Ôn cố tri tân qua những bước thăng trầm

Phạm Xuân Yêm

Bài viết này của GS. Phạm Xuân Yêm đã được đăng trong cuốn GS.TS. Hoàng Tụy – sĩ phu thời nay – cuốn sách dày 740 trang, do Nhà xuất bản Tri Thức và Công ty văn hoá Phương Nam xuất bản năm 2007, là một tập hợp những bài viết của hơn 40 tác giả về một số vấn đề văn hoá, xã hội, khoa học, cùng với một số bài viết khác về GS. Hoàng Tụy, được nhà văn Nguyên Ngọc thay mặt nhóm chủ biên giới thiệu như “một món quà nhỏ” mừng thọ GS. Hoàng Tụy nhân dịp kỷ niệm ngày sinh thứ 80 của ông (7.12.2007). Vĩnh biệt GS. Hoàng Tụy, Ban biên tập Bauxite Việt Nam xin đăng lại bài viết như một lời tưởng niệm ông.

Bauxite Việt Nam

 

Để kính mừng tuổi hạc giáo sư Hoàng Tụy – mà người viết tuy chưa có duyên may gặp gỡ nhưng từ lâu vẫn ngưỡng mộ khi được học hỏi nhiều điều qua những bài tâm huyết của giáo sư dành cho sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục nước nhà – tôi xin chia sẻ với bạn đọc vài kỷ niệm và cảm nhận chủ quan về quá trình xây dựng đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, gọi là ôn cố tri tân để cùng nhau suy ngẫm về hiện tình.

Hãy lấy 1954 vào lúc hiệp định Genève chia đôi đất nước làm cột mốc, cũng là năm tôi tốt nghiệp truờng trung học Chu Văn An Hà Nội. Cho đến năm ấy, cả Đông Dương chỉ có một trường Cao đẳng chủ yếu đào tạo cho đến trình độ dăm ba năm sau tú tài vài ngành nghề như Y Dược, Luật, Khoa học Tự nhiên. Số lượng sinh viên chỉ khoảng trên dưới một ngàn, tuyệt đại đa số – nếu không nói 100% – đội ngũ thầy giảng dạy là Pháp, chỉ có vài trợ giảng viên Việt. Số tiến sĩ khoa học người mình lơ thơ đếm được trên đầu ngón tay, xin tạm kể quý giáo sư Lê Văn Thiêm (Toán), Vũ Như Canh (Lý), Phạm Tinh Quát (Toán), Nguyễn Quang Trình (Hoá), hai vị sau ở Pháp được đặc phái sang đại học Sài Gòn vài năm kể từ 1954. Nửa thế kỷ trôi qua, sau cuộc chiến thảm khốc và sự di tản của đồng bào đến khắp năm châu – với cường độ chưa từng xảy ra trong lịch sử trên ngàn năm của nước nhà – ngày nay đội ngũ thầy giảng dạy, sinh viên, trường sở đại học và cao đẳng tất cả về số lượng đã nhân lên gấp vài trăm lần, nhưng chất lượng đại học và nghiên cứu khoa học -dẫu hai mà một như bóng với hình – lại là cả một vấn đề gai góc. Hơn nữa cái nền tảng hướng dẫn sự trưởng thành để phát huy toàn diện con người mà ta gọi là triết lý giáo dục thậm chí có phần đi ngược lại trào lưu tiến hóa của thế giới phát triển.

1- Để nhìn lại bước đường đã trải từ năm toàn quốc kháng chiến 1946 đến giờ, xin lấy hai ngành hoạt động là quân sự và đại học – nghiên cứu, tuy hoàn toàn khác biệt nhưng lại có một điểm chung duy nhất là khởi đầu gần như từ con số không. Tượng trưng một bên bởi mấy chiếc gậy tầm vông và vài khẩu súng trường, bên kia là cậu thanh niên mê say khoa học họ Hoàng mới mười chín tuổi đời lặn lội từ Quảng Nam ra Việt Bắc tìm gặp thầy Thiêm cũng vừa từ trời Âu trở về để trao đổi và học hỏi về toán hiện đại. Thủa ấy ngây thơ tôi hiểu quân sự theo cái nghĩa cao đẹp nhất như phương tiện giành và bảo vệ nền độc lập thoát khỏi ách nô lệ Pháp, chứ không để tranh bá đồ vương áp đặt một thể chế chính trị nào; còn giáo dục nói chung và nghiên cứu khoa học – công nghệ nói riêng là phương cách khai minh1 dân trí ra khỏi cảnh tối tăm, thiếu trưởng thành. Như Tây Hồ tiên sinh nhận thấy cả trăm năm rồi, cho dù có độc lập đi nữa mà dân trí còn lạc hậu thì cũng chỉ là chuyện thay đổi chủ mà thôi.

