Những kẻ vụ lợi thì sẽ không ngần ngại đánh tráo khái niệm, miễn là đạt được mục đích(*)

FB Lê Nguyễn Duy Hậu

Từ nhiều thế kỷ trước, Locke đã quan điểm rằng mục tiêu tồn tại của chính quyền không gì khác hơn là để bảo vệ quyền sở hữu của người dân và nếu trong một xã hội mà quyền sở hữu được tự nhiên tôn trọng, chính quyền sẽ không có việc gì để làm. Nếu chính quyền đụng đến quyền sở hữu đó của người dân tức là chính quyền đang đi ngược lại sứ mệnh tồn tại của nó và do đó cần bị triệt tiêu. Quyền sở hữu, theo Locke, xuất hiện trước chính quyền và là cơ sở tạo nên tính chính danh của chính quyền. Chính quyền vì vậy không có quyền tuyên bố cái gì thuộc về ai như một cách ban bố của cải của xã hội mà chỉ được phép là người bảo vệ cho quyền sở hữu đó. Không khó để nhận ra rằng những lập luận này chính là nền tảng cho sự hình thành hệ thống chủ nghĩa tư bản cổ xưa.

Như một sự tất yếu, định đề của Locke vấp phải phản đề, đó chính là các luồng tư tưởng, học thuyết hướng tới sự bình đẳng. Chủ nghĩa Marx trên thực tế là một học thuyết đấu tranh cho bình đẳng, công bằng xã hội. Trái với Locke, Marx tin rằng chính quyền phải có trách nhiệm tham gia tích cực vào việc tái phân phối lại của cải của xã hội nhằm triệt tiêu sự bất bình đẳng vốn dĩ giữa người với người. Chính vì thế, trong một chính quyền lý tưởng mà Marx hình dung, quyền tư hữu cần được thay thế bằng sở hữu công cộng để ở đó, chính quyền như một hiện thân khách quan và không có lợi ích sẽ đứng ra tái phân phối nhằm đảm bảo sự bình đẳng. Khái niệm “sở hữu toàn dân” từ đó mà ra đời và được các Nhà nước có Đảng cộng sản lãnh đạo sử dụng như sự bảo đảm tính bình đẳng của xã hội đó. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng chính quyền lý tưởng của Marx đòi hỏi một xã hội lý tưởng để những hệ quả xấu của “sở hữu toàn dân” không có dịp hình thành.

Tiếc thay, Việt Nam không phải là một xã hội lý tưởng. Một xã hội lý tưởng sẽ không có những Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Lộc Hưng.

Trên thực tế, chúng ta không thiếu những giải pháp để giải quyết vấn đề tiến thoái lưỡng nan này. Các mô hình thay thế xuất phát từ việc chính quyền góp nhặt ra điểm tốt và chưa tốt của các chế định rồi từ đó hoàn thiện, chứ không nhất mực đi theo một mô hình nào đó một các lý tưởng. Họ sẽ bắt đầu bằng việc khẳng định rằng quyền sở hữu vốn dĩ đại diện cho động lực phát triển kinh tế của một xã hội, và của cải được tạo ra xuất phát từ chính khái niệm đó. Vì vậy dứt khoát không được bỏ đi hay làm méo mó quyền sở hữu nếu muốn một đất nước phát triển. Ngược lại, sự bình đẳng cũng là thứ cần hướng đến, nhưng nếu xã hội chưa đủ lý tưởng để chế độ “sở hữu toàn dân” không bị thao túng thì cũng chớ cố đấm ăn xôi làm gì mà có thể thay thế nó bằng những công cụ khác mà Nhà nước có (ví dụ, hệ thống thuế, phúc lợi).

Mỗi chế định tồn tại đều có ý nghĩa của nó. Những kẻ vụ lợi thì sẽ không ngần ngại đánh tráo khái niệm miễn là đạt được mục đích. Không thể có một chính quyền tốt nếu ta quan điểm rằng sở hữu toàn dân là công cụ giúp Nhà nước dễ huy động nguồn lực trong xã hội và phân phối lại cho các đại gia nhằm phát triển các chỉ số kinh tế mà bỏ qua bản chất tạo nên sự bình đẳng của nó. Chính từ sự đánh tráo khái niệm đó mà “Sở hữu toàn dân” vốn dĩ là một khái niệm của sự bình đẳng cuối cùng lại chỉ mang đến sự bất bình đẳng tràn lan.

Quay về với công nhận quyền sở hữu đất đai chính là bước đi đầu tiên đề sửa chữa cho một trong những sai lầm cuối cùng của sự duy ý chí sau 30/4/1975. Như cách thầy Phạm Duy Nghĩa đã nói gần hơn ba năm trước: nếu chúng ta chỉ rõ cái gì thuộc về ai thì đất nước đã khác rồi.

L.N.D.H.

__________

(*) Đầu đề do Báo Tiếng Dân đặt.

This entry was posted in Thể chế. Bookmark the permalink.