Hội thảo Hè 2019, Porto, Portugal
Vũ Quang Việt
June 2019
Cho đến nay lịch sử và các yếu tố đưa đến phát triển dường như đã khá rõ. Phát triển kinh tế gắn liền với sự phát triển và kết hợp giữa ba yếu tố. Yếu tố thứ nhất là tư tưởng dân chủ – tự do – cơ sở để phát triển khoa học và kỹ thuật. Yếu tố thứ hai là nền kinh tế thị trường – với vai trò điều tiết của nhà nước, một nhà nước dân chủ dựa trên sự cân bằng quyền lực giữa lập pháp và hành pháp với sự độc lập của tư pháp nhằm ngăn cản lạm quyền và độc đoán của người cầm quyền đồng thời đảm bảo dân quyền. Và cuối cùng, yếu tố thứ ba là cơ chế đảm bảo sự cạnh tranh và hợp tác hòa bình giữa các quốc gia, dựa trên sự tuân thủ các qui ước dần dần được thiết chế thành luật pháp quốc tế, hoạt động và giải quyết tranh chấp trong các định chế do các tổ chức quốc tế quản lý như Tòa án Quốc tế, Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) để các quốc gia giải quyết tranh chấp, cạnh tranh và hợp tác trên cơ sở hòa bình, tôn trọng nhân quyền và mọi người cùng có lợi.
Các định chế này dường như đang bị phá vỡ dần bởi Trump hay chính nước Mỹ, một nước đề xướng và đóng góp vào các qui ước và định chế quốc tế về một thế giới tự do về chính trị, và mở rộng thương mại nhằm để các nước cùng phát triển, nhằm lấy lòng một khối dân chúng bảo thủ Mỹ khoảng 30-40% dân, ủng hộ Trump, không chỉ trong cuộc bầu cử năm 2016 mà còn tiếp tục hiện nay. Khối dân chúng này nghĩ gì? Thứ nhất là sự thất bại hay không thể thắng của các cuộc can thiệp quân sự rất tốn kém về sức người và sức, gần như một mình, của ở Iraq, Aghanistan, và ở cuộc chiến chống khủng bố của các nhóm Hồi giáo quá khích, và sự thất bại khi hô hào mùa xuân Ả Rập. Thứ hai là nước Mỹ đang dần mất khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, một nước được Mỹ lôi kéo, cho nhiều ưu đãi, nhằm chống Liên Xô, đang muốn vươn lên thách thức Mỹ và thống trị thế giới, bất chấp luật pháp quốc tế. Khối dân chúng theo Trump này một phần lớn là tàn dư của đầu óc bảo thủ tôn giáo, đàn ông trị, và kỳ thị da mầu của quá khứ và sự “nổi loạn” của giới thợ thuyền mất việc, trước đây hoạt động trong các ngành công nghiệp như sắt thép, xe hơi, làm hàng tiêu dùng lâu bền,… và một thời là xương sườn của giới trung lưu Mỹ. Trump dù thua phiếu cử tri đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 vì phiếu đại cử tri ở 4 bang thường trước đây bầu cho Dân chủ, đó là Michigan, Ohio, Pensylvania, và Wisconsin.
Như thế, phải chăng thế chế quan hệ quốc tế đã lỗi thời và cần điều chỉnh vì nước Mỹ không thể tiếp tục nhận nhiệm vụ cường quốc số một thế giới mà cần chia sẻ trách nhiệm và Mỹ cũng cần bảo hộ mậu dịch để tự bảo vệ mình? Và Trump là người bắt đầu bằng cách đập phá thể chế cũ dù không đưa ra được viễn kiến về thể chế mới? Làm một cách ý thức hay vô ý thức? Vấn đề gì sẽ xảy ra sau đó? Bài này chỉ nhằm đặt câu hỏi sau khi đánh giá khả năng phát triển của Trung Quốc như một lực lượng kinh tế và qua đó là lực lượng quân sự.
Bài viết kết luận về khả năng vươn lên về kinh tế của Trung Quốc như là lực lượng hàng đầu sánh ngang Mỹ vào năm 2035 so về khả năng tài chính, qua đó có thể tăng chi cho quân sự ngang bằng Mỹ, dù thu nhập đầu người còn thấp hơn nhiều. Cũng chính khả năng vươn lên của Trung Quốc, vì họ có thể cùng một lúc dùng ưu thế thị trường lớn và tính phi thị trường của nền kinh tế. Sự hấp dẫn của thị trường lớn với tiềm năng doanh thu và lợi nhuận cao cho phép họ đòi hỏi hoặc ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ. Tính phi thị trường thể hiện qua việc doanh nghiệp không thể cưỡng lại chỉ thị của Đảng, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, trong đó có mục tiêu ngăn chặn cạnh tranh song phẳng. Sức mạnh kinh tế cho phép tăng cường quân sự nhằm áp đảo nước khác. Phải chăng chính thái độ này của Trung Quốc đã đẻ ra hiện tượng Trump? Và thế giới sẽ đối phó như thế nào khi khả năng Trung Quốc sánh ngang Mỹ trở thành hiện thực và nhất là khi các cam kết của Mỹ mất đi tính khả tín?
