Lại tiến sĩ dỏm từ trường giả

Một bạn đọc gửi mail cho tôi [[i]] hỏi về bài “Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh”.  Thật ra, đâu phải ai học xong Tiến sĩ ở Anh hay Mỹ đều thạo tiếng Anh cả (không tính đến những người tự cho rằng họ rành tiếng Anh!); có nhiều người dù đã mang hàm Giáo sư mà vẫn còn chưa thạo tiếng Anh.  Do đó, đâu có gì ngạc nhiên với cái tít trên.  Thoạt đầu đọc tựa đề thì cũng chẳng lấy gì ngạc nhiên, nhưng đọc bài báo thì tôi nghĩ đây là một trường hợp mua bán bằng cấp mà thôi, chứ chẳng phải Tiến sĩ gì cả.

Bài báo mà bạn đọc giới thiệu viết về một quan chức ngành văn hóa thuộc tỉnh Phú Thọ có bằng Tiến sĩ về kinh tế quản trị kinh doanh (tên dài quá!) từ trường “Đại học Nam Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”.  Vậy trường này ở đâu và đào tạo ra sao?  Không khó gì để thấy rằng “Trường Đại học Nam Thái Bình Dương” mà vị quan chức đó nói không phải là một đại học, mà chỉ là một cơ sở thương mại, buôn bán bằng cấp cho những ai có nhu cầu.

Trường này có tên là Southern Pacific University (tên pháp lý là Southern Pacific University, Inc, a Hawaii corporation), thậm chí có hẳn một website hoành tráng nữa.  “Trường” này tuy nói là đặt ở Hawaii, nhưng gốc gác ở… Malaysia.  Theo tài liệu của Bộ Thương mại và Tiêu thụ vụ (Department of Commerce and Consumer Affairs) thì “trường” đã bị giải thể từ ngày 28/10/2003 (nguyên văn: “Although incorporated in Hawaii, SPU was based in Malaysia. SPU’s Hawaii corporation was dissolved on October 28, 2003”). Cần nói thêm rằng Malaysia và Phi châu là xứ sở của rất nhiều cơ sở chuyên lường gạt người trên mạng, cũng giống như Việt Nam là nơi phát tán thư rác và quảng cáo vớ vẩn nhiều vào hàng nhất nhì thế giới.

Bằng cấp của trường Southern Pacific University không được Mỹ công nhận.  Có thể xem danh sách các trường dỏm này ở đây.  Trường này thậm chí còn được liệt kê vào danh sách scam, tức là những nơi chuyên lừa gạt người nhẹ dạ để lấy tiền bằng cách bán bằng cấp dỏm.

Tuy nhiên, cần phải phân biệt “trường” dỏm này với trường thật ở Fiji.  Đại học Nam Thái Bình Dương, với tên chính thức là “The University of South Pacific” của Fiji (một quốc đảo gần Úc) là trường thật, nhưng hình như họ không có chương trình đào tạo cấp Tiến sĩ.

Nói tóm lại, tôi nghĩ vị quan chức này đã bị lừa gạt và chắc tốn nhiều tiền để có cái giấy Tiến sĩ đó. Mà cũng chưa hẳn bị lường gạt, hay họ lại lợi dụng sự kém hiểu biết của nhau để lừa gat lẫn nhau!  Tờ giấy gọi là Tiến sĩ đó chỉ là chứng từ của một sự lường gạt, chứ không phải là một học vị gì cả.

Vấn đề này đã được nêu lên khá lâu, vậy mà vẫn có người bị (hay muốn bị) lường gạt.  Đó chỉ là một quan chức, nhưng theo như thư của bạn đọc trên đây thì có hàng chục quan chức khác cũng nằm trong tình cảnh bị lừa.  Trong tình trạng vàng thau lẫn lộn như hiện nay ở Việt Nam, những danh xưng Tiến sĩ hay Giáo sư, nhất là trong giới quan chức, càng ngày càng trở thành chuyện tiếu lâm dân gian.  Đúng là một quốc nạn.

NVT

Nguồn : http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/923-lai-tien-si-dom-tu-truong-gia

Phụ lục:

Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh
Hơn một tuần nay, dư luận tỉnh Phú Thọ xôn xao khi được biết ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã có học vị Tiến sĩ với đề tài “Vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ”.
Sự việc bắt đầu từ khi ban tổ chức hát Xoan tỉnh Phú Thọ giới thiệu ông Ân là “Tiến sĩ” làm nhiều người ngỡ ngàng, vì trước đó ông Ân chỉ là Cử nhân tại chức kinh tế – quốc dân khóa 24 (lớp học được tổ chức tại thành phố Việt Trì).
Ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết, ông có ý định làm Tiến sĩ về đề tài này đã lâu. Tháng 6/2008, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thì mọi việc mới bắt đầu với sự giúp sức của các cán bộ chuyên môn trong sở. Ông cũng cho biết học vị của mình là Tiến sĩ kinh tế quản trị kinh doanh chứ không phải là Tiến sĩ khoa học. Viện Kinh tế (Bộ Tài chính) là nơi giới thiệu ông đi làm Tiến sĩ tại Trường đại học Nam Thái Bình Dương của Mỹ.
Ông Nguyễn Ngọc Ân khẳng định trong thời gian làm Tiến sĩ có sang Trường đại học Nam Thái Bình Dương để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt và ngay cả khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho ông từ đầu đến cuối.
Ông Ân khẳng định trong thời gian làm Tiến sĩ từ tháng 2/2007 đến 9/2009, ông có sang Trường đại học này để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt và ngay cả khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho ông từ đầu đến cuối.
Và ông cũng khẳng định ông tự học là chính thông qua tài liệu của Trường đại học Nam Thái Bình Dương soạn bằng tiếng Việt và đĩa CD. Trường đại học Nam Thái Bình Dương cũng không yêu cầu những nghiên cứu sinh như ông Ân phải biết tiếng Anh, không phải thi đầu vào mà chỉ cần gửi đề cương sang cho họ… chỉnh sửa là được.
Ông Ân cũng cho hay, luận án Tiến sĩ quản trị kinh doanh của ông không có người hướng dẫn nhưng lại có tới ba người phản biện!
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo tỉnh Phú Thọ (xin được giấu tên) cho biết, khi ông Ân đi đào tạo Tiến sĩ, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí. Sau khi hết thời gian “tu nghiệp” ở Nam Thái Bình Dương (thực chất là ông vẫn làm việc tại tỉnh nhà), ông Ân cũng trình văn bằng Tiến sĩ với Ban tổ chức Tỉnh ủy và bằng đó là bằng thật.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết, quy trình đào tạo Tiến sĩ của ông Ân “có vấn đề” vì Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có quy chế đào tạo tiến sĩ. Theo đó, nghiên cứu sinh phải có bằng Thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá trở lên, có thư giới thiệu của hai Giáo sư hoặc Phó giáo sư có uy tín. Và một điều kiện bắt buộc là phải có đủ trình độ ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài luận án.
AZ News (Theo Dân trí)

Nguồn: http://azgo.vn/trong-nuoc/giao-duc-du-hoc/49587-lam-tien-si-o-m-nhung-khong-biet-tieng-anh


Em, NHN”[[i]] “Em chào Thầy,
Em gửi Thầy thông tin: Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh!
http://vietnamnet.vn/giaoduc/201006/Lam-tien-si-o-My-nhung-khong-biet-tieng-Anh-916513/
Một tỉnh bé nhỏ như Phú Thọ mà có đến 10 người là Tiến sĩ như vậy (thường là cán bộ cấp Tỉnh đấy thầy ạ)

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.