Điều tra của Tâm Don
Hàng năm, đại dự án tai tiếng Formosa Hà Tĩnh thải ra khoảng hơn 3.300.000 tấn các loại rác thải rắn. Đây thực sự là con số khổng lồ, khiến nhiều người choáng váng. Theo nhiều người hiểu biết về ngành công nghệ luyện kim, trên thế giới hiếm có nhà máy nào thải ra một lượng lớn rác thải rắn đến vậy. Vậy, các loại rác thải rắn do Formosa Hà Tĩnh gây ra chạy đi đâu?
Biến mất trong vòng một nốt nhạc
Một ngày cuối tháng 6-2019, trong cái nắng như thiêu như đốt, trong những cơn gió lào rát bỏng quăng quật, nhà báo già Nguyễn Dũng ( tên đã được thay đổi theo yêu cầu) lại lần mò đến dự án tai tiếng Formosa Hà Tĩnh được đặt tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Anh dụi mắt mấy lần, và anh bỗng như người mất hồn. Anh không tin vào một hiện thực. Trước mắt anh đã không còn những núi rác khổng lồ là chất thải rắn do Formosa thải ra. Những núi rác ấy đâu rồi nhỉ? Nhà báo già đã không tìm được câu trả lời. Ông bối rối, và ông nghi ngờ.
Trước đó, vào ngày 16-4-2019, nhà báo Nguyễn Dũng cũng đã tìm đến dự án tai tiếng Formosa Hà Tĩnh. Ông đã bắt gặp những núi rác thải rắn khổng lồ, và ông đã dùng Ipad chụp những núi rác ấy. Vài ngày sau, những hình ảnh về núi rác thải chất rắn khổng lồ ở Formosa đã gây nên những trận bão mạng kinh hồn, kèm theo đó là sự phẫn nộ.
Núi rác thải rắn ở Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: nhà báo Nguyễn Dũng
Rác thải rắn ở Hà Tĩnh chạy đi đâu, đó không chỉ là câu hỏi nhói lòng nhà báo Nguyễn Dũng mà còn là câu hỏi day dứt của nhiều người dân huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Formosa Hà Tĩnh nói gì?
Hệ thống báo chí nhà nước tuy không có bất cứ bài điều tra nào về môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra, nhưng ít ra họ cũng không làm loa phát ngôn cho Formosa Hà Tĩnh. Nhưng tờ báo địa phương Hà Tĩnh lại là một câu chuyện khác. Tờ báo này liên tục đăng tải thông tin có lợi cho Formosa Hà Tĩnh. Liên quan đến rác thải rắn ở Formosa Hà Tĩnh, báo Hà Tĩnh ngày 01-7-2019 có bài “Nước thải và khí thải của Formosa Hà Tĩnh được kiểm soát 24/24 bằng hệ thống quan trắc tự động”(https://baohatinh.vn/dau-tu/nuoc-thai-va-khi-thai-cua-formosa-ha-tinh-duoc-kiem-soat-24-24-bang-he-thong-quan-trac-tu-dong/175163.htm ) vô tình hé lộ nhiều điều đáng ngờ. Bài báo này có văn phong hành chính đậm đặc, chắc chắn thể hiện một điều rằng, bài báo được viết lại từ các báo cáo, tài liệu bằng văn bản của chính Formosa Hà Tĩnh. Bài báo có đoạn: “Hiện tại, tạp liệu rắn của toàn nhà máy được phân thành 3 loại lớn dựa trên mục đích xử lý và tái sử dụng, trong đó khoảng 98% tạp liệu rắn đã được thu hồi và tái sử dụng, chỉ khoảng 2% không thể tái sử dụng được xem là chất thải và phải chuyển giao ra bên ngoài xử lý. Tình hình quản lý như sau:
Nhóm tạp liệu rắn đã nhận được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy: là sản phẩm có thể tiêu thụ hoặc tiến hành tái sử dụng theo mục đích hợp chuẩn hợp quy để làm vật liệu xây dựng. Hiện tại, xỉ thép, xỉ hạt lò cao, tro bay, thạch cao và tro đáy của FHS đều đã nhận được chứng nhận sản phẩm, đang được tiêu thụ và tái sử dụng theo quy định.
