Thực trạng cắt điện tại Việt Nam trong mùa hè này đang gây phẫn nộ từ các hộ tại thành thị, nông thôn và các doanh nghiệp.
Hiện cũng đang có những lời kêu gọi gây sức ép cải tổ mạnh ngành điện lực với khuyến cáo là chia nhỏ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm để có cạnh tranh mang tính thị trường hơn cũng như đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định.
BBC Việt ngữ đã phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Quang A, người đánh giá về điều được mô tả là sự độc quyền của EVN.
TS Nguyễn Quang A: EVN muốn giữ thế độc quyền của họ vì đó là độc quyền về quyền lực và tiền bạc. Cần phải có một quyết định chính trị. Dẫu sao thì điện lực vẫn nằm trong tay nhà nước, tức là của Đảng Cộng sản. Nếu mà họ nhận ra rằng việc độc quyền là không thể chấp nhận được thì họ phải thay đổi. Thật đáng tiếc rằng nhiều tập đoàn ở Việt Nam bây giờ họ mạnh về kinh tế và họ có thể gây ảnh hưởng tới chính trị.
BBC: Khi độc quyền như vậy thì càng bán được nhiều điện cho dân và doanh nghiệp thì EVN lại càng có lợi chứ sao phải cắt điện?
TS Nguyễn Quang A: Điều đó chỉ đúng khi năng lực của họ có. Vấn đề ở chỗ nhu cầu về điện thì cao mà cung ứng thì thấp. Một loạt nhà máy điện bị chậm tiến độ, nước cạn kiệt nên các nhà máy thủy điện không chạy hết công suất. Cung không đủ cầu thì chỉ có một cách là cắt điện thôi.
BBC: Có ý kiến cho rằng giá điện cũng là yếu tố?
TS Nguyễn Quang A: EVN nói là phải để họ tăng giá thì họ mới bù lỗ được. Thế nhưng tăng giá là ảnh hưởng tới hàng trục triệu người, mang tính gay cấn trong xã hội. Nhà nước lại kiềm chế không cho tăng giá điện. Cho nên giá điện cũng là vấn đề rất lớn. Vì giá điện không được tăng ở mức hợp lý nên có thể việc sử dụng điện lại không hiệu quả, càng làm cho việc thiếu điện trở nên trầm trọng hơn.
BBC: Vậy giải pháp cho vấn đề này, theo ông, là gì?
TS Nguyễn Quang A: Phải dùng cơ chế thị trường, ở mức có thể, càng nhiều càng tốt. Phải thực sự tổ chức lại ngành điện của Việt Nam bằng cách chia nhỏ Tập đoàn Điện lực Việt Nam ra để cho tất cả các nhà máy phát điện, bất kể của tư nhân hay của nhà nước hay của nước ngoài được canh tranh hoạt động bình thường và bán điện cho hệ thống phân phối.
Một mình EVN nắm cả phát điện lẫn phân phối và chuyển tải cho nên họ ưu tiên mua hàng của họ sản xuất ra, và điều đó làm cho cạnh tranh trong thị trường phát điện đã không được lành mạnh. Bộ Công thương cũng muốn có cạnh tranh trong phát điện nhưng chỉ có một người mua là EVN thì thị trường cũng không thể hoạt động được. Cho nên tôi nghĩ phải tách EVN ra để làm một mảng nào đó thôi chẳng hạn như chỉ làm về phát hoặc chuyển tải hoặc bán lẻ. Nhà nước sở hữu không phải là vấn đề. Vấn đề là những cái đó không còn là thể thống nhất nữa, tức là các thực thể phải cạnh tranh nhau. Chỉ khi đó thì những căng thẳng về điện mới được cải thiện và để cho thị trường điều tiết về giá thì sẽ dễ hơn rất nhiều.
Giải pháp đó theo tôi là cốt lõi nhất, tất nhiên đó là giải pháp không dễ giải quyết ngày một ngày hai. Thế nhưng nếu không giải quyết được các vấn đề tôi đã nêu thì tôi nghĩ cốt lõi của vấn đề thiếu điện vẫn còn nguyên như vậy.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2010/06/100629_nguyenquanga_evn_iv.shtml