Giá trị và sự lựa chọn giá trị

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Một ý tưởng khá to tát và trừu tượng như thế lại chợt đến với tôi trước hai tấm ảnh không hiểu vì sao được tình cờ được xếp đặt cạnh nhau bất chợt gặp trên mạng xã hội: Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trìu mến cúi xuống bên hai đứa con nhỏ trên máy bay, và tấm ảnh cô ca sĩ nổi tiếng ML vênh mặt lên như đang chuẩn bị chửi nhau với ai đó…

Một người đang buộc phải rời bỏ Đất nước, tha hương, với nỗi buồn sâu thẳm cố che giấu các con sau hai năm mới gặp lại. Một người vẻ hằn học nanh nọc đang lo kiện cáo những người đã “ném đá” mình và chồng mình bởi những phát ngôn đầy kênh kiệu, thậm chí lố bịch. Hai người đều đã trở thành “người của công chúng” – người thì cố tình tạo ra thế bằng các chiêu trò lăng xê đã quen thuộc hay mới toanh trong giới showbiz, người thì vô tình bị như thế trong một hoàn cảnh não lòng…

Hai người phụ nữ của một Đất nước mà cách đây vài chục năm, một nữ văn sĩ Ba Lan đã ước ao: khi tỉnh dậy, bà sẽ trở thành người của Đất nước ấy – Đất nước Việt Nam!

Nhưng hai người phụ nữ của một dân tộc, một đất nước thống nhất và đáng tự hào như vậy giờ đã trở nên hai thế giới riêng biệt, khó có thể tìm thấy một sự đồng điệu đồng cảm nào nữa giữa họ! Bi kịch mới của Dân tộc này là sự ly tâm, sự phân cách trong sự lựa chọn Giá trị của tất cả các giới, các tầng lớp người…

Cái gì đã làm cho họ cách biệt nhau đến thế? Câu trả lời quá đơn giản, và cũng thực đau lòng: đó là do sự lựa chọn Giá trị của họ trong cõi đời này, giữa hàng đống giá trị đã đảo lộn, thay màu như tắc kè, khi các giá trị lâu nay trở thành vật mua bán đổi chác…

Sự lựa chọn không giống như mua một món đồ nữ trang, chọn một buổi hòa nhạc hay xem phim, mà là sự lựa chọn đau đớn, vật vã, liên quan đến sinh mệnh chính trị, đến cả tính mạng…

Cái Giá trị xã hội, gắn liền với giá trị cá nhân và tạo nên giá trị sự sống mà Mẹ Nấm theo đuổi, khiến chị bị khoác 10 năm tù bởi công lý XHCN, đâu có phải ở trên trời rơi xuống! Chị phản đối kẻ gây ra ô nhiễm môi trường thảm khốc mang tên hung thần Formosa, bởi từ thời đeo khăn quàng đỏ, chị cùng bao thế hệ thanh thiếu niên đã được giáo dục lòng yêu Tổ quốc, yêu Đồng bào, cũng có nghĩa là căm ghét đến xương tủy những gì làm hại đến Tổ quốc và Đồng bào. Nhưng trớ trêu thay, các thế hệ trước chị từng theo gương Paven Corsaghin, Matơrôsốp, Lưu Hồ Lan, Lôi Phong, sẵn sàng ném cả tuổi xuân cho lý tưởng cách mạng, thì đã trở thành những anh hùng, được tôn vinh, như Dương Thị Xuân Quý, Đặng Thùy Trâm…, còn đến lượt thế hệ chị, cũng những hành động như vậy, cũng niềm hăng say nhiệt huyết không kém, thì lại bị coi là phản động, phạm tội chống lại chế độ!

Ai đã có tội trong chuyện đánh tráo khái niệm, đánh cắp nội dung của những Giá trị đã được khẳng định & kiểm nghiệm trong một thời kỳ lịch sử khá dài như vậy? Sẽ tới lúc xã hội cần sòng phẳng. Nhưng lúc này, ở đây, tôi chỉ muốn nói đến cái Giá trị đã trở thành lẽ sống, nhân cách, phẩm giá của những người như Mẹ Nấm. Chị thuộc vào thế hệ có nhiều người trẻ tuổi bắt đầu thấy nhục nhã ê chề bởi vị thế của con người VN đã tuột dốc kinh hoàng trên thang Giá trị Quốc tế ở tất cả các mặt!

Nhưng, những trăn trở, cật vấn, và những hành động dù hết sức lịch sự, đúng mực, hài hòa của những con người ưu tú trong thế hệ này đã bị đe nẹt, bị dọa dẫm, thậm chí bị khủng bố bằng các thủ đọan hèn hạ.

Lẽ dĩ nhiên, trong thế hệ ấy, cũng có không ít người lựa chọn Giá trị khác, không phải táng tận lương tâm mà chỉ mong được thoải mái yên ổn (dù là rất tạm bợ) – yên ổn làm ăn, sáng tác, ca hát, đi du lịch, lập gia đình… Chẳng có gì xấu trong cái Giá trị khác đó; chỉ có điều, nếu cuộc sống toàn là những người chỉ biết lo toan cho tổ ấm và hạnh phúc của bản thân mình, thì sớm hay muộn sẽ tới lúc họ quay trở lại cắn xé nhau vì một chút quyền lợi hơn thiệt! Và trong cuộc cạnh tranh để sinh tồn và để vượt đẳng cấp xã hội của giới/ loại/ hạng người đó, tất yếu những mưu mô ma quái sẽ buộc phải xuất hiện, chúng sẽ gặm nhấm hủy hoại dần cái phần lương tri còn sót lại – như miếng Da Lừa của văn hào Banzăc từng cảnh báo! Sự lựa chọn của họ sẽ quy hẹp lại vào xác suất chắc ăn nhất, sẽ tập trung vào cái gì dễ dàng nhất, không phải hy sinh thứ gì của bản thân; với cái mác tự xưng là giới thượng lưu quý tộc mới (có dây máu ăn phần chắc chắn với bọn quan tham), lại sẵn tiền, họ mua cái gì chẳng được! Có điều, họ không biết rằng, mua được cái lô ghế dành cho tầng lớp quý tộc trong Nhà hát loại đẳng cấp cao nhất chỉ cần có tiền, hoặc có thêm lời giới thiệu thân quen, chứ nếu để trở thành giới trí thức của tầng lớp thượng lưu xã hội đúng nghĩa, thì họ sẽ không còn có thời gian tâm trí nào nữa để “xôi kinh nấu sử”, và nghiền ngẫm về những Giá trị đích thực ở đời.

Trong sự mơ hồ nhốn nháo của các Giá trị hiện thời cùng sự tranh cướp nhau chọn các giá trị dễ dãi và có lợi trước mắt của thiên hạ, khi có không ít người nhân thể muốn được nổi tiếng bằng những tuyên ngôn khám phá kiểu: “cần có những Giá trị mới, cần có tầng lớp thượng lưu quý tộc mới”, v.v, tôi chợt nhớ tới lời chua chát của nhà văn Milan Kundera: “Sự ngu đần hiện đại không có nghĩa là ngu dốt mà là tính chất không-có-tư-tưởng của những ý tưởng nhặt được”. Vâng, “những ý tưởng nhặt được” sẽ không bao giờ có cơ trở thành những Giá trị có ích và đích thực!

N.A.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Bookmark the permalink.