Kết quả dự đoán
2017
2035
Tỷ trọng GDP so với thế giới
Mỹ
21.7%
19.3%
Trung Quốc
12.7%
19.3%
GDP đầu người (tính theo giá 2010 USD)
% Tăng
Mỹ
53,469
75,486
41%
Trung Quốc
7,207
17,665
145%
Thế giới
10,665
15,556
46%
Hiện tượng Trump ở Mỹ có thể không phải nhất thời, nhất là khi Trung Quốc trở thành nguy cơ cho hòa bình thế giới. Vì vậy, cần đánh giá khả năng tan rã của cái gọi là thế giới tự do. Trump, đại diện cho một khuynh hướng ở Mỹ, chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi của Mỹ, không chỉ chống Trung Quốc mà chống mọi người. Khuynh hướng Trump không còn đặt vấn đề xây dựng khối đoàn kết hay đồng minh trên thế giới để chống lại lực lượng phản động có thể gây chiến tranh thế giới. Đây là hiện tượng nhất thời hay dài lâu? Cuộc chiến giữa hai con hổ liệu có thể xảy ra? Và cuộc chiến này nếu có không phải là cuộc chiến bảo vệ hòa bình mà vì quyền lợi riêng tư.
Tình hình này sẽ đi về đâu? Khi bị bỏ rơi, liệu các nước nhỏ có thể liên minh hình thành một lực lượng thứ ba, và liệu liên minh này có thể tự đứng vững hay là đành lép vế trở thành chư hầu của Trung Quốc?
Và thái độ thích hợp nhất cho Việt Nam? Đồng minh với Trung Quốc thì câu trả lời rõ ràng là không. Đồng minh với Mỹ dựa vào quyết định hai chiều, mà hai bên đều chưa thấy lý do, sự tin cậy và lợi ích để cam kết. Cho nên Việt Nam chỉ có một con đường là sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình theo đúng luật quốc tế, nhất là luật biển, phát động chiến lược và chiến thuật tranh thủ quốc tế ủng hộ mình nhằm ngăn chặn Trung Quốc xâm phạm bằng bạo lực, và đó chính là con đường đi đến tự do, dân chủ, tự do và nhân quyền, vừa lợi cho chính dân tộc mình mà vừa dễ dàng tranh thủ được sự đồng tình của thế giới.
*
Có thể thấy sau chiến tranh thứ hai, đã hình thành rõ nét hai mô hình phát triển. Mô hình dân chủ – tự do – nhân quyền và hợp tác quốc tế (loại 1) và mô hình toàn trị tuyệt đối kiểu Liên Xô, nhân danh mục tiêu xóa bỏ bóc lột do một Đảng quyết định (loại 2). Sự tan rã của mô hình loại 2 đã đẩy nhanh sự phát triển của mô hình Trung Quốc (loại 3), đặc biệt là sau khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền thống trị kể từ năm 1978, tiếp tục toàn trị về chính trị, tiếp tục xác định sở hữu nhà nước về đất đai, mở ra cho kinh tế tư nhân ở một số hoạt động, nhưng bảo đảm sự có mặt và điều động của doanh nghiệp nhà nước ở những hoạt động quan trọng, một loại chủ nghĩa tư bản đảng trị. Đặng biết sử dụng lợi điểm của toàn trị quốc doanh để đánh vào/xâm nhập nền kinh tế thị trường (tức là tự do) của nước khác, khi nhận ra Mỹ và các nước phương Tây cần thế lực loại 3 của Trung Quốc để chống loại 2. Hy vọng của Mỹ về khả năng thể chế toàn trị loại 3, tự do và dân chủ dần dần biến thành loại 1 đã chết ngóm với Thiên An Môn. Chế độ toàn trị loại 3 không chỉ tập trung vào một cá nhân lãnh đạo mà đã biết phân bổ lợi ích kinh tế cho toàn bộ hệ thống tư bản đỏ.
Chủ trương hợp tác với Trung Quốc, Mỹ và các nước phương Tây tạo rất nhiều điều kiện ưu đãi cho sự nổi lên của Trung Quốc, nhằm chống lại lực lượng độc đoán khác là Liên Xô. Nhưng thay vì cùng tham gia vun xới cho hòa bình và sự hợp tác quốc tế, Trung Quốc nổi lên như một nhà nước độc đoán, muốn trở lại thời tự coi mình là trung tâm, “trung hoa”, sẵn sàng kích động một lực lượng dân chúng 1,3 tỷ người, coi sự “lép vế’ cả hơn 200 năm nay không phải tự mình mà vì chủ nghĩa thực dân, nên phải tìm mọi cách vươn lên lấy lại sự huy hoàng của thể chế bá chủ – chư hầu, ít nhất ở Đông Á. Lo ngại của các nước nhỏ và vừa trong vùng biển Đông Nam Á là đương nhiên khi Trung Quốc tự cho là vùng biển này của riêng mình, bất chấp án quyết của Tòa án Quốc tế. Và nếu như thế thì khả năng xung đột đưa đến chiến tranh là có.
Bài viết này sẽ trình bày lý giải khả năng đi lên của Trung Quốc, với 1,3 tỷ người là điều khó tránh. Và mọi sửa soạn để đối phó là điều cần thiết.
*
Lịch sử loài người cho thấy, sự phát triển trong quá khứ (đã được tác giả trình bày kỹ trong một bài viết năm 2005) chỉ có thể khởi sự khi thể chế toàn trị dựa trên tín điều mang tính tôn giáo hay tư tưởng suy tàn, mở màn cho tự do tư duy khoa học và qua đó đưa đến phát triển kinh tế và dân chủ ở châu Âu. Và cũng chính vì “nhờ” bị tây phương chiếm đóng hoặc áp đặt mà Trung Quốc mới ngoi lên được, thoát khỏi sự chìm đắm dưới tư tưởng toàn trị của Khổng Tử, mà các vua chúa từ sau nhà Tống đã chủ trương đóng cửa thương mại với thế giới bên ngoài để bảo vệ quyền độc tôn của mình. Tư tưởng Khổng Tử lại nhanh chóng bị thay thế bởi tư tưởng toàn trị của Mao.