Nhóm tạp liệu rắn chứa làm lượng sắt cao: là tạp liệu rắn sản sinh trong quá trình luyện gang, luyện thép và phát điện, được ưu tiên thu hồi tái sử dụng ở trong nhà máy, như bụi thu hồi, bùn chứa sắt… sau khi được thu gom và phối trộn, sẽ được thu hồi về làm nguyên liệu cho công đoạn thiêu kết, hoặc chuyển giao cho các đơn vị có chức năng tái sử dụng để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất.
Nhóm chất thải rắn phải chuyển giao xử lý: là các loại chất thải không thể thu hồi hoặc tái sử dụng trong nhà máy, mới phải chuyển giao cho các đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý, bao gồm rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường (như bùn thải từ quá trình xử lý nước thải sinh hoạt/công nghiệp) và chất thải nguy hại (như bùn thải từ quá trình xử lý nước thải sinh hóa), hiện đều được phân loại theo quy định và lưu chứa an toàn tại 19 kho lưu giữ chất thải của toàn nhà máy, đồng thời chuyển giao cho các đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý”.
Ngày 14-5-2019, báo An ninh thủ đô có bài Bộ Tài nguyên – Môi trường nói gì về việc xử lý chất thải của Formosa Hà Tĩnh? (https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-noi-gi-ve-viec-xu-ly-chat-thai-cua-formosa-ha-tinh/810419.antd ), theo đó: “Thông tin về phản ánh việc xử lý chất thải tại Khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh sáng nay, 14/5, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của Khu liên hợp Formosa được thu hồi, tái chế, tái tuần hoàn các công đoạn sản xuất khác nhau để giảm thiểu tố đa lượng chất thải ra ngoài môi trường.
Trong đó, nhóm chất thải đã đươc hợp chuẩn, coi là sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, được bán ra bên ngoài hoặc tái sử dụng tại Formosa Hà Tĩnh gồm: xỉ hạt lò cao phát sinh khoảng 5.300 tấn/ngày; tro bay nhà máy điện phát sinh khoảng 200 tấn/ngày; thạch cao nhà máy điện phát sinh khoảng 90 tấn /ngày; tro đáy nhà máy điện phát sinh khoảng 15 tấn/ngày.
Đối với một số loại xỉ thép (gồm xỉ lò chuyển, xỉ đúc, xỉ khử lưu huỳnh) phát sinh khoảng 2.500 tấn/ngày, Formosa Hà Tĩnh đã hợp chuẩn để làm sản phẩm phụ gia xi măng, vật liệu cấp phối.
Tổng khối lượng phát sinh là 1,141 triệu tấn: đã sử dụng khoảng 260.000 tấn, hiện còn khoảng hơn 881.000 tấn được lưu giữ an toàn tại 3 bãi chứa xỉ thép trên bờ.
Riêng đối với 1.334 tấn bùn cán nóng và 28.737 tấn bùn bụi phối trộn do có hàm lượng tổng dầu cao chưa được phép tái sử dụng, Formosa Hà Tĩnh đang lưu giữ an toàn trong thời gian chờ hoàn thành lắp đặt bổ sung thiết bị xử lý”.
Rõ ràng, thông tin từ Formosa Hà Tĩnh và thông tin từ Bộ Tài nguyên – Môi trường giống nhau, đều mang tính có lợi cho Formosa Hà Tĩnh và trấn an người dân.
Nhưng, có nhiều câu hỏi được đặt ra từ những thông tin này. Các chất thải rắn có nguồn gốc từ Formosa Hà Tĩnh liệu có đủ bảo đảm độ an toàn để làm vật liệu xây dựng? Dựa vào cơ sở pháp lý và khoa học nào mà các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng lấy chất thải rắn từ Formosa Hà Tĩnh để tạo nên vật liệu? Những doanh nghiệp nào sản xuất vật liệu xây dựng từ rác thải rắn Formosa Hà Tĩnh? Các sản phẩm này có tên là gì, dùng vào việc gì, và được tiêu thụ ở đâu?
Không ai trả lời được các câu hỏi này cả, kể cả người giải đáp vĩ đại nhất là Google. Không tìm được câu trả lời, điều đó có nghĩa rằng, đích đến của rác thải rắn Formosa Hà Tĩnh vẫn còn là một điều hết sức bí ẩn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khó lòng tiêu thụ hết hàng triệu tấn chất thải rắn trong vòng một năm.
