Thời buổi hòa bình xây dựng này câu “chính trị là thống soái” vẫn đúng hơn bao giờ, đấu tranh kinh tế không kém phần hiểm nghèo cho tương lai dân tộc. Đặc trưng của nó là các nước vừa cộng tác vừa vị kỷ, mà cơ chế vay vốn ODA là thí dụ điển hình. Chỉ có bên cho vay là chắc chắn được, còn bên đi vay có thể được mà có thể mất…
Có vài người bảo rằng về giao thông vận tải thì đề án ĐSCT “có tầm nhìn thế kỷ”, nếu là một anh ký giả say rượu viết nhảm trong blog cá nhân thì chẳng có gì đáng nói, nhưng thực ra anh ta đã chỉ ngây ngô lặp lại những lời của hơn một nhà quan “có gang có thép”, nên phải bàn xem cái gang thép ấy nó “bã mía” ở chỗ nào.
Không thể rõ hơn, đây là một hình thức bóc lột hiển nhiên của “giai cấp mại bản mới” trên cả một dân tộc, nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của riêng mình. Kẻ có trong tay quyền bóc lột luôn luôn nghĩ nếu bóc lột được thì cứ bóc lột, vì ngoài lợi ích “giai cấp” ra họ không có quan tâm nào khác. Chỉ cần hỏi ai sẽ hưởng được cái sản phẩm này là đủ biết sản phẩm này của ai. Xin mở ngoặc để nói tại sao dùng chữ “mại bản mới”: mới vì chưa có trong lịch sử trước đây, “mại bản”, vì không hẳn là tư bản, họ chỉ biết bán tài nguyên đất nước, kể cả con người, để làm giàu chứ chưa biết tích lũy để xây dựng; dùng chữ “giai cấp” vì họ có một vai trò rõ rệt trong guồng máy kinh tế – chính trị.
Bát Thạch Kiều
Tôi là một người ngoại đạo đối với cả ngành kinh tế và ngành giao thông. Cho nên về các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật của dự án ĐSCT hiện đang được bàn cãi sôi nổi, thì chỉ biết tìm hiểu những nghiên cứu và trình bày của các chuyên gia mà thôi. Và đã có quá nhiều bài báo, có quá nhiều tuyên bố của phe “quyết tâm thực hiện” cũng như của phe chống đối để có thể nói gì thêm. Hy vọng là mọi người Việt Nam có một tấm lòng trong sáng, và đã đọc đủ thông tin, đã thấy ai là những người nói năng nhảm nhí, nói lấy được, và ai là những người nghiêm túc lo lắng cho dân cho nước.
Ở đây xin góp ý ngắn gọn về một khía cạnh khác, khía cạnh chính trị.
Thời buổi hòa bình xây dựng này câu “chính trị là thống soái” vẫn đúng hơn bao giờ, đấu tranh kinh tế không kém phần hiểm nghèo cho tương lai dân tộc. Đặc trưng của nó là các nước vừa cộng tác vừa vị kỷ, mà cơ chế vay vốn ODA là thí dụ điển hình. Chỉ có bên cho vay là chắc chắn được, còn bên đi vay có thể được mà có thể mất, điều ấy mình không lo thì không ai lo cho mình. Đi vay rất lớn thì cả được lẫn mất đều có thể rất lớn, cho nên nó là một vấn đề chính trị: phải xem xét bản chất chính trị của một đề án, rồi mới xét đến khía cạnh kinh tế sau. Vì nếu đây là một quyết định chính trị có ý nghĩa sống còn cho đất nước thì dù cả một hai thế hệ sẽ phải thắt lưng buộc bụng để trả nợ cũng có thể cần làm, và nếu về mặt chính trị nó có hại thì dù người ta có cho không tiền để làm cũng không được làm. Chính trị là làm cái gì hai bên đều lợi, chứ còn chỉ biết nghe lời đường mật mà đi theo voi thì tương lai là ăn bã mía.
Bản chất chính trị của đề án này là kết quả của sự thiếu kiến thức và tầm nhìn
Có vài người bảo rằng về giao thông vận tải thì đề án ĐSCT “có tầm nhìn thế kỷ”, nếu là một anh ký giả say rượu viết nhảm trong blog cá nhân thì chẳng có gì đáng nói, nhưng thực ra anh ta đã chỉ ngây ngô lặp lại những lời của hơn một nhà quan “có gang có thép”, nên phải bàn xem cái gang thép ấy nó “bã mía” ở chỗ nào.
Chúng ta không cần nói “tầm nhìn thế kỷ” một cách vô nghĩa, mà đơn giản là cần “nhìn xa trông rộng”. “Trông rộng” là phải bao quát được các hoạt động kinh tế xã hội, cái mạnh cái yếu của mình so với thế giới để có một “triết lý phát triển”. “Nhìn xa” là phải nhìn từ gần đến xa, là phải có tầm nhìn kết hợp giữa ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, để có một kế hoạch phát triển; cứ cho là dự phóng được đến 50 năm nữa cũng là dài lắm rồi và cũng không cần hơn thế đâu, vì nước nào cũng sẽ phải liên tục điều chỉnh các mục tiêu chiến lược của mình. Và trên thế giới chẳng có đề án nào, dù vĩ đại đến đâu, cần đến trên 50 năm để nghiên cứu và triển khai.
Trên thế giới cho đến nay đại khái có ba triết lý phát triển: một là “kế hoạch hóa tập trung” đến từng chi tiết, cái này không ai nói đến nữa vì đã phá sản; hai là “bàn tay vô hình kỳ diệu của thị trường” tự do tuyệt đối… cái này nếu làm được cũng chẳng hay ho gì, nhưng để làm được cũng cần một tầng lớp doanh nhân đáng mặt doanh nhân, và luật pháp tương đối nghiêm chỉnh, hai điều mà chúng ta chưa có. Vậy chỉ còn một triết lý thứ ba: một loại kinh tế vừa dựa trên khả năng phát triển tự do và tự điều chỉnh của thị trường, vừa dựa trên điều tiết có kế hoạch mềm giẻo và linh động của nhà nước, đồng thời nhà nước thực hiện những dự án lớn có tầm quốc gia, có tính cách định hướng và làm đòn bẩy cho việc phát triển các ngành kinh tế – xã hội; như rất nhiều nước phát triển trên thế giới. Điều này cần đến rất nhiều tri thức để tính toán sao cho cái phát triển ngắn hạn làm bệ đỡ cho phát triển trung hạn và dài hạn… làm sao cho càng đi tới càng tăng sức mạnh. Khó khăn vô cùng mà không có con đường nào khác; nhưng nếu thành công thì: thí dụ, không phải làm ĐSCT ngay từ bây giờ mà 30 năm sau nếu bắt đầu làm cũng sẽ chỉ cần 10 năm sau đó là xong, vì các điều kiện tri thức, công nghệ… lúc đó sẽ đã hội đủ.
Thay vì thế, Việt Nam hình như đang triển khai một triết lý phát triển độc đáo, triết lý phát triển theo ngẫu hứng của “lãnh đạo”!!! Theo “tầm nhìn thế kỷ” mà bất chấp thực tại ra sao.
Vài thí dụ cho thấy sự thiếu kiến thức và tầm nhìn: nếu nói đến tầm nhìn 50 năm thì hiện tượng quan trọng nhất là gì? Mực nước biển dâng! Làm gì để đối phó? Cần đầu tư bao nhiêu? Vấn đề đã rõ, liên quan đến đời sống của hàng chục triệu người, mà không thấy có kế hoạch nào.
Phát triển các đô thị ra sao? Chuyên chở công cộng tại nội đô và ven đô ra sao? Không thấy có triết lý nào, dĩ nhiên kế hoạch cũng không. Mà đây chính là những vấn đề cần đến tầm nhìn kết hợp giữa ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Nó vừa có tầm quan trọng kinh tế và nhân sinh cực kỳ lớn, vừa không thể tách rời khỏi việc phát triển giao thông vận tải đường dài. Chính vì không nhìn xa trông rộng cho nên:
Bản chất chính trị của đề án này là một đề án phá hoại đất nước
Vì sao? Người ta thường dễ thấy hậu quả phá hoại trực tiếp của một việc làm, mà khó thấy hậu quả phá hoại gián tiếp của việc không làm. Việc sẽ không làm được là chuyên chở hàng hóa qua đường sắt cổ điển, theo khổ 1,435 m như tiêu chuẩn thế giới, điện khí hóa và chạy nhanh từ 100 đến 200 km/giờ. Không làm như thế là ngăn chặn những giao thông huyết mạch của đất nước cho hàng hóa và cho con người một cách nhanh chóng và tiện lợi. Thí dụ, nước ta là một nước nông nghiệp, việc phân phối rau cỏ và hoa quả tươi một cách thuận lợi và kinh tế nhất từ Bắc chí Nam, nhất là từ các thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẳng… tỏa đi chung quanh – miền núi và đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ…, là dùng đường sắt “cổ điển” như vừa nói trên. Tàu biển không làm được vì quá chậm, máy bay không làm được vì quá đắt. Còn lại đường sắt cổ điển và đường bộ cao tốc, phát triển hài hòa cả hai phương tiện này đều cần thiết vì chúng có những điểm mạnh và yếu bổ sung cho nhau.
