Văn hóa nghị trường và văn hóa từ chức

Trả lời chất vấn của Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có một câu nói để đời: “Sai thì phải sửa, làm trăm việc cũng có việc sai. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo. Phải tính toán sự việc sát thực tiễn cho phù hợp đạo đức con người với nhau. Nghiêm ở đây không phải sai chặt chém ngay, thế thì lấy đâu ra người làm. Dẹp đi là bầu không kịp”. Thông thường đây là những gì không dễ bộc lộ vì áp lực của công luận, vì ràng buộc pháp lý và vì cả những toan tính cá nhân. Ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bất chấp tất cả. Quả là một câu nói “gan ruột” của một người can đảm và hết sức chân thành. Hay vì ông ở cái thế muốn nói gì cũng được chăng?

Than ôi! Sau bao nhiêu năm cách mạng, xã hội Việt Nam quay ngược trở lại cái thời tham nhũng hoành hành của Việt Nam cộng hòa xưa kia. Đấy là thời Thủ tướng Trần Văn Hương phải than thở: “Trị hết tham nhũng thì lấy ai mà làm việc”! Nhưng câu nói của ông Trần Văn Hương chỉ là sự phẫn uất trước thực trạng tồi tệ, chứ không hề dám nhân danh cái “đạo” để biện minh cho cái “sai” như ông Nguyễn Sinh Hùng. Như thế, ông Nguyễn Sinh Hùng “can đảm” hơn ông Trần Văn Hương bội phần vậy!

BVN xin đăng lại bài sau đây của ông Diệp Văn Sơn, nguyên Vụ phó phụ trách phía Nam, Bộ Nội vụ, liên quan đến phát biểu trên đây của ông Nguyễn Sinh Hùng.

Anh Hoàng

SGTT – Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII khép lại với nhiều điều đọng lại trong lòng cử tri cả nước. Lần đầu tiên đại bộ phận cử tri cảm nhận ý nguyện của mình được lắng nghe khi các đại biểu bấm nút nói không với dự án đường sắt cao tốc. Thế nhưng, nghe chất vấn và trả lời chất vấn ở nghị trường, cử tri lại cảm thấy còn thiếu vắng một điều gì đó…

Bỏ phiếu tín nhiệm chưa trở thành chuyện bình thường

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đề nghị Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: T.L

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đề nghị Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: T.L

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đề nghị Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đã được luật pháp quy định nhưng đến nay vẫn chưa trở thành chuyện bình thường trong hoạt động nghị trường. Một lý do đơn giản là chúng ta chưa xây dựng được văn hóa nghị trường. Đã vậy lại còn quy định phải có đủ 20% đại biểu Quốc hội đề nghị mới tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

Chuyện từ chức ở các nước được xem là bình thường. Cầu bị sập, xe lửa đụng nhau: Bộ trưởng Giao thông từ chức (Hàn Quốc, Ấn Độ); phát ngôn không chuẩn: một Bộ trưởng của nội các mới hai ngày tuổi ở Nhật cũng từ chức. Sữa bị phát hiện có melamine: Cục trưởng Cục Chất lượng Trung Quốc từ chức. Gần đây Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama từ chức vì không thực hiện được cam kết với cử tri giải quyết căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa….

Trách nhiệm thì có trách nhiệm về đạo lý, trách nhiệm về pháp lý và trách nhiệm về chính trị. Và những thứ trách nhiệm này chỉ có nghĩa khi các chế tài tương ứng có thể áp đặt được. Bằng không, chúng chỉ là những lời giáo huấn.

Trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm trước pháp luật. Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm trước cử tri. Tất cả công dân ai cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai cũng phải chịu trách nhiệm trước cử tri.

Trách nhiệm chính trị được xác lập dựa trên sự tín nhiệm và sự bất tín nhiệm. Trách nhiệm chính trị được đảm bảo bằng hai cách: thông qua bầu cử và thông qua hoạt động của cơ quan đại diện cho cử tri.

Chế tài về trách nhiệm chính trị là sự bất tín nhiệm thông qua cơ quan đại diện của dân (Quốc hội và Hội đồng nhân dân), và cao nhất là sự bất tín nhiệm của người dân thông qua bầu cử hoặc trưng cầu dân ý. Do đó phải coi chuyện bỏ phiếu tín nhiệm là chuyện bình thường.

