Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy núi Trường Sơn, là giao điểm giữa quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, là một địa chỉ nổi tiếng lưu dấu những sự tích anh hùng thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ trên đất Bắc.
Đây là một thung lũng nằm phía trên huyện lỵ Can Lộc chừng 10 km, là ngã ba huyết mạch của con đường giao thông chiến lược chuyển quân lính và vũ khí đạn được, lương thực vào các mặt trận phía Nam. Ngã ba Đồng Lộc được coi như một cổ họng mà tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải qua đây, nếu vượt qua được sẽ tỏa ra nhiều tuyến đường khác nhau thông với chiến trường dễ dàng, vì thế phía Mỹ đã coi nơi này là một trọng điểm phải chặn đứng, về phía ta, các đội thanh niên xung phong, dân quân và bộ đội địa phương cũng phải có mặt ngày đêm, rà phá bom do Mỹ rải xuống, giải phóng mặt đường nhanh nhất. Cuộc đấu trí đấu lực diễn ra trong suốt nhiều năm nhưng cao điểm là năm 1968.
Trong khoảng thời gian ấy, Ngã ba Đồng Lộc trở thành một “túi bom” khổng lồ, được mệnh danh là “tọa độ chết”, chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10-1968 đã hứng trọn 48.600 quả bom các loại. Nhưng cũng tại “tọa độ chết” này, rất nhiều tấm gương gan góc tiêu biểu cho vẻ đẹp nhân văn của người Việt lần lượt xuất hiện, từ trong cái chết tìm cái sống, đi vào huyền thoại, như anh hùng La Thị Tám, người con gái nhỏ nhoi một mình đứng suốt trên đồi cao trong nhiều năm ròng đếm bom rơi một cách tuyệt đối chính xác xem có bao nhiêu quả mỗi lần, quả nào đã nổ, quả nào chưa nổ, tại địa điểm nào, để tránh thương vong cho xe pháo chạy, và trước hết chỉ dẫn trúng mục tiêu cho người gỡ bom; anh hùng Vương Đình Nhỏ “vua phá bom” bằng bộc phá, có sáng kiến phá nhiều quả một lúc mà không làm hỏng mặt đường, đã chỉ huy phá được 1899 quả bom tính đến 1972 (và sau chiến tranh lại trở lại cuộc sống khiêm tốn nghèo nàn thường nhật của mình cho đến tận lúc nhắm mắt)… Đặc biệt là 10 cô gái thuộc Tiểu đội 4 Thanh niên xung phong đã cùng ngã xuống một lần vào hồi 17h ngày 24-7-1968, đúng lúc tuổi đời còn trinh trắng, khi họ từ hào giao thông nhảy lên mặt đường san lấp những hố bom do Mỹ vừa thả xuống thì bất ngờ máy bay Mỹ bay quặt lại thả tiếp một chùm bom mới. Cái chết của các cô trở nên linh thiêng, Ngã ba Đồng Lộc từ đấy đã thành nơi hội tụ tâm linh trong lòng nhân dân.
Sau chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc được xây dựng thành một bảo tàng lịch sử và là nơi tưởng niệm hàng trăm liệt sĩ cùng 10 cô gái anh hùng. Trước kia, đây là một thung lũng heo hút thì nay cây cối xanh tươi, người người từ Nam đến Bắc lũ lượt kéo về hàng ngày, thành kính tưởng vọng anh hồn người đã khuất.
Đầu năm 2010, một cuộc phát động xây đền thờ và tháp chuông Đồng Lộc được khởi xướng, nhiều cá nhân và nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhiệt liệt đóng góp tài chính, với bản thiết kế do Văn phòng Tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội đảm nhiệm, bao gồm: Đền thờ (diện tích xây dựng 1.572 m2); tam quan; tháp chuông tám mái, cao 7 tầng (36,6 m), tầng trên cùng treo một quả chuông đồng nặng gần 7 tấn, cao 3,6m, vành chuông có đường kính 1,95m, đường kính thân chuông 1,50m. Tổng diện tích công trình 12.500 m2, với khoản kinh phí hơn 32 tỷ đồng. Công việc khởi sự ngày 26-3-2010, dự định hoàn tất vào ngày 15-7-2010, và hy vọng đến ngày 24-7-2010, đúng 42 năm ngày các cô gái hy sinh, tiếng chuông từ bi sẽ ngân vang đến khắp mọi miền, cầu nguyện cho mọi linh hồn về nơi cực lạc.
