Nhà báo Phạm Chí Dũng là Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, một hội không được chính quyền công nhận
Đã có những phản ứng từ công luận sau khi cây bút tự do, nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị cơ quan an ninh điều tra thuộc Công an TP. Hồ Chí Minh bắt và khởi tố hình sự.
“Bây giờ, đã đến điểm mà chiến dịch Hà Nội vận động cho một hiệp ước thương mại với Liên minh châu Âu đang trực tiếp dẫn đến hệ quả các vi phạm chống lại những người bất đồng chính kiến,” một tuyên bố được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đưa ra hôm 22/11/2019 từ văn phòng châu Á tại Thái Lan.
“EU cần lên tiếng cho nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người chỉ đơn giản kêu gọi châu Âu yêu cầu cải thiện thực sự trong tình hình nhân quyền trước khi phê chuẩn hiệp định thương mại tự do (FTA) Âu-Việt.
“Bằng cách bắt giữ ông Phạm Chí Dũng, Việt Nam đang thể hiện sự không khoan dung có tính chất đàn áp đối với bất kỳ tiếng nói bất đồng nào và quyết tâm đàn áp những nỗ lực thúc đẩy một nền báo chí độc lập trong nước. EU, Hoa Kỳ và các nước cùng chí hướng khác nên yêu cầu phóng thích ông Phạm Chi Dũng ngay lập tức và vô điều kiện và gỡ bỏ tất cả các cáo buộc chống lại ông,” thông điệp được Phil Robertson, Giám đốc Văn phòng khu vực của tổ chức này đưa ra hôm thứ Sáu.
Từ Đại học Leiden, Hà Lan, PGS. TS. Jonathan London, nhà nghiên cứu và quan sát xã hội dân sự người Mỹ, từng theo dõi tình hình ở châu Á và Hong Kong trong nhiều năm, nói với BBC News Tiếng Việt:
“Ông Phạm Chí Dũng là một người đã nỗ lực rất nhiều để nâng cao chất lượng của báo chí Việt Nam. Từ lâu đã có nhiều căng thẳng xoay quanh anh Dũng. Chúng tôi chỉ hy vọng là mọi người có thể thấy rằng anh ấy đã nỗ lực để đóng góp một cách nhất định đến phát triển của báo chí ở Việt Nam.
Từ lâu đã có nhiều căng thẳng xoay quanh anh Dũng. Chúng tôi chỉ hy vọng là mọi người có thể thấy rằng anh ấy đã nỗ lực để đóng góp một cách nhất định đến phát triển của báo chí ở Việt Nam.
TS. Jonathan London
“Và tôi thấy là dù còn chưa rõ về tình hình hiện nay, chưa rõ về hoàn cảnh của việc mà anh bị bắt và chất vấn, nhưng ai cũng đều thấy trong mấy năm qua anh là một trong những người đã đóng góp nhiều cho những tranh luận về những vấn đề xã hội ở Việt Nam.
“Và chỉ hy vọng là trong tương lai, Việt Nam có thể có đủ không gian để cho những người mà muốn nâng cao chất lượng của các dư luận, của các thảo luận xã hội quan trọng ở Việt Nam thì có thể làm được.
“Nên tôi cũng băn khoăn một chút và lo những vụ việc này sẽ tiếp diễn như thế nào. Chỉ hy vọng là sẽ có những kết quả tốt, mà bây giờ thì đáng lo.”
‘Vừa bất ngờ, vừa không’
Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, bình luận với BBC:
‘Tôi vừa bất ngờ, vừa không hề bất ngờ’
“Tôi nghe tin này, ở Việt Nam báo chí đã đăng công khai hết rồi, đài truyền hình, tất cả, đều đăng thông tin, nhưng tôi cũng có biết Tiến sỹ Phạm Chí Dũng.
“Tiến sỹ Phạm Chí Dũng có lý lịch như đài báo đã đưa tin, đã từng làm việc ở cơ quan nội chính của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và làm việc ở Ủy ban, nhưng anh ấy là con của ông Phạm Hùng, Phạm Hùng nguyên là Thường vụ Thành ủy, cũng là cán bộ lão thành, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, trước kia đã từng là Thư ký riêng của ông Võ Văn Kiệt.
“Cho nên cách đây mấy năm, anh Phạm Chí Dũng cũng bị bắt, nhưng sau đó được miễn tố và trả tự do. Còn chuyện anh Phạm Chí Dũng bị bắt, thì tôi nghĩ vừa bất ngờ mà cũng vừa không bất ngờ, bởi vì những bài viết của anh đi vào những lãnh vực rất nhạy cảm và có nhiều số liệu không biết lấy từ đâu.
“Cho nên thường những câu chuyện đó, những cơ quan điều tra nguồn gốc ai cung cấp tư liệu mà biết nhiều như thế, thì đó là câu chuyện mà họ muốn tìm, nhưng mà không có cách gì tốt hơn là nên bắt anh Phạm Chí Dũng để điều tra.
“Còn anh Phạm Chí Dũng, tôi cho rằng nếu mà nhà nước mà dân chủ, công khai, thì những bài mà anh Phạm Chí Dũng viết khá nhiều, mà khá là cập nhật, cho nên nếu như vậy, nên chăng là báo nên phân tích những bài viết ấy ra rồi phê phán và cũng đặt vấn đề nhanh chóng ngăn chặn từng bước, từng bước, đừng có để viết nhiều quá.
Nhà báo Phạm Chí Dũng trong một lần xuống đường ở Sài Gòn
“Thì phải lên án trước, lên tiếng trước, vì anh ấy cũng là con một đồng chí cách mạng lão thành, nên nhắc nhở anh và nếu những bài viết đó mà đụng chạm, nói xấu hay bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thì cá nhân, tổ chức có quyền kiện anh ra tòa.
“Nếu mà mình (Việt Nam) làm như vậy, thì tự nhiên nó nhẹ nhàng hơn, xã hội ngày càng dân chủ, minh bạch, những người nào mà viết hay phát biểu quá lời, thì kịp thời lên tiếng ngăn chặn, thì nó tốt hơn là cái gì cũng dùng biện pháp bắt bớ, tù đày.”
‘Một việc đáng lo ngại’
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A nói với BBC, cùng ngày 22/11:
“Tôi cảm thấy rất đột ngột và buồn và bực tức nữa, bởi vì việc bắt Tiến sỹ Phạm Chí Dũng là một dấu hiệu rất đáng lo ngại của chính sách của chính quyền Việt Nam bây giờ, bởi vì những cái người ta quy tội đối với ông Dũng thì hoàn toàn là không có cơ sở.
“Nhưng mà người ta vẫn bắt ông ấy là bởi vì họ muốn đe dọa, muốn siết chặt sự kiểm soát đối với những người bất đồng chính kiến, muốn bịt miệng những người ấy, trong lúc mà họ (chính quyền) có thể cảm thấy rất là bối rối…
“Một dấu hiệu rất đáng lo ngại cho chính quyền VN”
“Một đất nước mà muốn phát triển, thì chính quyền phải lắng nghe, kể cả những ý kiến chỉ trích rất là gay gắt cũng phải lắng nghe. Còn nếu đấy là những sự chỉ trích mà họ nghĩ rằng không đúng, thì họ nói lại đi, họ tranh cãi lại với những người đưa ra những chỉ trích ấy.
“Và trong trường hợp mà họ thấy rằng họ bị xúc phạm, thì luật pháp hiện nay của Việt Nam cho phép họ kiện dân sự ra tòa vì những sự chỉ trích như thế, chứ không phải là dùng hình sự để bắt người ta. Tôi nghĩ rằng đấy là một điểm rất là quan trọng cần phải phân biệt.”
Nhân dịp này, nhà hoạt động xã hội dân sự này bình luận về những nỗ lực hỗ trợ, hậu thuẫn cho bảo vệ và cải thiện nhân quyền liên quan tới Việt Nam của quốc tế, trong đó có các định chế thuộc Liên hợp quốc, hay phương Tây như từ Liên minh châu Âu, Mỹ hai các nơi khác, ông nói:
“Tôi nghĩ rằng sự hỗ trợ của họ là rất quý, họ cần phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, và tôi nghĩ rằng những nỗ lực đấy không nhắm vào những trường hợp cụ thể. Nhắm vào những trường hợp cụ thể cũng là rất tốt, nhưng mà phải nhắm vào cái dài hạn, tức là vấn đề thể chế, tức là phải thay đổi luật như thế nào. Và sau khi đã có thay đổi luật rồi, thì vấn đề là thực thi luật như thế nào?”
Sẵn sàng giúp bào chữa?
Nếu trường hợp có một sự yêu cầu bức bách, kể cả trường hợp cha của ông Phạm Chí Dũng là ông Phạm Hùng yêu cầu, thì lúc ấy có gì có thể làm được, tôi sẽ cố gắng.
Luật sư Trần Quốc Thuận
Về phần Luật sư Trần Quốc Thuận, khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng đứng ra tham gia làm luật sư bảo vệ cho ông Phạm Chí Dũng trước Tòa hay không, nếu có việc xét xử và nếu được ông Dũng và/hay gia đình của ông yêu cầu trợ giúp pháp lý, cựu quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói:
“Tôi bây giờ về mặt danh nghĩa vẫn là luật sư, vẫn đăng ký hành nghề, nhưng thực sự tôi tuổi cũng hơi lớn rồi, 75 tuổi rồi, sức khỏe cũng không được tốt, nếu trường hợp có một sự yêu cầu bức bách, kể cả trường hợp cha của ông Phạm Chí Dũng là ông Phạm Hùng yêu cầu, thì lúc ấy có gì có thể làm được, tôi sẽ cố gắng”, Luật sư Thuận nói với BBC.
Về vụ bắt ông Phạm Chí Dũng, hôm thứ Năm, một bản tin trên trang mạng của Bộ Công an Việt Nam cho biết chi tiết:
I
Tiến sỹ Phạm Chí Dũng có nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn được công bố ở Việt Nam và hải ngoại
“Ngày 21/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng (sinh năm 1966; quê quán: tỉnh Đồng Tháp; thường trú tại 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Thời gian qua, Phạm Chí Dũng đã có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự. Do đó, việc khởi tố để điều tra đối với Phạm Chí Dũng là rất cần thiết và đúng quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện lệnh bắt, khám xét đối với Phạm Chí Dũng được Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.”
Đây cũng là thông tin được Phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Công an thành phố này cùng ngày.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50506885
Phóng viên Không biên giới lên án vụ Việt Nam bắt ông Phạm Chí Dũng
Nhà báo Phạm Chí Dũng (ảnh: Chuacuuthe.com)
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) “lên án” việc nhà chức trách Việt Nam bắt giam ông Phạm Chí Dũng hôm 21/11, RSF cho biết qua thông cáo báo chí gửi đến VOA hôm 22/11.
RSF gọi ông Phạm Chí Dũng là một nhà báo Việt Nam trực ngôn và là người đi đầu về bảo vệ tự do báo chí trong nhiều năm qua đã cố góp phần tạo ra xã hội dân sự cởi mở và nhiều thông tin ở Việt Nam, không chịu sự điều khiển của đảng cộng sản.
Ông Dũng từng được đưa vào danh sách “Anh hùng thông tin” của RSF cách đây 5 năm và ông cũng là cộng tác viên có nhiều bài đăng trong mục Blog của VOA tiếng Việt.
Theo thông tin từ cơ quan tiến hành truy tố của Việt Nam, ông Dũng sẽ bị tạm giam 4 tháng trong khi công an tiếp tục điều tra ông về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Với tội danh này, ông có thể phải chịu mức án tù lên đến 12 năm.
“Vụ bắt giữ ông Phạm Chí Dũng là sự xác nhận mới nhất về việc chính quyền Việt Nam hoàn toàn không thể dung thứ bất cứ thông tin nào không phải do cơ quan tuyên truyền của họ đưa ra”, ông Daniel Bastard, trưởng bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói, theo thông cáo của tổ chức này.
Ông Phạm Chí Dũng, 53 tuổi, cựu cán bộ Ban Nội chính Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, từng bị tạm giam 6 tháng vào năm 2012 vì bị tình nghi biên soạn tài liệu “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông bị khởi tố hai tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền” và “Tuyên truyền chống nhà nước”.
Sau khi tuyên bố ra khỏi đảng vào năm 2013, và thành lập Hội báo chí độc lập gọi tắt là IJAVN, ông Dũng trở thành cộng tác viên thường xuyên trên trang Blog của VOA tiếng Việt.
“Chúng tôi yêu cầu trả tự do ngay cho nhà báo Phạm Chí Dũng. Ở thời điểm Việt Nam muốn hoàn tất các thỏa thuận thương mại với Liên hiệp châu Âu và các hiệp định quốc phòng với Mỹ, chúng tôi thục giục Brussels and Washington đình chỉ toàn bộ tiến trình chừng nào Hà Nội còn coi thường tự do báo chí”, đại diện của RSF nói trong thông cáo.
Trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2019, Việt Nam xếp thứ 176 trong 180 nước.