Thực là kỳ diệu khi khởi đầu gần như từ bàn tay trắng, hai hoạt động quân sự và giáo dục đã phát triển đồng hành trong cái thủa ban đầu lưu luyến ấy (1946-1954). Nhưng sau đó quá trình phát động của hai ngành đã trở nên hoàn toàn bất đối xứng ở cả đôi miền Nam Bắc, tuy với nhịp độ và thời điểm khác nhau.

Bước ngoặt có lẽ khởi đầu ngay từ 1956 ở Hà Nội mà sự dập tắt phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm rất có thể chỉ là tảng băng nổi2 của chiến lược tất cả dành cho tiền tuyến để ‘giải phóng’ miền nam. Cũng thế, chính quyền Sài Gòn với chiến dịch tố diệt cộng, kèm theo nạn gia đình trị rồi kế tiếp bởi câu hò ‘Bắc tiến’ của mấy ông tướng sau này. Trong bối cảnh toàn cầu của cuộc chiến tranh lạnh bấy giờ, nên lưu ý là thế giới thứ ba trong hội nghị Bangdung năm 1955 mặc dầu khuyến cáo bên nào bên nấy chung sống thi đua hòa bình để phát triển phần mình sao cho thoát khỏi cảnh lạc hậu, dân tộc ta đã mắc vào cuộc chiến kinh hoàng mà hai chính quyền Đông-Tây Đức và Bắc-Nam Hàn cùng chung cảnh ngộ đất nước chia đôi đã phần nào tránh khỏi.

Xét cho cùng, ai có thể đem súng đạn xúi giục ta đánh giết nhau nếu ta đủ tầm văn hoá mà trưởng thành, tiên liệu cái giá phải trả, và điều này thì mỗi chúng ta trong tâm thức thâm sâu nhất đủ chín chắn để tự trả lời. Thôi thì như đã viết thi hào Nguyễn Du, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa hãy tự trách mình, nhắc lại chỉ để cùng nhau suy ngẫm mà làm bài học muôn thủa. Khi giải pháp quân sự đã chiếm thế thượng phong để thống nhất đất nước bằng mọi giá, khi biết bao tinh hoa đất nước bị chôn vùi trong cuộc chiến3 thì dĩ nhiên làm sao nền giáo dục nói chung và đại học chất lượng cao cùng nghiên cứu khoa học công nghệ nói riêng có thể phát triển bình thường4. Dẫu sao phải thừa nhận thời ấy đã có những vị ít nhiều trách nhiệm về giáo dục ở cả hai miền có công tâm và tầm nhìn xa chọn lọc những tài năng trẻ gửi đi du học bên Đông hay Tây Âu sửa soạn đào tạo những chuyên gia để kiến thiết sứ sở sau này 5.

2- Nhưng có lẽ cái mà ta chưa mấy đào sâu lại là chuyện triết lý giáo dục, nền tảng và kim chỉ nam dẫn hướng cho sự phát huy toàn diện tri thức con người. Thực ra cho đến nay nói chung nền giáo dục nước ta bị chi phối bởi ba luồng tư tưởng lỗi thời: Tống nho từ chương thời vua chúa phong kiến, học để làm quan vinh thân phì gia thời Pháp thuộc, giáo điều vướng mắc hiện nay. Điểm son của triết lý giáo dục tiến bộ6 trên thế giới là sự bao dung, tôn trọng và bàn cãi tự do những tư tưởng, văn hóa, chính kiến, tín ngưỡng khác nhau, chúng có khi đối chọi nhưng lắm khi bổ túc cho nhau. Trong khi ấy triết lý giáo dục của ta hãy còn nhiều điều cấm kỵ, kiềm chế. Tư duy độc lập, phê phán, phản biện, tự vấn không ngừng là những yếu tố quyết định của một nền giáo dục tiến bộ và phổ quát. Không thể áp đặt một hệ tư tưởng bất luận nào đó – cho dù ưu việt đến mấy trong một thời – lên sự nghiệp giáo dục đào tạo con người. Nó chỉ kìm hãm tư duy sáng tạo.

