Nếu Tướng Nguyễn Mạnh Hùng xây dựng được một “hệ sinh thái số VN” tôi sẽ lựa chọn ngay vì tất cả những gì tôi viết là bằng tiếng Việt và cho người Việt. Nhưng, 39% người sử dụng Mạng xã hội (MXH) ở VN là cho mục tiêu kinh doanh. Họ cần chảy trong không gian 2 tỷ người của Google, Facebook… chứ không cần ao tù, nước đọng.
Tôi không cực đoan để cho rằng, VN không nên học cái gì từ Trung Quốc. Nhưng, Viettel có thể copy mô hình Huawei, còn nếu VN áp dụng mô hình Baidu là chỉ học của các “chú Khách” phần tiểu xảo. Baidu là vết nhơ của chính quyền Bắc Kinh chứ không phải là niềm tự hào của người Trung Hoa vì Bắc Kinh thiết lập MXH ấy là để nhốt dân trí mình trong đó.
Hệ sinh thái số là sản phẩm của tự do chứ không phải là công cụ để hạn chế tự do. Một quốc gia chỉ nên tự thấy bị sỉ nhục khi dân chúng cảm thấy tự do hơn khi “sống” trong cộng đồng Facebook, Google chứ nếu chỉ thấy bị sỉ nhục khi không buộc được Facebook, Google gỡ bài thì chủ quyền trở nên vô nghĩa.
“Dân vi quý, xã tắc thứ chi…” Nếu nước độc lập mà dân có ít tự do hơn khi bị cai trị bởi ngoại bang thì độc lập ấy chỉ là để nội địa hoá nền thực dân, xã tắc không còn thiêng liêng nữa.
Hãy quan sát những người dân sinh sống trên sông Mekong. Họ là những người đã tham gia “toàn cầu hoá” hàng nghìn năm trước khi có internet. Họ thường là nạn nhân của cá quốc gia, ít khi được bảo hộ bởi các quốc gia. Các đường biên giới thường chỉ để thoả mãn khát vọng quyền lực của các triều đại thay vì chở che dân chúng.
Tướng Nguyễn Mạnh Hùng là một người rất quyết đoán, thông minh. Nhưng cương vị mới cần một người tư duy (chính sách) chứ không cần một tư lệnh. Có lẽ kỷ luật quân đội đã tạo ra thành công của Viettel. Nhưng quốc gia không phải là một trại lính. Kỷ cương của quốc gia không phải là kỷ luật quân đội mà là pháp quyền. Và mục tiêu của pháp quyền là nhằm cung ứng nhiều tự do hơn cho dân chúng.
Cấu trúc của Bộ Thông tin & Truyền thông như hiện nay là một thách thức cho Tướng Nguyễn Mạnh Hùng. Bộ vừa phải “nắm” báo chí vừa phải phát triển công nghệ thông tin. Ở VN, hai chức năng đó không bổ sung được cho nhau vì vai trò của các cơ quan quản lý báo chí không phải là để bảo vệ quyền tự do ngôn luận mà là để kiểm soát quyền tự do ngôn luận. Không có tự do thì đừng nói tới MXH trừ khi cấm Facebook, Google…
Lẽ ra nên thành lập một cơ quan quản lý báo chí riêng, Bộ TT & TT nên trở thành Bộ phát triển công nghệ (bao gồm phần viễn thông hiện nay và một phần chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ). Nếu chưa có một bộ với chức năng như vậy thì tôi cũng mong Tướng Nguyễn Mạnh Hùng đừng vội vàng.
“Cường quốc kinh tế số” là một khát vọng đúng. Nhưng, muốn có kinh tế số thì đừng nôn nóng dùng ngân sách để đốt cháy giai đoạn. Vai trò của một Bộ trưởng là đưa ra chính sách để xã hội làm chứ không phải tự mình làm. Nên quy hoạch chỗ ngồi của mình trong lịch sử bằng cách đưa VN tới gần với các giá trị phổ quát của loài người hơn thay vì xây thành đắp luỹ để cô lập VN hơn với cộng đồng quốc tế.
H.Đ.
Nguồn: https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/1777406892294484?__tn__=K-R
***
Bài liên quan:
1. Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh
Hùng: Sẽ xây dựng mạng xã hội Việt
chiếm 60% thị phần
Bảo Trân
08/09/2018 18:57
(NLĐO)- Quyền Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết bộ sẽ đề xuất một số chính sách ủng hộ mạng xã hội Việt Nam. Mục tiêu là đến năm 2022, mạng xã hội Việt bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60-70% thị phần.
Ngày 8-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT). Cùng dự còn có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ TT-TT – Ảnh: Quang Hiếu
Tại cuộc làm việc, quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mục tiêu trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 nước có mạng viễn thông phát triển nhất thế giới, top 30 thế giới về công nghệ thông tin; top 20 về an ninh thông tin, an ninh mạng; top 5 về công nghệ thiết bị viễn thông, sản xuất được vi mạch Việt Nam xuất khẩu; công nghiệp quốc phòng an ninh nằm trong top 20…
Thiết lập hệ sinh thái nội
Đáng chú ý, quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc xây dựng sản phẩm “made in Vietnam” để cạnh tranh với các “ông lớn” như Google, Facebook.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội Việt có thị phần ngang bằng Facebook
Ông Hùng phân tích hiện doanh thu quảng cáo mạng xã hội là 370 triệu USD nhưng phần lớn thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại như Google đạt 135 triệu USD với 35 triệu người dùng, Facebook 235 triệu USD với 60 triệu người dùng.
Trong khi đó mạng xã hội nước ngoài hiện chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam về thuế, yêu cầu về thanh toán, an ninh… Còn thị phần của doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ với 436 mạng xã hội trong nước. Ngay đơn vị có tên tuổi nhất với 40 triệu người dùng thì doanh thu cũng chỉ đạt 7 triệu USD.
“Bộ TT-TT đề xuất một số chính sách ủng hộ mạng xã hội Việt Nam. Mục tiêu là đến năm 2022, mạng xã hội Việt bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60 – 70% thị phần. Đã đến lúc không thể dừng lại, kể cả phải áp dụng biện pháp kinh tế, kỹ thuật để quản lý mạng xã hội nước ngoài” – ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Song song với việc phát triển mạng xã hội Việt, Bộ TT-TT cũng đặt mục tiêu Việt Nam nằm trong top 10 nước về phát triển sinh thái số, với 60 – 70% người dân dùng hệ sinh thái nội.
Theo đó, Bộ TT-TT sẽ chủ trì xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, trọng tâm là mạng xã hội Việt Nam. Hệ sinh thái số bao gồm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm diệt virus, trong đó quan trọng nhất là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm.
Việc xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam sẽ huy động chủ yếu các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, không nhất thiết là công ty nhà nước nhưng phải là doanh nghiệp Việt.
Thủ tướng: Dự báo xu thế thông tin và vấn đề nổi cộm trên mạng xã hội
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từ vai trò, trách nhiệm của Bộ TT-TT, Chính phủ đã chủ động đón bắt thời cơ cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn tồn tại một số mặt hạn chế, yếu kém như triển khai quy hoạch báo chí chậm. “Quản lý báo chí, mạng xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục, tác động tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu sớm thực hiện quy hoạch báo chí
Thủ tướng yêu cầu Bộ TT-TT cần khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo kết luận của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, tuyên truyền.
Thủ tướng cũng đánh giá việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ (tốc độ mạng 4G tại Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới). Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới, là một trong các nước đứng đầu về tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại.
Để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng yêu cầu tiến hành số hóa quốc gia càng nhanh càng tốt và Bộ TT-TT phải giữ vai trò dẫn dắt, cùng các bộ, ngành tích cực hợp tác để Việt Nam có thể trở thành một trong những nước đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng cũng nhắc nhở một trong những nhiệm vụ quan trọng của bộ là công tác quản lý báo chí. Có giải pháp hiệu quả để giám sát, quản lý các mạng xã hội, phân tích dự báo xu thế thông tin và những vấn đề nổi cộm trên mạng xã hội…
Thủ tướng cũng mong muốn ngành ngày càng có nhiều sản phẩm CNTT mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam”.
“Công nghiệp CNTT không chỉ sản xuất các sản phẩm dân dụng mà còn phục vụ quốc phòng, an ninh như vệ tinh viễn thám, ra đa, thiết bị bay không người lái, hệ thống chỉ huy điều khiển…”- Thủ tướng yêu cầu.
Nhà mạng muốn tham gia thanh toán điện tử
Bộ TT-TT đề nghị Thủ tướng chính phủ xem xét cho phép sử dụng thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số và cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ. Đại diện 3 nhà mạng Viettel, VNPT và Mobifone cũng đề nghị Chính phủ và Bộ TT-TT sớm có chính sách cho phép các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử. Các nhà mạng hiện có 120 triệu thuê bao.
B.T.
***
2. Chuyên gia: Mạng xã hội chỉ dùng
trong biên giới ‘chẳng có nghĩa gì’
10/09/2018
Một nhà hoạt động Việt Nam đăng bài lên Facebook tại một quán cafe ở Hà Nội (ảnh tư liệu, tháng 11/2013)
Quyền bộ trưởng thông tin và truyền thông Việt Nam mới đây đề xuất “tập trung phát triển mạng xã hội trong nước” và được thủ tướng ủng hộ, theo báo chí Việt Nam.