Trung Quốc đã không thể phát triển trong một thời gian rất dài cho đến khi Đặng Tiểu Bình gạt bỏ đấu tranh giai cấp, xóa bỏ tư tưởng chính trị thống soái của Mao, và mở rộng vai trò của khoa học kỹ thuật và kỹ thuật, mở cửa một phần nào cho kinh tế thị trường, thay vì kế hoạch tập trung. Tuy không chấp nhận dân chủ, và tự do cạnh tranh, Trung Quốc coi như xóa bỏ chủ trương kế hoạch hóa từ trung ương, cho phép kinh tế tư nhân nhưng vẫn chủ trương kinh tế nhà nước là chủ đạo, tức là cho phép doanh nghiệp nhà nước tự chủ tài chính, nhưng buộc phải nghe lệnh đảng. Với quốc doanh chủ đạo, Trung Quốc tích cực áp dụng chính sách trọng thương (mercantilism) kiểu Nhật trước đây, với sự dung thứ, thậm chí cổ vũ của Mỹ và các nước Phương tây, xâm nhập vào các nền kinh tế tư bản lúc đầu bằng lao động giản đơn rẻ tiền nhưng dưới sự điều khiển của nhà nước tiến dần vào công nghệ tiên tiến. Ở đây, cũng như Nhật, Trung Quốc dựa vào sức mình là chính thay vì vay vốn nước ngoài.
Phần tiếp sẽ trình bày tình hình kinh tế thế giới từ 1970-2017 với sự nổi dậy của Trung Quốc và sau đó dự đoán về khả năng phát triển của kinh tế Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2035. Chính sự nổi dậy của Trung Quốc sẽ đưa tới một số câu hỏi trong phần kết luận.
Bài sẽ xét duyệt lại thống kê về phát triển kinh tế từ 1970 đến 2017 và từ đó dự đoán khả năng phát triển kinh tế và tương quan lực lượng giữa Mỹ– một nước dân chủ, và Trung Quốc –một nước phi dân chủ, và trên cơ sở đó, đưa ra một số nhận xét.
Một số nhận xét về thời kỳ 1970-2017
Kinh tế phát triển mạnh thời gian đầu vì lợi dụng được công nghệ của các phát triển sẽ từ từ chậm lại. Điển hình là kinh tế Nhật và Nam Hàn. Những năm 70, Nam Hàn tăng GDP với tốc độ trên 10% năm, nhưng dần dần chậm lại và hiện nay chỉ còn gần 4%. Kinh tế Nhật đi trước Nam Hàn đạt hơn 5% vào những năm 70, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 1%. Kinh tế Mỹ coi như nước đầu đàn chỉ còn khoảng trên 2% từ những năm 2000.
Như thế, Trung Quốc cũng không thể tránh được kinh nghiệm của Nhật và Hàn quốc, dù mức giảm tốc độ tăng GDP chưa thật rõ nét vì Trung quốc có ba lợi thế. Lợi thế thứ nhất là được hưởng lợi từ ưu đãi của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ; thị trường những nước này mở rộng cho hàng Trung Quốc, cho phép chuyển giao công nghệ, trong khi các nước này lờ đi việc TQ đóng cửa với nhiều hàng hóa phương Tây và đặc biệt là đóng cửa với đầu tư nước ngoài trong các lãnh vực ngân hàng, tài chính và thông tin. Lợi thế thứ hai là người Trung Quốc cần cù, họ làm việc nhưng đã quen với tâm lý để dành nhiều vì phải tự lo khi về già do chính sách một con và chính sách xã hội cũng như chính sách hộ khẩu, nông dân và dân từ nông thôn làm việc ở thành phố gần như không được hưởng phúc lợi đáng kể. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là lý do thứ ba. Trung Quốc là một nước tập quyền và độc đoán, lại chủ yếu là một nền kinh tế phi thị trường, hầu hết các hoạt động sản xuất quan trọng vẫn nằm trong tay nhà nước, và được ưu đãi về vay vốn ngân hàng (chủ yếu nằm trong tay nhà nước), do đó có thể đẩy mạnh chiến lược “trọng thương” nhằm vào xuất khẩu, thu hút ngoại tệ, thu hút công nghệ nghệ cao và bảo vệ thị trường nội địa. Và khác hẳn Việt Nam, họ học Nhật không dựa vào vốn vay nước ngoài. Hiện nay nợ nước ngoài của Trung Quốc rất thấp, chỉ bằng 14% GDP. Và dù là nhà nước hay tư nhân họ cũng phải nhận chỉ thị của Đảng. Do có thể tập trung thu nhập tăng thêm vào đầu tư thay vì vào chi tiêu, thời gian phát triển cao của Trung Quốc đã kéo dài hơn 30 năm thay vì 10 năm như Nam Hàn. Cụ thể, tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc kể từ 1970, trừ 2 năm, đều cao hơn 30% và đặc biệt là từ 2008 đến gần 2017 lên đến 45% GDP (coi bảng 1, đồ thị bên trái). Điều ngạc nhiên là tỷ lệ đầu tư trên GDP ngày càng tăng, ít nhất là cho đến năm 2017. Tỷ lệ đầu tư này vượt xa Mỹ chỉ khoảng 20% GDP và cũng vượt xa Việt Nam (với tỷ lệ trên dưới 30%).
