Nguyễn Đình Ấm
Trước phản ứng dữ dội của nhân dân, luật đặc khu hai lần bị hoãn thông qua. Lần đầu sau những cuộc biểu tình khắp ba miền ngày 10/6/2018, Quốc hội (QH) phải tạm hoãn thông qua dành cho kỳ họp vào tháng 10. Tiếp theo, vào kỳ họp tháng 7 của UBTV QH cũng không đưa luật đặc khu vào chương trình nghị sự và hôm 24/8/2018 QH lại thông báo tiếp tục dừng xem xét luật đặc khu “tiếp tục xin ý kiến nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, để hoàn chỉnh dự án luật thông qua vào kỳ họp sau”. Như vậy nhanh nhất luật đặc khu mới được đưa ra xem xét tiếp vào kỳ họp QH tháng 5/2019.
Từ năm 2013 ông Phạm Minh Chính Bí thư Quảng Ninh đại diện cho phía VN sang Trung Quốc nghiên cứu, bàn bạc rồi cùng họ tới VN khảo sát, thoả thuận dự án đặc khu Vân Đồn, có buổi ra mắt như một sự khai trương (xem ảnh). Từ đó ý tưởng 3 đặc khu được âm thầm nhen nhóm và thực hiện, và ồ ạt nhất là từ khi ông Trump trúng Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ lập lại trật tự trong thương mại với Trung Quốc. Một trong những hạng mục quan trọng ở khu Vân Đồn là Sân bay Vân Đồn với vốn đầu tư 7.258 tỷ đ (cỡ 2 tỷ USD – quá đắt) được Sungroup hối hả xây dựng từ năm 2015, khai trương ngày 11/7/2018. Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn 12.000 tỷ đã cơ bản xong tháng 8/2018. Cao tốc Móng Cái -Vân Đồn nối với Trung Quốc cấp tốc phê duyệt hôm 17/8/2018 với vốn đầu tư 11.190.220 triệu đ. Các con đường thông với Trung Quốc cũng được nâng cấp cải tạo, từ 2017 xe tự lái Trung Quốc tấp nập đi, về…
Thời các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Thể… cầm quyền, các quan chức, đại gia bất chính đã nghĩ ra và thực hiện cách móc túi dân rất trắng trợn: Sửa chữa, cải tạo, mở rộng một chút con đường cũ hoặc làm một đoạn đường mới nhưng thu phí trên những con đường cũ, độc đạo để vét túi dân vô tội vạ. Họ “trấn lột” dân (lời nguyên Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sỹ Dũng) đến năm 2016 thì bị phản đối quyết liệt làm nhà cầm quyền đứng trước lựa chọn khó khăn: Nếu dùng tiền ngân sách trả cho các đại gia chủ dự án bỏ thu phí thì không có tiền. Cứ để nhiều BOT móc túi dân, đưa lực lượng vũ trang đến bảo vệ đám “trấn lột” thì chút uy tín nhờ tuyên truyền của Đảng CS chắc chắn bị hao tổn, dân phẫn nộ, mất kiểm soát bất cứ lúc nào… Đến nay dự án ba đặc khu cũng đang rơi vào tình thế BOT: Nếu cứ quyết tâm “bàn để ra luật” người TQ kéo sang thì nguy cơ mất an ninh quốc gia quá rõ sẽ bị dân phản đối còn mạnh mẽ hơn chuyện BOT nhiều. Những ngày xuống đường rầm rộ dịp 10/6/2018 phản đối ba đặc khu của hàng triệu người ở cả ba miền nhà cầm quyền lu loa “thế lực thù địch, lưu manh nghiện ngập kích động, dân hiểu nhầm, được cho tiền,…” nhưng đó chỉ là tuyên truyền, tự đối mình, thực chất họ đã thấy rõ sự phẫn nộ của nhân dân trước hiểm hoạ TQ là như thế nào. Thế nhưng nếu bãi bỏ ba đặc khu thì các con đường, sân bay đã đầu tư, đất đai các đại gia (vốn là những thế lực lớn) đã gom mua và có thể tiền “bôi trơn” các quan chức đã nhận… nay không thành đặc khu thì sẽ ra sao? Ví như 7.280 nghìn tỷ đ của Sungroup đã đầu tư vào sân bay Vân Đồn ai trả? Ai sẽ bay đến Vân Đồn nếu nó không còn là nơi “đổ rác”, gia công hàng hoá thay nhãn mác cho hàng TQ, không còn là nơi cờ bạc, buôn người, nơi sinh con, đẻ cái, đồng hoá dân bản địa, không còn là nơi “bất khả nhòm ngó”, quan chức, đại gia thoả mãn chơi bời và nhất là TQ sẽ phản ứng ra sao… Rất khó.
Rõ ràng tình thế BOT lặp lại: Cứ làm đặc khu thì dân nổi lôi đình, chính quyền có khi nguy hiểm, không làm thì nợ các nhà đầu tư “nổi, chìm” mà không có tiền trả, còn TQ thì chắc chắn là không hài lòng.
Lại một vụ “tiến thoái lưỡng nan” ở tận cấp cung đình.
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN