Một phiên tòa khiến người có lương tri phải chết lặng, không phải chỉ vì có dấu hiệu bọn quan tòa ở Phú Thọ đang cố tìm mọi cách che giấu hành vi nhận hối lộ nhằm giảm tội cho thủ phạm – trong cái thể chế đáng sợ này thì việc ấy có gì lạ đâu – mà là ở chỗ, lời khai của chính thủ phạm đã cho thấy sự ruỗng nát của cả một bộ máy độc tài không còn nằm ở các cấp bên dưới mà từ dưới đã ruỗng lên đến tận cấp cuối cùng. Không còn gì để nói khi Trần Đại Quang, kẻ vừa nằm xuống và được nhà nước tổ chức quốc tang, hóa ra lại là kẻ thông lưng cho việc tổ chức ra đường dây đánh bạc để vơ vét của dân nhiều ngàn tỷ này!
Thử hỏi, một ngôi nhà mà mối đã xông lên tận nóc thì có còn đứng vững được hay không? Và người sống trong đó sẽ còn ám ảnh bởi sự đổ sập bất thình lình của nó trong bao lâu nữa cho đến khi diễn ra cái “sự kiện” sẽ đi vào lịch sử ấy? Bi kịch lớn nhất cho cả một dân tộc không hẳn là chứng kiến sự sụp đổ của một hệ thống mà là sự chịu đựng tình trạng quá tải về mọi mặt từ nay cho đến khi hệ thống ấy hoàn toàn thay đổi.Bauxite Việt Nam
Ảnh: INFONET – Những lời khai của tướng Phan Văn Vĩnh tạo bàn luận nhiều trên mạng xã hội
Phiên tòa xử ông Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cùng tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng C50 và những “đồng phạm” trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ đang diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị cáo buộc tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Khung hình phạt theo quy định cho tội danh này là từ 5-10 năm tù.
Bài báo ngày 19/11 trên tờ Thanh niên nói theo cáo trạng, đầu năm 2016, ông Nguyễn Thanh Hóa trao đổi với Phan Văn Vĩnh về ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng và giao cho Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) thực hiện.
Ngày 11/1/, Nguyễn Văn Dương, khi đó là Chủ tịch CNC, ký báo cáo gửi Nguyễn Thanh Hóa về “kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”.
Ngày 7/3, Nguyễn Thanh Hoá chỉ đạo cấp dưới soạn thảo công văn để Nguyễn Thanh Hoá ký báo cáo Phan Văn Vĩnh về việc đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ trực thuộc Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Ngày 17/3, Nguyễn Thanh Hoá tiếp tục chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản để Phan Văn Vĩnh ký gửi Bộ trưởng Bộ Công an, đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát.
Ngày 25/3, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, có bút phê: “Kính gửi anh Vương chỉ đạo, chú ý không trùng chức năng của Cục An ninh mạng”.
Ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương có bút phê: “Tổng cục Cảnh sát thực hiện ý kiến của Bộ trưởng”.
“Sau đó, theo ý kiến chỉ đạo này, Tổng cục Cảnh sát thực hiện. Ngày 20.5.2016, Cục trưởng C50 là anh Nguyễn Thanh Hóa có tờ trình bị cáo với văn bản 1155. Như vậy, bị cáo khi đó là đang thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an”, bị cáo Vĩnh khai trước tòa, theo tờ Thanh niên.
Hôm 20/11, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế giới Luật pháp, nói với BBC: “Chúng ta không rõ nội dung đầy đủ của bút phê của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang này là gì, nó có bao gồm cả việc đường hướng xử lý vụ việc hay không”.
“Nếu bút phê của ông Trần Đại Quang khi đó thể hiện rõ đường hướng xử lý và giao cho Thứ trưởng Lê Quý Vương phụ trách và chỉ đạo thực hiện thì đúng là đã có chỉ đạo của Bộ trưởng Quang.”
“Còn nếu bút phê chỉ thể hiện nội dung giao Thứ trưởng Lê Quý Vương chỉ đạo thì cần làm rõ nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng Vương”.
Ảnh: INFONET – Các bị cáo tại phiên tòa
Luật sư Phùng Thanh Sơn cũng bình luận thêm: “Tôi thấy có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội danh ‘Nhận hối lộ’ đối với ông Vĩnh”.
“Với lời khai của ông Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch CNC, là đã đưa cho ông Vĩnh hàng chục tỷ đồng và hàng triệu đô la, đồng hồ Rolex trị giá 1,1 tỷ đồng và thực tế ông Vĩnh đang sử dụng đồng hồ Rolex thì ai cũng biết thì vụ việc có dấu hiệu của tội nhận hối lộ”.
“Nhưng không rõ vì lý do gì mà tội danh đó không được đưa ra. Cơ quan điều tra phải sử dụng các nghiệp vụ của mình để điều tra, xác minh xem lời khai của ông Dương có đúng sự thật hay không”.
“Cơ quan điều tra không thể trông chờ vào sự thừa nhận của bị can nói chung và ông Vĩnh nói riêng”.
“Là Tổng cục trưởng Ttổng cục cảnh sát thì ông Vĩnh thừa biết phải làm gì để không để lại dấu vết”.
“Và không ai đưa và nhận hối lộ mà có ký nhận cả, nên cơ quan điều tra không thể nói đơn giản là “không có bằng chứng chứng minh việc ông Vĩnh nhận tiền của ông Dương và ông Vĩnh cũng không thừa nhận việc nhận tiền” để không khởi tố ông Vĩnh về tội ‘Nhận hối lộ’.
“Cái mà người dân muốn biết là cơ quan điều tra đã làm những gì để đi đến kết luận đó. Bởi thực tế ở Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp có thể sống được mà không chung chi?”
“Nếu nói một doanh nghiệp doanh thu bất hợp pháp hàng ngàn tỷ đồng mà không chung chi cho cơ quan quản lý Nhà nước thì rất khó tin”.
“Cái bất cập pháp luật hiện nay của Bộ luật Tố tụng Hình sự là không quy định rõ là trước khi đi đến kết luận có hành vi tội phạm hay không thì cơ quan điều tra phải thực hiện những bước nghiệp vụ cần thiết nào. Nên trên thực tế, chúng ta không biết được việc “không có dấu hiệu tội phạm” là do cơ quan điều tra không tiến hành điều tra hay là đã tiến hành điều tra và thực hiện tất cả các biện pháp nghiệp vụ nhưng vẫn không xác định được hành vi phạm tội”.
Cùng ngày, nói với BBC từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng, bình luận: “Lời khai của tướng Vĩnh cho thấy sự bầy hầy, nhem nhuốc của những người tiếm chức tiếm quyền”.
“Cho nên, tôi thấy giá trị của những lời khai trong phiên tòa này là làm cho dư luận xã hội thấy và lên án những người lợi dụng chức vụ, quyền lực để tư lợi cho bản thân, gia đình thì nhiều, làm việc lợi cho dân thì ít”.
“Những người này có thể tạo nên một công ty vỏ bọc của một tổng cục công an để kiếm chác”.
“Và dường như không chỉ những vị phải ra tòa mà còn là những người khác trong hệ thống”.
“Phiên tòa còn cho thấy người dân không dám can dự vào công việc của ngành công an”.
“Vấn đề là phiên tòa này sẽ kết thúc với phán quyết thế nào, có khiến cho người ta tin rằng Việt Nam có nền tư pháp thật sự, những quan tòa có nhân cách và dũng khí hay không?”
Trên Facebook cá nhân, phóng viên Nguyễn Hoài Nam nhận định: “Bị cáo Phan Văn Vĩnh khai thực hiện theo chỉ đạo của đại tướng Trần Đại Quang”.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh khai thực hiện theo chỉ đạo của đại tướng Trần Đại Quang.
Theo cáo trạng vụ đánh bạc nghìn tỉ do Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ CA bảo kê, đầu năm 2016, cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa, trao đổi với Phan Văn Vĩnh hình thành ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng và giao cho Công ty đầu tư phát triển an ninh CNC thực hiện.
Ngày 11.1.2016, Nguyễn Văn Dương, ký báo cáo số 6 gửi cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa về “kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”.
Tháng 3.2016, Phan Văn Vĩnh chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa về nội dung xây dựng lộ trình phát triển Công ty CNC, mục tiêu chính là xây dựng “Hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”. Nhưng để có điều kiện thực hiện thì Công ty CNC cần tập trung xây dựng hệ thống mạng xã hội, cổng thanh toán trực tuyến để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình tội phạm và có nguồn thu để lấy kinh phí xây dựng hệ thống phòng thủ.
Ngày 7.3.2016, Nguyễn Thanh Hoá chỉ đạo cấp dưới soạn thảo công văn 336/C50-P1 để Nguyễn Thanh Hoá ký báo cáo Phan Văn Vĩnh về việc đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ trực thuộc Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, có nội dung: “…thông qua cổng thanh toán CNC, công ty đã thâm nhập hệ thống thanh toán trực tuyến, hệ thống chuyển tiền trên thị trường…”, và đề xuất “Lộ trình phát triển Công ty CNC xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”.
Ngày 17.3.2016, Nguyễn Thanh Hoá tiếp tục chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản số 712/C41-C50 để Phan Văn Vĩnh ký gửi Bộ trưởng Bộ Công an, đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát.
Nội dung văn bản phản ánh Công ty CNC phục vụ rất hiệu quả trong công tác chuyên môn của C50 và Tổng cục Cảnh sát, nhưng thực tế Công ty CNC đang hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet qua đoạn: “Thông qua cổng thanh toán CNC, Công ty đã thâm nhập hệ thống thanh toán trực tuyến, hệ thống chuyển tiền trên thị trường nhằm nghiên cứu, nắm bắt phương thức, thủ đoạn rửa tiền, kỹ thuật, công nghệ, đặc tính, hành vi và cách tổ chức hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao…”.
Ngày 17.3.2016, đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, có bút phê: “Kính gửi anh Vương chỉ đạo, chú ý không trùng chức năng của Cục An ninh mạng”. Ngày 29.3.2016, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương có bút phê: “Tổng cục Cảnh sát thực hiện ý kiến của Bộ trưởng”.
Khai nhận trước tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết, ngày 17.3.2016, Tổng cục Cảnh sát có văn bản trình Bộ trưởng Trần Đại Quang về lộ trình phát triển Công ty CNC là công ty nghiệp vụ, có đề cập đến hệ thống phòng thủ quốc gia, an ninh mạng, lộ trình phát triển của nó. Sau đó, ngày 25.3.2016, Bộ trưởng có bút phê gửi ông Lê Quý Vương, ngày 29.3.2016 có bút phê gửi Tổng cục Cảnh sát thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an.
“Sau đó, theo ý kiến chỉ đạo này, Tổng cục Cảnh sát thực hiện. Ngày 20.5.2016, Cục trưởng C50 là anh Nguyễn Thanh Hóa có tờ trình bị cáo với văn bản 1155. Như vậy, bị cáo khi đó là đang thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an”, bị cáo Vĩnh khai trước tòa.
Nhà báo Huy Đức nhận xét: “Chỉ sau một ngày thẩm vấn, dân chúng đủ thấy rõ rằng, CNC không phải là “công ty bình phong” cho C50 mà C50 – Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – là bình phong cho CNC. Tội phạm (đánh bạc nghìn tỷ) cũng không diễn ra bởi sự tha hoá của các cá nhân đơn lẻ. Nó được “báo cáo”, “bút phê” từ người lãnh đạo cao nhất của Ngành lúc đó”.
Cơ quan phòng chống tội phạm làm “bình phong”, tội phạm suýt nữa thống lĩnh không gian mạng
Chỉ sau một ngày thẩm vấn, dân chúng đủ thấy rõ rằng, CNC không phải là “công ty bình phong” cho C50 mà C50 – Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – là bình phong cho CNC. Tội phạm (đánh bạc nghìn tỷ) cũng không diễn ra bởi sự tha hoá của các cá nhân đơn lẻ. Nó được “báo cáo”, “bút phê” từ người lãnh đạo cao nhất của Ngành lúc đó.