3- Trước khi đề cập đến đại học, tôi xin tản mạn đôi điều về nền tiểu và trung học mà hai điểm son là sự nghiệp xóa bỏ nhanh chóng nạn mù chữ và Việt Nam hóa các danh từ khoa học khởi đầu bởi nhà văn hóa Hoàng Xuân Hãn. Chính nhờ hai thành quả này đạt được từ hơn nửa thế kỷ trước đây mà học sinh nước ta cho đến nay vẫn có được một nền tảng học vấn trung học căn bản tương đối vững chắc không thua kém mấy so với thế giới bên ngoài7. Truyền thống tốt đẹp này cần được trân trọng đánh giá đúng mức, mặc dầu hiện nay hãy còn quá nhiều bất cập trong cơ chế và quản lý, chương trình học thuật, sách giáo khoa, cơ sở vật chất, lương bổng thầy cô giáo, học phí.

Sự lạc quan tương đối của tôi dựa trên nhận xét sau: lương tâm và khả năng nghề nghiệp của đại đa số nhân viên giảng huấn, lòng hy sinh vô hạn của phụ huynh học sinh, lại cộng thêm con em chăm chỉ hiếu học. Ba nhân tố quyết định đó đã chống đỡ cho nền trung và tiểu học của dân tộc ta vững vàng mặc cho vận nước nổi trôi, vượt qua khỏi mọi ý thức hệ chính trị nhất thời. Tóm lại nhân sự ta đã sẵn mà chỉ thiếu cơ chế vận hành tối ưu. Rất có thể sự nghiệp cải tiến những bất cập kể trên tuy khó khăn nhưng sẽ khởi nguồn từ dưới đi lên qua xã hội công dân mà những blog internet dần dần thay thế báo chí chính quy trong lòng người đọc là một tín hiệu đáng mừng.

4- Khác với nền trung học phác họa ở phần 3, vấn đề chất lượng đại học còn nghiêm trọng hơn nhiều vì ta thiếu cả hai bề, vừa nhân sự vế này, vừa tư duy cơ chế quản lý vế kia. Đầu tiên là chuyện vàng thau lẫn lộn trong bộ máy quản lý giáo dục, một số quan chức thực lực khoa học thì ít mà quyền lực lại nhiều, tệ nạn này đã đưa đến bao nghịch cảnh làm nản lòng những tài năng trẻ8.

Chưa thấy trong bất kỳ sinh hoạt văn hóa, giáo dục, khoa học nào của con nguời với cơ chế tập trung khép kín, thiếu tự do, đua tranh và thông tin mà không sớm muộn đưa đến những nghịch cảnh, cản đường cho sự phát triển toàn bộ. Ngoài ra chúng ta chưa bao giờ xây dựng được ở đại học một số lượng tới hạn của đội ngũ thầy giảng dạy – nghiên cứu chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế9, vài con én không làm nổi mùa xuân. Hơn nữa chất lượng và khả năng chuyên môn của nhân sự chỉ là một khía cạnh của toàn diện vấn đề, dẫu tiên quyết đến mấy nó chỉ là điều kiện cần nhưng còn xa mới đủ để xây đắp nên một nền đại học – nghiên cứu có chất lượng cao, tuân theo những chuẩn mực phổ quát, xứng đáng với khát vọng của dân tộc và sinh viên ta vốn hiếu học, cầu thị. Điều kiện đủ nói trên hàm ý mấy khía cạnh khác cực kỳ quan trọng như quyết tâm cải tổ của bộ máy chính trị cầm quyền và sự thay đổi hầu như toàn diện trong tư duy giáo dục, cơ chế và quản lý, không gian học thuật, cơ sở vật chất và lương bổng nhà giáo.

Gần đây báo chí và mạng thông truyền tin trong và ngoài nước có nói đến dự án chính phủ10  đào tạo trong mười năm hai vạn tiến sĩ và xây dựng một đại học lọt vào top 200 trên thế giới cho đến năm 2020. Trên nguyên tắc, đó là những dấu hiệu tích cực đáng trân trọng. Đào tạo tiến sĩ chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế11  không những để xây dựng sau này đội ngũ thầy giảng dạy cho một đại học – nghiên cứu hoa tiêu lọt vào top 20012, mà hơn nữa những tiến sĩ chất lượng cao vì được đào tạo bài bản chính là cái nôi cung ứng nhân tài, những chuyên gia cao cấp cho công kỹ nghệ, kinh tế, tài chính, ngân hàng, thương mại, quản trị doanh nghiệp, thậm chí cả văn học nghệ thuật, những ngành nghề có khi chẳng ăn nhằm gì mấy đến cái luận án tiến sĩ ‘xịn’ ban đầu13. Xịn này sinh xịn kia há chẳng tự nhiên sao? Cách đào tạo này có cái tên gọi là đào tạo bởi con đường nghiên cứu mà càng ngày các nước tiên tiến càng áp dụng.

5- Hàng năm cứ vào cuối thu cỏ vàng và lá đỏ hãy còn vương vất trên cây, trời nắng nhạt mà hây hây lạnh, tôi thường nao nức đón chờ tin giải Nobel về văn chương và khoa học. Còn gì tuyệt vời hơn khi cái đẹp và cái thật vượt qua biên giới chủng tộc đi thẳng vào trái tim và khối óc con người. Năm nay giải Nobel Vật lý tôn vinh hai nhà nghiên cứu Albert Fert (Pháp) và Peter Grünberg (Đức), tin này làm tôi nức lòng về sự hồi sinh gần đây của nền vật lý Âu châu, và nhớ lại đúng 50 năm về trước một tin tương tự đã làm tôi ước mơ và chuyển ngành từ toán sang vật lý lý thuyết.

Năm ấy 1957 cũng vào cuối thu, có tin hai nhà vật lý Trung Quốc làm việc bên Mỹ, giáo sư Dương Chấn Ninh (C. N. Yang) và Lý Trung Đạo (T.D. Lee) trẻ măng mới trên ba chục tuổi đời được giải Nobel vì một khám phá làm thay đổi nhận thức về luật đối xứng gương của thế giới nguyên tử. Theo báo chí lúc ấy, đó là một công trình tầm cỡ như thuyết tương đối Einstein nhưng mang những tên lạ hoắc với tôi như meson K, spin, lượng tử. Đó là lần đầu người Trung Quốc được giải khoa học uy tín số một này và đã làm chấn động dư luận hàn lâm thế giới, nhất là cộng đồng người Á Đông như được thơm lây và hãnh diện!  Rồi tôi mong ước theo học lưỡng viện sĩ Louis de Broglie giải Nobel, người cha lừng danh của Cơ học sóng14  thỉnh thoảng chậm rãi leo bộ lên tầng hai của Institut Henri Poincaré (IHP) là nơi tôi đang học năm cuối lớp cử nhân giáo khoa toán15. Sau một năm theo lớp cao học ở IHP về vật lý lý thuyết với những bài giảng của giáo sư de Broglie và nhóm của ông, tôi cảm nhận thấy nền vật lý Âu châu đặc biệt Đức và Pháp đang trong cảnh thoái trào16, từ hai nước nhất nhì thế giới về vật lý – quê hương của lượng tử và tương đối, hai lý thuyết mà trăm năm sau vẫn ghi đậm dấu ấn cho đến ngày nay – họ đã bị bỏ xa đằng sau Mỹ vì phải trải qua thời kỳ đen tối của nạn phát xít reo rắc trên thế giới.

Nền vật lý Pháp xưa kia có một truyền thống hào hùng với các vị như vợ chồng Curie, Perrin, …de Broglie nay nhờ cố gắng cải tiến đã phần nào tìm lại thời vang bóng với 4 giải Nobel mấy năm gần đây. Khi viết những dòng kỷ niệm trên, tôi không khỏi nghĩ đến hiện tình đại học nước nhà và ước mong giáo sư Hoàng Tụy sớm được thỏa lòng thấy thế hệ trẻ nối bước, và bỗng nhớ đến bài ca của Trịnh Công Sơn «Tôi ơi đừng tuyệt vọng!».

P.X.Y.

Nguyên giám đốc nghiên cứu Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS), Pháp

Chú thích:

1 Chép mượn danh từ của Bùi Văn Nam Sơn.

2 Xem Đặng Tiến và Nam Dao trên mạng Talawas theo thứ tự ngày 05/04/2007 và 12/04/2007.

3 Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, anh Thạc hay những chị trong đoàn Thanh niên Tiền phong (phim Les oubliées de la piste Hồ Chí Minh của Laurence Jourdan) là thí dụ trong muôn vàn trường hợp thương tâm của tuổi trẻ ngoài Bắc lao vào chiến cuộc với một niềm tin trong sáng lãng mạn. Cũng như tình trạng của nhân dân miền Nam diễn tả qua bài thơ ‘Ngày mai đi nhận xác chồng’ của Lê Thị Ý, câu ca ‘Kỷ vật cho em’ của Phạm Duy & Linh Phương, những bản nhạc phản chiến thức tỉnh tình người của Trịnh Công Sơn. Thực là ‘Phơi thây trăm họ nên công một người’.

