Khi lãnh đạo được người dân ném giày

Tạ Duy Anh

Cách đây ít năm, tôi từng muốn đề xuất một sáng kiến: Tại thành phố HCM và thủ đô Hà Nội nên xây dựng mỗi thành phố một căn nhà, tạm gọi là Nhà xả hận. Trong mỗi ngôi nhà ấy nên treo một loạt mặt các loại quan chức của ta, cả đượng chức lẫn đã nghỉ, bằng đất nung (số lượng mặt của mỗi quan chức không hạn chế), để thỉnh thoảng người dân tột cùng oan ức nào đó (phải thông qua chọn lựa) được dịp xả hận bằng cách vào trong phòng đó và thỏa sức dùng gậy phang thẳng vào mặt các quan chức, cho nó vỡ tan vỡ nát ra (Phòng xả hận cần được thiết kế sao cho thật an toàn cho người xả hận). Sau đó cứ cộng số mặt quan chức bị đập vỡ lại mà tính tiền theo giá thị trường, có cộng thêm phí dịch vụ. Người xả hận phải chi trả một phần số tiền đó (coi như vé mua trò chơi). Số còn lại lấy từ tiền ngân sách chi cho việc giải quyết khiếu kiện. Gộp tất cả hai khoản lại rồi nộp vào quỹ hỗ trợ người nghèo. Tôi tin rằng việc đó có mấy cái lợi: Thứ nhất, người dân, sau khi xả hận vào mặt giả của các quan, họ sẽ nguôi ngoai nỗi bức xúc, để không manh động chọn các hình thức khác bạo lực hơn. Cái lợi thứ hai là tạo công ăn việc làm cho các lò gốm thất nghiệp (mặt quan chức là sản phẩm dễ làm và không kén chất liệu, có thể làm hàng loạt); cái lợi lớn nhất là nhắc nhở đám quan “phụ mẫu” phải liệu bề mà tu tỉnh, phục vụ dân, chứ nếu chỉ biết vơ vét và nói dối thì thể nào cũng có ngày dân họ đập vỡ mặt thật. Và thứ tư, tại sao không coi đó là cách kiểm tra uy tín của lãnh đạo (Sau vài tháng, thống kê số mặt ông quan nào bị đập nhiều, tức ông quan đó bị dân ghét, một kiểu lấy phiếu tín nhiệm cũng hay đấy chứ, mà lại vui?).

Tất nhiên đề xuất của tôi vẫn nằm trong đầu. Tôi đã định quên đi, thì lại phải nhớ nhân vụ chị Nguyễn Thị Quyết Tâm, bị một phụ nữ trẻ oan ức ném giầy vào mặt (việc trúng hay chưa không còn quan trọng nữa). Giá sáng kiến của tôi được đề xuất công khai và thành hiện thực, thì sẽ có vài vạn cái mặt chị Tâm làm bằng đất nung bị đập (còn với anh Hải, anh Đua, anh Cang… và một số anh khác, thì mảnh vỡ từ mặt các anh vun lại chắc chắn to bằng dăm bảy cái gò Đống Đa là cái chắc), nhưng chị Tâm (và các anh) sẽ không bị ăn một cái giầy vào mặt thật và các “thế lực thù địch” không có cớ bảo đấy là cái giầy ném thẳng vào mặt chế độ!

Nhưng thôi, những gì tôi vừa nói chỉ là đùa các vị một chút. Giờ tôi nói thật: Chị Quyết Tâm và lãnh đạo thành phố HCM đừng sụt sịt mách Trung ương là dân họ ném oan giầy vào mặt chúng tôi, trong khi kẻ đáng bị ném thì đã “biệt thự YÊN lâu đài ĐẸP”. Các vị nên coi đó là phần thưởng của dân, là “được” chứ không phải “bị”. Cổ nhân có câu: “Yêu cho roi cho vọt”. Các vị tự nhận là đầy tớ của dân, là con em nhân dân, là những con ở của dân… thì việc dân cáu tiết lên cho ăn đòn, tức là họ vẫn còn chưa muốn các vị thành kẻ thù. Là kẻ thù thì họ cho các vị ăn thứ khác lâu rồi.

Cho nên, tôi khuyên các vị, thay vì thù hận cô gái ném giầy rồi lập mưu trả thù, lãnh đạo thành phố HCM nên nài nỉ mời cô ấy nắm một chức vụ gì đó, chẳng hạn tham gia giải quyết oan ức mất đất của người dân Thủ Thiêm, thậm chí có thể thay ngay vào vị trí của bà Quyết Tâm. Cứ mạnh dạn thử xem (Thủ tướng Áo cũng chỉ hơn cô ấy chưa đầy hai tuổi chứ mấy). Cô ta có thể còn non nớt, nhưng sẽ hết lòng vì dân và không dối trá.

https://scontent.fbed1-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/44643462_2198651387049674_4157532233768370176_n.jpg?_nc_cat=103&_nc_ht=scontent.fbed1-1.fna&oh=b56d17cd48439de159d9788108c80f6f&oe=5C82B0D8

Ảnh: sưu tầm trên mạng – BVN

Còn cái giầy, để tôi nghĩ xem. À, nó xứng đáng là một hiện vật đặt tại một vị trí trang trọng trong bảo tàng, để ghi nhớ một thời tàn mạt về đạo đức của quan chức. Cũng là một cách giáo dục chứ sao.

T.D.A.

Nguồn: FB Lao Ta