Cản trở đối với văn hóa từ chức

Từng có ý kiến giải thích việc ở ta khó xây dựng văn hóa từ chức vì, khác với ở các nước, chính khách làm chính trị như một sự thôi thúc chứ không phải để kiếm sống, do đó chuyện từ chức với họ dễ dàng hơn rất nhiều, còn ở Việt Nam, không khéo người ta trở thành quan chức vì mục đích kinh tế, do đó dễ dẫn tới tệ tham nhũng. Một nguyên nhân nữa là dư luận xã hội: thấy mình chưa tròn trách nhiệm, lương tâm cắn rứt, anh từ chức, nhưng đi đâu bà con, anh em cũng dị nghị là “ông đó thế nọ thế kia nên phải từ chức”. Dư luận xã hội nhiều khi không đánh giá là anh có liêm sỉ mà coi là anh có vấn đề.

Quan trọng hơn, lâu nay chúng ta vẫn quan niệm rằng chức vụ của một ai đó là do nhân dân uỷ thác và do Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân bố trí hoặc giới thiệu ra ứng cử… Với quan niệm như vậy, cán bộ, công chức, quan chức các cấp xem việc bố trí, bổ nhiệm, lên xuống, ra vào là chuyện của tổ chức, còn bản thân chỉ biết tuân thủ.

Mấy năm trước có nhiều chuyện bê bối xảy ra ở một sở nọ, có báo phỏng vấn vị Giám đốc: có ý định từ chức không? Vị Giám đốc trả lời rất thành thật: trong “từ điển” của mình không có hai chữ từ chức. Đảng phân nhiệm vụ gì thì phải làm, nếu Đảng thấy làm không được, Đảng bảo nghỉ mới nghỉ, mình không có quyền từ chức!

Những vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước không phải là một đặc quyền, đó là một vị trí đầy thách thức dành cho những cá nhân có hoài bão phục vụ lợi ích công cộng, có khát vọng và có nhân cách mạnh mẽ.

Công bằng mà nói, theo cơ chế thực thi công vụ của Nhà nước ta hiện nay, quả thật là khó lòng quy trách nhiệm cho cá nhân để xử lý. Mối quan hệ giữa trách nhiệm cá nhân và tập thể không phải bao giờ cũng được xử lý một cách phân minh.

Quyền lực công phải được sử dụng một cách hiệu quả và tương thích với xu hướng xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam: quyền lực và trách nhiệm phải minh bạch, rõ ràng. Những vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước không phải là một đặc quyền, đó là một vị trí đầy thách thức dành cho những cá nhân có hoài bão phục vụ lợi ích công cộng, có khát vọng và có nhân cách mạnh mẽ: dám hành động, dám chịu trách nhiệm và luôn ý thức rõ ràng rằng, họ có đối tượng phục vụ là nhân dân. Lợi ích của công chức gắn với chất lượng dịch vụ công mà họ cung ứng cho xã hội. Đó là điểm cốt lõi của một xã hội dân chủ.

Hiện nay, người đứng đầu cơ quan công quyền vẫn chưa được toàn quyền quyết định tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức dưới quyền trong cơ quan. Ngoài ra, trong bộ máy hành chính hiện nay vẫn có tình trạng một số cán bộ, công chức do cơ quan này sử dụng (như giao trách nhiệm, quyền hạn, nội dung công tác chuyên môn…) nhưng do một cơ quan khác quản lý (như đánh giá, đề nghị đề bạt, cách chức, xử lý…). Tại diễn văn từ nhiệm đọc trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nói lên điều trăn trở của mình sau nhiều năm giữ cương vị người đứng đầu bộ máy hành chính là “công tác cán bộ nhiều khi vượt khỏi tầm tay”. Ông cho rằng, cần phải gắn quyền hạn của người sử dụng công chức với việc quản lý cán bộ công chức. Quả thật, khi có liên quan đến việc xử lý cán bộ cao cấp, nhiều Bộ trưởng khi giải trình trước Quốc hội đều viện dẫn văn bản của Đảng, ý kiến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thậm chí có trường hợp bị chất vấn về những bê bối có liên quan đến cá nhân thì viện lý do “đã trả lời với Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên không trả lời trước Quốc hội”!

Đừng lo lắng thái quá rằng cách chức nhiều thì không còn ai làm việc! Mỗi giai đoạn lịch sử sẽ sản sinh ra một thế hệ đủ sức gánh vác trọng trách lịch sử giao phó. Vấn đề là phải có một hệ thống tiến cử, tuyển chọn hiền tài công tâm, dân chủ và khoa học.

D. V. S.

Nguồn: http://sgtt.com.vn/Thoi-su/124843/Van-hoa-nghi-truong-va-van-hoa-tu-chuc.html

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.