Điều mà nếu như “cả hệ thống chính trị” suy nghĩ một cách có trách nhiệm sẽ phải rất giật mình là, chính nhà tổ chức sới bạc nghìn tỷ Nguyễn Văn Dương đồng thời lại là người lên “kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”.
Kế hoạch này đã được thông qua hoặc “bút phê” từ Cục trưởng Nguyễn Thanh Hoá, cho tới Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh… và cả Bộ trưởng Trần Đại Quang. Nếu không có thay đổi nhân sự và phương thức lãnh đạo ở Bộ Công an ngay sau đó (5-2016), thì rất có khả năng, những tên tội phạm như Dương, Hoá… giờ đây đang kiểm soát không gian mạng mà chúng ta đang sống.
Đại tướng Trần Đại Quang từng viết sách về an ninh mạng và ông chính là người đưa ra sáng kiến làm luật an ninh mạng. Luật cũng được Bộ soạn thảo ngay trong thời gian “sới bạc nghìn tỷ” đang ung dung gây án ngay trong trụ sở của Cục phòng chống tội phạm “trên mạng”. Rất nhiều nhà lãnh đạo tới giờ này vẫn còn nghĩ mục tiêu chính của luật này là để bảo vệ các cuộc tấn công trên mạng và đặc biệt là để bảo vệ chế độ.
Trong dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, Bộ Công an đang thiết kế cho mình quyền quyết định việc can thiệp vào công nghệ, dữ liệu, văn phòng… của các doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng internet. Không rõ, Bộ không hề học bài học của vụ CNC hay rút ra bài học lợi ích nếu có quyền “vừa đánh trống, vừa thổi còi” như vụ CNC.
Rõ ràng, nếu Bộ CA tuân thủ luật pháp; nếu CNC không núp bóng Bộ Công an mà phải làm thủ tục trước ở Bộ TTTT và Ngân hàng Nhà nước thì liệu CNC có thể vận hành 2 cổng game và các cổng thanh toán khác. Nếu Bộ Công an tập trung vai trò chống tội phạm thì dù Bộ TTTT hay Ngân hàng nhà nước có cấp phép cho CNC hoạt động, thì liệu CNC có trót lọt ngay từ khi công ty này thanh toán những ván bài đầu tiên.
Bỏ tù tướng Vĩnh, tướng Hoá là cần thiết nhưng nếu Bộ Công an không sửa ngay từ gốc, xác lập trách nhiệm chính với tổ quốc, với nhân dân là giữ gìn an ninh thì trong tương lai không chỉ có một bộ đôi “Hoá – Vĩnh”.
Khi thông qua nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, Bộ Tư Pháp và các bộ cần phải rà soát kỹ. Quy phạm nào, thủ tục nào nằm trong phạm vi hành chính nhà nước thì không đặt vào tay Bộ Công an, để cơ quan này không vướng víu quyền lợi với tội phạm khi phải phòng và chống chúng.
30/9/2011, ông Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).
10/10/2011, ông Nguyễn Văn Dương và ông Nguyễn Thanh Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh giữa CNC và C50 của Bộ Công an. Theo đó, CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 20%.
Giữa năm 2015, hai ông Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT VTC Online) tung ra cổng game Rikvip/Tip.club, thu hút 43.000 người tham gia đánh bạc.
20/5/2016, ông Phan Văn Vĩnh ký công văn gửi Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp phép cho CNC, hợp thức hóa cổng game Rikvip và 23zdo.
11/3/2018, ông Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam và bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.
5/4/2018, ông Vĩnh bị khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng và tước danh hiệu Công an Nhân dân.
9/4/2018, Giám đốc điều hành Châu Nguyên Anh và Giám đốc Kinh doanh Phạm Quang Vinh của Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT Epay bị bắt và khởi tố liên quan đến cung cấp dịch vụ thanh toán và hưởng lợi từ đường dây đánh bạc.
31/8/2018, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ hoàn thành cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, cùng 90 bị can khác.
(*) BVN thay tiêu đề bài viết cho sát hợp hơn
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46257413