Còn nhớ 5 năm trước, vào ngày 12-11-2013, Đài tiếng nói của nhà cầm quyền Việt Nam đã hớn hở thông báo với bàn dân thiên hạ: Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ bầu Việt Nam làm thành viên của Hội đồng này, nhiệm kì 2014 – 2016 với số phiếu cao nhất!
Không ai không hớn hở vui mừng, kể cả anh em XHDS, dẫu biết trước rằng đây lại là trò “con ranh con lộn” rồi, nhưng thôi thì “có tiếng” đã, “tiếng” cũng là một áp lực lên họ ghê gớm để họ giữ mình chứ có phải là số không hoàn toàn đâu.
Sau ba năm hoạt động trong chiếc ghế vinh quang đó, khi làm báo cáo tổng kết, đại diện Vụ Các tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao VN (tất nhiên cũng là tiếng nói chính thống) đã “tự sướng” rằng VN “là thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm” của HĐNQ mà cụ thể là đã thể hiện “trong việc tham gia phát biểu, thảo luận hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của HĐNQ…”, và “với bất kỳ vấn đề nào ở HĐNQ, Việt Nam sẵn sàng tham gia phát biểu, bình luận, thậm chí phê phán. Ở các cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến của HĐNQ, một số quốc gia không tham gia bỏ phiếu để tránh đưa ra lập trường, nhưng Việt Nam chưa bao giờ làm như vậy…”.
Ô hô! Đúng răm rắp. Qua nhận xét trên, thành tích đáng phô trương nhất trong suốt nhiệm kỳ HĐNQ của VN là ở việc NÓI và BÀN về nhân quyền. Còn việc từ lời nói đến việc làm thì… khốn thay, đã thấy Việt Nam có HÀNH ĐỘNG gì để thực hành những điều mà chính VN nói và bàn trong hàng trăm cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền đâu! Mà nói và bàn… Ai còn lạ gì nữa chứ, VN mà nói thì con kiến trong lỗ cũng phải bò ra cơ!!! (Chẳng thấy trong thời kỳ đánh chiếm miền Nam, đánh là đánh cướp chủ quyền của một nước như VNCH, thế mà Việt Nam đã khéo nói đến mức cả thế giới đều phải ào ào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Tài đến thế là cùng!) Đã thế, trên phương diện thực hành ở tại đất nước mình, từ Đảng, Chính phủ và các cơ quan công quyền, chỉ tính từ khi được vào ngồi chễm chệ trên chếc ghế cao ngất ngưởng ấy đến nay, các vị đã thực thi không biết bao nhiêu vụ việc vi phạm nhân quyền từ nhẹ đến nặng. Nhẹ nhất thì có vụ săn đuổi các nhân sĩ trí thức, khiến họ phải “chạy marathon” trên các nẻo đường Hà Nội trong suốt cả một ngày trời, nhất quyết không cho họ ăn một bữa cơm chung để mừng ngày Nhân quyền Quốc tế. Còn các vụ bắt bớ đánh đập cấm đoán, cướp bóc tài sản của người vô tội, thậm chí lôi vào đồn CA rồi khi ra chỉ còn là thây ma… thì vô số kể. Vụ khủng bố người dân Quảng Ngãi biểu tình ôn hòa, chỉ đòi dẹp bỏ bãi rác quá ô nhiễm, hại sức khỏe cũng là một ví dụ còn đang nóng hổi.
Đã vậy, ngày 30-8 vừa qua, đài VOV lại đưa tin phía VN tự khoe đã thực hiện được 96% yêu cầu của HĐNQ về quyền con người! Đúng là “làm thì láo, báo cáo thì hay!” Tuy vậy, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng trồi ra”. Như hai bài báo của RFA và VOA đưới đây cho biết, thì thế giới đã càng ngày càng rõ bộ mặt thật của cái gọi là “VN luôn coi trọng nhân quyền” là thế nào rồi. Có lẽ cũng chính vì thế nên đến nhiệm kỳ 2017- 2019 của HĐNQ, đã chẳng ma nào bỏ phiếu bầu cho Việt Nam nữa!?
Thế thì, một nhiệm kỳ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền nêu được một tấm gương gì cho thế giới “học tập” và “rút kinh nghiệm” nhỉ? Phải chăng là tấm gương… Phản nhân quyền? Đích thực rồi.
Bauxite Việt Nam
1. Báo cáo của Chính phủ Việt Nam
trước UN che giấu những vi phạm
về nhân quyền
RFA
Hình minh họa. Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối bên ngoài phiên tòa ở Hà Nội xử 5 nhà hoạt động xã hội hôm 5/4/2018 – AFP
Bản thảo báo cáo do Chính phủ Việt Nam chuẩn bị cho kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Liên Hiệp Quốc (UN) đã che giấu những vi phạm về nhân quyền và cố tình làm sai lệch các thông tin trước cộng đồng quốc tế. Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR) cho biết như vậy trong thông cáo báo chí công bố ngày 4/9.
Theo dự kiến, phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát lần thứ ba của Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 22/1/ 2019 tới tại trụ sở của UN ở Geneva, Thụy Sĩ.
Thông cáo trích lời Tổng thư ký của FIDH, bà Debbie Stothard, cho biết: “Báo cáo hiện tại của Chính phủ Việt Nam tại Kiểm điểm định kỳ phổ quát cho thấy Hà Nội không có khả năng thừa nhận những thách thức về nhân quyền đang có và thiếu ý chí chính trị trong việc nhìn nhận những vấn đề này. Chính phủ (Việt Nam) nên xem xét tất cả những đóng góp ý kiến từ xã hội dân sự, đặc biệt là về tình hình tồi tệ liên quan đến các quyền chính trị và dân sự, đảm bảo rằng những quan ngại của các tổ chức này được phản ánh trong bản báo cáo trước kiểm điểm định kỳ”.
Theo FIDH, kể từ lần kiểm điểm định kỳ lần trước vào tháng 2/2014, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp đối với xã hội dân sự, và những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền.
Theo thống kê của FIDH và VCHR, từ năm 2014 đến tháng 7 năm 2018, đã có ít nhất 160 người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội đã bị bắt giữ tùy tiện hoặc bị bỏ tù.
Trang web Bộ Ngoại Giao Việt nam viết rằng bản thảo báo cáo hiện tại đã phản ánh những tiến bộ về nhân quyền trong nước kể từ lần báo cáo trước đó.
Báo cáo mới của chỉnh phủ Việt Nam đề cập đến các luật về tôn giáo, tố tụng hình sự và báo chí. Báo cáo nhận định những điều trong các luật này đã đặt nền móng cho việc đảm bảo tự do tín ngưỡng tốt hơn cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không kiểm duyệt đối với việc xuất bản, phát thanh truyền hình. Luật Tố tụng hình sự được cho là đảm bảo các phiên tòa công bằng và quyền lợi cho những người bị tạm giữ, người bị giam giữ không bị ép cung. Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh việc nâng cao hiểu biết của người dân về nhân quyền và coi đây là một trong các ưu tiên hàng đầu.
2. Việt Nam bị tố che giấu vi phạm
nhân quyền trong báo cáo định kỳ
phổ quát
Toàn cảnh một buổi họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại trụ sở chính ở Geneva, Thụy Sỹ. Phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát lần thứ ba của Việt Nam tại LHQ sẽ diễn ra vào ngày 22/1/2019
Bản thảo báo cáo của Chính phủ Việt Nam chuẩn bị cho kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát tại Liên Hiệp Quốc đã che giấu những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và cố tình đưa thông tin sai lệch tới cộng đồng quốc tế, theo Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế.
Trong thông cáo ra ngày 4/9, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và tổ chức thành viên là Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) cho rằng Chính phủ Việt Nam đưa ra các thông tin sai lệch trong nhiều vấn đề gồm các quyền tự do cũng như việc hợp tác với các cơ chế của Liên Hiệp Quốc trong các vấn đề này.
“Chúng tôi chứng kiến số lượng tăng cao những cá nhân bị bắt giam vì thực thi những quyền cơ bản của họ – như quyền tự do bày tỏ chính kiến, quyền tự do hội hộp, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng”, Andrea Giorgetta, Giám đốc Ban châu Á của FIDH, nói với VOA. “Chính phủ Việt Nam không đạt được một tiến bộ nào trong việc thay đổi những luật lệ hà khắc theo các tiêu chuẩn quốc tế và họ cũng không cải tổ về luật pháp theo các nguyên tắc dân chủ được công nhận ở tầm quốc tế”.
Tuy nhiên, báo cáo mới của Chỉnh phủ Việt Nam cho rằng “Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về thúc đẩy quyền con người” so với lần báo cáo trước đây vào năm 2014.
Dự thảo báo cáo, đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định những điều trong các luật về tôn giáo, tố tụng hình sự và báo chí đã đặt nền móng cho việc đảm bảo tự do tín ngưỡng tốt hơn cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không kiểm duyệt đối với việc xuất bản, phát thanh truyền hình. Luật Tố tụng hình sự được cho là đảm bảo các phiên tòa công bằng và quyền lợi cho những người bị tạm giữ, người bị giam giữ không bị ép cung. Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh việc nâng cao hiểu biết của người dân về nhân quyền và coi đây là một trong các ưu tiên hàng đầu.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho rằng Việt Nam “luôn coi trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ theo cơ chế UPR (kiểm điểm phổ quát định kỳ)”.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo khẳng định Việt Nam đã thực hiện được hầu hết các khuyến nghị mà LHQ đưa ra trong kỳ kiểm điểm nhân quyền lần trước cách đây 4 năm. Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam trích lời ông Thảo nói Việt Nam “đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về quyền con người” và “thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về vấn đề quyền con người”.
Mặc dù vậy theo FIDH, kể từ báo cáo Kiểm điểm định kỳ phổ quát năm 2014, giới chức Việt Nam đã tăng cường việc đàn áp lên xã hội dân sự và những người chỉ trích chính phủ.
Chính quyền Việt Nam đã bắt giam hoặc bỏ tù ít nhất 160 người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động ôn hòa, theo ghi nhận của FIDH và VCHR từ tháng 2/2014 đến tháng 7/2018. Một báo cáo chung mà cả hai nhóm nhân quyền này đưa ra vào tháng 7 nêu ra nhiều trường hợp nhân quyền đáng quan ngại cũng như đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền.
FIDH và VCHR đưa ra một ví dụ về việc đàn áp tự do báo chí của Chính phủ Hà Nội trong năm qua dù Luật Báo chí của Việt Nam quy định “tự do báo chí và tự do bày tỏ chính kiến” cũng như khẳng định quy tắc “không kiểm duyệt việc phát hành và phát thanh.” Đó là trường hợp báo Tuổi trẻ Online bị đình bản ba tháng vào giữa năm nay vì đăng các bài viết liên quan đến luật đặc khu mà trong đó theo chính quyền Hà Nội có những thông tin “sai lệch”.
“Báo cáo của Chính phủ (Việt Nam) cho UPR đầy những tuyên bố trái với thực tại và che giấu việc đàn áp khốc liệt xã hội dân sự bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ”, Chủ tịch VCHR Võ Văn Ái nói. “Trong một đất nước nơi dân chủ đồng nghĩa với phản động thì lời rêu rao trong bản báo cáo của nhà cầm quyền đảng Cộng sản Việt Nam đang đề cao dân chủ là không có thực”.
Theo dự kiến, phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát lần thứ ba của Việt Nam với LHQ sẽ diễn ra vào ngày 22/1/2019 tại trụ sở của UN tại Geneve, Thụy Sỹ.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-bi-to-che-giau-vi-pham-nhan-quyen-trong-bao-cao-dinh-ky-pho-quat/4559074.html