TT – Sáng 17-6, Hội Nông dân TP HCM chủ trì cuộc họp về vấn đề đòi Công ty Vedan bồi thường thiệt hại cho người dân huyện Cần Giờ. Các bên tham dự đều thống nhất: kiện Vedan trong tháng 7.
“Trên tay tôi là văn bản Vedan trả lời UBND TP HCM về việc đòi bồi thường thiệt hại. Tôi có cảm giác Vedan vẫn tiếp tục cù cưa mặc cả. Chúng ta đã quá kiên nhẫn chờ thương lượng, đến lúc này thời hiệu khởi kiện sắp hết, chỉ có khởi kiện mới đi đến kết quả cuối cùng” – ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP, nêu quan điểm.
Trong văn bản này, Vedan tính toán giá trị thiệt hại của người dân Cần Giờ chỉ 1,781 tỉ đồng, đồng thời còn cho rằng “vì muốn duy trì mối quan hệ thân thiện với nông dân địa phương và hy vọng vụ việc này có thể nhanh chóng giải quyết tốt đẹp, công ty đề nghị giá trị hỗ trợ theo lời hứa trước đây là 7 tỷ đồng”. “Thiệt hại của người dân như vậy, bảo nhận 7 tỷ đồng thì ăn nói ra sao với người dân” – ông Phụng bức xúc.
Vedan cố tình không hiểu
“Thiệt hại của người dân như vậy, bảo nhận 7 tỉ đồng thì ăn nói ra sao với người dân”
Ông nguyễn văn Phụng (chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM)
Ông Phụng nhắc lại một văn bản của Tổng giám đốc Công ty Vedan gửi hồi tháng 5-2009, trong đó lãnh đạo Vedan đề nghị các địa phương chờ kết quả đánh giá mức độ ô nhiễm sông Thị Vải do Viện Môi trường – Tài nguyên (MT-TN) Đại học Quốc gia TP HCM thực hiện để làm căn cứ thương lượng, bồi thường thiệt hại. Thế nhưng khi đã có kết luận của Viện
MT-TN, thay vì tích cực thương lượng để thống nhất số tiền phải chi trả, Vedan lại liên tục thoái thác yêu cầu của các địa phương đưa ra, thậm chí cho rằng không hiểu những số liệu Viện MT-TN cung cấp. Lúc đầu, khi ba địa phương đòi bồi thường hơn 490 tỉ đồng thì Vedan chủ động hỗ trợ các địa phương 25 tỉ đồng. Đến khi có kết luận, có con số rõ ràng, Vedan lại đề nghị hỗ trợ tổng cộng 32 tỉ đồng (Đồng Nai 15 tỷ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu 10 tỷ đồng và TP HCM 7 tỷ đồng).
Ông Phan Văn Phận – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ – cho biết người dân Cần Giờ hiện đang rất nóng lòng muốn biết kết quả thương lượng. Ông Phận cũng nói với thái độ “câu giờ” của Vedan, chỉ có kiện ra tòa là giải pháp tốt nhất. Ông Đoàn Văn Sơn – Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ – ngờ rằng Vedan cố tình dây dưa khiến người dân và cơ quan chức năng mệt mỏi để khi thời hiệu khởi kiện sắp hết sẽ dồn người dân vào thế phải chấp nhận mức “hỗ trợ” Vedan đưa ra.
Ông Sơn khẳng định con số tổng diện tích thiệt hại TP HCM thống kê được 2.123,2ha là chính xác, không hề mâu thuẫn với số liệu diện tích thiệt hại 651,58ha ở Cần Giờ do Viện MT-TN đưa ra như cách hiểu của Vedan. “Trên diện tích 651,58ha mà Viện MT-TN xác định bị ảnh hưởng, có những chỗ người này nuôi trồng năm năm rồi đến lượt người khác nuôi trồng ba năm nên diện tích thiệt hại phải cộng dồn lên là hợp lý và đúng thực tế” – ông Sơn giải thích. PGS TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện MT-TN, đồng tình: “Như thế là chính xác. Trong nhiều cuộc làm việc với Vedan, chúng tôi đều khẳng định rằng 651,58ha là vùng bị ảnh hưởng ô nhiễm, còn diện tích thiệt hại thực tế phải dựa trên thống kê của địa phương. Ở đây Vedan nói không đúng và cố tình không hiểu. Nếu không tin những số liệu đó, Vedan có quyền tự thẩm tra”. Riêng giá trị thiệt hại về đánh bắt thủy sản ở khu vực Cần Giờ, theo Vedan, chỉ 49 triệu đồng/năm, ông Phước cho rằng thấp đến mức phi lý và phải bác bỏ ngay, không cần tranh cãi.
Có thể kiện tại TAND huyện Cần Giờ
Thái độ của Vedan là thách thức dư luận
So sánh với việc Tập đoàn dầu khí BP chấp nhận bồi thường thiệt hại cho người dân Mỹ do tràn dầu gây ra, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng thái độ dây dưa của Vedan là một sự thách thức người dân, thách thức cơ quan chức năng và thách thức dư luận.
Ông Hậu đề xuất xúc tiến việc khởi kiện Vedan ngay trong tháng 7, không đợi đến sát phút cuối khi thời hiệu sắp hết (ngày 8-9-2010, hai năm sau ngày hành vi của Vedan bị phát hiện – PV). Theo đó, tổng giá trị thiệt hại kiện đòi bồi thường sẽ là 107 tỉ đồng như người dân đã kê khai, trách nhiệm và mức bồi thường của Vedan đến đâu sẽ do tòa phán quyết.
Ông Phước cho rằng con số kê khai thiệt hại của người dân Cần Giờ hơn 107 tỷ đồng là chính xác. Trên cơ sở thống kê thiệt hại, Viện MT-TN tính ra giá trị phải bồi thường hơn 45,7 tỉ đồng. Theo ông Phước, số tiền này được tính theo tỷ lệ trách nhiệm của Vedan đối với vùng bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng là 89%, vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng là 30,3% và vùng bị ô nhiễm là 10,1%, như Viện MT-TN đã công bố, TP HCM không chấp nhận “cộng lại chia đôi” như Vedan đề nghị. “Vedan vì muốn chi trả ít nên đưa ra cách tính bất hợp lý. Nếu TP HCM và Vedan không thỏa thuận được, cách tốt nhất là khởi kiện”- ông Phước khuyến cáo.
“Nếu kiện thì ai sẽ đứng đơn kiện và kiện ở đâu?”- ông Phan Văn Phận hỏi. Luật sư Nguyễn Văn Hậu – tư vấn pháp lý cho nông dân Cần Giờ – cho biết có thể chọn một trong hai tòa án, nơi bị thiệt hại (huyện Cần Giờ) hoặc nơi đơn vị gây thiệt hại đặt trụ sở (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) để khởi kiện.
Về nguyên đơn, theo ông Hậu, luật cho phép người dân đứng đơn khởi kiện rồi sau đó ủy quyền để Hội Nông dân làm đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng trước tòa. Trong trường hợp này, nhiều nguyên đơn cùng khởi kiện một bị đơn với cùng hành vi, tính chất vụ việc như nhau và có cùng một chủ thể được ủy quyền đại diện nên tòa án sẽ tổng hợp để xét xử trong cùng một vụ kiện.
Về khoản án phí ban đầu, Luật sư Hậu cho rằng không phải là điều đáng lo. Theo quy định, vụ kiện dân sự có giá trị tranh chấp từ 4 tỉ đồng trở lên có mức án phí là 112 triệu đồng cộng với 0,1% tổng giá trị tăng thêm (phần từ 4 tỉ đồng trở lên). “Luật cho phép khi nộp đơn khởi kiện nguyên đơn chỉ phải tạm nộp 50% án phí, tính ra trong vụ này nếu kiện thì phần án phí ban đầu phải nộp chỉ hơn 100 triệu đồng, nếu chia đều cho hơn 800 hộ dân bị thiệt hại, số tiền này không đáng kể”- ông Hậu phân tích.
Riêng về chứng lý khoa học để “cãi” trước tòa, Tiến sĩ Bùi Tá Long – người trực tiếp thực hiện đề tài nghiên cứu đánh giá mức độ gây ô nhiễm của Vedan đối với sông Thị Vải – cho biết Viện MT-TN sẵn sàng hỗ trợ người dân. “Tỉ lệ 89% trách nhiệm đối với vùng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng của Vedan mà chúng tôi đã công bố chỉ là con số tính toán tại một thời điểm. Chúng tôi có đủ bằng chứng khoa học để xác định phạm vi gây ô nhiễm của Vedan còn xa hơn thế và không chỉ 89% mà có nơi, có lúc phải là 98%”- ông Long nói.
NT
Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/384901/Kien-Vedan.html