BBC phỏng vấn GS Hoàng Dũng
Cuộc biểu tình hôm 10/8 trước cổng ĐSQ Trung Quốc thu hút khoảng 10 nhân sỹ trí thức, trong đó có GS Tương Lai, GS Hoàng Dũng, các ông Lê Công Giàu, Tô Lê Sơn, Hà Thúc Huy, Huỳnh Tấn Mẫm, Võ Văn Thôn…
Theo tường thuật của GS Hoàng Dũng trên mạng xã hội, cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc mang tàu tới Bãi Tư Chính của Việt Nam hôm 10/8 không bị ngăn cản, không có bắt bớ. Chỉ có một cảnh sát trẻ tuổi, ‘má còn lấm tấm mụn cám’ tới nhắc nhở rằng "Chuyện chống Trung Quốc để nhà nước lo."
Các nhân sỹ chủ yếu trong độ tuổi U90, U80, U70 mang theo biểu ngữ với dòng chữ ”Đả đảo Trung Quốc xâm lược.” Mọi người hô lớn: "Đả đảo Trung Quốc xâm chiếm biển đảo Việt Nam", "Đả đảo Trung Quốc xâm lược", "Trung Quốc rút ngay ra khỏi biển đảo Việt Nam!"
Trả lời BBC hôm 13/8, GS Hoàng Dũng một trong những người tham gia biểu tình hôm 13/8, nói:
"Một cuộc biểu tình nhỏ như vậy, để nói có hiệu quả lớn lao không thì tôi phải nói là không có, nhưng chắc chắn góp một tiếng nói rằng người Việt không, không bao giờ nguôi ý chí chống xâm lăng. Nhà nước có thể tính toán này hay kia để có thể nhân nhượng hoặc lùi bước, nhưng người dân Việt Nam không như vậy."
Khi được hỏi vì sao không biểu tình sớm hơn, khi tàu khảo sát của Trung Quốc còn ở Bãi Tư Chính của Việt Nam, GS Hoàng Dũng nói:
"Ở Việt Nam tổ chức được một cuộc biểu tình rất khổ cực. Chúng tôi phải đến từng nhà chứ không thông tin với nhau qua điện thoại. Nhà chúng tôi ai cũng bị canh. Trước cửa nhà tôi hôm nay hiện có 3 em an ninh đang canh. Sáng nay tôi đi một siêu thị nhỏ gần nhà thì em an ninh đó cũng đi theo công khai. Ngày thứ Bảy chúng tôi đi biểu tình thì hôm Chủ nhật tôi vừa dắt xe ra cửa đi dạy liền bị công an chặn lại không cho đi. Từ hôm đó tới nay ba ngày liên tiêp an ninh canh cửa. Khi tổ chức thành công xong rồi thì phải trả giá, đi đâu cũng bị theo dõi. Tất nhiên ai cũng biết bị theo dõi là biện pháp nhẹ nhất, chúng tôi đều chờ đợi các biện pháp mạnh hơn."
Trước đó, cũng có một cuộc biểu tình nhỏ khác hôm 6/8 do nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh thực hiện trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, nhưng bị cảnh sát giải tán sau ít phút.
Giới hoạt động cho hay tinh thần chung là trong vụ việc Bãi Tư Chính, họ sẽ không biểu tình, như một cách thể hiện thái độ với chính quyền.
Một nhà quan sát đề nghị giấu tên nói với BBC hôm 13/8:
"Tôi có được mời tham gia cuộc biểu tình hôm 10/8 với các nhân sỹ trí thức, nhưng tôi từ chối. Lý do thì tôi đã nói ngay từ đầu trên Facebook cá nhân của tôi, rằng tôi sẽ không tham gia bất cứ một cuộc biểu tình nào nữa. Nhà cầm quyền khi cần một cuộc biểu tình thì lợi dụng những người tranh đấu. Sau đó lại quay lại bắt bớ và đàn áp. Chúng tôi không muốn bị nhà nước lợi dụng. Cho nên dù hiện thời không bị ngăn cản nhưng chúng tôi vẫn không tham gia. Dân chúng tôi quay lưng lại với nhà nước. Cứ để đảng và nhà nước lo đi."
‘Việc dù nhỏ đến đâu cũng có ích’
Trước vấn đề này, GS Hoàng Dũng nói:
"Khi làm một chuyện gì thì có ý kiến này kia là chuyện bình thường, vấn đề là đừng có nhất định cho là mình đúng. Khi một số anh em chúng tôi chuẩn bị đi biểu tình, một số người không đi và đưa ra một số lý do, trong đó có một số lý do riêng tư. Nhưng cũng có người nói với tôi chuyện Bãi Tư Chính xong rồi, tổ chức một cuộc biểu tình như vậy là vuốt đuôi, không hiệu quả. Tôi tôn trọng ý kiến của họ nhưng tôi quan niệm khác: Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam. Họ có chiến lược nhất quán, khi mềm khi rắn. Cho nên không có Bãi Tư Chính này sẽ có Bãi Tư Chính kia. Hiện vẫn còn 2 tàu hải giám ở đó, và có ý kiến rằng rất có thể họ quay trở lại. Tôi cho rằng chuyện họ quay trở lại hay không không dám chắc. Nhưng Bãi Tư Chính luôn nằm trong con mắt thèm khát của Trung Quốc. Khẩu hiệu của chúng tôi là đả đảo Trung Quốc xâm lược, chúng tôi đả đảo cả một chiến lược và tinh thần như vậy của Trung Quốc chứ không chỉ riêng Bãi Tư Chính mà thôi."
