“Nếu tôi không nhầm thì đây là lần đầu tiên Quốc hội bác một dự án lớn do Chính phủ trình. Dự án chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với VnExpress.
– Ông đánh giá thế nào về việc Quốc hội không thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc?
– Đây là một quyết định mang tính lịch sử. Là người trong cuộc tôi cũng thấy rất bất ngờ. Nếu tôi không nhầm thì đây là lần đầu tiên Quốc hội bác một dự án lớn do Chính phủ trình. Có thể nói Quốc hội đã thể hiện sự nghiên cứu hết sức nghiêm túc báo cáo của Chính phủ cũng như lắng nghe ý kiến của nhân dân, đặc biệt là ý kiến của các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân trên phương tiện truyền thông.
– Ông lý giải thế nào về việc trước đó thăm dò đại biểu thì có tới 57% đồng ý thông qua nghị quyết, nhưng khi bỏ phiếu tại Quốc hội thì chỉ có 37% tán đồng?
– Khi thăm dò, với câu hỏi có ra nghị quyết hay không về vấn đề đường sắt cao tốc thì 57% đồng ý, nhưng nội dung nghị quyết ấy thể hiện như thế nào thì đại biểu chưa phát biểu, có thể nghị quyết đồng ý, hoặc nghị quyết không đồng ý hay là theo lộ trình, có từng bước đi cụ thể. Vì câu hỏi không đưa ra phương án thứ ba, thứ tư nên có thể nhiều đại biểu không thể hiện được hết chính kiến của mình.
– Trên diễn đàn Quốc hội, tại sao ông phê phán dự án này gay gắt đến vậy?
– Trên thế giới chỉ có 11 nước làm đường sắt cao tốc. Một số nước phát triển hơn chúng ta rất nhiều, đứng hàng đầu thế giới như là Mỹ, Anh, người ta chưa làm đường sắt cao tốc thì mình cũng phải tính xem Việt Nam có nên là nước thứ 12 làm đường sắt cao tốc hay chưa? Làm rồi thì ai đi, hiệu quả kinh tế thế nào, với số vốn lớn thế bao giờ thu hồi được?
Tôi cho rằng dự án đường sắt cao tốc hết sức quan trọng, chi tiêu một số tiền rất lớn như thế, bằng 50% GDP của cả nước và gấp hai lần rưỡi ngân sách cả nước, các đại biểu phải hết sức cân nhắc. Bởi vì nếu tập trung vốn cho dự án này thì có nghĩa mình phải giảm đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác đang rất cần vốn, ví dụ tăng cường quốc phòng an ninh, hay khoa học công nghệ. Cả nước mới đầu tư được 0,5% GDP cho khoa học công nghệ, luôn được coi là một trong hai quốc sách hàng đầu, thì một dự án đường sắt thôi mà ta đầu tư gấp 100 lần liệu có hợp lý?
Riêng lĩnh vực giao thông, cũng còn rất nhiều chuyện phải làm, ví dụ hiện đại hóa đường sắt Bắc – Nam hiện nay bằng cách chuyển đổi từ đường sắt 1 m sang 1,435 m, xây dựng đường đôi để tàu đi nhanh và phục vụ nhân dân thuận lợi hơn. Đó là chưa kể phát triển đường không, đường bộ, đặc biệt đường bộ ở những nơi chậm phát triển. Như báo chí đưa hình ảnh nhân dân ở Kon Tum phải đu dây qua sông. Điều đó cho thấy chúng ta chưa quan tâm đầy đủ đến giao thông ở nhiều địa phương, đặc biệt là miền núi.
Là đại biểu Quốc hội của một tỉnh miền núi (Lạng Sơn), tôi thấm thía điều này lắm. Học sinh nhiều vùng vẫn phải lội suối hoặc qua sông bằng mảng như tổ tiên ta cách đây hàng trăm năm. Ở huyện Đình Lập, Lạng Sơn có đường quốc lộ 31 chạy qua, gọi là quốc lộ mà chỉ mới rải cấp phối đá, ổ gà ổ voi chi chít, dân kiến nghị suốt từ khi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội khoá 8 đến giờ mới thấy nhúc nhích làm cho có lệ.
– Ngoài lý do vốn, hiệu quả kinh tế thấp, việc Quốc hội bác dự án do Chính phủ trình còn thể hiện điều gì, thưa ông?
– Việc phần lớn đại biểu không đồng tình và cuối cùng không ra được nghị quyết về vấn đề này thể hiện một điều là dự án đường sắt cao tốc chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi nhớ khóa 11, khi tham gia Quốc hội ở Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, thẩm tra dự án thủy điện Sơn La có thể nói cả chồng tài liệu rất lớn. Tuy là báo cáo tiền khả thi, nhưng các phương án được tính toán rất cụ thể. Ủy ban đã phải xem xét hết sức cẩn thận, sau đó trình Quốc hội để bàn thảo rất kỹ.
Lần này rõ ràng báo cáo đầu tư, tức là báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng nên khi đại biểu có ý kiến thì lập tức có một báo cáo bổ sung, mà báo cáo bổ sung tới hai lần. Điều đó chứng tỏ trước khi trình ra Quốc hội dự án này chưa được tính toán một cách thận trọng, đúng mức cần thiết. Cơ quan trình phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vấn đề này vì đã đưa ra Quốc hội một dự án không được thẩm định kỹ, đầy đủ tất cả các mặt, trái với nguyện vọng của đông đảo người dân.
– Nghị quyết về đường sắt cao tốc không nhận được sự ủng hộ của trên 50% số đại biểu tại kỳ họp này, trong tương lai nếu Chính phủ tiếp tục trình dự án thì sao?
– Nếu xem xét tất cả các mặt, thấy cần thiết thì Chính phủ có thể tổ chức nghiên cứu kỹ càng và tiếp tục trình ra Quốc hội. Lúc đó Quốc hội sẽ cho ý kiến cụ thể. Ý kiến cá nhân tôi thì trong một tương lai rất dài chúng ta chưa cần đường sắt cao tốc. Bây giờ chỉ cần cải thiện đường sắt hiện nay, đẩy tốc độ lên 150 km/h hoặc cao nhất 180 km/h là quá tốt rồi. Nhiều nước người ta cũng chỉ thế thôi, làm sao mình phải đi trước thiên hạ? Đó là không kể chưa thấy ai ngỏ ý cho mình vay vốn, vay ở đâu, trả thế nào.
Thế hệ mình khai thác tài nguyên quá nhiều rồi, cơ cấu kinh tế không hợp lý, cho đến bây giờ chúng ta vẫn khai khoáng và lắp ráp, gia công thuê cho nước ngoài. Vậy mà mình mong chờ 10-20 năm sau con cháu tiến lên có đủ tiền trả nợ thì liệu có thuyết phục được không?
– Nhìn lại hoạt động Quốc hội thời gian qua, rất hiếm khi Quốc hội bác một dự án do Chính phủ trình. Nhiều ý kiến cho rằng Quốc hội đã ngày càng thể hiện vai trò thực quyền hơn. Ông nghĩ sao về điều này?
– Đây là kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, sang năm là khóa mới rồi. Qua 7 kỳ tham gia sinh hoạt Quốc hội, các đại biểu rõ ràng có sự trưởng thành vượt bậc về kinh nghiệm xem xét các dự án.
Quốc hội là cơ quan tối cao đại diện cho quyền lực của nhân dân. Để tôn trọng quyền lực ấy của Quốc hội, Đảng chỉ thống nhất về chủ trương để Chính phủ trình dự án ra Quốc hội, còn quyền quyết định giao cho đại biểu đại diện cho cử tri cả nước. Có thể nói cách làm việc của đại biểu Quốc hội hết sức dân chủ, cho nên đi đến kết quả này.
VA – NT