Ngay cả cộng tiêu dùng và đầu tư với nhau, vẫn nhỏ hơn GDP, tức là Trung Quốc vẫn còn thừa để xuất siêu và cho nước ngoài vay. Ngược lại, Mỹ và Việt Nam đều tiêu nhiều hơn có, do đó phải dựa vào vay mượn nước ngoài (coi bảng 1, đồ thị bên phải). Tình trạng vay để tiêu ở Mỹ kéo dài từ 1970 đến nay; đây chính là chỗ yếu của Mỹ, dễ đưa đến khủng hoảng tài chính, nhưng Mỹ có thể tiếp tục nhiều năm như thế vì có thể dựa vào khả năng cung cấp hàng hóa rẻ từ Trung Quốc và nhất là vì các nước vẫn sẵn sàng cầm đô la Mỹ.
Có thể nói Trung Quốc “thắt lưng buộc bụng” hay nói một cách khác là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành công thực thi một cách có kỷ luật chỉ thị “quốc doanh làm chủ đạo” để tăng trưởng suốt 30 năm qua. Điều này có lẽ chỉ có thể làm được với thể chế độc đoán với sức mạnh đáng kể của tập đoàn doanh nghiệp quốc doanh. Tất nhiên không phải lúc nào chính sách kinh tế của Trung Quốc cũng đúng đắn. In tiền để đẩy mạnh tăng trưởng đã tạo ra lạm phát cao trên gần 20% những năm 1988-1989 và gần 25% năm 1994. Nhưng họ đã nhanh chóng rút ra bài học.
Tuy thế, có thể thấy dù tốc độ tăng GDP của Trung Quốc vẫn còn rất cao, nó cũng đang đi vào đà từ từ suy giảm kể từ năm 2010, tốc độ tăng bình quân năm trước đó là 10% đã giảm xuống 8%, dù vẫn là một tỷ lệ được coi là thần kỳ mà VN cho đến nay vẫn không theo kịp. Đây cũng phản ánh chiều hướng suy giảm đã xảy ra trước đây với Nhật và sau đó là Nam Hàn (coi bảng 2). Tuy nhiên, thời gian tăng trưởng và độ tăng trưởng ở Trung Quốc cao hơn hai nước trên một bực.
Kết quả là đầu những năm 1970, GDP Trung Quốc chỉ bằng 1% GDP thế giới, còn Mỹ bằng 25%, nhưng đến năm 2017 GDP của Trung Quốc đã bằng 12.5% GDP thế giới, còn Mỹ giảm xuống 21.7% (coi bảng 3). Và GDP tính ở đây là dựa vào hối suất thị trường, tức là sức mạnh bằng đồng tiền có thể trao đổi trên thị trường thế giới.
Bảng 2. Tăng GDP và đóng góp của đầu tư (GCF), tiêu dùng (FC) và xuất/nhập siêu (E-M) 1970-2017 (%)
Dự đoán về sự nổi dậy của Trung Quốc từ 2017 đến 2035
Phát triển của Trung Quốc đã tạo ra chuyển biến quan trọng và nhanh chóng về cán cân lực lượng trên thế giới hiện nay. Để dự đoán khả năng tăng trưởng của Trung Quốc đến năm 2035 so với các nước khác, tác giả dùng nguyên tắc khá đơn giản là tốc độ tăng GDP bằng tốc độ tăng dân số (đại diện cho tăng trưởng lực lượng lao động) cộng với tốc độ tăng năng suất lao động (coi nguyên tắc ở dưới). Dân số Trung Quốc sẽ giảm dần từ 1.1% hiện nay xuống 0.5% một năm. Tuy vậy do tỷ trọng khu vực thành thị chỉ có 58% cho nên việc tiếp tục chuyển từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị tới 80% có thể làm tăng năng suất lao động 1% năm. Cộng với tăng năng suất lao động do thay đổi kỹ thuật có thể là 4% một năm, Trung Quốc vẫn có khả năng tăng GDP 5% một năm. Trung Quốc lại có tỷ lệ để dành rất cao, cho phép họ tiếp tục giữ mức đầu tư cao, mà không phải vay mượn nước ngoài như trường hợp Việt Nam hay Hàn Quốc trước đây, do đó tránh được hay giảm thiểu được ảnh hưởng tiêu cực nếu khủng hoảng xảy ra, trừ trường hợp Trung Quốc bị cấm vận toàn diện bởi các nước Tây phương, mà theo tính toán của tác giả có thể làm giảm GDP ở mức 19%, vì kinh tế Trung Quốc dựa vào xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (chiếm đến 30% GDP năm 2017), còn Mỹ chỉ giảm 1.9% vì Mỹ chỉ có 12% GDP là xuất khẩu nhưng sang Trung Quốc chỉ là 1% GDP; ảnh hưởng với Mỹ chủ yếu là giá hàng nhập tăng, có thể tới 30%. Nhưng bị cấm vận toàn diện là điều khó xảy ra trừ khi chiến tranh toàn diện với Trung Quốc xảy ra.
Như vậy, đến năm 2035 Trung Quốc có khả năng tăng tỷ trọng lên 19.3% GDP thế giới và bằng với Mỹ, tương đương là khối châu Âu (trừ Nga) – coi bảng 3 và bảng 4. Nếu tốc độ tăng GDP của Trung Quốc cao hơn 5% và Mỹ thấp hơn 2.5% như mô phỏng trong bài này, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Như đã nói ngay đầu bài, vào năm 2034 GDP đầu người ở Trung Quốc có thể đạt US$ 17,665 (tính theo giá năm 2010) dù thấp nhiều so với Mỹ là $US 75,486, cũng vượt GDP bình quân đầu người trên thế giới.
Sự phát triển của Trung Quốc không chỉ dựa vào gia công với lao động cơ bắp như Việt Nam. Họ đã vươn lên nắm khoa học kỹ thuật và tạo ra mối đe dọa cho chính Mỹ, như trường hợp Công ty Huawei. Chỉ đánh nhau bằng thương mại như Trump đang làm có thể lại tạo cơ hội cho Trung Quốc tập trung phát triển độc lập về công nghệ.
Nguyên tắc dùng để dự đoán tốc độ tăng GDP
Các yếu tố đưa đến tăng GDP:
-
Tăng lực lượng lao động (dựa vào tăng dân số)
-
Tăng năng suất lao động
-
Tăng năng suất lao động quốc gia dựa vào 2 yếu tố:
-
Tăng năng suất của khu vực thành thị (do tăng năng suất của công nghiệp so với nông nghiệp, của doanh nghiệp có tổ chức so với kinh tế gia đình)
-
Chuyển dân số từ nông thôn sang thành thị.
Công thức
-
Tăng GDP = Tăng năng suất lao động + Tăng dân số
-
Tăng năng suất lao động = Tăng năng suất lao động thành thị * tỷ lệ dân thành thị + Tăng năng suất lao động nông thôn* Tỷ lệ dân nông thôn.
Một số nhận xét về tăng trưởng ở Mỹ
-
Tăng trưởng ở Mỹ về dài lâu khó khó lòng hơn 2.5%, và có thể đoán là sẽ tăng khoảng 2% vì:
-
17 năm kể từ 2000 đến nay năng suất lao động chỉ tăng bình quân năm 1% dù có 2 năm tăng gần3% năm.
-
Dân số đang giảm tăng trưởng xuống 0.7% và sẽ xuống 0.6% năm.
-
Thành thị hóa đã đến mức cao nhất (82%), nông nghiệp chỉ còn chiếm 1% lực lượng lao động.
Một số nhận xét về tăng trưởng ở Trung Quốc
-
Tăng dân số: 0.5% năm (1/2 của 1%).
-
Tăng thành thị hóa: 2.2% năm (hiện nay là 58%).
-
GDP tăng bình quân năm (2010-2017) là 8%.
-
Tăng năng suất lao động trung bình 10 năm qua là 7.4% (trên đà giảm,6.9% năm 2017, 6.4% năm 2018)
-
Giả thiết năng xuất lao động ở thành thị chỉ còn 4% một năm thì GDP ở TQ vẫn có thể tăng 5% (tăng thêm 1% qua mô phỏng dựa trên sự chuyển cơ cấu từ nông thôn sang thành thị với tốc độ thành thị hóa như hiện nay và năng suất ở thành thị bằng 3 lần năng suất ở nông thôn).
-
Dự đoán TQ vẫn có thể tăng ít nhất 5% cho đến năm 2040.
Dự đoán các nước khác dựa trên chiều hướng phát triển giữa 2010-2017 về dân số và năng suất lao động
Hiện nay Mỹ chi 4% GDP cho quốc phòng và Trung Quốc chi 2% GDP. Với tỷ lệ đầu tư quá lớn như hiện nay, Trung Quốc có thể dễ dàng chuyển chi sang quốc phòng. Do doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế, việc chuyển đổi này không phải là khó. Vấn đề khó là Trung Quốc tìm ra bạn đồng minh.
Nhật nếu tiếp tục giữ tốc độ tăng 1% một năm thì sẽ là chiếm 6-7% GDP thế giới. Hai lực lượng quan trọng tương đương với Nhật là Ấn Độ và Đông Nam Á. Ít nhất ở Châu Á, có thể có 3 lực lượng đối trọng với Trung Quốc, đó là Nhật, Ấn Độ và Đông Nam Á. Ba lực lượng này nếu liên minh sẽ gần bằng Trung Quốc, dù không kể đến Úc và Tân Tây Lan. Nhưng rất tiếc, khối Đông Nam Á ngày càng chứng tỏ sự vô tích sự với nguyên tắc đồng thuận, vì chỉ cần một nước như Cam Bốt theo Trung Quốc thì vai trò của ĐNA coi như số không.
Kết luận
Hiện trạng tồn tại hai mô hình phát triển cơ bản:
-
Mô hình thế giới dân chủ – tự do – nhân quyền và hợp tác của Tây phương bắt nguồn từ Socrates, Aristoteles, bị giáo hội Thiên chúa giáo đè bẹp, phục hồi trong thời phục hưng từ thế kỷ 17, để trở thành hiện thực trong Hiến pháp Mỹ (1787). Mô hình này bao gồm:
-
Dân chủ, tự do tư tưởng và thương mại.
-
Quyền lực được phân chia để kiểm soát lẫn nhau
-
Chuẩn hóa bằng luật pháp trong nước cũng như hợp tác quốc tế.
-
-
Mô hình toàn trị về tư tưởng và chính trị nhưng khuyến khích thương mại để phát triển như trường hợp Trung Quốc và Việt Nam.
Mô hình thế giới dân chủ- tự do – nhân quyền được phát huy từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhì, tập trung giúp xây dựng lại châu Âu và Nhật Bản, tạo ra các luật pháp, và các cơ quan quốc tế như Tòa án Quốc tế, Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giúp giải quyết các tranh chấp có thể đưa đến chiến tranh giữa các nước, rồi thiết lập các định chế tài chính khác như Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) giúp các nước giải quyết khủng hoảng kinh tế tài chính hoặc có vốn để phát triển. Các tổ chức này một phần nào đó được xử dụng để ngăn cản sự bành trướng của khối các nước Cộng sản dù tổ chức trọng tâm chống khối Liên Xô là NATO. Về sau, chính Mỹ lại hướng đến việc đưa Trung Quốc vào quĩ đạo chống Liên Xô bằng các ưu đãi dành cho Trung Quốc.
Trung Quốc đã trở nên một cường quốc kinh tế và quân sự, và thay vì nhập bọn cùng với các nước dân chủ như Mỹ mong đợi thì lại trở thành mối đe dọa về kinh tế và quân sự cho khối các ngước dân chủ trên. Nhưng Trung Quốc chưa phải là một cường quốc khoa học và kỹ thuật. Muốn tiến lên nữa, Trung Quốc vẫn phải dựa vào Mỹ.
Tuy thế, Trung Quốc lại đẩy mạnh yêu sách chủ quyền “biển” không dựa vào chủ quyền đất nổi lên khi thủy triều lên ở Biển Đông mà Tòa án Quốc tế đã tuyên là vi phạm Luật Biển và đang có những hành động lấn áp và khiêu chiến ở đó, với mục đích là dần dần kiểm soát khu vực huyết mạnh ở châu Á, vừa dụ dỗ, mua chuộc vừa đe dọa, không chỉ các nước khu vực mà tư bản thế giới, với mồi nhử “dành cho thị trường lớn và ngày càng lớn mạnh” của họ. Trung Quốc lợi dụng khả năng tài chính đề ra chính sách một hành lang một con đường, nhằm đẩy mạnh vai trò kiểm soát về giao thông và thông tin của Trung Quốc ở khắp thế giới. Nhưng lo ngại nhất với các nước là việc Trung Quốc nhắm vào việc nắm quyền xây dựng hệ thống mạng thông tin trên toàn thế giới qua công ty Huawei từ mạng thông tin công nghệ 5G, cho đến hàng vài chục dự án đặt đường cáp quang dưới đáy biển, đặc biệt là mới đây chính Huawei đã hoàn thành đường dài 6000km qua Đại Tây Dương nối liền Brazil với Cameroon, và như thế qua chúng, Trung Quốc có thể nắm được các thông tin truyền tải, và có thể phá vỡ hệ thống thông tin của các nước nếu có chiến tranh.
Trước tình hình trên, Trump qua lời nói và việc làm lại chỉ nhằm giành lại lợi ích riêng của Mỹ, bất lợi cho đối phương dù là đồng minh hay không. Trump gần như bất kể đến quyền lợi và hay lòng tự trọng của nước khác như Mexico, ủng hộ Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, kể cả lúc đầu không chỉ mạnh miệng kết án châu Âu không đóng đủ tiền mà cho rằng khối liên minh NATO đã lỗi thời.
Trump đã xóa bỏ Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm xây dựng một khối liên minh thương mại không có Trung Quốc, Trump cũng xóa bỏ hiệp định với Iran và định dùng nhóm nước Saudi Arabia liên hiệp với Do Thái chống lại Iran, kể cả đe dọa chiến tranh.
Nhưng không chỉ thế, vì là đại diện cho khuynh hướng chống toàn cầu hóa, đặt lợi ích quốc gia trên hết cho nên Trump coi đồng minh trước đây không khác gì kẻ thù. Trump đòi viết lại Hiệp định Bắc Mỹ với Canada và Mexico, và cả với Liên Hiệp Châu Âu và Nhật. Trump đòi viết lại hiệp định với từng nước, như thế là coi như xóa bỏ nền tảng đa phương của luật pháp quốc tế hiện nay như Hiệp định thương mại quốc tế mà Tổ chức Thương Mại Quốc tế (WTO) đang điều phối và cũng chính là do chính Mỹ lập ra.
Nội bộ Mỹ hiện nay có vấn đề chia rẽ trầm trọng, chẳng khác gì một cuộc nội chiến, khi các nhà chính trị ở cả hai đảng gần như không thể ngồi lại với nhau vì không có lòng khoan dung (tolerance) tôn trọng quyền và tầm nhìn khác biệt nhưng chính đáng của phe đối lập, lên án họ là kẻ thù, là bán nước, và chỉ coi mình là có độc quyền chân lý và do đó không thể tìm được điểm chung để đưa đến thỏa hiệp vì lợi ích chung. Khả năng thỏa hiệp ở mức độ nhất định là chuẩn mực cho một xã hội dân chủ (democratic norms), là lẽ thường tình (common sense) đạt được sau nội chiến Bắc Nam, để tránh diệt nhau, phân định kẻ thắng người thua. Nếu chiến lược của một nước, một đảng hay cá nhân là “được ăn cả, ngã về không” thì cũng khó lòng tìm được điểm chung trong bang giao quốc tế. Sự hủy hoại một nền dân chủ như ở Đức trước thời Đức Quốc Xã, và mới đây ở Chile, Venezuela…cũng vì thế, mà lại là sự hủy hoại theo đúng luật.
Tuy vậy, phản ứng của Trump đối với Trung Quốc lại hợp thời và thu được sự ủng hộ rộng rãi của dân Mỹ, và dư luận ở nhiều nước trên thế giới vì thực chất cả hai Đảng chủ chốt ở Mỹ đều đã chủ trương như thế, ngay cả thời Obama, khi đưa ra Hiệp định TPP thực chất cũng là để đối phó với Trung Quốc.
Trung Quốc, ngược lại với mong đợi của các nhà chiến lược gia như Kissinger, thay vì dân chủ hóa, tham gia tăng cường hợp tác vì hòa bình thì lại nhắm vào kiểm soát hai con đường chiến lược đất liền và biển, cũng như không gian mạng vào năm 2035 nhằm trở thành cường quốc số một, ít nhất ở châu Á và đẩy Mỹ khỏi nơi đó.
