Số liệu – Con dao hai lưỡi

Khi sử dụng các con số không thể tùy tiện. Tuy vô tri vô giác, nhưng các con số lại… biết nói!

Thông thường khi thuyết minh một vấn đề nào đó, để nâng cao độ tin cậy, sức thuyết phục của lập luận, người ta đưa ra các con số để dẫn chứng. Để một con số đưa ra có tính tượng trưng, có độ tin cậy khi được sử dụng, người đưa ra phải dày công tìm kiếm, tính toán để có được con số đó.

Nhưng rất tiếc, hiện nay bên cạnh những báo cáo với những con số đáng tin cậy, còn không ít những tài liệu chính thức, kể cả để trình với Quốc hội, có nhiều con số được đưa ra khá tùy tiện, thậm chí thiếu trung thực.

Xin đưa ra một ví dụ trầm kha kéo dài từ nhiều năm. Đó là số diện tích rừng trồng mới hàng năm (thực hiện theo một chương trình quốc gia, từ 12 năm nay có lẻ, mỗi năm chi 60 – 70 tỷ đồng ngân sách nhà nước) và chỉ tiêu về độ che phủ rừng, từ nhiều năm nay, hàng năm được báo cáo là đạt kế hoạch.

Nếu đúng như vậy thì trên ảnh vệ tinh đã không phơi bày những vùng “trọc” và vùng rừng nghèo xơ xác. Báo cáo số liệu như vậy nên chi mọi người đều “yên tâm”, cho đến khi các cơn bão đổ vào, lũ quét, rửa trôi, một số hồ trữ nước và đập thủy điện phải xả lũ, những khúc gỗ đã được lâm tặc cưa trước đó đúng kích thước, trôi về lòng hồ, kín cả bãi.

Dù số liệu về chỉ tiêu độ che phủ rừng rất đẹp, nhưng trên thực tế có rất nhiều cánh rừng bị tàn phá. Ảnh: Khánh Minh

Dù số liệu về chỉ tiêu độ che phủ rừng rất đẹp, nhưng trên thực tế có rất nhiều cánh rừng bị tàn phá. Ảnh: Khánh Minh

Nhân dân gánh chịu hậu quả nặng nề, của thiên tai đã đành, và cả của nạn báo cáo láo nữa! Trách nhiệm thuộc về ai? Không vị nào từ chức hay bị cách chức. Quốc hội cũng không miễn nhiệm được ai. Nguyên nhân nào đã dung túng nạn báo cáo láo ung dung tiếp diễn?

Một ví dụ khác thời sự hơn. Để biện minh rằng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM là có hiệu quả, báo cáo mà Bộ GT-VT (Tổng Cục Đường sắt Việt Nam) trình, đã không ngần ngại thổi phồng nhu cầu vận tải, đặc biệt nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến đường sắt cao tốc tương lai. Để chứng minh rằng dự án đường sắt cao tốc đem lại hiệu quả tài chính cao, báo cáo đã nâng lên và kéo xuống các con số đưa vào tính toán, tùy theo yêu cầu, kể cả không ngần ngại bỏ ra những khoản chi không thể không tính!

Nhìn lại các ví dụ trên đây để thấy tầm vĩ mô, chiến lược mà yên tâm với dự án dựa trên báo cáo như vậy, thì quả thật là quá nguy hiểm cho đất nước!

Nhìn lại để thấy sự phối hợp liên ngành, ngành – địa phương là bức thiết biết chừng nào! Nhìn lại để chỉ ra tại sao và từ đâu hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn cứ thấp, chỉ số ICOR vẫn cứ cao ngất ngưởng!

Ông cha ta vẫn nói “hữu xạ tự nhiên hương”. Ngạn ngữ thế giới còn có câu “một thành tích được khoe khoang sẽ giảm đi phân nửa giá trị”. Hãy để “tiếng lành đồn xa”.

Còn nếu không là thành tích thì sao? Khi đó liệu các con số có thể định hướng được đánh giá của xã hội hay không, nhất là đối với những người trong ngành? Hãy coi chừng! Các số liệu là con dao hai lưỡi, nếu chúng không được sử dụng trung thực, được thổi phồng, trích dẫn không toàn diện nhằm đánh bóng “thành tích”.

Rất may là có những báo cáo ngày càng tiến bộ, các nhận định, đánh giá dựa trên số liệu cần thiết, từ đó nhìn ra được các mặt mạnh cần phát huy, các mặt bất cập, yếu kém cần sớm khắc phục. Đó là những báo cáo giám sát của các cơ quan của Quốc hội[1] mà các đại biểu của cử tri đã tiếp nhận được. Mong rằng chiều hướng này sẽ được tiếp tục ngày càng mạnh mẽ.

Rất hạnh phúc là vừa rồi cử tri đã có dịp sống cùng với những con số thực, kết tinh của một quá trình đắn đo, cân nhắc đến phút chót giữa lợi và hại, giữa kỷ luật và trách nhiệm. Đó là những con số thể hiện sự vượt lên chính mình trong quá trình đổi mới tất yếu của đất nước.

Ở thời đại bùng nổ thông tin, thời đại của công nghệ thông tin, các con số ngày càng được sử dụng nhiều. Dù là vô tri vô giác, chúng thể hiện tư cách của người tạo ra và sử dụng chúng. Tính toán thận trọng là cần thiết nhưng chưa đủ. Chính yếu là sự liêm chính, cái tâm phải trong sáng!

[1] Cũng phải nói rằng các báo cào này còn tùy thuộc vào chất lượng và độ tin cậy của các sô liệu được cơ sở báo cáo lên.

NNT

Nguồn: http://www.baodatviet.vn/Home/KHCN/So-lieu–Con-dao-hai-luoi/20106/100518.datviet

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.