Rõ ràng, câu hỏi những núi rác thải rắn khổng lồ ở Formosa Hà Tĩnh chạy đi đâu, vẫn phải được tiếp tục đặt ra.
Một hé lộ khác
Ngày 6-4-2019, đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn số 495/CAT-CSMTr về việc kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc xử lý chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Công văn số 495/CAT-CSMTr
Tại công văn này, Công an Hà Tĩnh đánh giá: “Quá trình hoạt động của dự án Formosa phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng nghìn tên chất thải; tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hằng năm là 3.360.500 tấn. Trong đó, các loại bùn thải, xỉ thép phát sinh và tồn kho với khối lượng rất lớn, cụ thể: Bùn cán nóng phát sinh 35 tấn/ngày, lượng tồn kho 10.700 tấn; bùn phối trộn tồn kho 28.737 tấn; bùn lò cao phát sinh 200 tấn/ngày, lượng tồn kho 70.000 tấn; bùn lò chuyển phát sinh 303 tấn/ngày, từ khi đi vào hoạt động đến nay lượng bùn này phát sinh khoảng 128.000 tấn, được tái sử dụng sản xuất, xỉ thép phát sinh 2.500 tấn/ngày, lượng xỉ thép đang lưu trữ tại dự án (tồn kho) khoảng 780.000 tấn”.
Giám đốc công an Hà Tĩnh nhấn mạnh trong công văn này: “Việc phân định các loại bùn bụi đều do Formosa thuê các đơn vị tư nhân (được Bộ TN-MT cấp phép) để phân tích các chỉ tiêu về môi trường và căn cứ vào đó để phân loại có nguy hại hay không. Các cơ quan chức năng không lấy mẫu đối chứng để kiểm tra tính chính xác trong kết quả phân tích, do đó việc phân định chất thải rất khó mang tính khách quan, chính xác (như việc bùn lò cao trước đây phân tích là chất thải nguy hại, nhưng sau đó phân tích lại kết quả là chất thải thông thường); Các kết quả phân tích vượt ngưỡng, Công ty Formosa không cung cấp cho cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý”.
Công văn của Công an Hà Tĩnh nêu: “Trong các phương án tái chế các loại chất thải rắn và tạp liệu do Công ty Formosa xây dựng trình Bộ TN-MT, việc sử dụng từ trong phương án chưa chính xác, như: Gọi các loại bùn thải là “bùn quặng”, “bùn khoáng”… không thể hiện đúng bản chất. Theo ngôn ngữ thông dụng của Việt Nam thì “bùn khoáng” là loại bùn thiên nhiên được hình thành do những biến đổi của địa chất; còn “quặng” là các loại đá chứa khoáng chất kim loại hoặc đá quý được khai thác từ mỏ. Trong lúc đó, các loại bùn của Formosa là chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất nên không thể dùng từ như vậy, dẫn đến sai lệch bản chất của chất thải”.
Cũng theo công văn trên: “Theo phương án tái chế chất thải rắn, bùn lò cao, lò chuyển chứa nhiều kẽm (Zn) nên không thể tái sử dụng trực tiếp. Formosa dự kiến đầu tư lò đáy quay RHF dùng để xử lý tách kẽm ở trong bùn để tái sử dụng các thành phần có ích. Tuy nhiên, hiệu quả công nghệ này chỉ đạt từ 30 – 70%, phần còn lại có thể sẽ chuyển giao cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Formosa không đánh giá các thành phần nguy hại khác, điển hình như chì (Pb) trong bùn, nếu tái sử dụng hoặc chuyển giao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Trong 7 loại xỉ thép, có 3 loại xỉ thép đã được hợp chuẩn (xỉ lò chuyển; xỉ đúc; xỉ khử lưu huỳnh) dùng làm vật liệu cấp phối, vật liệu san lấp cho công trình xây dựng và công trình giao thông, phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng. Còn lại 4 loại (thép xỉ, bột xỉ từ lò chuyển, gang xỉ, bột từ xỉ khử lưu huỳnh) được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hoặc bán cho các nhà máy luyện thép. Đối với xỉ thép chuyển giao cho các nhà máy luyện thép để làm nguyên liệu tái sử dụng (bột từ xỉ khử lưu huỳnh) có hàm lượng lưu huỳnh cao (S), khi đưa vào các nhà máy luyện thép công nghệ lò điện hồ quang (công nghệ cũ) sẽ phát sinh khí thải SO2 rất lớn, nếu không có hệ thống xử lý khí thải được đầu tư đảm bảo sẽ gây ô nhiễm môi trường”.
Công văn của Công an Hà Tĩnh đề nghị Bộ TN-MT, các bộ ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và yêu cầu Formosa phân loại xử lý các loại chất thải theo đúng nội dung cam kết trong báo cáo ĐTM và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó tập trung làm rõ việc tự ý tái sử dụng bùn lò chuyển từ trước đến nay; kiểm tra việc phát sinh và quản lý các loại chất thải rắn; tính chính xác trong phân định, phân loại, khối lượng cụ thể từng loại chất thải phát sinh. Riêng đối với số lượng chất thải nguy hại đang lưu giữ (1.334 tấn bùn cán nóng và 28.737 tấn bùn bụi phối trộn), yêu cầu Formosa phải có phương an xử lý kịp thời, không được lưu giữ quá thời gian quy định.
Thẩm định, đánh giá cụ thể, chặt chẽ các phương án, kế hoạch xử lý các loại chất thải do Công ty FHS đề xuất. Đánh giá mức độ phát thải SO2 tại các nhà máy luyện thép có sử dụng xỉ thép của Công ty FHS. Tiếp tục chỉ đạo các ban ngành chức năng theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn của FHS; việc Formosa lấy mẫu để phân tích, phân loại phải được cơ quan chức năng giám sát, cần thiết phải lấy mẫu phân tích độc lập để đối chiếu khách quan, chủ động phối hợp, cung cấp các kết quả phân tích cho cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi.
Công an Hà Tĩnh khẳng định: “Trong thời gian tới công an tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an thị xã Kỳ Anh theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành có liên quan, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, tổ chức đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đối với Công ty FHS”.
Chạy vào biển lớn?
Tại Kỳ Anh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung đã xuất hiện nhiều nghi kỵ về đường đi của những núi rác thải rắn khổng lồ của Formosa Hà Tĩnh.
Một nguồn tin của người viết cho biết, cách đây không lâu, Formosa Hà Tĩnh đã đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên – Môi trường về việc đổ những núi rác thải rắn này xuống biển nhưng đã bị tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên – Môi trường từ chối chấp nhận.
Nhiều người dân Hà Tĩnh nghi ngờ rằng, các chất thải rắn ở Formosa Hà Tĩnh được dùng vào việc xây âu tàu, hay còn gọi là đê biển. Từ trung tâm nhà máy Formosa Hà Tĩnh, một con đê biển chạy thẳng ra biển đã được xây dựng liên tục trong vòng hai năm qua. Con đê biển- âu tàu này hiện tại có chiều dài từ 700-1000 mét( ảnh 03), chiều rộng từ 7-10 mét, và cao hơn mặt nước biển từ 3-4 mét. Một người dân Hà Tĩnh đề nghị dấu tên nói: “ Chắc chắn là nó ( Formosa Hà Tĩnh) lấy rác thải làm đê biển. Chắc chắn thế. Không phải ngẫu nhiên mà nó ( Formosa Hà Tĩnh) thuê 5 km2 mặt nước biển”.
Đê biển của Formosa
Một cựu chiến binh đề nghị dấu tên, quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết, biển ở khu vực nhà máy Formosa Hà Tĩnh rất sâu. “ Chắc chắn, Formosa Hà Tĩnh đã đổ rất nhiều chất thải rắn xuống biển. Tôi chắc chắn thế! Nếu không đổ xuống biển thì đưa đi đâu được, tiêu thụ vào đâu!”.
Người viết vô tình gặp một sĩ quan cảnh sát ở Kỳ Anh, và giả vờ hỏi vu vơ về rác thải rắn ở Formosa Hà Tĩnh. “ Anh đi mà hỏi biển ấy. Có ai được vào đó đâu mà biết”, người sĩ quan cảnh sát nhẹ nhàng trả lời, với hàm chứa giận dữ, oán than và bực tức.
Một nhà báo ở Hà Tĩnh nói với người viết: “ Anh đang lần tới núi lửa đấy. Hãy cẩn thận, tốt nhất là nên dừng lại!” Dừng lại để phản bội bạn đọc ư? Dừng lại để phản bội quyền được biết của công chúng ư?
T.D.
VNTB gửi BVN