Không chỉ thế, Trung Quốc muốn đưa ra một thể chế mới: “xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc”; mà thực chất là một loại “chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị”, tức là xóa bỏ kinh tế hoạch định từ trung ương, nhưng vẫn lấy quốc doanh làm chủ đạo (cho phép quyền tự chủ nhất định cho doanh nghiệp quốc doanh nhưng, ưu đãi tín dụng, sẵn sàng bù lỗ để xâm nhập thị trường thế giới), đồng thời cho phép dân chúng tự do tham gia vào nhiều hoạt động kinh tế, nhưng mọi hoạt động phải dưới quyền điều động của một Đảng, và mới đây với Tập Cận Bình, quyền điều động ấy nằm dưới quyền của một lãnh đạo nòng cốt, với quyền tuyển chọn lãnh đạo kế vị trên cơ sở nhân tài chính trị (political meritocracy) thay cho dân chủ bầu cử (electoral democracy), một loại tư tưởng Khổng Tử kiểu mới, tuyên truyền mạnh mẽ trong dân chúng cho rằng chỉ như thế Trung Quốc mới giữ được ổn định xã hội để thành cường quốc. Để lấy được lòng dân, chế độ kiểu này phải chứng tỏ sự thành công vượt bậc về mặt kinh tế, và khuất phục được Mỹ chia sẻ quyền thống trị thế giới, ít nhất là ở châu Á, mà cụ thể là phải nắm được quyền sở hữu biển Đông, để tiến đến đích cuối cùng là lấy lại được hào quang bá quyền “văn minh trung hoa” thời cổ đại.
Như thế có thể hiểu là Trung Quốc không chấp nhận dân chủ kiểu tây phương, một phần vì sợ sụp đổ như Liên Xô, nhưng phần chính là quang phục quá khứ, rồi từ đó truyền bá hào quang bá quyền “văn minh trung hoa” để các nước noi theo học hỏi, và việc truyền bá này hình thành qua tài trợ các viện nghiên cứu Khổng Tử trên khắp thế giới nhằm không chỉ dạy tiếng Hán, trao đổi văn hóa, mà còn là “một phần quan trọng trong hệ thống tuyên truyền ở nước ngoài” như một quan chức cao cấp lãnh đạo tuyên huấn trong Đảng nói. Thực chất mô hình này không dựa trên tự do tư tưởng và học thuật, tự nó có thể bị hạn chế trong việc tự phát triển khoa học và công nghệ, nhưng với chiến lược đầu tư cao, nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu và đòi hỏi chuyển giao công nghệ khi nhập khẩu hay đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giúp Trung Quốc phát triển nhanh. Hiện nay để tiếp cận nhanh chóng với phát triển công nghệ tiên tiến ở Mỹ, Trung Quốc sẵn sàng đổ tiền mua các công ty khởi nghiệp ở các nước tiên tiến, đặc biệt là Mỹ và đổ tiền tài trợ đại học ở Mỹ.
Chủ thuyết xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc cũng là mồi nhử đối với các nước chậm phát triển, nhưng cho đến nay mồi nhử này chỉ có thể hấp dẫn với một số rất ít nước như Việt Nam, Cambodia, Lào và chủ yếu là với giới cầm quyền. Với các nước đang phát triển khác, khi hàng xuất Trung Quốc chuyển từ các nước Âu Mỹ, tràn ngập thị trường nội địa, dân lao động ở các nước nghèo này chắc chắn sẽ có phản ứng. Trung Quốc khó mà kiếm bạn trên thế giới.
Tuy vậy, như đã trình bày trong bài, không thể coi thường sức mạnh (ít nhất là mua chuộc và cưỡng bức) của một chế độ kiểu Trung Quốc. Trung Quốc đang dần dần chuyển hướng phát triển vào thị trường nội địa, tỷ lệ xuất khẩu trên GDP có chiều hướng giảm (từ trên 36% năm 2006 xuống 19.8% năm 2017). Với chiến lược hiện nay, nếu không bị cản trở thì TQ có thể tự phát triển để đi đầu trong phát triển công nghệ.
Chú thích: Xuất khẩu ở đây bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ.
Ở đây, cũng xin bình luận thêm là khả năng thắng cử một kỳ nữa của Trump là có. Có nhiều lý do: quan trọng nhất có thể là từ phiếu bầu của các bang như Michigan, Illinois, Wisconsin và Pensylvania. Trước đây các bang này thường bầu cho Dân chủ, nhưng đã chuyển phiếu sang Trump kỳ bầu cử năm 2016 vừa qua. Họ có thể vẫn tiếp tục bầu cho Trump, vì thất nghiệp ở đó rất cao 2009-2010 ở mức 12-14% trong kỳ khủng hoảng kinh tế lớn và kéo dài gần 10 năm vừa qua đã giảm xuống đáng kể, thấp xuống khoảng 4% hay dưới, một tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ năm 1975 (coi bảng 6, tỷ lệ thất nghiệp của Michigan, Illinois, Pensylvania và Wisconsin còn xuống thấp hơn). Họ có thể coi đó là công trạng của Trump dù chính sách chống suy thoái và khủng hoảng bắt đầu từ khi Obama nhậm chức. Khả năng thắng của Trump sẽ lớn hơn nếu như không nổi lên bộ mặt nào đáng để ý của Đảng Dân chủ, và nếu như giới trẻ dưới 30 tuổi mà tỷ lệ ủng hộ đảng dân chủ lên tới 67% và theo khuynh hướng cấp tiến tả phái lên tới trên 59%, hay người da mầu không chịu đi bầu.