Trong khi đó, qua các ý kiến bày tỏ trên Facebook, nhiều người cho rằng tham vọng xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam là “phi thực tế”. Một chuyên gia công nghệ thông tin nói mạng xã hội chỉ dành cho người Việt dùng trong biên giới “chẳng có nghĩa gì”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, được báo chí trong nước dẫn lời phát biểu hôm 8/9 trong một cuộc làm việc giữa bộ của ông với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng bộ đề xuất việc “phát triển mạng xã hội Việt”.
Quyền bộ trưởng, từng là chủ tịch Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và giữ hàm thiếu tướng, nói mục tiêu nhắm đến là đến năm 2022, mạng xã hội Việt “bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam, 60 triệu, và chiếm 60 đến 70% thị phần”.
Tường thuật của báo chí cho biết ông Hùng đưa ra thông tin rằng mạng xã hội có doanh thu lên đến 370 triệu đôla ở Việt Nam, nhưng nguồn doanh thu này chủ yếu rơi vào các công ty nước ngoài, trong đó, phần của Google và Facebook lần lượt là 135 triệu đôla và 235 triệu đôla.
Quyền bộ trưởng nói thêm: “Các mạng xã hội từ nước ngoài chưa tuân thủ luật pháp Việt Nam, chưa thực hiện yêu cầu an ninh của chính chúng ta”, theo các bản tin.
Bên cạnh đó, ông Hùng được trích lời phát biểu với thủ tướng rằng “đã đến lúc không thể dừng lại, kể cả phải áp dụng biện pháp kinh tế, kỹ thuật để quản lý mạng xã hội nước ngoài”.
Mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam, Tamtay.vn, đóng cửa ngày 1/1/2018
Việc phát triển mạng xã hội Việt Nam là “trọng tâm” của một “hệ sinh thái số Việt Nam”, được Quyền Bộ trưởng Hùng đề xuất với Thủ tướng Phúc. Ông Hùng nói, theo đề xuất này, bộ của ông sẽ chủ trì xây dựng hệ sinh thái số bao gồm “mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm diệt virus, trong đó quan trọng nhất là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm”.
Theo một bản tin của Dân Trí, đáp lại đề xuất của ông Hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “nhấn mạnh về việc Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một hệ thống mạng xã hội của riêng mình”.
Chưa có thông tin cụ thể và chi tiết trên báo chí cho biết mạng xã hội của riêng Việt Nam mà Quyền Bộ trưởng Hùng và Thủ tướng Phúc nói đến có thiết kế, hình thức và cách vận hành như thế nào.
Tôi chỉ nghĩ là cái mạng mà các bạn IT [công nghệ thông tin] Việt Nam định xây dựng cho riêng người Việt Nam thì đó là một thảm họa. Vì rất đơn giản là chỉ dùng trong biên giới thì nó chả có nghĩa gì. Những tư tưởng đóng cửa biên giới như lũy tre làng là không nên.
Chuyên gia CNTT, blogger Hiệu Minh
Mặc dù vậy, đã xuất hiện những phản ứng trái chiều từ khá nhiều người Việt hiện đang sử dụng mạng xã hội Facebook.
Một Facebooker có nhiều ảnh hưởng, nhà văn Trần Quốc Quân, hiện sinh sống ở Ba Lan, đưa ra nhận định hôm 10/9 rằng việc xây dựng một mạng xã hội riêng cho Việt Nam dường như “để làm đối trọng gây sức ép lên các trang mạng Facebook, Google, Youtube…”, cũng như “phục vụ Luật An ninh mạng”.
Song nhà văn vốn là một nhà kinh doanh thành công, có hơn 25.000 người theo dõi, bình luận rằng “tham vọng” đó của Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng “rất phi thực tế và quá viển vông”.
Trong quan điểm cá nhân ông Quân, đề xuất về mạng xã hội riêng của Việt Nam là “dự án điên rồ”, nhưng nhà văn này phân tích rằng Quyền Bộ trưởng Hùng muốn thực hiện dự án “vì có sự chống lưng” là Luật An ninh mạng đã được thông qua và có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.
“Đây là cây gậy nguy hiểm mà ông Hùng sẽ dùng như vũ khí độc quyền nhằm phong tỏa các mạng Facebook, Google… và trói tay người dùng internet Việt Nam”, Facebooker Trần Quốc Quân nhận định.
Nhà báo kỳ cựu Trương Huy San, có tổng cộng hơn 225.000 người theo dõi qua Facebook, đưa ra lưu ý trên trang cá nhân cũng hôm 10/9 rằng “39% người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là cho mục tiêu kinh doanh. Họ cần chảy trong không gian 2 tỷ người của Google, Facebook… chứ không cần ao tù, nước đọng”.
Theo nhà báo kiêm blogger nổi tiếng, thường được biết đến qua cái tên Oshin Huy Đức, “hệ sinh thái số là sản phẩm của tự do chứ không phải là công cụ để hạn chế tự do”.
Blogger Hiệu Minh, một chuyên gia công nghệ thông tin hiện sống ở Việt Nam, nói với VOA qua ứng dụng Messenger của Facebook tối 9/9:
“Tôi chỉ nghĩ là cái mạng mà các bạn IT [công nghệ thông tin] Việt Nam định xây dựng cho riêng người Việt Nam thì đó là một thảm họa. Vì rất đơn giản là chỉ dùng trong biên giới thì nó chả có nghĩa gì. Những tư tưởng đóng cửa biên giới như lũy tre làng là không nên”.
Theo chuyên gia này, người từng công tác nhiều năm tại bản doanh của Ngân hàng Thế giới ở Mỹ, trong bối cảnh hiện nay, để một mạng xã hội thành công, lan tỏa đến nhiều người sử dụng, nó phải là ứng dụng “dùng được cả ở Việt Nam cũng như dùng được ở thế giới”.
“Không thể là đến lúc tôi ra khỏi biên giới Việt Nam thì tôi dùng Facebook, còn về đến biên giới Việt Nam thì tôi lại dùng Zalo”, blogger Hiệu Minh nói thêm.
Zalo hiện là một mạng xã hội lớn ở Việt Nam là với 40 triệu thuê bao. Nhưng quyền bộ trưởng thông tin và truyền thông nhận xét hôm 8/9 rằng “so với Facebook thì còn quá nhỏ”.
Trung Quốc như là một châu lục, có 1,4 tỉ người. Nếu người ta xây dựng riêng cho thị trường Trung Quốc là đã đủ ăn rồi. Nhưng nếu Việt Nam xây dựng cho một thị trường riêng cho 90 triệu người thì chẳng có nhẽ gì đầu tư.
Chuyên gia CNTT, blogger Hiệu Minh
Trong số hàng trăm lời bình luận vào các bài viết của các Facebooker nổi tiếng như Trương Huy San, Trần Quốc Quân hay luật sư Trần Vũ Hải, nhiều người lo ngại rằng Việt Nam sẽ rập khuôn theo Trung Quốc khi phát triển mạng xã hội và công cụ tìm kiếm riêng, tiến tới sẽ cấm các ứng dụng tương tự của nước ngoài như Facebook hay Google.
Với kinh nghiệm của một chuyên gia kỳ cựu, blogger Hiệu Minh nói với VOA rằng Việt Nam “không nên bắt chước” Trung Quốc hay Mỹ mà cần xét đến quy mô thị trường của mình. Ông nói:
“Trung Quốc như là một châu lục, có 1,4 tỉ người. Nếu người ta xây dựng riêng cho thị trường Trung Quốc là đã đủ ăn rồi. Nhưng nếu Việt Nam xây dựng cho một thị trường riêng cho 90 triệu người thì chẳng có nhẽ gì đầu tư”.
Chuyên gia này chỉ ra những yếu tố cần lưu tâm đối với giới làm công nghệ thông tin là “cần nhìn xem thị trường của nước mình là gì, ai là khách hàng”, cũng như viết ứng dụng phần mềm phải nhắm đến “cho ai, dùng ở đâu, và khả năng của nó lan tỏa đến đâu”.
Ý tưởng xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam với sự chống lưng của nhà nước từng được nêu ra và thực hiện trước đây, song kết quả đến nay không khả quan.
Thực trạng mạng xã hội go.vn được nhà nước chống lưng khi truy cập ngày 10/9/2018
Tháng 5/2010, trang mạng www.goonline.vn, được gọi là “mạng xã hội giáo dục – giao tiếp – giải trí đầu tiên của người Việt và do người Việt làm chủ” đã chính thức ra mắt. Bộ trưởng thông tin và truyền thông khi đó, ông Lê Doãn Hợp, tuyên bố với báo chí trong nước rằng ông “tin go.vn sẽ mạng xã hội số 1 Việt Nam”. Nhưng ở thời điểm đầu tháng 9/2018, rất ít người còn nhắc đến trang mạng này.
Trước go.vn, một trang mạng khác có tên tamtay.vn đã ra đời vào năm 2007, được xem là mạng xã hội đầu tiên do người Việt thiết kế và lập trình, không liên quan đến nhà nước.
Sau hơn 10 năm hoạt động, vào đầu tháng 3/2018, ban quản trị của mạng xã hội này đã gửi “thư từ biệt” đến các khách hàng về việc trang mạng đóng cửa, dừng hoạt động kể từ ngày 1/4/2018.