"Là người tham gia vào công việc vận động xã hội một thời gian, tôi thấy rất rõ người dân Việt Nam càng ngày càng trưởng thành như thế nào. Trước đây mươi năm, làm chuyện gì mà công an tới nhà thì nhiều người sợ, có khi mất ăn mất ngủ. Bây giờ, dần dần mọi người hiểu ra, họ cứng rắn và chững chạc hẳn lên. Như Đoan Trang chẳng hạn. Thời còn làm phóng viên của nhà nước, bị công an tới tìm thì sợ quá chạy. Nhưng hiện cô Đoan Trang đã trưởng thành, chững chạc hẳn. Như thế để nói rằng một ngọn lửa dù nhỏ đến đâu cũng có thể trở thành một mồi lửa cho những đám lửa khác. Và hãy nhìn sự thay đổi của mạng xã hội, hay là trạng thái tinh thần của người Việt trong 20 năm qua. Có thể thấy những cố gắng dù chỉ nhỏ lẻ cũng dần làm thay đổi trạng thái tâm lý của người dân như thế nào. Tôi rất tin việc làm của chúng tôi dù nhỏ đến đâu cũng có ích."
"Nhận định của chúng ta có thể khác nhau, cách làm của chúng ta khác nhau, không sao hết. Quan trọng là chúng ta cùng chung một mục đích và lòng yêu nước," GS Hoàng Dũng nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh.
Giới quan sát nói gì?
Trước đó, trả lời BBC hôm 8/8, bình luận về về chiến lược cần có của chính quyền để thu phục lòng dân khi Việt Nam bị Trung Quốc ‘bắt nạt’, luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội cho rằng ngay bây giờ, chính quyền nên tổ chức cho dân biểu tình.
"Người dân lâu nay vẫn huyễn hoặc rằng quan hệ giữa chúng ta và Trung Quốc vẫn tốt đẹp, tình anh em vẫn luôn thắm thiết. Tuy nhiên, chắc rằng không mấy ai tin điều đó. Bản thân người Trung Quốc cũng không coi chúng ta là anh em thân thiết gì. Các bạn có thể vào những trang tiếng Trung Quốc để copy và dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng Việt để hiểu đích xác vị trí của mình trong con mắt của "người anh em" là như thế nào. Như vậy, chúng ta cố gắng gìn giữ sự hữu hảo giả tạo với Trung Quốc tới lúc nào? Đại diện chính quyền Việt Nam không kích động bạo lực nhưng cần thể hiện rõ ý chí của cấp cao nhất đối với hành động phi pháp của kẻ thù. Chúng ta cần cho người dân biết một cách thẳng thắn rằng ai là kẻ thù của ta, người dân cần được biết, có được quyền biết và được quyền biểu thị thái độ của họ đối với kẻ thù."
"Tôi tin rằng nếu chính quyền tổ chức cho dân biểu tình ôn hòa, mà không đàn áp, bắt bớ, bỏ tù như đã từng làm, thì chắc chắn người dân sẽ rất ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm quan trọng để những người lãnh đạo đất nước có thể thu phục được nhân tâm, giúp ích cho nước nhà bằng những hành động vô cùng dễ thực hiện."
TS Lê Thu Hương từ Viện Chính sách Chiến lược Australia viết trên AMTI rằng "So với vụ việc giàn khoan 981 năm 2011, vụ tàu khảo sát của Trung Quốc vào Bãi Tư Chính và các hành động quấy rối nhận được ít hơn nhiều sự chú ý của quốc tế và các trao đổi ngoại giao. Đó là vì về cơ bản Hà Nội muốn kiểm soát tinh thần bài Trung tại Việt Nam và ngăn chặn các cuộc biểu tình hoặc bất ổn tiềm ẩn."
"Bắc Kinh đã tăng cường áp lực ở Biển Đông không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với Malaysia và Philippines. Thật vô lý khi cho rằng chiến thuật mà Việt Nam áp dụng vào năm 2014 để đối phó với sự cố HYSY-981 sẽ có hiệu quả tương tự ngày hôm nay, đặc biệt là việc khi Bắc Kinh hiện đang theo đuổi các hoạt động này với nhận thức rằng họ sẽ phải trả giá về mặt danh tiếng, mà Trung Quốc dường như chuẩn bị chấp nhận…"
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/49327412