Về mặt kinh tế nội bộ, Trump theo chủ trương giảm thuế cho người giầu và tất nhiên là phải cắt giảm các chương trình xã hội, đặc biệt là trợ cấp xã hội nếu không muốn đưa đến thiếu hụt ngân sách lớn và tạo ra bất ổn xã hội. Năm 2018, dự toán thiếu hụt ngân sách là 440 tỷ bằng 2.7% GDP. Nhưng kết quả theo báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy thiếu hụt lên đến 778 tỷ US, cao hơn 77% dự toán, bằng 3.8% GDP vì chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp và người giầu, và vì kinh tế không tăng mạnh ở mức 6% mà Trump dự báo và do đó sẽ thu được nhiều thuế hơn chi. 3% thiếu hụt ngân sách là hạn mức mà Mỹ và IMF thường khuyên các nước không nên vượt qua.
Nguồn thông tin: US Bureau of Labor Statistics
Nếu nội bộ Mỹ bất hòa đến mức các phe đối lập nhau coi nhau là kẻ thù, hay “chủ trương Mỹ trên hết” cũng theo hướng “bất dung hòa” (intolerance) thì liệu hệ thống đồng minh trên thế giới được Mỹ xây dựng sau chiến tranh thứ hai có thể tồn tại? Cho nên kết luận là những câu hỏi bàn ở dưới còn chờ nghiên cứu và thực tế trả lời.
Các câu hỏi để thảo luận:
-
Phải chăng Trump chỉ là tai nạn lịch sử hay còn đại diện cho sự suy thoái của mô hình dân chủ và hợp tác quốc tế, đưa đến việc mất vai trò của các tổ chức quốc tế, luật quốc tế và thỏa thuận quốc tế?
-
Có phải sự cạnh tranh của hai mô hình là nguyên nhân đưa đến sự suy thoái hay tan rã của Mô hình dân chủ… và đang và sẽ bị thay thế bằng “ta là số một”, chống toàn cầu hóa, chống định chế quốc tế, đang xảy ra không chỉ ở Mỹ, mà còn ở châu Âu như Brexit và phong trào dân túy ở Hung, Ba Lan, hay ở châu Á như Phi Luật Tân?
-
Phải chăng lý do chính là sự cạnh tranh trong công nghiệp chỉ cần lao động tay chân đã chuyển công nghiệp từ các nước phát triển sang Trung Quốc và các nước thứ ba khác, đưa đến một bộ phân dân chúng không nhỏ ở các nước phát triển cao thất nghiệp, và nếu không thất nghiệp thì thu nhập bị đẩy xuống đáy?
-
Mô hình xã hội toàn trị kiểu mới kiểu Trung Quốc có thể tồn tại dài lâu và phải chăng Việt Nam và có thể các nước khác đang học tập?
-
Và sự tiến lên của Trung Quốc, không dừng lại ở sự hợp tác hòa bình, các bên đều có lợi, Trung Quốc đã và sẽ đẩy mạnh hơn chi tiêu cho quốc phòng và các hành động o ép, đe dọa các nước nhỏ, với chiến lược “không đánh mà thắng”, nhằm thiết lập lại quan hệ “bá chủ – chư hầu” của thời trung cổ đại?
-
Đâu là giả pháp hay là sự trở về với mô hình trước thế chiến thứ hai, nước nào lo thân nước đó, đóng cửa khi không thể cạnh tranh? Nếu không, điều gì sẽ xảy ra?
-
Hay đó chỉ là sự thoái trào của mô hình dân chủ – tự do -kinh tế thị trường và nhân quyền cho mọi người mà Huntington coi như thoái trào tạm của làn sóng thứ ba.
-
Về mặt an ninh quốc gia, tình hình hiện nay cho thấy các nước cỡ trung và nhỏ không thể tin cậy cả Mỹ lẫn Trung Quốc, họ phải làm gì? (Trong một bài viết trước đây về tranh chấp ở Biển Đông, tác giả cho rằng chính các nước muốn gìn giữ hòa bình ở khu vực và có lợi ích ở đó phải liên minh trên cơ sở bảo vệ Luật Biển).
-
Phải chăng, đối với Việt Nam, sẽ hết sức thiết thực nếu phải hành động dựa trên giả thiết rằng chế độ hiện nay ở Trung Quốc sẽ tồn tại dài lâu và sẽ không bao giờ là người hàng xóm đáng tin cậy của Việt Nam? Và với Trung Quốc, có thể sẽ không phải là chiến tranh dựa trên súng đạn, mà là chiến lược đè bẹp bằng các biện pháp phi súng đạn để biến Việt Nam thành chư hầu kiểu mới?
Tham khảo
-
Vũ Quang Việt, Khái quát về lịch sử phát triển kinh tế thế giới: Những yếu tố kìm hãm và thúc đẩy phát triển (2015).
-
GDP và dân số (1970-2017), UNSD Database 1970-2017: Dự phóng GDP 2017-2040 là của tác giả bài này.
-
Dân số thành phố (1960-2017), Database on urban population, World Bank.
-
Agus Maddison, The world Economy: A Millennial Perspective (OECD, 2001). Phần về Việt Nam là do tác giả tính giúp GS Maddison.
-
Samuel P. Huntington, Democracy’s third wave , Journal of Democracy (1991).
-
OECD, Historical population data and projections (1950-2050).
Nguồn: http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2019/07/mo-hinh-khoi-gioi-dan-chu-tu-do-nhan.html