15 năm quan hệ Việt – Mỹ: Từ bình thường hóa đến chia sẻ lợi ích

“Tôi có thể khẳng định rằng ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton sẽ sang thăm song phương và dự diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào hạ tuần tháng 7 tới, nhưng chưa rõ ngày giờ cụ thể”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Michael Michalak, nói trong buổi họp báo chiều hôm qua, 29.6, tại Hà Nội.

Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton, sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: internet

Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton, sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: internet

Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ, kể từ khi chính quyền mới ở Mỹ lên nắm quyền, lại đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, được Đại sứ Michalak dự đoán là sẽ có kết quả rất tích cực trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.

Trước đó, vào 8 – 9.7, tại Hà Nội sẽ diễn ra một cuộc hội thảo nhìn nhận về quan hệ Việt – Mỹ sau 15 năm, cũng như đưa ra những hướng đi tiếp theo, với sự tham dự, từ phía Mỹ, của Thượng nghị sĩ Jim Webb, Đại sứ Mỹ đầu tiên Pete Peterson, và nhiều học giả khác.

Thương mại & đầu tư – mối quan hệ dẫn dắt

Mối quan hệ thương mại – đầu tư được coi là mang vai trò dẫn dắt trong mối quan hệ nhiều mặt này trong suốt 15 năm qua. Kim ngạch thương mại với chỉ vài chục triệu USD năm 1995 đã vọt lên 15,4 tỉ USD vào cuối năm 2009, chủ yếu do Hiệp định thương mại song phương có hiệu lực vào cuối năm 2001. Cũng trong năm 2009, Mỹ đã vọt lên là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam với 9,8 tỉ USD cam kết, chiếm gần một nửa tổng cam kết đầu tư nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ đối với Việt Nam đang tiếp tục gia tăng, khi vào thượng tuần tháng trước, một đoàn gồm 23 doanh nghiệp lớn của nước này đã có chuyến đi tìm hiểu cơ hội kinh doanh ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam.

Fred Burke, Giám đốc điều hành Baker & McKenzie Vietnam – hãng tư vấn luật, đầu tư và kinh doanh hàng đầu ở Việt Nam – cho biết rằng một nhà sản xuất chip bán dẫn tầm cỡ của Mỹ, không kém Intel là bao, đang tích cực tìm hiểu các thủ tục để mở một nhà máy ở Việt Nam. “Một số nhà đầu tư Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc cũng đang tìm hiểu khả năng mở một nhà máy mới ở Việt Nam, do sự lo ngại về xu hướng tăng giá của đồng tệ và giá nhân công ngày càng tăng ở công xưởng số một của thế giới này”, ông Burke nhận xét.

Nhưng quan trọng hơn, trong quan hệ thương mại, hai quốc gia hai bên bờ Thái Bình Dương này đã có những sự bổ sung thú vị cho nhau. Trong 5 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Mỹ, thì có tới ba mặt hàng sử dụng nguyên liệu thô, hay phụ liệu từ Mỹ. Đại sứ Michalak dẫn ra rằng Việt Nam nhập bông từ Mỹ về chế biến để xuất ngược lại sản phẩm dệt may, nhập gỗ Mỹ để chế tác và xuất khẩu ngược lại đồ gỗ nội ngoại thất, Việt Nam nhập rất nhiều đậu tương từ Mỹ để sản xuất thức ăn nuôi tôm cá, và xuất tôm cá sang Mỹ.

Để thúc đẩy xuất khẩu sang Việt Nam, Chủ tịch Eximbank, cách đây hai tuần, đã ký với người đồng cấp của Ngân hàng Phát triển Việt Nam bản ghi nhớ về việc cơ quan tín dụng xuất khẩu chính thức của Mỹ này cho Việt Nam vay 500 triệu USD để mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ. Đại sứ Michalak thông báo rằng Eximbank đã đánh giá Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, và đưa Việt Nam vào danh sách 9 nước được ưu tiên nhận tín dụng ưu đãi từ cơ quan này, dành cho cả chính phủ và tư nhân. “Thương mại là con đường hai chiều, tức là có nhập mới có xuất. Động thái của Eximbank cũng là tăng cường xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam”, Đại sứ Michalak nói.

Sự lan tỏa

Đại sứ Michalak cho rằng quá trình xây dựng lòng tin giữa hai nước đã đạt được những tiến bộ rất lớn sau 15 năm. “Điều đó không phải chúng ta đã nhất trí được về mọi thứ. Nhưng đối với những gì chưa thể nhất trí được, chúng ta có thể cùng ngồi lại và trao đổi thẳng thắn với nhau”, ông khẳng định, và dẫn ra rằng ngay cả những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền hai bên cũng thể trao đổi qua nhiều kênh khác nhau, song phương hay thông qua Liên hợp quốc, và các kênh phi chính thức khác.

Đại sứ Michalak giải thích rằng sở dĩ có được sự tin cậy như vậy, bởi trong 15 năm qua sự trao đổi các chuyến viếng thăm ở cấp Chính phủ, Quốc hội, hay giữa các tổ chức phi chính phủ ngày càng tăng. “Chúng ta càng gặp nhau nhiều thì càng dễ hiểu nhau hơn”, ông nói.

Theo thống kê của Đại sứ quán Mỹ, kể từ năm 1995 đến nay Mỹ đã cấp gần 290 ngàn thị thực phi di dân sang nước này, trong đó có gần 39 ngàn thị thực du học. Hiện có ba thành viên Chính phủ Việt Nam đã từng du học ở Mỹ, còn số quan chức và chuyên viên trong bộ máy hành pháp thì khá nhiều. Kể từ năm 1995, phái đoàn ngoại giao Mỹ đã cấp gần 1000 học bổng (lấy bằng và không lấy bằng) theo các chương trình giáo dục của Chính phủ Mỹ.

Hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng không nằm ngoài quy luật đó. Từ những hợp tác song phương tìm kiếm cứu nạn, quân y, an ninh môi trường, rà phá bom mìn, và tìm kiếm người Mỹ mất tích, vào nửa sau những năm 90, đến giai đoạn 2008-2010, hai bên đã chính thức đối thoại quân sự vào chương trình đối thoại thường niên giữa bộ ngoại giao hai nước. Trước đó, vào cuối năm 2006, Tổng thống Bush đã ký văn bản cho phép chính phủ Mỹ và các công ty tư nhân cung cấp một số hàng hóa quốc phòng, tuy có hạn chế, cho Việt Nam.

Mặc dù vẫn giữ lập trường trung lập trong việc tranh chấp chủ quyền các hòn đảo trên biển Đông và chỉ quan tâm đến vấn đề tự do hàng hải, Mỹ, theo Đại sứ Michalak, hoàn toàn chia sẻ lợi ích chung với Việt Nam về hòa bình và ổn định trong khu vực, bên cạnh các ưu tiên chống khủng bố, giáo dục và thúc đẩy thương mại toàn cầu.

Nguồn: http://sgtt.com.vn/Thoi-su/124904/Tu-binh-thuong-hoa-den-chia-se-loi-ich.html

This entry was posted in Hoa Kỳ, Ngoại Giao. Bookmark the permalink.