4 Ngân quỹ và nhân sự dành cho quân đội, công an bị Đồng Minh hạn chế tối thiểu ở Tây Đức và Nhật là một nguyên nhân quan trọng khiến hai nước bại trận này đã nhanh chóng trở lại phú cường về kinh tế, văn hoá. Đông Đức với Stasi lại là chuyện khác (xin đọc Đỗ Tuyết Khanh trong http://www.diendan.org về phim Das Leben der Anderen cười ra nước mắt với đoạn kết nhân hậu cực hay).

5 Giáo sư Tạ Quang Bửu là một thí dụ điển hình đã can đảm chống lại chính sách lý lịch thành phần trù diệt ‘trí phú địa hào’ và ông phải trả giá. Nhân đọc bài

http://vietsosu.com/sosu/viewtopic.php?p=10645&highlight=ki%E1%BB%81u+chinh#10645

xiết bao cảm động, tôi cũng xin kể chút chuyện riêng tư: tháng Hai năm 1955 đang ở Hà Nội tràn đầy ảnh Mao, ảnh Malenkov, gia đình tôi đã cảm thấy cái không khí nén ép ‘mưa sa trên màu cờ đỏ’ của Cải cách ruộng đất và Nhân Văn – Giai Phẩm bèn trốn đi Hải Phòng xuống tàu thủy vô Nam. Đến nơi ghi tên vội lớp ‘Toán đại cương’ ở Đại học Sài Gòn, thấy bài giảng và nhân viên toàn người Pháp kể cả giáo sư Phạm Tỉnh Quát (thân phụ của giáo sư Frédéric Pham, bạn chí thân của nền toán học Việt Nam) đặc phái từ đại học Rennes sang. Cả miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mâu chỉ có duy nhất một lớp toán năm đầu này với khoảng trăm sinh viên để thấy tình trạng sơ khai của nền đại học nước nhà thủa ấy, ở ngoài Bắc cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Lại thêm thể thức thi cử bất cập, quá ư khó khăn, đến hơn 90% bị đánh trượt như thể cố tình làm thoái lòng người học (khi sang Pháp du học năm 1956, tôi hay tin tình trạng bất cập này về sau được khắc phục bởi giáo sư Đặng Đình Áng từ Mỹ trở về, ngoài ra ông còn hiện đại hoá chương trình cử nhân giáo khoa Toán). Năm sau lên lớp ‘cơ học thuần túy’ chỉ còn lại dăm ba sinh viên, trong đó tôi nhớ mãi khuôn mặt sáng sủa với đôi kính cận gọng đen của anh Nguyễn Điền (con trai luật sư Nguyễn Long, một nhân vật chống đối mạnh mẽ chính quyền miền Nam). Anh nhìn chúng tôi từ ngoài Bắc vào với con mắt ít thiện cảm, sau anh tâm sự bảo tôi ngoài kia độc lập rồi vô đây làm chi. Tôi không diễn tả nổi với anh ngoài kia chỉ vài tháng sau chiến thắng Điện Biên nao nức lòng người, đã thấy có cái gì hao hao giống như ‘cái đêm hôm ấy … đêm gì’ không phải của Ôn Như Hầu mà của Phùng Gia Lộc rút tơ lòng viết ra sau này, phải sống ở đó mới thấu. Trong năm bỗng nhiên anh Điền vắng mặt một thời gian, khi trở về lớp thấy anh xanh xao ghẻ lở, hỏi ra mới biết anh bị giam giữ tra tấn. Khi sang Pháp tôi hay tin về sau anh bị sát hại, chao ôi cái nọc độc của cuộc nội chiến đã manh nha từ thủa bấy giờ!

Mặc dầu gia đình tôi thuộc thành phần khả nghi (vì không rời Hà Nội ngay từ hè 1954 mà ở lại Bắc, do đó thân phụ tôi một nhà giáo không được nhập ngạch ngay mà phải đợi vài năm điều tra rồi giáng chức), cũng chẳng thuộc đảng Cần Lao Nhân Vị và công giáo thời thượng bấy giờ, nhưng phải thừa nhận công tâm của chính quyền miền Nam, đặc biệt giáo sư Nguyễn Quang Trình – viện trưởng Đại học Sài Gòn và sau này bộ trưởng giáo dục, trong việc chọn lọc sinh viên được học bổng để du học ở ngoại quốc.

6 Triết lý giáo dục công lập ở Pháp dựa trên hai nền tảng: nhà trường thế tục và cộng hòa (école laique et républicaine). Nhà nước tôn trọng và trung lập đối với mọi tín ngưỡng, chính kiến, tư tưởng, nhân sinh quan, triết học. Nhà trường là nơi hòa trộn mọi thành phần, không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, giai cấp xã hội của học sinh.

7 Cho đến mực sau tú tài, tuyệt đại đa số học sinh ta khi ra nước ngoài theo ngành cao đẳng hay đại học không mấy gặp khó khăn khi cập nhật trình độ ngoại ngữ. Xin kể một giai thoại, năm 1956 anh ĐĐG vừa đậu tú tài ở Sài Gòn sang Toulouse (Pháp) theo học một ‘trường lớn’ về kỹ sư. Tuy mới đầu còn bập bẹ tiếng Pháp, hai năm sau anh lấy bằng cử nhân giáo khoa toán-lý mà bình thường dân bản xứ phải mất bốn năm. Mà anh cũng chẳng phải ngoại lệ, nhiều bạn anh cũng không thua. Chương trình giáo khoa trung học từ thời Hoàng Xuân Hãn cho đến nay đại thể vẫn cập nhật với trào lưu tiến hóa toàn cầu.

8 Một thí dụ là hội đồng quốc gia phong học hàm học vị giáo sư, phó giáo sư với nhũng tiêu chuẩn kỳ lạ chưa thấy trong các nước tiên tiến nào. Ngoài ra trong học trình của khoa học tự nhiên và kinh tế có hai môn ‘học thuyết Mác Lê’ và ‘lịch sử Ðảng’. Nên coi môn trước như một trong nhiều kiến thức chung của triết lý nhân loại và môn sau như một giai đoạn thăng trầm của đất nước. Những môn này thiết tưởng chỉ nên dành cho ngành khoa học nhân văn, xã hội hoặc để cho sinh viên tự chọn theo nhu cầu, sở thích. Trong hồ sơ các sinh viên trong nước sang ghi tên du học về ngành khoa học tự nhiên, hai môn kể trên có hệ số tính điểm khá cao chẳng thua các hệ số về toán, lý, hoá, sinh, ngoại ngữ.  Vì chuyện này, cũng như nhiều bạn trên thế giới, người viết bài đã mất công giải bày với đồng nghiệp và bộ máy hành chính của đại học mình khi họ xét hồ sơ tuyển chọn sinh viên Việt Nam sang du học. Ðể so sánh công bằng với sinh viên các nước khác trong việc tuyển chọn, hai môn ‘không khoa học tự nhiên’ này bị loại bỏ tự động, làm lãng phí thời gian cho cả người dạy lẫn người học.

9 Tiêu chuẩn quốc tế: ngày nay trên thế giới, chuẩn mực phổ quát chất lượng cao của nhân viên giảng dạy – nghiên cứu ở đại học được thể hiện qua vài nét chính sau đây: (a) công trình khoa học được nhận đăng trên những tạp chí uy tín có hệ số tác động (impact factor) cao. Trong mỗi ngành khoa học tự nhiên, tạp chí uy tín hàng đầu quốc tế dĩ nhiên đều rất ít, chúng có hệ thống bình duyệt nghiêm túc, khắt khe hai ba vòng biện và phản biện. Thí dụ, trong vật lý không một nước nào riêng biệt ở Âu châu như Ðức, Pháp, Ý… có một tạp chí quốc gia đủ uy tín hàng đầu quốc tế, họ bèn liên kết thành tập đoàn tạp chí Âu châu như Physics Letter, Nuclear Physics, European Physical Journal… cạnh tranh với Science, Physical Review Letters, Review of Modern Physics, Physical Review… của Mỹ, Nature của Anh. Tiếng Anh đã từ lâu lắm rồi trở thành ngôn ngữ khoa học chung cho những tạp chí quốc tế, nó còn thường xuyên được dùng trong seminar, thậm chí luận án tiến sĩ ở những đại học chất lượng cao của nhiều quốc gia phát triển; (b) số lần trích dẫn (citation index) những công trình khoa học của mình bởi đồng nghiệp giảng dạy-nghiên cứu trên khắp thế giới, mà đồng nghiệp cũng đồng thời là những người cạnh tranh ráo riết để tìm thấy trước hoặc tốt hơn; (c) sách giáo trình lớp cao học hay nghiên cứu chuyên đề, phát hành bởi các nhà xuất bản danh tiếng và được chọn dùng trong nhiều đại học trên toàn cầu; (d) báo cáo trong nhiều hội nghị quốc tế và sự cộng tác thường xuyên với những cơ quan giảng dạy và nghiên cứu tiếng tăm trên thế giới; (e) sự nghiệp đào tạo nghiên cứu sinh và tiến sĩ theo chuẩn mực quốc tế; (f) đối với các ngành khoa học ứng dụng, văn bằng sáng chế và sự cộng tác với nhiều công ty kỹ nghệ mang lợi nhuận cho cơ quan. Mấy đặc tính trên không những chỉ áp dụng trong vật lý mà đại thể cũng tương tự trong các ngành khoa học tự nhiên khác từ toán đến sinh học, ở trong nghề ai cũng rõ những điều kể trên.

10 Theo http://moet.gov.vn/resources/eduportal/uploads/2007/tt11523 53CT2007.doc

11 Về khoa học tự nhiên, ngày nay tiêu chuẩn phổ quát trên thế giới của một tiến sĩ chất lượng cao là phải có công trình được nhận đăng trong những tạp chí quốc tế, cụ thể tiếng Anh, với hệ thống bình duyệt nghiêm túc. Trong mỗi ngành khoa học đều có những tạp chí uy tín với hệ số tác động cao, loại top 10, top 20 mà ở trong nghề ai cũng biết chọn mặt gửi vàng. Thí dụ trong vật lý, tạp chí có hệ số tác động cao nhất ngày nay có lẽ là tờ Physical Review Letters, bài được nhận đăng trên đó thường phản ảnh một giá trị đặc biệt vững vàng. Tuy nhiên theo phụ chú 10, dự án đào tạo ở ngay trong nước một ngàn nghiên cứu sinh chất lượng cao trong niên khoá 2007-2008 quả là một chuyện vô khả thi trong hiện tình vì muốn thế ta cần có khoảng một ngàn giáo sư đủ tiêu chuẩn quốc tế để hướng dẫn luận án, thế mà từ nhiều năm nay các công trình khoa học trong nước được đăng trên những tạp chí quốc tế không vượt quá vài trăm!

12 Xây dựng một đội ngũ mới nhân viên giảng dạy – nghiên cứu của trường đại học này là điều kiện tiên quyết theo thiển ý. Đội ngũ này phải xuất thân chính yếu từ những tiến sĩ chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế (phụ chú 9) mà chính phủ dự tính gửi đi đào tạo ở ngoại quốc trong muời năm. Điều nên lưu ý là trình luận án xong, họ cần thay đổi môi trường trong một thời gian thường là hai ba năm hậu tiến sĩ (postdoc) để phấn đấu vượt lên nữa cho đạt tới mức sáng tạo độc lập, chín chắn, thanh lọc, tranh đua gay gắt nhưng lành mạnh với đồng nghiệp năm châu lấy một chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Tiến sĩ chỉ là bước đầu trên con đường dài lắm chông gai để thành thầy ở đại học chất lượng quốc tế mà ta muốn xây đắp ở Việt Nam. Tôi tâm đắc với câu sau đây của giáo sư Phạm Duy Hiển: “Nếu mang những mảnh bằng tiến sĩ về trình làng mà đất nước không tạo điều kiện để họ tiếp tục nghiên cứu khoa học, duy trì quan hệ quốc tế, trưởng thành lên theo chuyên ngành của mình để còn đào tạo ra những ê kíp mới, thì chẳng khác nào đem toàn bộ tiền của đổ xuống sông xuống biển”. Không ít những tiến sĩ được đào tạo bài bản ở ngoại quốc, khi về nước đã không đuợc ứng xử xứng đáng, hãy còn gặp nhiều khó khăn để tiếp tục làm việc tốt.

Sự tự chủ trong cơ chế vận hành, trong không gian học thuật, kèm thêm cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, ngân quỹ là điều kiện tiên quyết thứ hai để đội ngũ mới nhân viên giảng dạy – nghiên cứu nói trên đảm nhiệm trách vụ nặng nề nhưng biết bao vinh dự xây dựng được một đại học lọt vào top 200 cho đất nước.

13 Ở Pháp, khoảng hơn 90% tiến sĩ về vật lý lý thuyết sau khi trình xong luận án, ra làm việc ngoài phạm vi giáo dục, đại học hay nghiên cứu cơ bản. Xin kể thí dụ một sinh viên Việt NXS ở Hà Nội sau khi được tuyển chọn sang Pháp theo học trường Bách khoa Paris rồi làm xong luận án tiến sĩ lý thuyết trường lượng tử, anh đi học lại lớp Master 2 (cao học ) về toán tài chính, sau đó sang làm việc trader ở City London với lương bổng gấp vài ba lần các giáo sư Pháp đào tạo anh.

