Mỹ – Trung cưa xẻ

Nguyễn Xuân Hưng

Mỹ – Trung cưa xẻ (1)

Tôi có ý định viết một loạt bài về chiến tranh thương mại Mỹ -Trung. Về quan điểm, chỉ là phát triển các nhận định trong loạt bài “Trung -Việt vân vi” viết cách đây khoảng 1 tháng, khi mà cuộc chiến tranh Trung-Mỹ về thương mại chưa xảy ra, thị trường chứng khoán TQ chưa đỏ rực và các chí sĩ Việt Nam còn hân hoan rằng Mỹ sẽ đại bại, nhưng tôi đã khẳng định 2 điểm chính:

(1) Đây là cuộc chiến tranh không đơn thuần thương mại, mà là cuộc đấu chính trị nước TQ khó mà chống được.

(2) Khi mà Mỹ bắt tay Nga, tình hình Trung bắt đầu tồi tệ và Trung lên đỉnh nhờ thương mại thì sẽ chết bắt đầu từ thương mại.

Khi tôi viết những dòng này, Trăm (Trump) và Pu (Putin) đang vờn nhau ở Phần Lan. Chắc rằng Tập đang nín thở theo dõi. Và, ở một nơi gần, đệ tử của Tập cũng đang nhón gót nghển cổ nhìn. Cho nên, bài mở đầu này chưa nói gì trực tiếp đến Trung, mà theo dòng thời sự Mỹ- Nga để nhìn về thế tam quốc thời hiện đại.

1. TAM QUỐC LUẬN

Bắt đầu từ 1972, khi Kít (Kissinger) và Níc (Nixon) sang uống Mao Đài Bắc Kinh, tình thế thế giới bắt đầu thay đổi về chất. Kít sau đó viết hồi ký, nói rõ điều mà cả thế giới đã biết: Trước năm 1972, Mỹ có 2 kẻ thù, sau năm 1972, Mỹ chỉ còn 1 kẻ thù là Liên Xô; Mỹ đã biến TQ thành bạn. Mỹ muốn thông qua phát triển thương mại thị trường, hy vọng biến TQ thành một nước tự do dân chủ kiểu Mỹ. Trước đó, không có nước nào chống đỡ được với sức hấp dẫn của nền kinh tế thị trường mà không đổi màu xã hội và thay đổi chính quyền. Kết quả là Mỹ đã thu được thành quả bước đầu ngoạn mục: Liên Xô và hệ thống cộng sản Đông Âu sụp đổ, Mỹ và thế giới tư bản vào được thị trường khổng lồ của TQ. Nhưng một hệ quả mà Mỹ không mong muốn đã xuất hiện: nước TQ mạnh lên, nhưng chế độ cộng sản TQ không đổi màu. Bắt đầu một hình thái rất ngang trái: Kẻ thù lâu đời (Liên Xô) đã chết, người bạn mới (TQ) có tiềm năng để trở về vị trí kẻ thù cũ và chu kỳ này sẽ báo hiệu sự khốc liệt hơn.

Nước Nga sau chế độ cộng sản, thời Enxin, tồn tại tương quan với nước Mỹ như một kẻ quy hàng. Không quy hàng sao cưa hết vũ khí, chịu giải giáp vũ khí mang về Mỹ, chấp nhận một xã hội dân chủ đa đảng văn minh phương Tây? Nước Mỹ có một thời gian sống trên đỉnh vinh quang, trong một thế giới đơn cực. Người Mỹ muốn làm gì là làm thôi. Chính niềm kiêu hãnh Mỹ khiến các tổng thống Mỹ, giới quân sự Mỹ, các nhà tư bản cá mập Mỹ ngủ tít trong mê sảng là người cai trị thế giới. Trong thời gian này, nước Nga và Trung đang mài nanh vuốt, âm thầm luyện công. TQ với câu thần chú “giấu mình chờ thời”, nước Nga với Putin đầy âm mưu gián điệp. Ở vào cuối trào lên đỉnh của Mỹ, Mỹ đã can thiệp vào Trung Đông, Nam Tư là những nơi có chính quyền hướng về Nga, Trung, cũng là nơi Nga, Trung lăm le đầu tư vào đó. Cuộc can thiệp thành công. Nhưng đó có thể là chiến thắng cuối cùng của thời đơn cực.

