Sau một cuộc biểu quyết “nghẹt thở” với kết quả 37,53% tán thành, 42,19% nói “không”, chiều nay (19/6), cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước đã thống nhất sẽ lùi dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nói, do Quốc hội kỳ này không tán thành nên sẽ giao Chính phủ tiếp tục chuẩn bị dự án kỹ hơn.
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH đọc báo cáo tiếp thu ý kiến ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Nghiêm Vũ Khải đã đọc bản dự thảo Nghị quyết về dự án và Quốc hội bấm nút.
Điều bất ngờ đã xảy ra, khi có tới 208/427 (42,19%) ĐBQH bấm nút không tán thành thông qua chủ trương đầu tư xây dựng siêu dự án – chủ đề của các phiên thảo luận nóng bỏng ở Hội trường cũng như họp tổ Quốc hội những ngày qua.
Trong tổng số 427 ĐBQ tham gia biểu quyết cho điều khoản tán thành hay phản đối chủ trương xây dựng tuyến đường, chỉ có 185 ĐB (chiếm 37,53%) tán thành.
Có tới 34 vị ĐBQH, chiếm 6,9% không biểu quyết.
Đáng chú ý, khi biểu quyết dự thảo Nghị quyết 66 trước đó, trong Hội trường có 440 đại biểu trên tổng số 491. Nhưng, đến khi biểu quyết về đường sắt cao tốc, tỷ lệ đại biểu liên tục thay đổi.
Cụ thể, bấm nút lần thứ nhất, biểu quyết về điều 1 – “trong thời gian tới, cần huy động mọi nguồn lực để cải thiện hạ tầng giao thông”, phòng máy QH thông báo, chỉ có 439 đại biểu có mặt trên tổng sĩ số 491.
Trong lần bấm nút thứ hai trực tiếp vào điều khoản “có tán thành hay không tán thành thông qua chủ tương đầu tư xây đường sắt cao tốc”, có 427 đại biểu.
Đến lần bấm nút thứ ba, số đại biểu có mặt chỉ còn 409.
Như vậy, trong cả ba lần bấm nút cho ba điều khoản trong dự thảo Nghị quyết, thì tỷ lệ đều không quá bán.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra hai phương án đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM và cả hai đều không nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu.
Theo đó, phương án một không nói gì cụ thể về việc đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc. Chỉ nêu, so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì cơ sở hạ tầng giao thông còn rất hạn chế về số lượng, thiếu đồng bộ và lạc hậu về công nghệ… Trong thời gian tới cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của nhà nước và xã hội, trong và ngoài nước, bằng nhiều phương thức đầu tư để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như trong từng vùng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển đất nước nhanh và bền vững.
42,3% đại biểu đồng ý, 38,74% không tán thành.
Phương án hai tán thành chủ trương đầu tư xây đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM theo lộ trình. Đầu tiên là giao Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tổng thể trong cả nước, quy hoạch hệ thống giao thông Bắc – Nam.
Hai là Quốc hội giao Chính phủ lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM, trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội – Vinh hoặc TP HCM – Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư.
Cuối cùng, từ kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, Quốc hội giao Chính phủ tiến hành đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, chỉ 37,53% đại biểu đồng ý và 42,19% phản đối.
Đầu tuần này, QH đã phát phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH về dự án đường sắt cao tốc. Chỉ có 148/474 người tán thành hoàn toàn với đề xuất của Chính phủ.
Có 271/474 đại biểu (57,17%) đồng ý ra nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án này, 192 vị không đồng ý, 3 ý kiến khác, còn lại là phiếu trắng.
Tổng kết kỳ họp QH chiều nay, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói, “Dự án đường sắt cao tốc là dự án lớn, tác động nhiều mặt, được cử tri và người dân đặc biệt quan tâm. Với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở báo cáo và tờ trình Chính phủ, lắng nghe ý kiến cử tri và nhân dân, Quốc hội đã thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, thận trọng dự án”.
Ông Trọng đánh giá, kỳ họp lần này là một trong những kỳ họp sôi động, chất lượng cao, nội dung đi thẳng vào các vấn đề khó. Không khí thảo luận thẳng thắn, dân chủ. Có trao đi đổi lại, qua đó có sự thống nhất trên nhiều vấn đề.
LN
Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201006/Quoc-hoi-bac-Nghi-quyet-duong-sat-cao-toc-917086/
Quốc hội nói không với đường sắt cao tốc
Lê Kiên
TTO – Lúc 15g ngày 19-6, Quốc hội đã ấn vào nút “không tán thành” Nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM với tỉ lệ 208 đại biểu không tán thành/ 185 đại biểu tán thành và 34 đại biểu không biểu quyết.
Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã đề nghị Quốc hội biểu quyết đối với từng điều của dự thảo nghị quyết, kết quả cụ thể như sau:
“Điều 1: Tán thành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM với tư tưởng chỉ đạo, nội dung và bước đi như điều Điều 2 Nghị quyết này”.
Với 439 đại biểu có mặt, chỉ có 185 đại biểu tán thành với nội dung này, 208 đại biểu không tán thành, 34 đại biểu không biểu quyết.
“Điều 2: Giao Chính phủ thực hiện các công việc sau đây:
1. Rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tổng thể trong cả nước, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không phù hợp với yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, nguồn lực tài chính nhà nước, điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường, đặc điểm văn hóa và phân bố dân cư; trong đó có quy hoạch hệ thống giao thông Bắc – Nam, xác định rõ lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông của cả nước và các vùng.
2. Lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM. Trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội – Vinh hoặc TP HCM – Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư”.
Với 409 đại biểu có mặt, chỉ có 157 đại biểu tán thành, 170 đại biểu không tán thành và 82 đại biểu không biểu quyết.
LK
Quốc hội họp phiên bế mạc
Lúc 16g30 ngày 19-6, Quốc hội họp phiên bế mạc sau 25 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết một số vấn đề kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước.
Những tháng đầu năm 2010, nền kinh tế Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng trong 4 tháng 2010 tăng gấp đôi so với cùng kỳ; tỷ lệ thu ngân sách nhà nước đạt cao; các điều kiện phúc lợi xã hội tiếp tục được cải thiện…
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý một số vấn đề như nền kinh tế nước ta vẫn chưa phát triển bền vững, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao cùng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang suy giảm; hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh còn thấp…
Trong kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 10 dự án Luật; thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2011; Bổ sung chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh khóa 12; Đồng thời, Quốc hội cũng đã cho ý kiến 6 dự án luật khác.
Trước đó, lúc 15g30, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 với 437 đại biểu có mặt, có 430 đại biểu tán thành với nội dung này, chỉ có 3 đại biểu không tán thành và 4 đại biểu không biểu quyết.
Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; với 439 đại biểu có mặt, có 429 đại biểu tán thành nội dung này, chỉ có 6 đại biểu không tán thành và 4 đại biểu không biểu quyết.
H.Nhựt
Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/385256/Quoc-hoi-noi-khong-voi-duong-sat-cao-toc.html
Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc
Hồng Khánh
Chỉ với 37% số đại biểu tán thành, 41% không tán thành, chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình đã không được Quốc hội thông qua chiều nay.
Dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM đưa ra hai phương án và cả hai đều không nhận được sự đồng thuận của đại biểu.
Phương án một không đề cập cụ thể về việc đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc mà chỉ nêu, so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì cơ sở hạ tầng giao thông còn rất hạn chế về số lượng, thiếu đồng bộ và lạc hậu về công nghệ… Trong thời gian tới cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của nhà nước và xã hội, trong và ngoài nước, bằng nhiều phương thức đầu tư để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như trong từng vùng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển đất nước nhanh và bền vững. Phương án một nhận được 42% đại biểu đồng ý.
Phương án hai tán thành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM với những bước đi cụ thể. Một là Quốc hội giao Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tổng thể trong cả nước, quy hoạch hệ thống giao thông Bắc – Nam. Hai là Quốc hội giao Chính phủ lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM, trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội – Vinh hoặc TP HCM – Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư.
Cuối cùng, Quốc hội giao Chính phủ từ kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, Chính phủ tiến hành đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo. Phương án hai nhận được 37% đại biểu đồng ý.
Siêu dự án đường sắt cao tốc với số vốn ước tính khoảng 56 tỷ USD đã gây tranh cãi trên cả diễn đàn Quốc hội và ngoài xã hội. Bên cạnh những ý kiến cho rằng cần thiết phải vay vốn đầu tư làm ngay thì nhiều ý phản đối cho rằng số vốn quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam hiện nay sẽ là gánh nặng nợ nần cho hậu thế.
Trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia. Theo đó, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình có tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng Việt Nam trở lên; dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; các dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên…
HK
Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/06/3BA1D27B/