Chuông Đồng Lộc đúc xong từ tháng 12-2009. Ngày 10-12, Tỉnh ủy và UBND Hà Tĩnh đã tổ chức một lễ rước chuông từ Hà Nội về Hà Tĩnh, đồng thời trực tiếp mời một số học giả nổi tiếng soạn bài minh trang trọng khắc trên chuông để ghi nhớ sự kiện lịch sử trọng đại và tri ân liệt sĩ. Nhiều học giả khắp nơi đã đóng góp tác phẩm của mình nhưng chưa tác phẩm nào được Hội đồng giám định chấp thuận, bởi minh là một thể văn đòi hỏi một số yêu cầu chặt chẽ về thể thức. Đó là thể văn vần 4 chữ, gieo vần theo lối độc vận, ép vần hay đổi vần là điều tối kỵ, nội dung cô đúc, giàu tính biểu tượng, ca ngợi hay khuyên răn đều phải kín đáo, dồn nén cảm xúc vào trong một hệ từ vựng điển nhã. Chưa bài nào đạt được những yêu cầu này.
Khoảng hạ tuần tháng 5-2010, ông Hà Văn Thạch, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Phó Chủ tịch UBND Hà Tĩnh, tìm đến GS Nguyễn Huệ Chi – người con đất Can Lộc, Hà Tĩnh – đặt yêu cầu chính thức với GS như một nhiệm vụ thiêng liêng do tỉnh nhà nhờ cậy. Và trong vòng một tháng, GS Nguyễn Huệ Chi đã dồn tâm huyết hoàn thành bài minh dưới đây, bước đầu được địa phương tiếp nhận, và đang tiếp tục góp ý trong Hội đồng để tiến tới văn bản hoàn chỉnh cuối cùng. Xin gửi đến bạn đọc xa gần cùng thưởng lãm và rộng đường dư luận:
MINH CHUÔNG ĐỒNG LỘC
Đây đất anh linh,
Nhân tài đua nẩy.
Núi Lô vươn mình,
Sông Nghèn cuộn chảy.
Tuấn kiệt lừng danh,
Khí thiêng đầy dẫy.
Gặp lúc chiến tranh,
Ngã ba chốn ấy,
Huyết mạch giao thông,
Quân đi xe trẩy.
Giặc dữ tung hoành,
Bom tuôn đạn xoáy.
Đất nhão bùn đen,
Trời nung lửa cháy.
Lồi lõm hố sâu,
Dọc ngang nát bấy.
Bộ đội dân quân,
Rà bom phá bẫy.
Lớp trước hy sinh,
Lớp sau xốc dậy.
Đấu trí quật cường,
Địch thua trông thấy.
Giữ vững mặt đường,
Xe ta cứ chạy.
Mười cô trắng trinh,
Tỏa hương nhân ái.
Thế giới nghiêng mình,
Danh truyền rộng rãi.
Phách lạc hồn thiêng,
Tiếng linh đồn đại.
Đất nước thanh bình,
Tháp xây tám mái.
Cao vút tầng mây,
Mười phương chiêm bái.
Chuông gióng ngân nga,
Thanh âm vọng mãi.
Nhớ người đi xa,
Cho đời thắm lại.
Cây cỏ nở hoa,
Mùa màng gặt hái.
Con cháu tinh anh,
Muôn nhà an thái.
Cầu nguyện linh hồn,
Siêu thăng bát hải.
Nguyễn Huệ Chi soạn, xong ngày 25-6-2010
ĐTH
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập