Nguyễn Đình Cống
Lưu Văn An là PGS. TS. ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Bài báo có tên: “Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam”, đăng trên TCCS ngày 10/5/2019. Viet-Studies đăng lại ngày 12/5. Bài khá dài, trên 5.200 chữ, gồm các nội dung:
+ Đặc điểm cầm quyền của ĐCSVN.
+ Nội dung cầm quyền của ĐCSVN.
+ Phương thức cầm quyền của ĐCSVN.
+ Một số giải pháp nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong thời kỳ mới.
Bài có dẫn 4 TLTK là văn kiện ĐH XI và XII của Đảng.
Đọc bài báo, tôi không phân biệt được các ý kiến đề xuất của tác giả, do nghiên cứu công phu mà viết ra, các ý chép lại từ các văn kiện đã có của Đảng, hoặc tổng hợp ý kiến của người khác. Bốn TLTK chỉ được đề cập một chút trong mục Đặc điểm cầm quyền. Dù là từ nguồn nào thì bài báo chủ yếu cũng chỉ nhắc đi, nhắc lại các ý kiến cũ kỷ, nhàm chán. Tuy cũng tìm thấy một vài ý có vẻ mới, nhưng nhảm nhí.
Theo tôi, đảng nắm giữ chính quyền, có 2 loại khác nhau: cầm quyền và thống trị.
Đảng cầm quyền là đảng chính trị, được tín nhiệm của nhân dân, thông qua bầu cử. Đảng thống trị có chính quyền do dùng bạo lực giành được.
ĐCSVN tự phong là đảng lãnh đạo và cầm quyền. Thử tìm hiểu xem từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa như thế nào các khái niệm liên quan.
– Lãnh đạo: Đề ra chủ trương đường lối và tổ chức động viên thực hiện.
– Cầm quyền: Nắm giữ chính quyền.
– Thống trị: Nắm và sử dụng bộ máy chính quyền để điều khiển, quản lý, chi phối tất cả.
– Quản lý: Trông coi và giữ gìn, tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu nhất định.
– Chỉ đạo: Hướng dẫn cụ thể, theo một đường lối, chủ trương nhất định.
Về cầm quyền. Trong thể chế dân chủ, mọi quyền thuộc về Dân và Dân trao quyền đó cho những người do họ chọn ra để quản lý, để điều hành bộ máy. Đảng cầm quyền phải được Dân lựa chọn. Các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp phải độc lập và hoạt động chỉ tuân theo pháp luật.
Lãnh đạo gồm 2 hoạt động chính là đề ra và tổ chức động viên thực hiện. Việc lãnh đạo của đảng thường xảy ra trong quá trình làm cách mạng, khi chưa có chính quyền. Như vậy sẽ không xem là lãnh đạo khi điều khiển tổ chức làm theo luật pháp, khi chỉ huy bằng mệnh lệnh. Lãnh đạo khác với quản lý và chỉ huy, điều hành.
Đảng CSVN, một thời lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, làm chiến tranh, giành và giữ được chính quyền. Hiện nay ĐCS thực chất là đảng thống trị, nhưng lại tự cho là đồng thời lãnh đạo và cầm quyền. Việc này là đánh tráo khái niệm. Một số người tuy có biết nhưng không nói ra, còn đại đa số vì bị nhầm lẫn lãnh đạo và cầm quyền với thống trị, quản lý, chỉ huy, điều hành, điều khiển, đứng đầu, chỉ đạo. Thí dụ mọi cơ quan, tổ chức đều có người đứng đầu. Những người ấy điều khiển tổ chức dưới quyền, chủ yếu làm quản lý, nhiều người trong số họ chẳng lãnh đạo được cái gì, thế mà vẫn được gọi là cán bộ lãnh đạo, vẫn nghĩ rằng họ đang lãnh đạo. Người ta thích dùng từ lãnh đạo vì nghe oai hơn, quan trọng hơn.
Để bênh vực cho sự thống trị của ĐCSVN, Lưu Văn An (LVA) đưa ra các đặc điểm cầm quyền của họ. Nào là ĐCSVN có quyền và nghĩa vụ đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, là phải theo thể chế nhất nguyên, phải lo từ việc giành độc lập cho dân tộc, đến “tương cà mắm muối” cho dân. Trong đời sống chính trị thế giới nói chung, không phải đảng chính trị nào cũng có được sự khác biệt về chất ấy.
Lo tương cà mắm muối, mới nghe qua tưởng là hay, không ngờ đó là ẩn giấu mưu mô của CS nắm dạ dày người dân, đặc biệt là thời bao cấp.
Đúng là ĐCSVN có sự khác biệt về chất so với các đảng chính trị trên thế giới, sự khác biệt ấy không tạo ra nền dân chủ, không tôn trọng Quyền dân mà tạo ra sự thống trị độc quyền.
Về nội dung và phương thức cầm quyền, LVA đưa ra những vấn đề như: Đảng ra các nghị quyết dựa trên trí tuệ, xây dựng bộ máy tinh gọn, nắm cán bộ từ trung ương đến cơ sở, là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ, là thực hiện ý thức hệ của giai cấp công nhân.
Theo những việc LVA đưa ra, đối chiếu với định nghĩa thì đó là sự thống trị hoàn toàn. Theo Hiến pháp, thì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, thế mà Đảng phải lãnh đạo Quốc hội thì còn ra cái gì! Đảng ra nghị quyết dựa trên trí tuệ, nhưng đó là trí tuệ nào mà phần lớn nghị quyết chỉ là một đống ngôn từ, thiếu sức sống? Ngày nay không ai dám nhắc đến nghị quyết kìm kẹp nông dân trong hợp tác xã nông nghiệp, nghị quyết phá nát nền kinh tế trong việc cải tạo công thương nghiệp sau 1975, nghị quyết về kế hoạch VN trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020, nghị quyết tạo các quả đấm thép đã đấm vào mặt nhân dân, đấm vỡ nền kinh tế, làm cho nhà nước mắc nợ ngập đầu, v.v. Cứ xem các nghị quyết như vậy mới hiểu được thực chất trí tuệ của Đảng. Cứ xem thực trạng xã hội, với đạo đức, giáo dục xuống cấp, môi trường bị hủy hoại mới rõ trí tuệ của Đảng.
Phải chăng bộ máy gồm 3 tổ chức (Đảng, Chính quyền, Mặt trận) chồng chéo lên nhau là tinh gọn? Bây giờ mà còn đề cao ý thức hệ của giai cấp công nhân (nó là cái gì vậy?) thì phải chăng không cuồng cũng thiểu năng trí tuệ.
Về “Một số giải pháp…”. Thử xem LVA mách nước như thế nào.
Thứ nhất, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng theo hướng quy chế hóa; quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên đang làm việc trong bộ máy nhà nước.
Điều quan trọng đối với cán bộ là năng lực, là phẩm giá, là bản chất tinh hoa chứ không phải ở sự quản lý chặt chẽ họ. Một con người bị quản lý chặt chẽ sẽ giảm sút đến mất hết khả năng sáng tạo. Chỉ nên quản lý chặt chẽ bọn tội phạm.
Ở vài chỗ khác, LVA cũng có nói đến Đảng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu đảng viên ưu tú, nhưng chỉ nói như vẹt. Trong bài “Phản biện đường lối cán bộ cộng sản” tôi chỉ ra rằng Quy hoạch cán bộ của Đảng vừa phản dân chủ vừa phản tiến bộ nên rất khó tìm được người tinh hoa thực chất mà chủ yếu chọn được bọn tinh hoa dổm, kém phẩm chất mà có nhiều mưu mẹo, có nhiều thủ đoạn lừa Người dối Trời. Vì đường lối sai, chọn phải bọn cơ hội rồi mới nghĩ ra việc quản lý chặt chẽ. Đó là cách làm kiểu vuốt đuôi, kém hiệu quả.
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ cách ra nghị quyết, nghiên cứu sắp xếp lại tổ chức bộ máy đảng các cấp.
Đổi mới mạnh mẽ cách ra nghị quyết như thế nào, nghiên cứu sắp xếp lại bộ máy như thế nào? LVA có giải thích là thực hiện nghiêm túc NQ 18 ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Tôi có đọc vài lần NQ 18 và thấy rằng, nó cũng giông giống các NQ cùng loại, nghĩa là gồm một tập hợp ngôn từ và khẩu hiệu đã trở thành sáo rỗng, nhàm chán, khả năng thực hiện được rất thấp và thực hiện được chỉ nhằm tăng cường sự thống trị.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác tham mưu của Đảng.
Bộ máy làm công tác tham mưu, phải chăng là Văn phòng Trung ương Đảng? Ừ thì nâng cao năng lực văn phòng là quan trọng nhưng phải chăng đó là giải pháp nâng cao năng lực cầm quyền? Trong mục này LVA đưa ra ý kiến: “Muốn cầm quyền vững chắc, Đảng phải nắm kinh tế”.
Liệu Đảng sẽ nắm kinh tế như thế nào? Phải chăng LVA có nhầm lẫn giữa khái niệm “Nắm kinh tế” và “Nắm kiến thức về kinh tế”?
Thứ tư, đổi mới tổ chức và phương thức kiểm tra, giám sát quyền lực.
Phải chăng LVA muốn nói đến các loại lồng nhốt quyền lực, một thứ quái dị do trí tuệ ĐCSVN nghĩ ra? Để kiểm tra, giám sát quyền lực, thế giới đã rất thành công trong thể chế tam quyền phân lập. Nhưng ĐCSVN kịch liệt chống lại thể chế đó để củng cố độc quyền thống trị.
Thứ năm, đẩy mạnh và mở rộng dân chủ trong Đảng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Về quan hệ giữa Đảng và Nhân dân: Đảng đã cướp quyền của Dân để tạo lập sự thống trị. Tuyên truyền là chính quyền của dân, do dân vì dân, nhưng thực chất chính quyền là của Đảng. Vậy để đạt được danh chính ngôn thuận Đảng phải trả quyền cho Dân rồi sau đó mới bàn đến việc Đảng dựa vào dân như thế nào.
Chắc rằng LVA đã bỏ nhiều công sức trí tuệ mới viết được bài đăng TCCS. Tuy vậy, hoặc chưa thấy, hoặc có thấy mà chưa dám đụng đến những nhầm lẫn, những thiếu sót của ĐCSVN nên chỉ mới có thể viết ra những điều quá tầm thường.
Để trở thành một đảng cầm quyền tốt, ĐCSVN nên khiêm tốn học hỏi các đảng cầm quyền thành công trên thế giới, trong đó đảng Hành động nhân dân Singapore là một tấm gương sáng. Về đảng này Hồ Anh Hải đã viết một bài rất hay. Giới thiệu: Vào Google, gõ tìm “Đảng cầm quyền thành công nhất thế giới”.
Trước đây ông Võ Văn Kiệt đã từng mời ông Lý Quang Diệu làm cố vấn cho chính phủ VN. Ông Lý hình như có giới thiệu mô hình Đảng hành động nhân dân, nhưng bị các lãnh đạo ĐCSVN (Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Phạm Văn Đồng…) gạt đi.
ĐCSVN đang rất muốn kéo dài việc nắm giữ chính quyền. Muốn thế thì phải tìm cách chuyển từ đảng thống trị sang đảng cầm quyền (cử vài đoàn sang Singapore mà khảo sát, mà học, mà làm theo…). Nếu cứ cố kéo dài sự thống trị bằng cách tăng cường những biện pháp bất nhân bất nghĩa thì không thể nào tránh được sự sụp đổ. Mọi lời mách nước, hiến kế kiểu như của LVA chỉ là bẻm mép và xui dại.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN