HỒI KÝ CỦA NGUYỄN TRUNG – “TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI”

Tô Văn Trường

Vào lứa tuổi U90 ông Nguyễn Trung vừa mới ra mắt bạn đọc tập Hồi ký tựa đề: Tôi làm “chính trị”: Những kỷ niệm và trăn trở bao gồm 3 phần. Phần một: Vào đời. Phần hai: Kẻ thất bại toàn diện. Phần ba: Suy ngẫm.

Đọc Hồi ký của Nguyễn Trung, tôi có cảm giác giống như khi đọc “Thorn bird – tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Con chim đâm mình vào những chiếc gai nhọn trong bụi mận gai và cất lên những tiếng hót cuối cùng, da diết nhất và hay nhất trước khi vĩnh biệt cuộc đời.

Có lẽ Hồi ký của Nguyễn Trung mới ở dạng bản thảo (1st edition), hơi lẫn lộn giữa thể loại “Hồi ký” với thể loại “bài viết chuyên đề” hoặc “giới thiệu tiểu thuyết văn học” và viết khá dài nhưng vẫn cuốn hút được người đọc. Độc giả hoàn toàn cảm nhận được những điều tâm huyết của một bậc trưởng thượng hết lòng với đất nước, dân tộc.

Ý tưởng cốt lõi của Hồi ký Nguyễn Trung là muốn cả nước đứng lên cùng nhau tiến hành cải cách thể chế chính trị để đổi đời chính mình và đổi đời đất nước – nó phải là một cuộc cải cách của học tập, của giác ngộ và trưởng thành trên tinh thần đoàn kết, hòa giải dân tộc.

Những điều Nguyễn Trung viết và làm sẽ còn mãi, sẽ để đời, sẽ là điểu làm cho hậu thế biết ơn ông. Thành công nhất của ông là chỗ đó. Vì thế, chương “Thất bại toàn diện” không hẳn là đúng. Lịch sử và nhân dân rất công bằng. Điều quan trọng là ông đã nêu câu hỏi đúng, còn việc đưa ra câu trả lời đúng lại là “sứ mệnh” không của riêng ông. Giới khoa học thường nói “ đưa ra câu hỏi đúng tức là đã giải quyết được một nửa của vấn đề”.

Xin cám ơn và chúc mừng tác giả Nguyễn Trung về cuốn Hồi ký rất công phu, tâm huyết và rất có giá trị này.

Cảm nhận về tác giả cuốn Hồi ký

Ông Nguyễn Trung sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và tích cực tham gia cách mạng, trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ với vai trò một công chức ngành ngoại giao, sau đó làm trợ lý cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Phẩm chất đặc biệt trong ông, ngoài trí thông minh là sự say mê với phương pháp quan sát kỹ lưỡng nghiêm túc những vấn đề thực tế, khả năng phân tích đa chiều rút ra những logic lý luận và bài học liên quan đến bản chất những sự kiện và biến động của đời sống chính trị xã hội của đất nước. Trong suốt cuộc đời bắt đầu từ một nhân viên nhà nước đến nay sau hàng chục năm nghỉ hưu ông không ngừng trăn trở với câu hỏi “tại sao Việt Nam không chịu phát triển?” và liên tục không mệt mỏi đề xuất/kiến nghị bằng con đường trực tiếp hay thông qua xuất bản về vấn đề “Đảng Cộng sản Việt Nam cần cải tổ chính trị là điều kiện để đất nước phát triển” nhiều khi dẫn đến những hệ lụy đau buồn cho bản thân và đồng chí của ông, đến cả lãnh đạo của ông.

Với những sản phẩm của ông đã công bố và sự hoạt động tích cực của ông trong trách nhiệm một công chức nhà nước cũng như tham gia các tổ chức dân sự từ khi nghỉ hưu thể hiện ông là một trí thức yêu nước tài giỏi, sâu sắc, hoài cổ và cũng bay bổng đúng chất sỹ phu Hà thành, tuổi đã cao nhưng bút lực vẫn dồi dào, trí tuệ vẫn mẫn tiệp đáng nể. Mặc dù những vấn đề của đất nước nêu trong hồi ký không mới, nhưng những luận giải về sự kiện diễn biến trên thế giới và ở Việt Nam, thông tin và kiến nghị có cơ sở khoa học của tác gỉa vẫn làm người đọc thêm một lần chau mày, suy nghĩ.

Trong những lúc “dầu sôi lửa bỏng”, đất nước lâm nguy như thế này mới thấy giá trị về những đóng góp của ông Nguyễn Trung và càng cần có nhiều hơn nữa như mong mỏi của ông, những trí tuệ truyền thống Diên Hồng của những chí sĩ đóng góp vào tiến trình chuyển hóa, hồi sinh của nhân dân, của đất nước.

Ông Nguyễn Trung thành công trong việc bộc lộ khí tiết của một sĩ phu có tâm huyết, trí tuệ, nhưng tâm sự của ông rất khó tác động được lên não trạng của lãnh đạo (do ý thức hệ và đặc quyền của một số người) dù họ có hiểu hay không.

“Nồng nàn tâm huyết thưa thành quả

Gieo trăm gặt một thế cũng là

Được bao nhiêu cũng là được cả

Một thời khô héo một thời hoa”

(Thơ Việt Phương)

Đất nước này là của tất cả chúng ta. Không kể đến những chuyện khác, ở góc độ nhận thức – phải có những trào lưu thảo luận những vấn đề hệ trọng của đất nước như những vấn đề được đặt ra trong cuốn sách này thì mới “khai dân trí, chấn dân khí” được.

Nhiều đoạn trong nội dung Hồi ký của Nguyễn Trung như tiếng cồng, tiếng chiêng của Tây Nguyên hùng vĩ, là tiếng sóng gầm trong bão của biển Đông đang ôm ấp đất nước còng lưng hình chữ S mảnh mai đầy đau thương, bất hạnh này. Đó là tiếng lòng chắt lọc từ trí tuệ của người trí thức yêu nước, lão thành cách mạng có trái tim hàng đêm rỉ máu trước vận nước.

Con người và thể chế cũng như kinh tế và chính trị là quan hệ nhân quả và là huyết mạch của vấn đề Việt Nam hiện nay. Thực trạng đất nước hôm nay nhiều chuyện buồn hơn vui bởi vì càng ngày, càng phát hiện thêm nhiều ngõ ngách buồn bởi mọi người đều nhận thức được rằng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội chúng ta đang ở tình trạng tụt hậu, đó là căn bệnh trầm kha mà chủ trương chính sách đang loay hoay chữa trị các triệu chứng!.

Lịch sử đã cho thấy nhiều bài học, một đất nước nhỏ bé, lách một cách tối ưu giữa các cường quốc chỉ có thể được khi người lãnh đạo rất tỉnh táo và có một đội ngũ tham mưu dũng cảm có đủ tri thức phân tích thông tin đa chiều một cách khoa học để từ đó lựa chọn đưa ra được quyết sách cho sự phát triển tiến bộ.

Đặc điểm của Hồi ký

Viết Hồi ký, nhất là Hồi ký liên quan đến những vấn đề chính trị như ông Nguyễn Trung rất khó. Cuốn Hồi ký này chỉ mang một ít chất liệu hồi ký ở phần đầu, còn phần lớn nội dung có thể gọi là một chuyên khảo – công trình nghiên cứu thông qua các phân tích và luận giải của tác giả về thực trạng, thời cơ, những thách thức về điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử hết sức quan trọng từ sau ngày đất nước thống nhất 1975 đến nay với những biến động phức tạp về quan hệ quốc tế. Ông đã chọn một cách tiếp cận đúng, đó là chỉ kể những sự việc cụ thể mà mình biết, mình có tham gia, nên những sự việc và nhân vật trong cuốn truyện còn có giá trị tin cậy trung thực về tư liệu lịch sử.

Hồi ký là của một người, cho nên chắc chắn phải viết nhiều về hoạt động của người đó. Khó nhất là viết sao cho khách quan. Một số ông bà lớn làm Hồi ký bị người ta chê ít được quan tâm là chỉ vì “bốc thơm” mình, hạ thấp người khác. Đọc xuyên suốt cuốn sách, thấy tác giả Nguyễn Trung là người có nhân cách, không làm điều đó, dù là sơ ý, hay vô ý.

Viết hồi ký không chỉ là kể chuyện mà qua câu chuyện, cần thể hiện được những chiêm nghiệm và quan điểm của mình. Có những cuốn sách thể hiện khá thô. Ông Nguyễn Trung là một nhà ngoại giao lão luyện, một người từng có điều kiện trải nghiệm và được quan sát một số hoạt động chính trị ở “tầng cao” và một ngòi bút tinh tế có cách thể hiện thỏa đáng, thuyết phục nên cuốn hút được người đọc.

Vì sao cần có hội thảo

Người trăn trở, nặng lòng với đất nước như ông Nguyễn Trung là rất đáng trân trọng. Đây không hẳn là cuốn Hồi ký đơn thuần vì có “lai ghép” những vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng đang diễn ra trên cả nước, gắn với sứ mệnh của cả dân tộc. Cuốn sách thể hiện những day dứt, trăn trở và đau đớn của một người đảng viên – một công chức, một công dân có trách nhiệm với Đảng và có trách nhiệm, nặng lòng với đất nước, nêu những vấn đề chiến lược rất quan trọng, được viết với giọng văn đầy xúc cảm. Với một tư duy mạch lạc, tầm lòng đau đáu vì đất nước, dân tộc và trải nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú trong một thời gian dài, tác giả đã đưa những chủ đề rất có tầm, phản ánh chính xác những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước cũng như ưu tư của rất nhiều người.

Chắc chắn những luận điểm nêu trong cuốn sách sẽ gây tranh cãi giữa các tư duy khác nhau. Các câu chuyện lịch sử của chính tác giả thì tác giả chịu trách nhiệm về độ xác thực và nhiều luận điểm có thể được kiểm chứng qua thời gian. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, người đọc hoan nghênh sự ra đời của cuốn sách này.

Vì cuốn sách không chỉ là Hồi ký thuần túy về cuộc sống và đời tư của một cá nhân công chức, mà nội dung của nó chủ yếu tổng kết nhiều vấn đề nghiên cứu đã được công bố trên báo và tạp chí, những kiến nghị công khai tới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nên thiết nghĩ và mong muốn các nhà lãnh đạo đất nước, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội đồng lý luận trung ương,… có thể tổ chức tranh luận công khai về ý nghĩa và đánh giá khách quan nội dung cuốn sách này trên tinh thần khoa học, tôn trọng sự thật. Nếu không, dễ xảy đến tình trạng ồn ào thiếu căn cứ ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội như sẽ có những bài trên báo chính thống phản bác theo cách thường thấy (nhưng khả năng thuyết phục thấp!), và ngược lại trên mạng xã hội, trong dư luận sẽ có những khen ngợi cũng theo cảm tính và dễ dẫn đến ca ngợi một chiều gây băn khoăn tò mò trong công chúng.

Ngẫm suy

Cuốn hồi ký của ông Nguyễn Trung có nội dung xuyên suốt về sự nhận thức chính trị xã hội, ý thức và việc thực hiện trách nhiệm cá nhân ông trong cả cuộc đời từ một học sinh trong nhà trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đến nhân viên rồi công chức Bộ ngoại giao (Phần 1: Vào đời), trợ lý Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (Phần 2: Kẻ thất bại toàn diện), sau cùng là hoạt động của một công dân – đảng viên là cán bộ hưu trí (Phần 3: Suy ngẫm).

Phần 1 của cuốn hồi ký ông Nguyễn Trung đưa các sự kiện hoạt động của ông trong ngành ngoại giao từ khi là nhân viên tham gia cải cách ruộng đất, đi học đại học tại trường Karl Marx – CHDC Đức trải qua các chức vụ Tham tán đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Đức, rồi quyền Đại sứ tại Úc, Đại sứ tại Thái Lan, Vụ trưởng tại Bộ Ngoại giao. Đây là giai đoạn có những chuyển biến quan trọng trong kinh tế xã hội ở Việt Nam: Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước 1975. Với ông Nguyễn Trung trong thời gian học tập được tìm hiểu thực tế về nhà nước CHDC Đức và sự lãnh đạo tư tưởng của Đảng Xã hội thống nhất Đức, thực thi nhiệm vụ ở nước ngoài được tiếp xúc với nền kinh tế thị trường ở chế độ tư bản cũng như không ngừng dành sức lực trí tuệ học hỏi từ các nguồn tài liệu khác nhau,… nói chung từ thực tiễn đã giúp ông (và nhiều lãnh đạo và đồng nghiệp của ông) sớm nhận ra nhiều điều bất cập về nhận thức không đầy đủ về xã hội của nền giáo dục XHCN (tư bản là xấu xa, bóc lột,…), của mô hình nhà nước dựa trên học thuyết Marx-Lenin do Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo, kinh tế kế hoạch hóa.

Tuy vậy, trong vạch kế hoạch chính sách, triển khai thực hiện nhiệm vụ ông và những người như ông thường nhìn nhận mọi vấn đề một cách khách quan và, vì vậy, dễ bị những người chủ quan duy ý chí chụp cho cái mũ là “sai đường lối”.

Chính các lãnh đạo của ông ở Bộ Ngoại giao như Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Thứ trưởng Trần Quang Cơ đã bị loại khỏi diễn đàn chính trị bởi không ủng hộ những điều kiện thiếu tôn trọng của Hội nghị Thành Đô, những người cầm lẽ phải vẫn thất bại – một sự trớ trêu xẩy ra không chỉ một lần trong lịch sử Việt Nam. Có lẽ khi tiếp thu được đầy đủ hơn những kiến thức văn minh của nhân loại, nhận thức về sự vật khách quan hơn nên ông mới coi hay gọi phần này là “vào đời”. Mặc dù ông luôn giữ quan điểm “chính trị là thối nát”, nhưng suốt cuộc đời, kể cả khi về hưu ông vẫn hết sức quan tâm đến chính trị: lòng trăn trở, ra sức nghiên cứu các luận cứ khoa học và thực tiễn, đề xuất góp ý cho Đảng cải tổ chính trị tiến đến xây dựng mô hình “Kinh tế thị trường – Nhà nước pháp quyền – Xã hội dân sự” là điều kiện có tính quy luật để đất nước phát triển cùng xu thế thời đại.

Phần 2 là thời gian ông Nguyễn Trung làm trợ lý cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt đầu thập niên 90, khi ông đã tích lũy được vốn kiến thức khoa học và thực tiễn về kinh tế và xã hội khá phong phú lại được phò tá một lãnh đạo đứng đầu Chính phủ – một Anh Sáu có tấm lòng với đất nước, rất biết lắng nghe và sẵn sàng tiếp thu giá trị trí tuệ phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, có thể nói là tâm đồng ý hợp và cơ hội có thể làm được điều gì mong đợi cho dân tộc. Ngoài các công việc hoạt động của Chính phủ trong giai đoạn sôi động mở cửa cho nền kinh tế thị trường, Nguyễn Trung đã cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt dày công xây dựng một bản kiến nghị (thư 09-8-1995) cải tổ chính trị nhằm đưa Cương lĩnh của Đảng CSVN tiến đến thành một đảng dân tộc, tiến đến xây dựng đất nước có đủ các trụ cột cần thiết cho phát triển đồng thời có điều kiện ngăn chặn những thế lực gây nguy cơ mất an ninh và cản trở sự phát triển và tôn trọng độc lập của Việt Nam. Tiếc thay, công sức của các ông không những không được tiếp nhận mà còn gây nhiều hệ lụy khiến một số cán bộ (như ông Lê Hồng Hà – Bộ Công an,…) bị kết án vào vòng lao lý.

Ông Nguyễn Trung tự nguyện kết thúc sự nghiệp công chức ở đây, kết thúc ước nguyện của người đảng viên muốn cống hiến cho sự phát triển của đảng đã không thành công. Ông đặt tên cho phần này là Kẻ thất bại toàn diện. Thật xót xa, xin chia sẻ với ông!

Trong phần này, ông không chỉ phân tích các vấn đề kinh tế xã hội của đất nước và diễn biến quốc tế đăng trên báo Đảng và tạp chí chuyên môn, ông còn viết và xuất bản những tiểu thuyết (Dòng đời, 2006, Lũ 2012,…) để phản ánh những xu thế phát triển bất ổn xã hội và sự băng hoại phẩm chất của đảng viên.

Từ khi về hưu, ông tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức dân sự, tổ chức Phi chính phủ (NGO) qua đó đã thu thập nhiều chứng cứ về những thiếu sót cho việc đầu tư thiếu cẩn trọng không hiệu quả và gây ô nhiễm trầm trọng (Bauxite Tây Nguyên, khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh,…) có nhiều kiến nghị cho Đảng và Nhà nước về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 vv…

Phần 3 này, Nguyễn Trung tổng kết khá đầy đủ cũng như kiểm nghiệm những lập luận trong thời gian trước đây về những cơ hội đã bị bỏ qua, những thách thức hiển hiện ngày càng nặng nề kìm hãm sự phát triển: đặc biệt là sự tham nhũng tràn lan, nhóm lợi ích không chỉ gây khó khăn cho hoạt động kinh tế và thực sự đã thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN tại Đại hội XII năm 2016. Tình hình chính trị và kinh tế quốc tế diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là vấn đề Trung Quốc đang trở thành số 1 thế giới đe dọa trật tự quốc tế trong đó vấn đề Biển Đông thực sự đã gây sức ép lên an ninh chủ quyền của Việt Nam. Kinh tế chính trị Việt Nam ngày càng phụ thuộc nặng nề vào quyền lực mềm của Trung Quốc.

Ông Nguyễn Trung đã dành nhiều thời gian công sức phân tích, lập luận về sự cần thiết và khả năng tự cải tổ chính trị của Đảng Cộng sản VN tại Đại hội XII bằng những phương án giao cho tổ chức không xung đột bè phái với nguyên tắc “không hồi tố” sẽ đem lại thành công tạo ra cơ hội đổi mới chính trị cho Đảng. Ông kịch liệt phê phán chính sách dựa vào ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua luật Đặc khu kinh tế Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc.

Đồng cảm với suy tư day dứt của ông Nguyễn Trung, mặc dù mệt mỏi, lo lắng, nhiều lúc bất an nhưng trong thâm tâm của nhiều người dân Việt Nam vẫn luôn tin tưởng đất nước vẫn có thể hồi sinh và phát triển mạnh mẽ nếu có được sự lãnh đạo can đảm, sáng suốt, đúng đắn. Đặc biệt là vẫn luôn phải hy vọng vào nhân dân vì chắc rằng nhân dân sẽ biết lúc nào và như thế nào để lựa chọn con đường của mình.

Trong cuốn sách, của ông Nguyễn Trung có đưa ra một số kiến giải, nhưng vẫn còn bí về lối ra thật hữu hiệu cho đất nước trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên đó mới phản ánh quan điểm riêng của ông, còn câu hỏi cách nào là hữu hiệu nhất có thể vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngày nay với một thế giới phẳng và mục tiêu phấn đấu chung của thế giới là bảo vệ môi trường trái đất và cuộc sống hạnh phúc cho mọi người, không còn vấn đề ai thắng ai, đã chứng minh và phổ biến rộng rãi mô hình “Kinh tế thị trường – Nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự” không phân biệt Đảng hay lực lượng nào nắm quyền đem lại lợi ích tốt nhất cho phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia. Mọi lập luận và quan điểm của ông Nguyễn Trung nhằm kêu gọi lãnh đạo Đảng CSVN cải tổ chính trị hướng tới mục tiêu này. Trước đây, các nhà nước XHCN dựa trên học thuyết Marx-Lenin chưa/và chưa thể đề cập đến điều này, nhưng gần đây các nhà nước XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã phải bổ sung nền kinh tế XHCN cũng tiếp thu phát triển kinh tế thị trường có màu sắc/đặc thù riêng. Vậy tại sao các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học ở các nước kinh tế kém phát triển không nghiên cứu những lý luận để tìm ra mô hình tương tự như đang thịnh hành áp dụng cho mục tiêu phát triển kinh tế? Nếu Việt Nam nghiên cứu một cách nghiêm túc vấn đề này thì cuốn hồi ký-chuyên khảo của ông Nguyễn Trung là một đóng góp lớn cần tham khảo.

Bàn rộng ra, thì cũng không phải chỉ có nước ta đang có nhiều vấn đề về lãnh đạo và quản trị của Chính phủ. Nhưng ở mức độ và trạng thái khác nhau, ngay cả nước Mỹ bây giờ cũng đang hoang mang. Châu Âu thì cũng vậy. Lãnh đạo của họ ngày càng hành động và ăn nói loạng quạng, hàm hồ. Nhưng họ có hệ thống luật pháp rõ ràng, có năng lực tự điều chỉnh cao và dân trí cao hơn, lại là cường quốc nên chắc dân đỡ lo hơn chúng ta.

Đánh giá một cách công tâm, nhìn chung Hồi ký của ông Nguyễn Trung rất có giá trị và gợi mở những vấn đề rất lớn, rất quan trọng. Điều quan trọng là ông đã nêu câu hỏi đúng, còn việc đưa ra câu trả lời đúng lại là “sứ mệnh” không của riêng ông. Giới khoa học thường nói “đưa ra câu hỏi đúng tức là đã giải quyết được một nửa của vấn đề”.

Đóng góp của cuốn Hồi ký sẽ lớn hơn nhiều nếu các vấn đề đó được xã hội, Chính phủ, giới trí thức quan tâm nghiêm túc và có những thảo luận tiếp theo trên tinh thần cầu thị. Những nhận xét, suy nghĩ của ông luôn xuất phát từ nỗi lo lắng cho số phận, sự nghiệp chung của dân tộc và đất nước. Đọc Nguyễn Trung mà càng thấy thương cho nước mình suốt bao năm qua đã chọn sai đường đi, đã lấy sự tồn vong của quyền lực toàn trị của Đảng làm mục đích tối thượng. Niềm tin giáo điều vào ý thức hệ lỗi thời thành tấm màn che mắt khiến các vị lãnh đạo không còn nhìn thấy thực tiễn đã và đang diễn ra thế nào. Hồi ký của ông nói chung có ích cho những người tâm huyết với việc chung, hay suy ngẫm việc nước, việc đời.

Lời kết

Cuốn hồi ký hay đúng hơn cuốn chuyên khảo của ông Nguyễn Trung là một công trình nghiên cứu dày công của một đảng viên, một cựu công chức, một công dân trí thức đầy tâm huyết với nhiều vấn đề thực tiễn là một tư liệu giá trị, một quan điểm nghiêm túc đáng tham khảo.

Như một “Sỹ phu Bắc Hà” chân chính, ông Nguyễn Trung vẫn luôn nặng lòng với đất nước, cố gắng làm tất cả những gì trên vị trí của mình để phục vụ đất nước và sự nghiệp tiến bộ kể cả khi đang còn công tác hay trở về làm một công dân bình thường, bất chấp những khó khăn, rủi ro có thể xảy ra cho bản thân mình.

Nguyễn Trung như người thợ xây, luôn nung nấu ý tưởng phải sửa/cấu trúc lại/đập bỏ căn nhà cũ nát để có một nơi ở tử tế. Ông có rất nhiều nguyên vât liệu, và tin vào chất lượng của chúng. Nếu được xã hội và những người lãnh đạo hiện nay thực lòng quan tâm, tôn trọng các ý kiến phản biện khác biệt với thái độ khoa học, có căn cứ xác đáng thì những điều chắt lọc đắt giá như “rút ruột” từ Hồi ký của Nguyễn Trung sẽ có hiệu quả rất tốt.

Nhưng rất tiếc là những ông chủ của căn nhà cũ, tuy biết là nó không ở được, nhưng không dám tiến hành sửa chữa, cũng không tin ý kiến của ai, thậm chí còn tặc lưỡi: “Vẫn ở tạm được, cứ vá víu rồi tính sau” mặc cho tâm trạng bất an, nguy cơ khi nhà đổ/ tầu chìm.

Lối ra nào cho đất nước để những người lãnh đạo hiện nay chấp nhận được, biết nhìn lại mình cho rõ hơn và biết vượt lên chính mình, đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên tất cả, đó không phải chỉ là câu hỏi day dứt của riêng ông Nguyễn Trung.

Người dân nước nào cũng mong muốn có người lãnh đạo tài giỏi. Ở VN mong muốn này càng cháy bỏng. Đã có rất nhiều người Việt khá thành công ở nước ngoài vì họ được nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường thực sự tốt và thuận lợi cho sự phát triển của hiền tài. Cải tổ thể chế và phát huy dân chủ là việc làm đầu tiên của Việt Nam nếu muốn có được hiền tài phục vụ sự phát triển bền vững của quốc gia. Trong những lúc “dầu sôi lửa bỏng”, đất nước lâm nguy như thế này mới cần có những chí sĩ phải có một tầng lớp trí thức tinh hoa đủ trí tuệ thuyết phục đóng góp vào tiến trình chuyển hóa, hồi sinh của nhân dân, của đất nước.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.