Nước Mỹ 8 năm của Obama có thể là thời gian Mỹ tiếp tục ngủ quên trong chiến thắng. Trong 8 năm này, gấu Nga của Pu đã bắt đầu gầm rú, rồng Tàu của Tập bắt đầu làm mưa làm gió. Người Mỹ bắt đầu ngộ ra, cái thế giới của họ vốn làm chủ đang dần biến đổi, vùng thoát ra khỏi ảnh hưởng của họ. Biểu hiện phũ phàng là Nga diễu võ dương oai ở Crim, Syri và TQ coi biển Đông là ao nhà của họ.

Đỉnh điểm của thế tam cực là tại Đại hội Đảng Trung Quốc, hoàng đế Tập lên ngôi và công khai tuyên bố kế hoạch trở thành kẻ thay thế Mỹ thống trị thế giới vào năm 2049. Tập còn ngạo nghễ hoạch định đường đi nước bước, nào là kế hoạch “Made in China 2025”, nào là kế hoạch “Một vành đai, một con đường”, dùng đồng tiền nợ bắt chẹt các nước nhỏ để thôn tính đặt căn cứ quân sự…

Có thể thấy, nước Mỹ đang “lâm nguy” vì có một nước thách thức vị trí siêu cường của họ. Nước đó là TQ chứ không phải là Nga. Nhưng không phải ai cũng nhận ra điều ấy ngay. Trăm là một tay tư bản lão luyện, chắc đã rút ra kết luận, dùng đòn thương mại với Nga, càng làm cho Nga mạnh lên, đơn giản vì Nga có hệ thống kinh tế khá độc lập với Mỹ. Vậy thì không lẽ dùng vũ khí nóng với nước Nga, trong khi đó, nước Nga chỉ cần làm kẻ số 2 chứ không cần làm số 1?

Có thể thấy, xã hội Mỹ, chính giới Mỹ và báo chí Mỹ và NATO lại là tầng lớp bảo thủ nhất trong việc nhận định bạn thù. Từ lâu, nước Mỹ xây dựng hình ảnh một kẻ thù lâu dài, kẻ thù nguy hiểm là Nga Xô. Từ năm 1917, nước Nga (Liên Xô) đã ăn vào tiềm thức người Mỹ là con ngáo ộp kinh khủng. Có kẻ thù này, chính là yếu tố kích cầu tư bản Mỹ. Không có kẻ thù, những tư bản cá mập lái súng sẽ thất nghiệp, không có kẻ thù Nga, nước Mỹ còn nghĩa lý gì trị vì thế giới? Có thể nói, nhiều thế hệ Mỹ đã quen coi Nga là kẻ thù rồi. Đặc biệt, nếu Nga không còn là kẻ thù, thì Nato có lý gì tồn tại?

Người Mỹ và đồng minh, trừ Trăm, đang mắc vào một căn bệnh rất nan giải, đó là căn bệnh “tình cảm bạn thù”. Người Mỹ chưa quen với việc tổng thống của họ bất ngờ bảo rằng, Nga là bạn và TQ là thù. Năm 1972, Níc và Kít có vẻ lôi kéo TQ khá dễ dàng, nay Trăm đảo ngược vị trí của TQ và Nga thì không dễ. Từ khi Trăm làm tổng thống, khá nhiều người Mỹ đã làm một việc rất lạ là ném đá vào dự kiến xích lại gần Nga của Trăm. Chỉ có Trăm là lo lắng nước Mỹ sẽ không còn vĩ đại nữa. Ai sẽ vĩ đại thay Mỹ? Đó là TQ.

Cuộc gặp Trăm – Pu chắc bước đầu chưa có kết quả gì cụ thể, nhưng nó có một ý nghĩa rất quan trọng. Nó phát ra thông điệp cuộc chiến Mỹ – Trung sẽ khốc liệt và ít có nhượng bộ đến khi TQ quy hàng. Nó cũng cho thấy nước Mỹ cần bạn bè trong cuộc chiến thương mại với TQ. Có lẽ, cuộc gặp 2018 của Trăm – Pu sẽ đi vào lịch sử, như là sự xoay chiều mà năm 1972 chính người Mỹ đã tạo ra.

https://www.facebook.com/nguyenx1/posts/2213422798671153

Mỹ – Trung cưa xẻ (2)

2. THƯƠNG MẠI HAY CHÍNH TRỊ?

Người ta thường bị đánh lừa vì câu chữ. “Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung” ư? Đó là câu chữ khiến mọi người liên tưởng đến các cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ đã phát động trong quá khứ gần, tức là khoảng gần 100 năm nay.

Khoảng những năm đầu 193x, tổng thống Mỹ Hoover đã đánh thuế 20.000 mặt hàng để bảo vệ nông dân Mỹ khi nền sản xuất Mỹ đang suy thoái, kết quả là kinh tế Mỹ rối loạn, kinh tế thế giới lâm vào đại khủng hoảng, thương mại toàn cầu sụp đổ cho đến 1934.

Năm 198x, nước Mỹ thời Reagan lại tuyên bố chiến tranh thương mại, đánh thuế lên 45% xe ô tô, mô tô và 100% sản phẩm điện tử chủ yếu từ Nhật. Kết quả là nước Mỹ có thắng lợi, nhưng không nhiều, nước Nhật có thua, và thua thảm. Vì lúc đó nước Nhật đang ngấp nghé chiếm vị trí số 1 của kinh tế Mỹ, sau cuộc chiến thương mại, Nhật tụt xuống thứ 3 và coi như quy hàng cho đến nay.

Những được và mất khi gây chiến tranh thương mại, đã được nhiều chuyên gia mổ xẻ. Người cho rằng Mỹ sẽ thua thì chủ yếu lặp lại kinh nghiệm 193x; người cho rằng Mỹ sẽ hòa, cả thế giới sẽ cùng thiệt, thì mổ xẻ kinh nghiệm 198x.

Theo tôi tất cả cùng chưa đúng.

Những năm trước, 193x, 198x, nước Mỹ gây chiến thương mại, trước hết cứu nền sản xuất đang suy thoái, bị động bắt buộc phải cứu nền kinh tế Mỹ, và điều rất quan trọng, đó là các cuộc chơi thuần túy thương mại, trong cùng một hệ thống thế giới thị trường tư bản, có cùng các thông số chung. Các nước không có kinh tế thị trường năm 193x không tham gia, các nước khác biệt về hệ thống quản lý kinh tế (khối XHCN) đứng ngoài cuộc chơi năm 198x.

Ngày nay, tổng thống Trăm không bắt buộc phải cứu nền kinh tế. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc diễn ra từ lâu, và nó ảnh hưởng không tức thời đến kinh tế Mỹ. Ngoài ra, dường như chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại, Trăm đã giảm thuế cho các doanh nghiệp, làm các biện pháp kích thích khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ rất khả quan, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Lãnh đạo kinh tế đầu nhiệm kỳ của Trăm được coi là thành công. Vậy nhưng Trăm vẫn tuyên bố chiến tranh với Trung. Đó là một việc đã được hoạch định trước, và nó xuất phát từ cách nhìn, cách đánh giá thế giới của Trăm.

Với Trăm, đây là việc làm cho nước Mỹ giữ chắc vai trò bá chủ thế giới đang bị Trung Quốc thách thức. Nước Mỹ đang có nguy cơ không phải là suy thoái, mà là nguy cơ mất vị trí bá chủ. Đó là một cuộc đua tranh chính trị với một nước TQ không có kinh tế thị trường. Đó là cuộc chiến “ai thắng ai” theo ngôn ngữ các nhà cộng sản cuồng nhiệt, cuộc đấu giữa 2 hệ thống chính trị khác nhau.

Do đó, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung lần này của Trăm sẽ gay go và khốc liệt hơn của Hoover và Reagan rất nhiều.

Để chĩa mũi nhọn vào Trung, Trăm phải có biện pháp không căng thẳng với Nga để giải quyết các vấn đề của thế giới. Theo dõi thời sự sau cuộc gặp Mỹ – Nga, đủ thấy nước Mỹ đang chia rẽ kinh khủng như thế nào. Những toan tính của Trăm có tính toàn cầu, sẽ thay đổi cả thế giới vốn đã định hình dần dần từ năm 1972, nên cuộc chiến có nguy cơ rất ác liệt. Những trả đũa của TQ đánh thuế vào các mặt hàng cũng đều có toan tính chính trị, ví dụ TQ chọn đỗ tương để đánh thuế, là sản phẩm của những bang truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa. Hậu quả của cuộc chiến này, trước hết đánh vào đối nội của Mỹ và TQ. Với Mỹ, có thế khả năng tái cử của Trăm bị thử thách, với TQ, khả năng xã hội TQ bắt đầu có mầm mống rối ren. Nền chính trị nước nào có khả năng tự chữa sai lầm tốt hơn sẽ thắng.

Nước Mỹ có thể chưa hiểu Trăm, nhưng rồi cái nhìn trì trệ về thế giới sẽ qua đi, thì nước Mỹ vẫn sẽ vẫn tìm cách bá chủ thế giới. Nước TQ, có thể chế độ chính trị sẽ hà khắc hơn, và tiềm ẩn gây bất ổn, đó là mầm mống khiến TQ sụp đổ.

Một biểu hiện khác để thấy cuộc chiến Mỹ – Trung không đơn thuần là thương mại. Đó là sự cạnh tranh công nghệ. Qua việc làm ăn với Mỹ, nước TQ đã tìm cách chiếm dụng, sao chép công nghệ của Mỹ, dẫn đến cạnh tranh toàn diện về quân sự, công nghệ mới, vật liệu mới, khả năng làm chủ không gian… Mỹ đã nhìn thấy điều này, chỉ có đến Trăm mới kiên quyết với Trung Quốc. Vụ việc ZTE có thể là một ví dụ mà Mỹ đưa ra một thông điệp với TQ, chỉ cần một cú cấm vận, ZTE phải đầu hàng.

Vậy cuộc đấu Mỹ – Trung thắng thua sẽ như thế nào? Mỹ cũng sẽ thất bại, nhưng đó là sự thất bại họ tính trước, để TQ nhận thất bại lớn hơn, tương tự như tương quan Mỹ – Nhật năm 198x.

Tuy nhiên, TQ có hệ thống chính trị khác, có thị trường không hoàn toàn và vẫn bị Nhà nước khống chế, thì những thất bại không lường trước được sẽ xuất hiện. Cái đích của Mỹ là sự bá chủ thế giới, đây là cuộc chiến không có thương lượng, chỉ có chấp nhận đầu hàng và chiến thắng mà thôi.

https://www.facebook.com/nguyenx1/posts/2216417365038363

Mỹ – Trung cưa xẻ (3)

3. TIỀN MÚA CHÚA CƯỜI

Tôi hay tránh những tranh luận về việc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ai thắng ai thua. Nhiều người hay đưa cảm tính vào nhận định. Người Việt hiện nay có hai phái lớn, cuồng Mỹ và cuồng Nga, và hầu hết họ đều ghét TQ. Không khó đoán nhiều người muốn/đoán Mỹ sẽ thắng. Chỉ đơn giản: Mỹ mạnh. Nhưng cụ thể mạnh cái gì, mạnh như thế nào? Thương mại chứ có đọ súng đâu. Ở đây tôi cố gắng trình bày quan điểm của tôi một cách phổ thông, để các bạn chưa có điều kiện đọc/học về kinh tế cũng có thể hiểu.

Chiến tranh thương mại hay kinh tế, công nghệ, cuối cùng cũng lấy thước đo là đồng tiền. Nước nào có đồng tiền mạnh thì nước đó có nhiều khả năng thắng hơn.

Trước hết nói về chế độ tiền tệ của thế giới. Lịch sử chế độ tiền tệ thế giới trải qua nhiều hình thức, có thời gian coi vàng là căn cứ để xác định tỷ giá hối đoái giữa các nước, hoặc coi vàng như tiền tệ. Nhưng ngày nay, rõ ràng là không phải như vậy.

Từ năm 1944, có cái hiệp ước gọi là Bretton-Wood quy định quan hệ tiền tệ thế giới, nhiều điều khoản chi tiết, nhưng quan trọng nhất là lấy đồng USD làm chuẩn với tỷ giá dao động rất nhỏ, coi như cố định, còn đồng USD lấy bản vị vàng 35 USD = 1 ounce vàng nguyên chất. Nói nôm na, các đồng tiền của thế giới tư bản đã coi như lấy bản vị là đồng USD, công nhận vị trí chuẩn, bá chủ của đồng USD. Chế độ này dẫn đến phá giá đồng USD do đồng USD được coi là tiền quốc tế, buộc phải thả nổi tỷ giá từ năm 1971 (từ đó việc bản vị vàng của USD bị phá vỡ).

Từ 1976 đến nay, IMF cố gắng thiết lập một chế độ tiền tệ mới (hiệp ước Jamaica), lấy bản vị là một đồng tiền chuẩn, gồm nhiều đồng tiền mạnh làm căn cứ để tính. Song hiệp ước Jamaica chưa bao giờ được thi hành hoàn toàn. Khi thành lập Liên minh châu Âu 1979, đồng Euro cũng được lấy làm chuẩn tiền châu Âu, thiết lập một bản vị mới, tuy nhiên, đối ngoại, châu Âu vẫn phải lấy USD làm chuẩn. Tóm lại, dù cho nhiều lần cố gắng thiết lập, thì đồng USD vẫn coi là bản vị của các đồng tiền như tinh thần Bretton-Wood, chỉ khác là tỷ giá giờ đây thả nổi theo thị trường mà thôi (còn gọi là chế độ BW2).

Có một câu hỏi, đồng USD lấy bản vị là gì? Giờ đây, chuyện 35 USD = 1 ounce đã đi vào dĩ vãng, đồng USD tiếp tục vai trò bá chủ, làm chuẩn cho quan hệ tiền tệ thế giới, là mốc tính giá của hầu hết các nước khi làm ăn buôn bán trong cơ chế thị trường. Vậy thì cái gì quy định sự chuẩn mực của USD?

Đến đây, vấn đề động đến cái gọi là FED. Điều tiết thị trường tiền tệ Mỹ do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), thông qua các công cụ: mua bán trái phiếu chính phủ, quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc và điều chỉnh lãi suất chiết khấu.

Hiểu chuyện này đến cùng không đơn giản. Phải có hình ảnh nào đó dễ dễ để hiểu tính chất của nó. Chính là câu hỏi trên đây: Cái gì quy định sự chuẩn mực của USD? Hay nói cho dễ hiểu, một trường hợp của nó là USD không còn bản vị vàng thì bản vị gì?

Bản vị vàng là khi nhà nước dự trữ vàng lượng A, thì phát hành tiền lượng B. Khi vàng tăng/giảm lên A1, thì phát hành tương ứng B1… Nay tài sản của nước Mỹ là A, thì có lượng B đồng đô la lưu hành. Khi tài sản tăng/giảm lên A1, thì có lượng tiền B1 tương ứng. Việc phát hành thêm B1-B là do… FED. FED không bảo phải in thêm tiền, mà họ điều tiết bằng 3 công cụ trên đây. Cho nên, mỗi khi FED tăng lãi suất, các thị trường tiền tệ nháo nhác cả lên, lạm phát, tỷ giá từ đó mà biến chuyển.

Hãy hình dung là nếu chính phủ Mỹ bán trái phiếu cho một bên khác, thì đồng USD thu về để đầu tư, lúc đó phía Mỹ ghi Nợ vào tài sản, từ đó sản sinh tiền. Nói cách khác, đồng USD lấy bản vị là tài khoản Nợ. Nói trắng ra, nước Mỹ in tiền cho thế giới dùng và thế chấp bằng sự phát triển của nước Mỹ. Đối với một tổng thống Mỹ như Trăm, thì coi cả thế giới là một doanh nghiệp, hội đồng quản trị là chính phủ Mỹ, cũng không có gì ngoa lắm.

Khi tuyên bố chiến tranh thương mại với TQ, nước Mỹ hoàn toàn kiểm soát đồng USD, mà đồng Tệ của TQ chưa thể thay thế được đồng USD, thì đồng Tệ không có sức lực gì để chống đỡ.

TQ đã phá giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu trong điều kiện thuế má cao, lập tức dòng vốn bị rút ra, thị trường chứng khoán đỏ màu cách mạng, tài sản của TQ xẹp xuống. Trong khi niềm tin vào đầu tư Mỹ vẫn vững, đồng USD vẫn mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ không hề hấn gì. Nếu TQ bán tháo trái phiếu Mỹ thì càng bị lỗ. Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, biểu hiện của sức mạnh yếu của đồng tiền. Thời gian qua, nhìn vào đó, chả ai nói ngược được.

Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, thực chất cũng là keo vật của USD và Nhân dân tệ. Những đồng USD có hình rất nhiều tổng thống Mỹ, đồng Tệ chỉ có hình một ông Mao. Nhiều đánh một, chả chột cũng què.


Tìm hiểu sức mạnh đồng tiền, còn một yếu tố nữa có thể chi phối sức sống của nó. Với Mỹ, Giám đốc FED do Tổng thống bổ nhiệm, nhưng Tổng thống Mỹ không thể chi phối việc điều tiết bằng công cụ tiền tệ. Tổng thống Mỹ không thể can thiệp FED tăng hay giảm lãi suất, hay không thể quy định được tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Như thế, đồng USD vận hành hoàn toàn theo quy luật thị trường, đó là quy luật khách quan, vượt ra ngoài ý chí hành chính. Trong khi đó, đồng Tệ được điều tiết từ Nhà nước, mà có lẽ từ Bộ Chính trị Đảng CSTQ. Đồng Tệ khó sửa chữa sai lầm hơn USD khi điều tiết, ít nhậy cảm với thị trường khách quan hơn so với USD. Thực tế, thời gian qua đã chứng minh điều đó.

Dân gian Việt Nam từ xa xưa đã biết quy luật về sức mạnh đồng tiền. Trạng Quỳnh nói: Tiền múa chúa cười. Đồng USD múa được, vì nó có quyền múa điệu nào tùy nó, thì chúa Mỹ cười thôi. Các đồng tiền khác, kể cả Tệ, múa theo đồng USD, không thể tự múa, thì múa kiểu gì cũng bị USD chi phối.

https://www.facebook.com/nguyenx1/posts/2218120384868061

Mỹ Trung cưa xẻ (4)

4. RUỒI MUỖI THƯƠNG ĐÀM

Có một câu hỏi thời sự: Mỹ – Trung thương chiến thì Việt Nam ảnh hưởng gì?

Câu trả lời về mặt đại cương là rất dễ. Nhưng đi vào chi tiết thì hơi rắc rối.

Phàm là cuộc chiến nào cũng có 2 chủ soái, kéo theo đám đi theo, thành ra 2 phe. Nếu anh ở trong phe nào thì hưởng thành quả của phe đó. Nhưng ngày nay chiến tranh thương mại không rõ rệt như chiến tranh quân sự. Đồng minh với anh thắng thì ít tồi tệ hơn, còn đồng minh với anh thua thì rất tồi tệ. Nhìn chung là thế. Khi anh ở phe thắng thì nhiều cơ hội hơn, còn ở phe thua thì quẫn bách, ít cơ hội. Thế thôi. Từ đó mà suy ra Việt Nam như thế nào.

Đi vào những chuyện cụ thể thì phức tạp hơn nhiều. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra, thương mại thế giới tất yếu ảnh hưởng, có thể suy thoái. Không nước nào cơ chế thị trường nằm ngoài ảnh hưởng ấy. Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn các nước khác. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 213 tỷ đô, nhiều nhất sang Mỹ hơn 41 tỷ, sang TQ hơn 35 tỷ (số lấy tròn cho tiện). Mỹ không chiến tranh thương mại với VN, phần lớn hàng VN xuất sang Mỹ là nông sản và công nghiệp nhẹ, nhưng vì Mỹ đánh thuế hàng nhập của TQ và các nước khác là các loại hàng nguyên liệu, khiến cho chi phí sản xuất tăng lên. Kim ngạch nhập khẩu của VN từ TQ rất lớn (58 tỷ), và nhập hàng nguyên liệu từ các nước phát triển, nên vẫn những hàng hóa đó, kim ngạch nhập khẩu sẽ tăng lên, tạo một vòng xoáy nâng giá thành sản phẩm, giảm hiệu quả kinh tế. Đó chỉ là một nhánh rất nhỏ, ví dụ về ảnh hưởng xấu.

Kể cả Mỹ có thắng lớn đi chăng nữa, thì nước Mỹ vẫn vĩ đại một mình chứ không chia sẻ chiến thắng cho ai.

Ảnh hưởng lớn nhất không phải là lĩnh vực xuất nhập khẩu với các con số thống kê (lĩnh vực mà 2 nước Mỹ, Trung trực tiếp tuyên chiến) mà là ảnh hưởng đến thị trường tài chính, các cân đối vĩ mô và điều hành kinh tế.

Thị trường chứng khoán TQ đỏ rực, lập tức ở VN và các nước châu Á cũng không thể bàng quan. Việt Nam là nước quan hệ kinh tế khá chặt với TQ, ảnh hưởng tâm lý với các nhà đầu tư khá dữ dội. Họ bắt đầu rút vốn và cảnh giác nghe ngóng. Cộng với tính chu kỳ một cách khách quan và không khí chính trị “đốt lò”, mà chứng khoán VN mất khoảng 300 điểm. TQ bay 3000 tỷ đô tính từ 06/7, thì VN cũng mất tiền hàng trăm tỷ.

