Trúc Giang
Trong bản tin phát hành vào đầu giờ chiều ngày 05-05-2019 có tên “Thông cáo Báo chí Kỳ họp 35 của UBKT Trung ương” trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Kiểm tra Trung ương [http://bit.ly/2Jj010s] đã được các tòa soạn báo chí sử dụng như một “kết luận điều tra” về các hành vi vi phạm pháp luật của một số quan chức chính phủ đã nghỉ hưu, cùng với vài tướng lĩnh đương quyền.
Còn trách nhiệm liên đới (hay đồng phạm!), hoặc tắc trách buông lỏng quản lý ở người đứng đầu Bộ Chính trị ra sao, thì không thấy đề cập ở nội dung bản tin của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tổ chức mật vụ của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam?
Nhìn thuần giác độ hệ thống văn bản pháp quy nhà nước, đến nay chưa thấy một quy định nào về tổ chức mang tên “Ủy ban Kiểm tra Trung ương”.
Tài liệu cho biết, cơ quan này được thành lập theo Quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 16-10-1948, ban đầu có tên là Ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), Ban Kiểm tra Trung ương Đảng được đổi tên thành Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo văn bản có tên “Quyết định số 60-QĐ/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương” do ông Đinh Thế Huynh ký trên cương vị “thay mặt Bộ Chính trị” [http://bit.ly/2Lqvssp], thì đây là cơ quan có quyền hành trên phạm vi rất rộng, gần như bao trùm mọi hoạt động của tất cả các quan chức Chính phủ, tướng lãnh Quân đội, Công an, (kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư), cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và tổ chức Đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và về đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”. [http://bit.ly/2GTaAUQ].
khi họ được giao nhiệm vụ “kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng”.
Có lẽ việc hình thành tổ chức này 71 năm về trước, ông Hồ Chí Minh cùng những đồng chí của ông đã áp dụng mô hình của triều đình phong kiến Trung Hoa. Đó là “Xưởng vệ 廠衛”, một danh từ chung dùng để chỉ các cơ quan giám sát được hoàng đế nhà Minh thành lập để giám sát hành vi, cử chỉ của các quan lại thuộc mọi cấp.
Đây chính là các cơ quan an ninh do hoàng đế nhà Minh trực tiếp quản lý, Xưởng vệ được hưởng quyền truy xét, tra khảo phạm nhân không cần thông qua các cấp xét xử thông thường, đây là một đặc điểm tiêu biểu thể hiện bản chất chuyên chế phong kiến của triều đình nhà Minh.
Xưởng vệ bao gồm bốn cơ quan giám sát là Cẩm y vệ được thành lập dưới thời Minh Thái Tổ, Đông xưởng (còn được gọi là Đông hán) được thành lập dưới thời Minh Thành Tổ, Tây xưởng được thành lập dưới thời Minh Hiến Tông và Nội hành xưởng được thành lập dưới thời Minh Vũ Tông. Ngoại trừ Cẩm y vệ do một vị quan quản lý, ba Xưởng đều do Hoàng đế trực tiếp điều hành với sự cố vấn của các hoạn quan.
Việc so sánh như kể trên góp phần lý giải cho thắc mắc là vì sao lâu nay trong tất cả các kết luận về hành vi vi phạm pháp luật từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chưa bao giờ đề cập tới trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Chính trị, hay Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam.
Trách nhiệm của Tổng bí thư Đảng Cộng sản đến đâu trong những sai phạm?
Xét về mặt văn bản của nội bộ Đảng Cộng sản, cho đến nay dường như vị trí Tổng bí thư là ‘bất khả xâm phạm’. Người viết bài này chưa tìm thấy văn bản nào trong hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản đề cập về việc xử trí khi có sai phạm của Tổng bí thư.
Tiêu chuẩn về người đứng đầu Đảng Cộng sản, được quy định rất chung chung thế này: “Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… Có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc.
Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh Bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc Trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định)” (Trích Quy định số 90-QĐ/TW, tiêu chuẩn ch.ức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 04-08-2017).
Nội dung của “Thông cáo Báo chí Kỳ họp 35 của UBKT Trung ương”, đã đề nghị xử lý về dấu hiệu vi phạm pháp luật của các Thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Giao thông vận tải: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật;
Hai quan chức cấp cao đã nghỉ hưu được đề nghị xử trí có ông Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
Các tướng lĩnh quân đội nằm trong danh sách này có Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 9 và đồng chí Đại tá Trương Thanh Nam, Đảng ủy viên, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 8, Quân khu 9.
Như vậy, rõ ràng với danh sách nêu trên, ta thấy nếu thực sự Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đúng là nhân vật “Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,…” như chính ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Quy định số 90-QĐ/TW, thì chắc chắn sẽ không để các sai phạm (nếu có) xảy ra trong thời gian dài như Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu tại “Thông cáo Báo chí Kỳ họp 35 của UBKT Trung ương”.
T. G.
VNTB gửi BVN