Cuối tuần lướt qua BVN, bỗng thấy logo PetroVietnam (PV) to đùng, tôi bắt mắt ngay. Gần 18 năm qua, tôi có biết bao bạn thân quý ở PV. Mỗi lần về, ra Hà Nội, tôi đều ghé thăm, từ lúc PV còn ở Nguyễn Du, sau đó Ngô Quyền, rồi về Láng hiện nay. Chuyện gì nữa đây? PV đâu có dính gì đến BVN, đến chuyện thuê rừng, đến đường sắt cao tốc. PV lo chuyện thăm dò, khai thác ở ngoài khơi là chính. Hết chuyện rồi hay sao mà BVN mó đến lãnh địa gai góc và kín cổng cao tường này? Đọc tiếp thì ra không phải. BVN trích bài viết “Nhóm lợi ích ở ngay trước mắt” từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tờ báo có đưa ra những phân tích chuẩn xác và nghiêm túc. Bài viết có giá trị thuyết phục. “Một trong những nội dung của thỏa thuận này là hai bên sẽ phối hợp trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, chính sách quản lý thuế, nhất là các văn bản pháp quy về thuế “tác động nhiều đến sản xuất kinh doanh” của PetroVietnam”.
Tôi không có nguyên bản thỏa thuận đầy đủ nhưng từng ấy chữ đã thấy hai tổ chức này liều mạng hết cỡ. Trước hết là thỏa thuận này vi phạm luật. Nhiều luật lắm. Thứ nhất là Hiến pháp. Rồi Luật về tổ chức QH, luật về tổ chức cơ quan nhà nước, luật cạnh tranh, luật thuế, luật dầu khí. Điều đơn giản là một công ty thương mại, kể cả tập đoàn hùng mạnh có vốn của nhà nước 100%, cũng không thể tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế. Nguyên tắc căn bản bất di bất dịch ở nước nào cũng đều giống nhau. Với đà này nếu báo chí không lên tiếng, Tổng cục Thuế (TCT) sẽ yên tâm ký thỏa thuận tương tự với các Tập đoàn Than khoáng sản, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Đóng tàu… thì ông trưởng thôn cũng có thể ký kết với mấy bà bán hàng rong… phối hợp xây dựng và điều chỉnh phụ phí chiếm lĩnh vỉa hè, góc phố. Trước mắt là một ngày đẹp trời nào đó, trưởng thôn Hiệp bắt chước TCT ký với “doanh nghiệp cá thể vừa và nhỏ Giang còi – Quang tèo” xây dựng thuế nuôi vịt đồng trong thôn. Rồi cũng một ngày xấu trời nào đấy, trưởng thôn Hiệp lại ký với “tổ hợp anh Vượng con ông Hòe” bản thỏa thuận miễn thuế nuôi vịt thì đã chết ai? Nhưng đối với quốc gia thì khác, gây bất công cho nhiều đối tượng thuế và có thể thiệt hại đến công quỹ vì không một doanh nghiệp nào lại hợp tác với cơ quan thuế điều chỉnh thuế bất lợi cho mình. Về tâm lý, thuế hàm nghĩa với sự “đau xót”. Đã đành, đâu cũng là vốn nhà nước nhưng chế độ thu chi hai tổ chức chắc chắn khác nhau. Luật là luật và đã là luật thì bình đẳng. Nay mai, PV sẽ cổ phần hóa rồi mới thấy sự thiệt hại công quỹ biết bao nhiêu. Việc chính của PV là thăm dò khai thác dầu khí và quản lý đồng vốn mang lại hiệu quả tối ưu. PV không có chức năng làm thuế nhưng có nghĩa vụ nộp thuế, bình đẳng như mọi pháp nhân khác.
Việc thành lập các tập đoàn quốc doanh nhà nước với mô hình như đang xẩy ra và tồn tại hiện nay ở Việt Nam là một sự liều lĩnh tiềm ẩn những nguy cơ không lường hết được cho nền kinh tế quốc gia. Các tập đoàn này nắm giữ đồng vốn công khổng lồ. Các tập đoàn này vung tiền đầu tư khắp mọi nơi, kể cả thị trường chứng khoán, địa ốc và đầu tư chéo với nhau trong khi tất cả đều là vốn chung của một ông chủ, đó là Nhà nước. Mà Nhà nước thì không tên và một địa chỉ cụ thể là cơ quan kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, đã là “kiểm” bao giờ cũng hàm ý muộn màng ì ạch. Thậm chí, có tập đoàn còn thành lập Công ty cổ phần Thể thao & Văn hóa để khuyến khích tài năng văn hóa và thể thao trong ngành! Điều này có thực, người viết không có ý vọng ngôn đâu. Xin nói cách khác: nếu Tổng cục Thuế ký kết văn bản thỏa thuận với Vụ Dầu khí của Văn phòng Chính phủ để thực hiện dự án này thì lại không có rắc rối pháp lý vì đó là chuyện nội bộ của Chính phủ với nhau. Và cả hai không phải đối tượng thuế và mọi chuyện vì thế minh bạch và vô tư hơn. Nhưng TCT thích hợp tác với Tập đoàn PV nhiều tiền nhiều bạc hơn. Năm 1993, Việt Nam đã có Luật Dầu khí nhưng có hai điều quan trọng, chưa bao giờ thi hành. Đó là điều 38 và 39 quy định về Cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí. Hai điều trên đã được cụ thể hóa trong Nghị định 84-CP năm 1996, chương VII, từ khoản 57 đến 63, nhưng chỉ nằm trên giấy. Vì vậy, PV tiếp tục vừa làm công việc kinh doanh và vừa làm quản lý, mà người ta hay gọi là vừa đá bóng vừa thổi còi. Xin bạn đọc thử hình dung ra, cúp bóng đá thế giới 2010 đang diễn ra ở Nam Phi, mỗi cầu thủ đều mang còi thổi phạt lẫn nhau! Thuật ngữ gọi là double moral (xin lỗi bạn đọc, tôi không biết chuyển sang tiếng Việt ra sao) [1]. Quí vị quan chức ở PV và ở Vụ Dầu khí không phải họ không biết chuyện. Thực ra, quyết định tiến hành việc này phải ở tầm mức vĩ mô cao hơn. Vĩ mô quên việc bấm đèn xanh thì cứ tiếp tục đổ lỗi cho cơ chế, tức cột điện đường bởi nó không biết nói. Các công ty dầu khí quốc tế luôn tính toán đến chế độ thuế tại các quốc gia mà họ đầu tư. Khi mà chế độ thuế không thống nhất, bất cập, tức khả năng tiên liệu trong quản lý rủi ro, dễ làm họ chùn bước. Lỡ vào rồi thì họ tìm cách sang nhượng hợp đồng (farm out). Na Uy có một tập đoàn dầu khí có vốn của nhà nước đến 67%. Tập đoàn này hoạt động theo luật công ty và bình đẳng với các tập đoàn dầu khí khác. Dù là vốn của nhà nước, tập đoàn này, có khi một mình, có khi cùng với các nhóm quyền lợi khác vẫn kiện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và ngược lại. Những vụ kiện như thế thường kéo dài 3, 4 năm mới kết thúc. Sau khi kết thúc tranh tụng, cũng phải mất nhiều tháng nữa mới nghị án. Số tiền lên hàng trăm triệu USD. Có khi nhà nước thắng, có khi thua. Hiện nay vẫn còn một số vụ kiện về thuế dầu khí chưa ngã ngũ. Qua tai nạn rủ nhau làm thuế dầu khí, đã đến lúc xem lại các văn bản pháp qui về hoạt động dầu khí vì có nhiều điều khoản đã lỗi thời và thực tế vận hành theo chiều hướng khác. Có nhiều điều qui định nhưng để đó làm kiểng, chưa triển khai bao giờ.
NMQ
Stavanger, Na Uy 26/6-2010
[1] BVN chú: Phải chăng tác giả muốn nói đến mấy chữ “Double moral standard” mà ta có thể tạm dịch là “lưỡng chuẩn” hay “tiêu chuẩn kép” hiểu nôm na là một thứ đặc quyền đặc lợi, có nghĩa là đặc quyền cho nhóm này nhưng không áp dụng cho nhóm khác, mặc dù không có sự khác biệt gì giữa hai nhóm.
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập