Nguyễn Đức Thắng
BVN nhận được bài viết dưới đây cũng đã mươi ngày. Sở dĩ đăng chậm vì chúng tôi cần có thêm những sự thẩm định từ các nhà chuyên môn khác. Trong thư gửi đến chúng tôi sau khi đọc, một Tiến sĩ hóa học trả lời như sau:
“Hiện có hai luồng quan điểm về nguyên nhân chết của cá trong thảm hoạ Formosa:
(1) Do phenol C6H5OH và cyanua có độc tính với động vật
(2) Do lượng Fe2+ quá lớn lấy hết oxy ở tầng đáy làm cá ngạt thở chết
Các số liệu phân tích do nhà nước thực hiện đều giấu giếm, công bố nhỏ giọt nên đều không thuyết phục, nhưng "phía nhà nước" ngả theo lập luận phenol. Mặc dù nguyên nhân không thuyết phục, nhà nước vẫn vội vàng nhận đền bù 500 triệu đô, không biết dựa trên cơ sở nào.
Vì không có số liệu thực tế để biết là có phù hợp không, tuy nhiên lập luận của tác giả bài viết vẫn có cơ sở về mặt lý thuyết. Nếu nhà nước thấy công bố của ô NĐT sai lệch, thì để phản bác cần đưa số liệu chứng minh.
Bản thân tôi không có số liệu trong tay nên cũng không biết được ai sai ai đúng, chỉ xin nhắc lại, về mặt lý thuyết lập luận của tác giả là có cơ sở”.
P.H.O.
Lời giải đáp của vị TS giúp chúng tôi đi đến quyết định gửi bài viết của ông Nguyễn Đức Thắng đến bạn đọc xa gần. Xin tác giả thông cảm cho sự muộn màng này.
Bauxite Việt Nam
Hà Nội ngày 15/10/2018
Kính gửi anh Lê Trình,
Rất cám ơn anh đã gửi thư ngày 14/10/2018 cho tôi và chung cho mọi người (từng đoạn được copy nguyên văn tô vàng ở dưới, in đậm do tôi).
Thân gửi anh Đức Thắng
Tôi đã đồng ý với anh về nên xem lại nguyên nhân cá chết để rút ra nhiều bài học cho các sự cố sau này.
2 năm nay tôi đã nhiều lần hỏi cán bộ môi trường người Việt làm ở Formosa. Họ bảo: từ khi xẩy ra sự cố đến nay Formosa vẫn chưa nhận được bảng kết quả phân tích môi trường (nước biển, trầm tích…) nào do Bộ, Sở và các cơ quan nhà nước gửi. Vậy không rõ cở sở nào phải bồi thường 500 triệu, 1,0 tỷ hoặc 50 triệu? Vụ này thật không rõ ràng.
Bài viết “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân cá chết” của tôi được gửi theo đường bưu điện đến Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và tôi đoán là nó nằm “chết” ở đâu đó trong cấp trung gian. Duy nhất đối với Bộ TN&MT là tôi cầm tay mang đến và lọt qua được bảo vệ gác cổng, lúc tấp nập người ra vào, nên tôi đã tiếp cận được phòng Bộ trưởng và trao tận tay. Khoảng 3 ngày sau, Bộ trưởng đã gọi điện thoại vào máy di động của tôi nói đã đọc và thấy đúng. Bộ trưởng nói về thành công chính là phát hiện ra Formosa Hà Tĩnh có 53 sai phạm hành chính liên quan đến môi trường và buộc Formosa Hà Tĩnh phải nhận tội và đền bù thiệt hại.
Bài viết của tôi đã chứng minh là trong nước thải của Formosa Hà Tĩnh đổ vào biển có chứa gần 5 tấn kation sắt hai (Fe2+) đã làm cạn kiệt oxy tầng đáy, làm cá chết hàng loạt sau đêm đó. Vì vậy, Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm đã rõ và chính xác, cộng thêm với 53 sai phạm hành chính liên quan đến môi trường thì tội của họ sẽ tăng nặng hơn nữa. Tập thể lãnh đạo của họ đã cúi đầu nhận tội và đền bù 500 triệu USD. Trước đó khoảng 2 tuần, tôi đọc được thông tin trên mạng là Chi cục thuế Hà Tĩnh đã hoàn thuế (các loại) cho họ khoảng hơn 500 triệu USD. Hiện nay, đã là phổ biến, các nhà đầu tư nước ngoài nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư mà trong nước chưa sản xuất được, thực giá là 1 nhưng họ có thể khai gấp lên nhiều lần. Riêng việc hoàn thuế nhập khẩu đối với những thứ như vậy họ đã đủ có lãi, nên Formosa Hà Tĩnh đã lấy “mỡ nó rán nó”, họ chẳng mất gì cả. Người thiệt là nhân dân Việt Nam mà thôi. Ông Võ Kim Cự, Bí thư Hà Tĩnh thời đó đã trải thảm đỏ, dưới lót vàng đón Formosa vào, theo rất nhiều thông tin trên mạng, hiện đang định cư hợp pháp tại Canada rồi thưa anh.
Trường hợp nếu tôi bị bảo vệ phát hiện, cản lại ngoài cổng và chỉ được phép gửi bài viết vào bộ phận Văn thư, thì tôi tin là bài viết cũng sẽ nằm ở đâu đó trong khâu trung gian. Nếu vậy, Nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều tỷ USD cho hoạt động nạo vét, làm sạch biển theo như đề xuất của các lãnh đạo Hội đồng KH&CN quốc gia. Bộ trưởng Bộ TN&MT sẽ phải tối mặt với những hoạt động nạo vét, làm sạch biển; tàu thuyền đánh cá của ngư dân sẽ nằm chết trên bờ. Việc nạo vét đáy biển dài 209km phải thực hiện vài năm, vì vậy vào thời điểm hiện nay có thể đang có nhiều máy móc, thiết bị nạo vét hút bùn, hoạt động tấp nập ngoài vùng biển để thực hiện một cuộc tổng tàn phá kinh hoàng các hệ sinh thái đáy biển, sẽ trở thành lịch sử của thế giới.
Các lãnh đạo kết luận nguyên nhân cá chết và đề xuất nạo vét đáy biển, đầy quyền uy và kiêu ngạo, không chịu học tập nên đã hổng những kiến thức rất cơ bản, rất sơ đẳng, dẫn đến sự hoang tưởng về các độc tố ở ngoài biển khơi mênh mông làm cá chết. Sự hoang tưởng đến mức họ đã phủ định tất cả những kết quả phân tích (trong và ngoài nước) của hàng trăm mẫu nước suốt gần 2 tháng thực hiện. Vì tất cả đều cho nồng độ phenol tổng và xianua là vô cùng thấp, vô cùng nhỏ bé, rất an toàn cho tôm cá (đều dưới 0,01mg/L). Họ đã tuyên bố trên TV “Chúng ta không nên quan tâm đến nồng độ, mà đặc biệt quan tâm đến tổng lượng xả thải ra môi trường” và tưởng tượng ra “tấm chăn di động hút nhả độc tố” rất kỳ quặc, lướt qua cá chỉ có 1 giây đã đủ làm cá chết bất đắc kỳ tử, nổi lên mặt nước và trôi dạt vào bờ. Vận tốc nước đáy biển đo được là 1m/s (thông tin này do Cục trưởng Lương Duy Hanh và thầy của Cục trưởng là PGS.TS Cao Thế Hà ngồi tại nhà tôi kể lại). Chúng ta có thể tìm kiếm được giá trị gần đúng 96h-LC50 của cá đáy biển đối với phenol tinh khiết là 50mg/L, đối với xianua khoảng 100mg/L (nồng độ làm 50% lượng cá chết sau 96 giờ = 345.600 giây, bơi sống trong đó).
Đã một nghìn năm nay, từ khi loài người biết sản xuất ra các độc tố hóa học, chưa ở đâu trên thế giới xẩy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ngoài biển khơi mênh mông bị qui kết là do các độc tố gây ra, duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Trong tương lai cũng sẽ vậy. Không thể có chuyện cá chết vì một độc tố nào đó ngoài biển mênh mông. Tất cả số vụ cá chết ngoài biển đều được giải thích rất khoa học là do bị cạn kiệt ô xy tầng đáy biển.
