Thường Sơn
Chính thể độc đảng và độc trị ở Việt Nam đã phải công nhận công đoàn độc lập trong EVFTA (Hiệp- định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam)? Đó vẫn là một dấu hỏi lớn sau nhiều lần Việt Nam ‘hứa cuội’ với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên trong chuyến đi châu Âu vào cuối tháng 3 năm 2019 của Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội Việt Nam, dấu hiệu nhượng bộ của chính thể này đã được phát ra bởi Đài Tiếng nói Việt Nam về khi bà Ngân gặp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Liên minh châu Âu (EU) là Bernd Lange – một cơ quan tham mưu rất quan trọng về các hiệp định thương mại quốc tế và có vai trò quan trong không kém Hội đồng châu Âu. “Nhận thức về một số vấn đề về lao động giữa hai bên có thể còn có những khác biệt nhất định, nhưng Quốc hội Việt Nam sẽ nghiêm túc, xem xét kỹ lưỡng các quy định có liên quan đến 3 Công ước của Tổ chức ILO theo khuyến nghị của EU, EP. Hiện nay, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cũng đã được khởi động và theo lịch trình, tại kỳ họp tháng 5 tới, Quốc hội Việt Nam sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi này” – bà Ngân nói.
Bà Ngân gặp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Liên minh châu Âu (EU) là Bernd Lange.
Đây là lần đầu tiên giới chóp bu Việt Nam chịu xuống thang trước yêu cầu của EU về việc ký kết 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, liên quan đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Rất có thể là vào kỳ họp tháng 5 năm 2019, Quốc hội Việt Nam sẽ đưa vấn đề 3 công ước quốc tế này để bỏ phiếu thông qua.
Khỏi phải nói là 3 công ước lao động còn lại thể hiện mối ‘an nguy’ đến thế nào đối với chế độ cầm quyền ở Việt Nam, vì những công ước này, đặc biệt là công ước về quyền tự do lập hội, liên quan mật thiết đến công đoàn độc lập – một định chế mà từ lâu chính quyền Việt Nam đã luôn gán ghép nó với tổ chức Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ XX, để từ đó quy kết cho công đoàn độc lập là nhằm thu hút, tập hợp số đông công nhân để lật đổ chính quyền.
Giờ đây, công đoàn độc lập được hỗ trợ lớn vừa bởi EVFTA, vừa bởi CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
Bốn tháng trước, ngày 12 tháng Mười Một năm 2018 cần được ghi vào lịch sử nhân quyền Việt Nam như một trang sử mới: cùng với CPTPP, Công đoàn độc lập đã đương nhiên và mặc định phải được chính thể độc đảng ở Việt Nam công nhận.
Chỉ 5 ngày sau khi được ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng với tờ trình ‘chỉ đạo’ về tính cấp thiết phải phê chuẩn CPTPP, 100% đại biểu quốc hội đã đồng loạt ‘gật’ cho hiệp định này vào chiều 12/11/2018, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 trong khối CPTPP thông qua hiệp định CPTPP, sau 6 nước đã thông qua là New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore, Australia.
Hoàn toàn không giống với các dự thảo luật do Việt Nam soạn thảo và thông qua, CPTPP và một văn kiện mà sau khi đã kết thúc đàm phán vào năm 2017 và ký kết, Quốc hội Việt Nam chỉ hoặc lắc đầu hoặc gật đầu mà không có quyền chỉnh sửa bất kỳ nội dung nào trong hiệp định này. Theo đó, những điều khoản về công đoàn độc lập trong CPTPP cũng đương nhiên giữ vai trò bất di bất dịch mà Việt Nam không có quyền xóa bỏ hay tìm cách hạn chế bớt ảnh hưởng của định chế bảo vệ quyền lợi người lao động đó.
Theo những quy định của CPTPP, chính quyền Việt Nam sẽ phải cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…
Nhưng trong thời gian chờ đợi CPTPP được các nước còn lại ký để bắt đầu triển khai vào tháng Giêng năm 2019, cùng thời gian từ 3-5 năm để luật hóa các quy định của CPTPP về các quy chế lao động theo 3 công ước quốc tế về lao động của ILO, chưa có gì đáng gọi là ‘thành tâm’ từ một não trạng đã quá quen độc trị về quyền lực và lợi ích khi phải tạm nhân nhượng cộng đồng quốc tế về nhân quyền để đổi chác lợi ích thương mại.
Hầu như không hoài nghi rằng chiến thuật ưa thích nhất của chính quyền Việt Nam trong ít ra vài năm tới vẫn là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít thông tin đến mức tối đa về công đoàn độc lập, vừa kéo dài lâu đến mức có thể việc luật hóa CPTPP về công đoàn độc lập, vừa tung ra chiến dịch ‘công đoàn độc lập cuội’.
Một cách đương nhiên, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đang và sẽ được đảng lựa chọn để tổ chức chiến dịch ‘công đoàn độc lập cuội’. Đó cũng là lý do để tổ chức công đoàn nhà nước này tìm cách tồn tại để vẫn được uống bầu sữa ngân sách và duy trì quyền lực ‘tổ chức chính trị xã hội’ của mình’, trong thời buổi chế độ độc trị phải ‘dân chủ hóa’.
Một trong những kịch bản được đảng tâm đắc là ‘Quốc doanh hóa Công đoàn độc lập’: tập dượt càng sớm càng tốt cho các công đoàn quốc doanh “chủ động tổ chức đình công” cho công nhân và hy vọng qua đó sẽ thu hút được số đông công nhân, thay vì để cho công nhân rơi vào tầm ảnh hưởng của những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn không chịu sự lãnh đạo của đảng và nhà nước.
Những cam kết của Việt Nam trong EVFTA cũng bởi thế vẫn còn chông chênh và lật lọng, nếu trong thời gian tới chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục giở nhiều thủ đoạn để công đoàn độc lập không thể hình thành một cách thực chất.
T.S.
VNTB gửi BVN