Từ khi nhen nhóm chiến tranh thương mại, TQ đã tính đến chuyện chuyển hàng xuất khẩu đi Mỹ theo đường vòng. Thủ đoạn láu cá là các tỉnh biên giới lập các khu chế xuất dãn nhãn “Made in Vietnam”. Có tin đồn, có doanh nghiệp VN đã nhập nhôm TQ trung chuyển để xuất đi đâu đó, chắc là “tráng men” xuất xứ để xóa nhãn Made in China. Sức ép chịu ảnh hưởng dây chuyền kiểu domino từ Trung Quốc là rất lớn. Sức ép lôi kéo VN vào vòng ảnh hưởng của TQ càng tăng lên. Vì cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung không đơn thuần là kinh tế, mà là cuộc đấu chính trị, “ai thắng ai” giữa hai hệ thống chính trị, nên nguy cơ cao VN bị cuốn vào cuộc chiến chính trị với nước Mỹ, thì đó là một tổn thất lớn nhất, không có con số thống kê kinh tế nào sánh được.

Ví dụ về nhận định trên đây, có thể thấy rằng, trong cơn khó khăn do hậu quả chiến tranh thương mại, TQ sẽ không đủ vốn để đầu tư ở nước ngoài như toan tính ban đầu, những dự án trong đại sự “Một con đường, một vành đai” chưa chắc đã toàn vẹn. Nếu Việt Nam có những dự án TQ nằm trong kế hoạch này, thì càng rất nên cảnh giác và nguy cơ cao. Cụ thể, các dự án đầu tư vào 3 đặc khu của Việt Nam (đoạn đầu Vành đai – Con đường) nhiều khả năng sẽ rút ngắn chu kỳ tiến đến mục tiêu của họ, cắt bỏ mục tiêu kinh tế, mà phần lớn sẽ giải quyết các vấn đề xã hội của TQ (đưa sản xuất lạc hậu sang VN, dán nhãn Made in VN để xuất, gây ảnh hưởng chính trị xã hội…). Hậu quả rất lớn, rất khó lường.

Tất nhiên, trong nguy cơ lớn thì cũng có nhiều thời cơ. Cách đây vài năm, từ khi Obama còn tại vị, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tính nước chuồn khỏi TQ, và đây chính là thời cơ của VN. Samsung là một minh chứng. Ngoài ra, những sản phẩm chịu thuế của TQ vào Mỹ, thì VN có thể chen vào, nhưng chuyện này chưa xảy ra, chủ yếu là nguồn gốc sản phẩm chưa minh bạch. Đây cũng là một thời cơ bị bỏ phí. Một thời cơ lớn nữa, đã bị VN bỏ phí, tức là trong khi Mỹ Trung bận rộn, đáng lẽ VN nên mở rộng hội nhập kinh tế, nhưng đáng tiếc lại xảy ra các sự kiện khiến căng thẳng quan hệ với Đức, làm chậm tiến trình giao lưu kinh tế với EU. Việc đó chỉ có lợi cho đối thủ của Mỹ mà thôi. Những toan tính lợi dụng VN của TQ như dán nhãn Made in VN cho hàng TQ chỉ làm cho uy tín của hàng VN bị tổn thương, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tham gia các FTA của VN. Hoặc TQ sẽ đẩy nhanh việc lôi kéo VN vào hệ thống thanh toán, hệ thống mạng của TQ, điều mà đáng lẽ VN nhân Mỹ Trung căng thẳng là cơ hội thoát ra thật nhanh chóng, nếu không muốn chết chùm cùng TQ.

Dân gian có câu: Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Có cái chết do bị trâu bò đánh đòn lạc vào, có cái chết do… ăn no quá. Ruồi muỗi được bữa máu của trâu bò, ăn không tiết chế cũng chết. Những nền kinh tế nhỏ hơn nhiều so với Mỹ Trung nên suy tính để thoát khỏi cảnh ruồi muỗi để sống tư thế của ngư ông. Trai cò mổ nhau, ngư ông đắc lợi. Sao không coi Mỹ Trung là trai cò? Sao không là ngư ông, lại đang tâm cam chịu làm ruồi muỗi?

N.X.H.

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyenx1/posts/2220350244645075

This entry was posted in chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.