Tôi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam giao viết 2 bài để in 1 tập sách nhiều tác giả.
Bài 1: Phát triẻn bền vững: thách thức và kế hoạch hành động…." Bài này tôi tâm đắc vì nhiều năm nghiên cứu thực tế, nhưng dài và có lẽ các anh không quan tâm nên tôi không chia sẻ.
Bài 2: "Tác động môi trường do phát triển điện than…". Bài này ngắn (chỉ 19 trang), cụ thể hơn và có vẻ tương tự chủ đề các anh vừa tranh luận.
Để có thông tin đúng tôi phải tra cứu nhiều, nói có sách và 20 năm nay tôi đã có thực tế làm nhiều dự án điện than nên tôi viết theo cách hiểu của mình, không mong các anh khen hoặc chê, chỉ gửi các anh tham khảo.
Về “Bài 1: Phát triẻn bền vững: thách thức và kế hoạch hành động” xin anh cứ gửi cho tôi. Tôi thích lĩnh vực này. Vì theo hiểu biết thiển cận của tôi, nếu Việt Nam không thực hiện PTBV sẽ chỉ có tụt hậu so với các nước trong khu vực. 30 năm qua chúng ta đã và đang thực hiện phát triển không bền vững, phát triển hủy diệt môi trường sinh thái. Nhà lầu, biệt thự, xe hơi sang trọng… phần lớn trong số đó là do chúng ta “trấn lột” của môi trường thiên nhiên và các hệ sinh thái, do chúng ta “ăn” vào điều kiện sống của chính con cháu chúng ta trong tương lai. Theo tôi, Việt Nam chúng ta đang có một CNTB hoang dã, trong khi ở Châu Âu là CNTB sinh thái. Năm 2010 tôi đã viết quyển sách nhỏ “MÔI TRƯỜNG TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”, tập 1 và tập 2, theo phong cách viết khoa học cho nhà văn, nhà thơ và những người lái xe ôm. Mục đích duy nhất là nhằm khêu gợi lên ở trái tim mỗi độc giả tình yêu đối với môi trường và chuyển biến nó thành hành động trong các hoạt động hàng ngày, thực hiện lối sống thân thiện môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Nhân dịp này tôi xin kính tặng anh và mọi người (xem 2 files PDF đính kèm).
Về Bài 2: “Tác động môi trường do phát triển điện than...”: Ngày 08/9/2018 trong thư gửi anh tôi đã viết “anh là số 1 của Việt Nam trong lĩnh vực Đánh giá Môi trường, gồm Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) đối với từng dự án đầu tư cụ thể và Đánh giá Môi trường chiến lược (ĐMC), đối với Qui hoạch hay Chiến lược phát triển ngành…Anh là chỗ dựa chủ lực của Bộ TN&MT trong lĩnh vực này, anh làm không hết việc cho Bộ TN&MT và các tổ chức quốc tế, báo cáo khoa học ở nước ngoài…”. Tại thư đó tôi cũng đã hỏi nếu không phải là anh thì ai/tổ chức nào làm ĐMC cho bản Quy hoạch điện VII (Quyết định số 1208/2011/QĐ-TTg) và Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg) mà trong thư gửi TBT và Thủ tướng Chính phủ tôi đã phải viết “Để thực hiện Quy hoạch này chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, bỏ ra 148 tỷ USD để “mua” được những tác hại vô cùng to lớn sau đây: 1) Hủy hoại sức khỏe nhân dân và môi trường sinh thái. 2) Làm gia tăng phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh biến đổi khí hậu…”.
Sau buổi họp của Cục Điện lực và NLTT với tôi và sau thư của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gửi cho tôi, tôi hoàn toàn tin rằng ngành Điện lực của Việt Nam sẽ quay ngược lại và sẽ hòa nhịp với xu thế phát triển điện lực của Thế giới.
Tôi trân trọng những ý kiến trong thư của anh và kính chúc anh nhiều thành công.
Nguyễn Đức Thắng
Tác giả gửi BVN