(Bài 1)
Đoàn Hưng Quốc
Lãi suất tại nhiều nước gồm Đức, Nhật, Thụy Điển, Đan Mạch hiện nằm ở mức âm hay gần con số không. Tổng Thống Trump vào tháng 11/2019 lại đòi Mỹ phải hạ tiền lời xuống mức tương đương, trong khi cựu Thống Đốc Quỹ Dự Trử Liên Bang Alan Greenspan tiên đoán vào tháng 9/2019 rằng Hoa Kỳ rồi cũng sẽ tiến đến lãi suất âm.
Lãi suất âm hiểu đơn giản thay vì con nợ trả phân lời để vay mượn như trước đây thì nay chính chủ nợ lại phải đưa tiền năng nỉ cho các nước công nghiệp và dân chúng Âu-Mỹ đi vay. Chủ nợ ở đây gồm cả tư nhân, các quỹ hưu trí và bão hiểm cùng những nước đang mở mang muốn mua nợ công của các nước phát triễn hay cần bỏ tiền tiết kiệm vào các ngân hàng Tây Phương. Chủ nợ cũng lại chính là Ngân Hàng Trung Ương hạ thấp phân lời để thúc giục các ngân hàng con cho vay không lời hay chịu lổ để khuyến khích tư nhân mượn tiền đầu tư hoặc tiêu xài. Một thí dụ là ngân hàng Đan Mạch cho mượn tiền mua nhà với lãi suất âm 0.5% mỗi năm, có nghĩa nếu mượn 100 đồng thì sau 10 năm chỉ cần trả 95 đồng cho chủ nợ!
Nhiều người cho rằng tình trạng kỳ quặc này không hề có trong suốt 2000 năm Tây Lịch nên nếu kéo dài có thể làm đảo lộn hệ thống tư bản ở Âu-Mỹ, nhưng không ai biết sẽ đảo lộn như thế nào vì chưa từng xảy ra! Động cơ của tư bản là để dành tiền sau đó cho vay hay đầu tư để kiếm lời. Lãi xuất âm xảy ra khi những nước công nghiệp không đủ doanh nghiệp hay tư nhân mượn tiền đầu tư (do thiếu cơ hội đầu tư) hoặc tiêu xài (vì muốn dành giụm cho ngày mai.) Tình trạng này xảy ra có nhiều nguyên do:
-
Nhiều doanh nghiệp hay tư nhân còn đang lo trang trải nợ nần trước đây do hệ lụy của quả bóng tài chánh bùng nổ năm 2007 ở Mỹ và 2010 ở Âu Châu – các chuyên gia gọi đây là balance sheet recession;
-
Tình trạng lão hóa ở Đức, Nhật, v.v… khiến người già ít có nhu cầu tiêu thụ so với thời còn trẻ;
-
Thặng dư tiết kiệm (savings glut) từ các nước đang mở mang vốn chú trọng vào xuất cảng nhằm thu vào ngoại tệ để rồi sau đó mua nợ công của Hoa Kỳ và Âu Châu để (a) kềm giá đồng bạc so với USD hay Euro (b) dự phòng trường hợp chảy máu ngoại tệ hay đầu tư ngoại quốc tháo vốn (c) đây là hai nơi gởi tiền an toàn;
-
Ngân Hàng Trung Ương ở Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản liên tục hạ lãi suất đồng thời bơm nhiều khoản tiền khổng lồ để kích cầu từ năm 2008 đến nay.
-
Ai cũng cần có chổ an toàn để giữ tiền. Nếu chỉ 100 đồng thì bỏ túi, 10 ngàn đem giấu dưới gầm giường còn 100 triệu phải gởi ngân hàng do sợ bị cướp. Tư nhân là vậy nhưng với quốc gia thì chỉ có ít chỗ gởi tiền an toàn như nợ công của Mỹ. Một phần tiền tiết kiệm có thể dành mua vàng nhưng vàng không đủ để bán và chưa chắc giá vàng tăng nhanh hơn đô-la, cho nên tư nhân, các quỹ hưu trí và ngoại tệ dự trữ của các nước đang phát triển gồm cả Trung Quốc cùng các nước Đông Á và Trung Đông phải tiếp tục cho Hoa Kỳ vay mượn với giá rẻ mạt cho dù Mỹ đang mang núi nợ khổng lồ.
