểm tra kiến thức về nơi sắp đến viết. Và tôi chợt nhận ra trong đầu tôi cũng như trong tủ sách cá nhân chẳng có gì đáng kể về hai quần đảo cửa ngõ biển Đông của Tổ quốc.
Chưa hết, trước khi xuống tàu ra Trường Sa, tôi qua đêm tại Nha Trang, và tôi đã nhận được bài học lớn.
Trên bãi biển Nha Trang, tôi tình cờ gặp người thầy cũ hồi còn ngồi ghế giảng đường Đại học Sư phạm Huế trước bảy lăm. Ông là một giảng viên thỉnh giảng đến từ học viện hải quân quân đội Sài Gòn. Về nước sau khi tốt nghiệp tiến sĩ hải dương ở Nhật thì ông bị động viên.
Chỉ hai giờ môn nhiệm ý “Con người và môi trường sống” ông đã để lại trong tôi hai lời dặn có sức nặng đặc biệt: “Du khảo địa lý cho ta thấy được, sờ nắn được lịch sử, cho ta tình yêu nước rất cụ thể”. Và “Anh chị sinh viên hãy dùng từ đất nước thay cho từ sông núi, giang sơn vốn là khái niệm Tổ quốc của lục địa Trung Hoa, nơi có núi cao sông dài. Việt Nam ta đất tới đâu biển theo tới đó, đất nước mới là khái niệm Tổ quốc của người Việt”.
Tất nhiên vị thầy cũ không thể nhận ra tôi, một trong hàng trăm sinh viên dự buổi giảng của ông 20 năm trước. Tôi tự giới thiệu và xin ông được cho tham khảo tài liệu về biển đảo Việt Nam trước khi ra Trường Sa. Ông vui vẻ nhận lời, lại còn mời về nhà.
Vào đến sân tôi gặp hai cậu trai sinh đôi ra chào khách. Ông giới thiệu tên từng em: Đây Quang Ảnh, đây Hữu Nhật… Rồi cúi hôn bé gái trên xe đạp ba bánh vừa trờ đến, ông tiếp: Còn đây Duy Mộng, cách hai anh đến mười tuổi, là thời gian tôi ở trại cải tạo…
Về khách sạn, tôi chong đèn đọc bản dịch luận án của ông. Lần đầu tiên tôi xúc động bởi những trang văn khoa học. Lần đầu tiên tôi được khai ngộ về biển đảo Tổ quốc.
Rồi tôi giật mình xấu hổ khi đọc đến Quang Ảnh, Hữu Nhật và Duy Mộng là tên ba đảo lớn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tôi đã vô tâm nghe lướt qua khi người thầy cũ trang trọng giới thiệu tên những đứa con…
Liên tục hai năm 1815, 1816 vua Gia Long đã cử Suất đội thủy quân Phạm Quang Ảnh đưa đoàn khảo sát ra Hoàng Sa. Liên tục những năm 1833, 1834, 1835, 1836 vua Minh Mạng đã cử các Suất đội Phạm Hữu Nhật, Lê Duy Mộng, Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên cùng Đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm trụ chủ quyền, dựng bia, lập miếu, trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ…
Các vua Nguyễn về sau đã lấy tên những người có công đặt tên cho các đảo. Những cái tên Việt Nam của người Việt Nam.
Rồi gần hai trăm năm sau, tôi gặp một người Việt đặt tên con tên đảo, những hòn đảo đau đáu chờ ngày trở về với đất mẹ Việt Nam.
Khép sách lại, bên ngoài mặt trời vừa nhô lên mặt biển Nha Trang, tôi bâng khuâng viết vào nhật ký, cũng là khắc vào ký ức:
HÃY NHỚ LẤY NHỮNG CÁI TÊN KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÃNG QUÊN!
Q.V.
Nguồn: FB Quyen Vinh
***
2. Hoàng Sa trong trí nhớ người Việt
Tạ Duy Anh
Vào ngày này của 45 năm về trước Trung Quốc đưa quân đánh chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa, do Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý hợp pháp, trước sự làm ngơ của Hoa Kỳ. Miền Bắc giữ im lặng, vì há miệng mắc quai. Trong thời kỳ căng thẳng sau chiến tranh biên giới đẫm máu 1979, sự kiện Hoàng Sa được đưa vào sách trắng của Bộ Ngoại giao, tố cáo việc Trung Quốc lợi dụng Việt Nam đang có chiến tranh, đánh chiếm Hoàng Sa như một bước đệm trong âm mưu thôn tính và nô dịch toàn cõi Đông Dương. Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, danh từ Hoàng Sa hoàn toàn biến mất trên báo chí chính thống của Việt Nam. Cho đến trước khi vấn đề Hoàng Sa được rụt rè đưa trở lại, hầu như người dân Việt Nam không hay biết gì mấy về phần lãnh thổ này. Thông tin về Hoàng Sa bị kiểm soát chặt chẽ đến mức ông Hữu Thọ, khi làm Tổng biên tập báo Nhân dân, trong một bài in trên báo, sơ suất để lọt hai chữ Hoàng Sa, liền bị ông Đỗ Mười gọi lên quạt cho một trận. Nguyên văn lời kể của ông Hữu Thọ tại Trường Viết văn Nguyễn Du: “Cụ Mười đọc báo, gầm lên bảo: Thằng Thọ làm hỏng hết đại sự rồi! Rồi cụ lôi cổ tôi lên quạt cho một trận”.
Đặng Tiểu Bình và Đỗ Mười
Chính thể này đã mắc sai lầm quá lâu trong việc tuyên truyền cho người dân về phần lãnh thổ có tên là Hoàng Sa. Trong khi Trung Quốc thì tận dụng mọi cơ hội để nhét vào đầu hơn một tỷ dân của họ về cái gọi là “chuỗi ngọc trai của đất mẹ Trung Hoa vĩ đại”, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Một học sinh cấp III của Trung Quốc cũng sẵn sàng bảo Việt Nam và một số nước đang ngày đêm hút trộm dầu của Trung Quốc! Vì họ được học như vậy, rằng thế hệ trẻ Trung Quốc có nghĩa vụ phải thu hồi các lãnh thổ ấy về cho đất mẹ Trung Hoa! Thậm chí họ đã đặt hẳn cả thời hạn, nghe nói là nhiệm vụ đó phải hoàn tất trước năm 2049? (*)
Không thể phủ nhận việc công khai tuyên truyền về biển đảo của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, đã thấy chút dấu hiệu của “bản lĩnh dân tộc”. Nhưng mọi việc vẫn cứ như gà mắc tóc, ấm ớ và không rõ ràng. Những phản ứng yếu ớt, đơn điệu, nhàm chán của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao trong mấy chục năm qua mỗi khi nhắc đến chủ quyền lãnh thổ trước một gây hấn nào đó của Trung Quốc ngoài biển Đông, là một bằng chứng. Tôi không thấy tí gì gọi là sự khôn ngoan chính trị trong những phát ngôn ấy, trái lại, nó chỉ chứng tỏ một sự bạc nhược là có thật. Nguy hại hơn, những tuyên bố kiểu như vậy khiến dư luận mất dần sự chú ý về một vấn đề rõ ràng là vô cùng lớn mà họ không thể đứng ngoài cuộc. Người dân có quyền nghĩ, có vẻ như Nhà nước đã buông xuôi, nói thì cứ nói, đòi thì cứ đòi, khẳng định thì cứ khẳng định, nhưng thực chất là đã chấp nhận an bài!?
Rất may cho dân tộc này là vào lúc nước sôi lửa bỏng, đã kịp có một phong trào dân sự rộng lớn, được hình thành và kết nối thông qua mạng xã hội. Hoàng Sa trở lại mạnh mẽ, làm nhức nhối tâm thức cộng đồng, là nhờ ở phong trào này. Mạng xã hội cần phải tiếp tục nói không mệt mỏi cho người dân rằng Hoàng Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể thương lượng, hiện vẫn còn bị ngoại bang tàn bạo chiếm đóng. Cần phải cho các thế hệ người Việt ghi nhớ điều này, một cách rõ ràng và chính xác về bản chất. Chỉ trên cái nền tảng sự thật ấy của hiện tình đất nước, mới có thể đề ra được các sách lược thông minh và đúng hướng trong việc gắn kết chặt chẽ với ai thì có lợi cho việc bảo vệ lãnh thổ. Nếu chúng ta, vì kém cỏi đành thoái thác nhiệm vụ to lớn ấy cho thế hệ tương lai, thì đừng tiếp tục bịt tai, bịt mắt, bịt miệng họ?
__________________
(*) “Tôi không hiểu vì sao có người muốn loại bỏ Pol Pot? Đúng là ông ta có phạm một số sai lầm trong quá khứ nhưng nay ông ta đang lãnh đạo cuộc chiến chống bọn xâm lược Việt Nam cơ mà” – Đặng Tiểu Bình.