Kim Joo-il sinh năm 1973 ở Bắc Hàn. Ông bỏ trốn vào tháng Tám năm 2005 và nay chuyển sang sống ở Anh. Ông kể câu chuyện của mình cho chương trình The World Today của BBC World Service.
Khi tôi sống ở Bắc Hàn, nhiều người phải chịu cảnh khổ cực vì đói, thiếu dinh dưỡng và kinh tế yếu kém.
Tôi vào quân đội vào đầu thập niên 1990, bắt đầu từ lính trơn và dần lên thành Đại úy. Tôi sống trong quân ngũ 8 năm.
Tôi luôn được dạy về điều vĩ đại của xã hội Bắc Hàn và tính ưu việt của nó, nhưng khi còn trong quân ngũ tôi đã đặt câu hỏi về việc học của mình.
Tôi nhận thấy có rất nhiều điều trái ngược. Ngoài ra, Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật được thờ như là Chúa trời.
Tôi bắt đầu tự hỏi có xã hội nào khác bên ngoài Bắc Hàn hay không, và có tốt hơn không.
Tôi nghĩ về điều đó rất lâu và tôi muốn tìm câu trả lời, cho nên quyết định sẽ bỏ trốn. Tôi cũng muốn thay đổi xã hội Bắc Hàn.
Chết đói
Ở trường họ dạy chúng tôi rằng xã hội Bắc Hàn là nơi tốt nhất trên thế giới và các nước khác ghen tị với Bắc Hàn, nhưng tôi nhìn thấy người ta chết mỗi ngày vì đói và rất nhiều binh sĩ đào ngũ, cho nên cảm thấy sự trái ngược mỗi ngày.
Có đến 30% binh sĩ trong một đơn vị bị suy dinh dưỡng và 20% binh sĩ đào ngũ.
Một lần tôi được giao nhiệm vụ tìm những người đào ngũ, tôi về nhà và biết chuyện đứa cháu chết vì đói, và nhà không có gì ăn.
Điều đó khiến tôi đặt câu hỏi về xã hội tôi đang sống nhiều hơn, và giúp tôi có thêm nghị lực muốn bỏ trốn.
Hôm nay, Bắc Hàn dùng tiền cứu trợ của quốc tế cho mục đích quân sự và phát triển vũ khí cùng tên lửa hạt nhân.
Nó trở thành một đất nước bị coi là nguy cơ cho cộng đồng quốc tế.
Gần đây Bắc Hàn tấn công tàu chiến Cheonan của Nam Hàn, tạo ra căng thẳng trong vùng bán đảo Triều Tiên.
Điều đó khiến dân chúng Bắc Hàn thêm phần gian khó.
Khi tôi còn sống ở Bắc Hàn, nghe những câu chuyện tương tự như vậy, tôi luôn nghĩ rằng đó là chiến thắng cho Kim Chính Nhật hay Kim Nhật Thành là anh hùng.
Nhưng bây giờ tôi ở bên ngoài Bắc Hàn và tôi nhận thấy đất nước đang làm những chuyện đó để tránh bị cô lập.
Đó là một phần chiến lược của họ. Họ đang ở bờ vực và đó là cách duy nhất để khỏi bị cộng đồng quốc tế cô lập.
Tôi mất rất nhiều thời gian mới ra quyết định bỏ trốn. Đó là vì tôi biết gia đình, bạn bè và hàng xóm sẽ phải chịu đựng những gì nếu tôi bỏ trốn. Tôi lo lắng cho bố mẹ.
Tôi luôn muốn trốn nhưng rất khó khăn. Bất kỳ ai có bố mẹ đều sẽ hiểu tôi cảm nhận như thế nào. Tôi chưa hề được liên lạc với bố mẹ từ sau ngày ra đi cho nên không biết chuyện gì đã xảy ra với họ.
Khi tôi bỏ trốn, tôi mặc quân phục vì vẫn đang còn trong quân đội, nhưng không có hộ chiếu, không có visa, không có tiền khi nhập cảnh Trung Quốc. Tất cả chỉ là hai bàn tay trắng.
Tôi lội qua con sông chảy ngang biên giới giữa Bắc Hàn và Trung Quốc trong đêm. Có lính gác ở biên giới và họ sẽ bắn nếu nhìn thấy tôi nhưng tôi đã bơi được sang phía Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc tốt hơn Bắc Hàn, tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong một năm ở đó, không có tiền và mỗi ngày phải xin ăn trên đường.
Trại tù
Một tổ chức NGO giúp tôi sang Việt Nam. Tôi đi xe lửa đến biên giới, rồi xe lửa về Hà Nội, và đi bộ ở đó trong ba ngày.
Nhưng tôi nhận thấy Việt Nam cũng không phải là xã hội dân chủ, nên quyết định đi sang Campuchia.
Hai lần tôi bị lính gác Việt Nam bắt trong lúc lội qua biên giới. Tôi trốn khỏi trại tù và đến lần thứ ba thì sang được đến Campuchia.
Và rồi tôi vào Thái Lan và đến được Anh quốc vào tháng Mười năm 2007 trong vai trò di dân bất hợp pháp.
Tôi đã có thể khai tư cách tị nạn và hiện giờ có gia đình ở Anh, cùng một con.
Tôi đã được biết dân chủ thực sự là như thế nào. Nếu nước Anh là thiên đường thì Bắc Triều Tiên là địa ngục.
Người dân Bắc Triều Tiên không biết dân chủ là gì.
Nhưng mỗi ngày, khi thức dậy, tôi cảm thấy muốn xây dựng xã hội dân chủ trên đất Bắc Hàn.
Tôi hy vọng là Anh quốc và c̣ông đồng quốc tế có thể giúp Bắc Hàn thay đổi chế độ cầm quyền để người dân có thể chấm dứt cuộc sống khốn khổ, được sống trong một nền dân chủ tôn trọng nhân quyền.
Kim Joo-il
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/06/100628_north_korea.shtml