Văn hóa sử dụng đất rộng lượng và văn hóa sử dụng đất ti tiện

Kiều Phong

Cứ buổi sáng, dân cư sống trong đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được quyền đi vào khuôn viên khu nhà điều hành rộng bằng hai lần sân bóng đá để tập thể dục. Các bảo vệ được lệnh để mở cổng từ rất sớm, cả cổng trước lẫn cổng sau để đón dân. Ban điều hành Đại học Quốc gia trồng nhiều cây cối hoa hòe để làm đẹp cảnh quan, gây ra được một diện tích sinh hoạt công cộng mở hết sức lý tưởng.

Các phụ nữ cao niên đến tập thể dục buổi sáng trong khuôn viên nhà điều hành đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ghi nhận tương tự cũng trong vùng tập trung các trường đại học ở Sài Gòn, tại Đại học Nông Lâm. Trường này rộng mênh mông, trong khuôn viên có đủ mọi loại dịch vụ. Người già xung quanh có quyền tự do vào trường của giới trẻ chơi, từ sáng tinh sương cho đến khuya chán thì về. Điều này giải quyết được phần nào tình trạng thiếu đất chơi, thiếu đất vận động đang khan hiếm trong một thành phố mà ngày nay mật độ xây dựng bê-tông hóa ngột ngạt. Nơi đây, ngay giữa các tòa nhà giảng đường của trường Nông Lâm còn được tổ chức những chợ cóc nhưng rất quy củ và vuông vức, làm cho người ta cảm thấy đang vào một khu buôn bán thanh lịch, không một chút xô bồ. Sinh viên các trường xung quanh và dân tứ phương buổi chiều ra khỏi căn phòng nhỏ chật chội để hít thở không khí trong lành. Điều này chỉ có được dưới đầu óc bao la của người kiến trúc sư vĩ đại là Ngô Viết Thụ. Từ rất sớm, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã tính đến trạng huống đất chật người đông chẳng mấy chốc sẽ xảy ra, và ông có tư tưởng muốn trường học, công sở… sau này phải mở cửa để đón dân ra vào vận động.

Tuy nhiên, không phải nơi nào mà nhà thiết kế kiến trúc cũng được rộng lượng như hai nơi trên. Hoặc là trong bản kiến trúc thì đẹp đẽ nhưng rơi vào tay nhà quản lý hẹp hòi.

Tại siêu thị Vincom ở đường Lê Văn Việt, người dân rất bức xúc khi tiệm cà phê Highlands dưới sảnh, mặt ngoài thì mở cửa từ rất sớm, trong khi các gian ki-ốt đồ dân dụng ở bên trong và tầng trên thì 9h30 sáng mới mở cửa. Vậy, các gia đình muốn đưa con cái đi chơi thì chẳng lẽ phải đợi đến 9h30, trong khi những đứa con thì háo hức đi chơi theo hẹn từ lúc 7-8h? Đó là chưa kể, đường viền bên ngoài Vincom có lối đi rất hẹp, chỉ dành cho ô-tô, và người dân nào đi vào đó tập thể dục thì sẽ được một bảo vệ nào đó “mời khéo” ra ngoài cho.

Một ví dụ thất bại khác, đó là cơ sở 2 của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh ở Linh Trung – Thủ Đức. Trường này rộng bao la, một mình nó chiếm diện tích đáng kể của cả đô thị, nhưng lại không khuyến khích người ngoài vào chơi như trường Nông Lâm. Kể cả sinh viên trường mình vào trường bị nhắc nhở đeo phù hiệu, trưng phù hiệu ra cho bảo vệ xem (như là kiểm soát đề phòng tội phạm). Dân bên ngoài trường không gian sống rất hẹp, muốn vào ngôi trường thênh thang để đi dạo cũng không được cho phép. Không có thể xác tráng kiện và tinh thần lành mạnh, do không có bãi đất rộng để đi bách bộ, không tầm mắt rộng để thư giãn, nên dân xung quanh đành ở nhà nhậu nhẹt, rượu bia, rồi lại chửi thề…

Hiện nay, nhà giàu đầu cơ đất dữ dội, khiến người nghèo gần như không còn cơ hội mua đất ở nếu thu nhập nằm ở mức tối thiểu. Do đó, các công trình công sở cần phải được mở rộng thành các khuôn viên công cộng, gần với thiên nhiên, như hình mẫu Đại học Nông Lâm hay hình mẫu nhà điều hành Đại học Quốc gia. Còn như cách của Vincom, mua được một diện tích rộng, kiếm lãi trên diện tích đó, mà không tạo ra không gian sống cho đồng bào tương lân thì cần phải điều tiết giảm bớt.

Văn hóa sử dụng đất ti tiện thì không thể che mắt bằng những tòa nhà cao ngất. Mô hình Vincom từ Bắc vào Nam, chỗ nào cũng làm khó khăn cho người dân đi vào thăm quan. Dưới Vin Group một chút là các chủ resort ven biển. Ở Vũng Tàu, nhiều khu resort một khi đã bán hoặc cho những thương gia bụng dạ hẹp hòi này thuê thì dân địa phương bị chúng bít mất lối đi ra biển. Cho nên, văn hóa sử dụng đất rộng lượng còn cho đến thời chính quyền Sài Gòn (Việt Nam Cộng Hòa), sang thời chính quyền cộng sản Hà Nội thì người dân đâm ra ti tiện, dẫm đạp lên đầu nhau để vơ vét đất cho mình, nếu không thì chính mình cũng không còn đất mà ở.

Nhân chuyện bàn về nạn đầu cơ đất, mà đứng đầu là các tập đoàn Vin Group, Novaland,… những người có dữ liệu so sánh không thể không tiếc nuối rằng, tại sao chúng ta không làm được như các nước tiên tiến trên thế giới. Ngay cả so với thời cổ đại thì có lẽ Việt Nam ngày nay còn mường rợ hơn. Ở nước Do Thái cổ đại, một người con bán đi thửa đất cha mình để lại cho người lạ thì sau 7 năm, người con đó có quyền chuộc lại (mua lại) thửa đất đó, bằng với giá đất mà 7 năm trước gia đình ấy đã bán ra. Ngoài ra, một chủ vườn phải trả tiền thuế cho mỗi gốc cây, gốc cây nào trồng mà không ra quả thì chỉ còn cách chặt đi, chứ không có quả bán thì không có tiền nộp thuế, lỗ vốn. Thành ra, nếu không phải là chuyên gia nông nghiệp thì không dám mua đất nông nghiệp ở Do Thái. Nhà buôn chỉ gạ gẫm mua một miếng đất khi cảm thấy đủ năng lực trồng trọt để kiếm lời trong vòng 7 năm. Còn người đầu cơ đất như Phạm Nhật Vượng hay các tư bản đỏ Việt Nam có sang Do Thái thì có cho không thì cũng chẳng dám lấy, vì không nộp nổi thuế môi trường và thuế đất đai tính theo mỗi đầu cây cối.

Cả đất nước ta đang hứng chịu tình trạng khan hiếm đất và giá nhà tăng cao. Nếu áp dụng phương pháp như nước Israel và thế giới văn minh thì Việt Nam sẽ giảm thiểu được rất nhiều cơn sốt đầu cơ đất đai hiện nay. Khi ấy, tầng lớp tư sản dân tộc sẽ đâm chồi và văn hóa sử dụng đất ở Việt Nam mới trở nên rộng lượng hơn, có nhiều chỗ “thở” hơn.

K.P.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in văn hoá, Đất đai. Bookmark the permalink.