Tiền bạc ứ đọng (!) do quá ít tư nhân vay mượn đầu tư hay tiêu xài khiến giá cả và lạm phát không tăng mặc dù Ngân hàng Trung ương Âu-Mỹ đã nhiều lần hạ thấp phân lời. Tình trạng này ở Tây Phương gọi là suy trầm có hệ thống (secular stagnation) dẫn đến nhiều sự mất cân đối trong xã hội:
Doanh nghiệp mượn tiền không phải để đầu tư mà dùng mua lại (thu hồi) cổ phiếu; cố phiếu hiếm đi trên thị trường thì giá trị tăng, ban điều hành được tưởng thưởng hậu hỉ trong khi các cổ đông cũng vui vẽ vì giá chứng khoáng tăng mạnh. Chỉ riêng việc này đã dẫn ra hai bong bóng: nợ của doanh nghiệp nhảy vọt cùng lúc với thị trường chứng khoán tăng trưởng liên tục trong suốt kỷ lục 10 năm;
-
Do giá nhân công cao nên đầu tư sản xuất (manufacturing) tại các nước công nghiệp không có lời. Thay vào đó tiền đổ vào các doanh nghiệp mạnh về sáng tạo và nghiên cứu (Apple, Amazon, Facebook, Google, Microsoft, v.v….) giúp giá chứng khoán của lãnh vực tin học tăng vọt. Những công ty này lại nằm ở miền Đông Bắc và Tây Hoa Kỳ khiến giá nhà nơi đây tăng vọt. Nói chung, giá nhà và cổ phiếu tăng nhanh so với lương bổng khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu đậm bởi vì giàu mới dư tiền mua nhà và cổ phiếu trong khi thợ thuyền sống ngày qua ngày không được tăng lương;
-
Tiền từ Âu-Mỹ lại đổ ngược vào những quốc gia đang mở mang tìm cơ hội cho vay và đầu tư (nhân công rẻ, quy định lỏng lẻo, ….) vì những nước này đang cần vốn để tăng trưởng. Nhưng các quốc gia nói trên lại đặt nặng về xuất khẩu nên nếu nền kinh tế của các quốc gia công nghiệp chậm lại không mua hàng hóa thì những nước đang mở mang sẽ rơi vào khủng hoảng.
-
Ngược lại, tiền đổ vào những quốc gia đang phát triển cũng nhiều rủi ro do thất thoát và đầu tư kém hiệu quả. Cho nên khi kinh tế của Âu-Mỹ tăng trưởng trở lại, Ngân hàng Trung ương Âu-Mỹ-Nhật sẽ tăng lãi suất nhằm ngăn ngừa lạm phát thì tiền sẽ đổi dòng chảy ngược từ các nước đang mở mang vào những quốc gia công nghiệp. Tình trạng lạ lùng này từng xảy ra năm 2013 khi Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ siết chặt chính sách tiền tệ trong nước Mỹ mà lại khiến các nước Đông Nam Á khủng hoảng (gọi là taper tantrum).
Các mối liên hệ chằng chịt này là nhân quả của toàn cầu hóa. Làm thế nào để giải quyết lãi suất âm tại các nước công nghiệp và tình trạng lệ thuộc vào xuất cảng của những quốc gia đang mở mang là hai vấn đề liên quan đến nhau. Những bất cân đối về mậu dịch lẫn chênh lệch giàu nghèo trong các nước công nghiệp và đang phát triển sẽ là đề tài của loạt bài kế tiếp.
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN