Khát vọng, đổi mới: TT Phúc cần “nhập khẩu” tư duy đổi mới và khát vọng

Nguyễn Hiền

Sẽ không có bất cứ khát vọng nào được khơi dậy hay niềm tin nào được đặt ra, khi con ngáo ộp “mất chế độ” luôn tồn tại và đi tắt đón đầu trước mọi chiều hướng phát triển của quốc gia.

https://2.bp.blogspot.com/-xtMiHyKXFvE/XNG49T7yQOI/AAAAAAAAB3E/Q8a8gX8pJrs37Avu1_2KU7jKv_LVzWNdwCLcBGAs/s400/4fda1-r.png

Ba ngày nữa, Thủ tướng sẽ cùng 1.000 chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ, lãnh đạo Bộ – ngành ngồi lại để bàn cách đưa Việt Nam “hóa rồng”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm chia sẻ hai yếu tố dễ thấy tại Diễn đàn sắp tới là “Niềm tin và Khát vọng”.

Thực ra, trăn trở của ông Phan Tâm là trăn trở của hàng triệu người Việt Nam.

Chẳng lẽ mình cứ kém mãi, cứ thu nhập trung bình mãi, trong khi các nước xung quanh như Hàn Quốc đã hoá rồng trong vài thập kỷ?”, ông Phan Tâm chia sẻ với báo chí.

Nhưng, để “hóa rồng, hóa hổ” thì điều cần vẫn là Niềm tin và Khát vọng. Niềm tin vào bộ máy Nhà nước sẽ thay đổi, và khát vọng nhìn thấy cơ chế tự thay đổi theo chuyển biến của thời cuộc.

Luật An ninh mạng 2018 được giới chuyên gia đánh giá là có khả năng ngăn chặn các bước tiến công nghệ mà Việt Nam chật vật mới có được, làm suy giảm GDP và ngăn trở khả năng đầu tư của các công ty công nghệ. Nhưng kết cuộc, những góp ý mang tính “niềm tin và khát vọng” về bộ mặt công nghệ nước nhà đã không thoát khỏi vòng kim cô – “bảo vệ chế độ”. Và lá thư của Kỹ sư Việt ở Silicon Valley gửi cho Quốc Hội để góp ý về dự thảo Luật An Ninh mạng đã bị các nghị sĩ Quốc Hội vứt bỏ vào sọt rác.

Sẽ không có bất cứ khát vọng nào được khơi dậy hay niềm tin nào được đặt ra, khi con ngáo ộp “mất chế độ” luôn tồn tại và đi tắt đón đầu trước mọi chiều hướng phát triển của quốc gia.

Ông Thủ tướng “kiến tạo”, người sẽ ngồi cùng với 1.000 chuyên gia, DN công nghệ, nhưng bao nhiêu trong đó sẽ nói lời “thẳng và thật” với ông. Và bản thân ông Thủ tướng sẽ vận dụng được bao nhiêu phần trăm tư duy “kiến tạo” để tiếp nhận những lời chia sẻ của giới chuyên gia và DN công nghệ. Hay đơn thuần, chỉ là những cuộc hội họp để chụp ảnh và ra về với những món quà, như cách mà Thủ tướng và Bộ ngành về công nghệ đã từng tiếp xúc với chuyên gia trong Hội nghị về Mạng lưới oddoir mới sáng tạo Việt Nam?

“Tiếp theo là thủ tướng phát biểu. Tôi để ý từ nãy giờ thủ tướng ghi chép rất hăng say. Tôi cứ nghĩ ổng giải quyết việc khác, nhưng có vẻ như ổng ghi chép nội dung cuộc họp. Tôi cũng không nhớ rõ thủ tướng nói gì, ngoại trừ việc ông định nghĩa cách mạng 4.0 là gì và nhắc nhớ những tấm gương nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài từ bỏ cuộc sống giàu sang ở phương Tây về giúp ích đất nước trong thời chiến,”, kỹ sư CNTT làm việc tại thung lũng Silicon Valley Dương Ngọc Thái chia sẻ trên blog của mình.

Rõ ràng chúng ta cần một giá trị cụ thể, một cam kết cụ thể và thực hiện cụ thể từ chính Thủ tướng kiến tạo. Và nó phải đến từ hiểu được giá trị “kiến tạo” là gì, từ đó phải lắng nghe, lấy tiếng nói của chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ trở thành một nguồn tham khảo chính cho đường hướng, thay vì sử dụng các quan điểm chính trị từ cấp cao để tạo khuôn, và áp đặt các quan điểm, ý kiến bày tỏ về “khát vọng” của mình. Khi Thủ tướng và bản thân Nhà nước Việt Nam chưa làm được như vậy, thì sẽ không thể xuất hiện niềm tin, ngay cả niềm tin về cách “lắng nghe” của Thủ tướng, là thật hay đơn thuần là trò mị dân không hơn không kém.

GS. Trần Văn Thọ, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ trong bài trả lời phỏng vấn Cafe biz vào tháng 01.2018, đã cho biết: "Cái đơn giản không làm, Việt Nam cứ nghĩ tới Cách mạng 4.0 cao xa”. Cái “đơn giản” mà ông nói là nhập khẩu công nghệ. Nhưng rõ ràng, nhập khẩu công nghệ không phải là nhập khẩu các trang thiết bị vào trong nước và vận hành, mà phải bao gồm nhập khẩu cả những đổi mới về tư duy – cơ chế quản lý. Bởi nếu không “nhập khẩu tư duy” quản lý, thì cơ chế nhà nước sẽ buộc những “công nghệ” nằm ở một góc bếp, không hơn không kém.

Chính “tư duy công nghệ” làm nên tính chất của cuộc cách mạng 4.0, thời điểm mà não con người buộc tư duy linh hoạt hơn để bắt kịp với sự thay đổi theo 1 centisecond (một phần trăm của giây). Nếu không có tư duy như thế này, thì mọi hô hào cách mạng 4.0, mọi hội thảo về “đổi mới, kiến tạo, sáng tạo, khát vọng” sẽ hoàn toàn chỉ là một danh hão, một thứ hội họp để nhằm giải ngân tiền nhà nước, để tô màu cho một bức tranh mà dùng trang trí hơn là tạo động lực cho sự phát triển.

Muốn Việt Nam không kém, thì tư duy lãnh đạo cần phải bỏ cái cá nhân để nỗ lực cho cái công, trong hệ sinh thái nhà nước hiện tại, cần phải đặt quyền lợi chế độ qua một bên, dốc sức cho quyền lợi quốc gia dân tộc. Và điều này, cần phải bắt nguồn từ Thủ tướng – người tự nhận mình là một người “kiến tạo” trên cơ sở Chính phủ kiến tạo.

N. H.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Tư duy quan chức. Bookmark the permalink.