14 Trong mấy chục năm, giới hàn lâm Pháp thường chỉ dùng danh từ Cơ học Sóng (Mécanique Ondulatoire) mà tránh dùng Cơ học Lượng tử (Mécanique Quantique) như thể muốn nhấn mạnh đến tính chất sóng của mọi vật thể vi mô mà de Broglie khám phá ra. Chữ quantum có hơi hướng Đức, hai nước Pháp Đức cũng vừa ra khỏi thế đối nghịch của đệ nhị thế chiến!

15 Năm ấy ở Paris, giáo sư Henri Cartan và Gustave Choquet đã mang phương pháp của trường phái Bourbaki (quá nặng về hệ thống hoá và tổng quan trừu tượng) vào dạy thử ở lớp toán Vi tích phân. Trong cả giờ về môn topo học, ông Choquet chỉ nói mà không viết, tính toán mà như luận văn chương! Trường phái Bourbaki với lý thuyết tập hợp (théorie des ensembles) đã làm chao đảo một thời chương trình toán trung học ở Pháp, đó là một thử nghiệm sai lầm của những cái gì thái quá. Ngày nay hầu như trường phái này đã đi vào quên lãng.

16 Những vị lừng danh như Einstein ở Princeton, Heisenberg ở München, de Broglie ở Paris thực ra trong những năm tháng sau thế chiến rất cô đơn về hoạt động khoa học. Tôi nhớ giáo sư de Broglie hẹn tôi một sáng đến nhà ở Neuilly sur Seine trình ông bản thảo một bài viết để đăng trên Compte Rendu de l’Académie des Sciences (CRAS), và được ông đón tiếp ân cần. Tôi ngờ đâu những tạp chí như CRAS, Annalen der Physik… chỉ còn là dư ảnh của một thời vang bóng, những bài báo chất lượng thấp viết bằng tiếng Pháp, tiếng Đức chẳng còn ai đọc. Những cộng sự viên JLD, MAT, GP, JPV của de Broglie ở IHP thực ra đã lão hoá, bảo thủ trong những đề tài nghiên cứu không còn cập nhật và tôi mất một năm lớp cao học IHP để hiểu rằng một thời đại huy hoàng đã sang trang, những tài năng mới của Pháp như Louis Michel, Albert Messiah, Maurice Lévy… đều sang Anh hay Mỹ học hỏi, nghiên cứu rồi trở về chấn hưng lại nền vật lý lý thuyết Pháp. IHP quá chật hẹp về phương tiện và nhân sự, họ bèn thành lập những nhóm mới năng động như IHES (Institut des Hautes Etudes Scientifiques) ở Bures, nhóm lý thuyết của CEA (Commissariat de l’Energie Atomique) ở Saclay, Đại học Orsay, Đại học Pierre & Marie Curie Paris. Đặc biệt bà ‘Pháp kiều ‘ ở Mỹ Cécile de Witt – giáo sư Đại học Austin, Texas đã sáng lập trường hè Les Houches (Ecole des Houches) để mời những chuyên gia uy tín trên thế giới hàng năm sang vùng núi Alpes yên tỉnh trao đổi giảng dạy những đề tài mũi nhọn về vật lý lý thuyết.

Ngay sau đệ nhị thế chiến, việc sáng lập ra trung tâm Âu châu nghiên cứu nguyên tử (CERN) ở biên giới Pháp-Thụy sĩ gần Genève do Đức và Pháp làm trụ cột là một điểm son hoành tráng cho sự nghiệp chấn hưng nền vật lý hạt cơ bản Âu châu. Sang năm 2008 máy gia tốc LHC (Large Hadron Collider) ở CERN sẽ hoàn tất và trở thành đầu tầu thế giới của ngành vật lý này, bỏ lại nước Mỹ đằng sau. Quả là thế sự thăng trầm. Giới chuyên ngành hồi hộp đón chờ cái khám phá của đầu thiên niên kỷ ở LHC, đó là hạt cơ bản Higgs tạo ra khối lượng cho vật chất. Nếu tìm thấy, chắc giải Nobel sẽ đón chờ nhà nghiên cứu Peter Higgs xứ  Scotland.

This entry was posted in Hoàng Tụy. Bookmark the permalink.