Phải khẳng định là ngay cả trong chuyên chở con người thì với Việt Nam trong vòng 30 năm tới, ĐSCT sẽ không có ý nghĩa kinh tế (việc các nhà chính trị và các doanh nhân đi máy bay, ngược lại, là có ý nghĩa kinh tế to lớn) mà chỉ đơn thuần là một công cụ tiêu thụ xa xỉ. Trong khi đó, việc đông đảo dân chúng đủ mọi thành phần sử dụng được tàu hỏa cổ điển là có ý nghĩa kinh tế rất quan trọng, dù cho nhu cầu công việc hay cho nhu cầu cá nhân. Xin khẳng định, với Việt Nam thì nếu 30 năm nữa người ta cho không ĐSCT, nó cũng không có tác động kinh tế tích cực nào cả.
Ở đây không nói đến hiệu ứng phá hoại của nó tương ứng với việc không làm được trong những ngành khác vì thiếu tiền, như y tế giáo dục… cũng không nói đến nguy cơ phá sản tài chính mà nhiều nơi đã đề cập, cùng với hậu quả có thể là đẩy đất nước vào vòng lệ thuộc Trung Quốc, vì ai sẽ mua lại nợ của Việt Nam, nếu vạn nhất điều bất hạnh đó xẩy ra?
Và sau cùng, tại sao tự nhiên lại ngẫu hứng nảy ra một cái “nhân tai” khốn khổ khốn nạn như thế? Chính vì:
Bản chất chính trị của đề án này là một đề án mang tính giai cấp rõ rệt
Không thể rõ hơn, đây là một hình thức bóc lột hiển nhiên của “giai cấp mại bản mới” trên cả một dân tộc, nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của riêng mình. Kẻ có trong tay quyền bóc lột luôn luôn nghĩ nếu bóc lột được thì cứ bóc lột, vì ngoài lợi ích “giai cấp” ra họ không có quan tâm nào khác. Chỉ cần hỏi ai sẽ hưởng được cái sản phẩm này là đủ biết sản phẩm này của ai. Xin mở ngoặc để nói tại sao dùng chữ “mại bản mới”: mới vì chưa có trong lịch sử trước đây, “mại bản”, vì không hẳn là tư bản, họ chỉ biết bán tài nguyên đất nước, kể cả con người, để làm giàu chứ chưa biết tích lũy để xây dựng; dùng chữ “giai cấp” vì họ có một vai trò rõ rệt trong guồng máy kinh tế – chính trị.
Vấn đề ở đây hoàn toàn khác với các nước phát triển, nơi mà người dân có khả năng chi trả cho ĐSCT; ngay cả tầng lớp nghèo nhất, nếu thực sự họ có nhu cầu cấp thiết cũng có thể mua vé. Và như thế tại các nước phát triển ĐSCT là một kinh doanh gắn bó chặt chẽ với việc phát triển công nghệ và kinh tế. Và ngay cả như thế với họ thì làm ĐSCT hay không cũng là một quyết định chính trị. Cho nên, hiện nay và trong lịch sử, họ có thể làm hay không làm, và có thể làm mà không cần lãi trực tiếp cho bản thân ngành GTVT… việc đó được bàn thảo rộng rãi trong giới chuyên môn để cuối cùng được quyết định chính trị một cách dân chủ tại quốc hội, cơ quan quyền lực tối cao của đất nước.
*
Trở lại Việt Nam, mọi đề án xây dựng hay công nghiệp không phải đều có tác dụng phát triển đất nước. Ta có thể gia công làm một sản phẩm tiêu thụ cao cấp để xuất khẩu, nhưng ta không thể xuất khẩu chỗ ngồi trên ĐSCT.
Mong các đại biểu quốc hội nghĩ đến những khía cạnh chính trị này.
BTK
14-06-2010
Nguồn: http://www.diendan.org/viet-nam/ban-chat-cao-toc/