Thư giãn Chủ nhật: Nhân giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 19, 2010 tại Nam Phi – Bóng đá theo tôi đi khắp thế giới

Lễ khai mạc giải vô địch bóng đá thế giới 2010

Lễ khai mạc giải vô địch bóng đá thế giới 2010

Còn có mấy ngày nữa là giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 19 bắt đầu tại Nam Phi, lần đầu tiên diễn ra tại Châu Phi. Với tôi, đây cũng là lần đầu tiên có điều kiện theo dõi toàn bộ các trận đấu mà không phải vướng víu bởi công việc hàng ngày. Trong những ngày nghỉ hưu này, tôi có thể thỏa thích để mắt vào những màn tranh hùng sôi nổi qua các kênh truyền hình.

Đã từ lâu, cũng như đông đảo cánh đàn ông, tôi thuộc loại người say mê bóng đá. Hồi còn học trung học tại Sài Gòn, tôi vẫn hay chơi đá bóng. Những buổi tập luyện trên sân vận động, những buổi đá bóng giao hữu của lớp tôi với các lớp khác, tôi đều có mặt. Tôi hay thủ vai hoặc tiền vệ cánh biên phải hoặc thủ môn. Lên đại học, đi du học tại Bỉ từ năm 1960 vì phải lo học hành cho kịp bè bạn xứ người, tôi chỉ còn thì giờ thỏa mãn sở thích mê bóng đá của mình qua màn ảnh nhỏ.

Ngoài các giải vô địch các câu lạc bộ bóng đá quốc gia, cúp toàn Châu Âu các đội bóng vô địch quốc gia, giải bóng hấp dẫn nhất xảy ra cứ bốn năm một lần là giải vô địch bóng đá thế giới. Giải này thường được tổ chức vào đầu tháng 6, nhưng không may lại trùng với giai đoạn thi cử của giới sinh viên. Tại Bỉ, chương trình các ngành đại học tương đối nặng so với các nước khác và thi cử lại rất nghiêm túc, nếu bỏ thời gian theo dõi hết các trận đá bóng giải thì chắc là không thể nào thi đỗ được. Thành ra, vì không muốn hỏng kỳ thi tháng 6, tôi đã không thể nào theo dõi đầy đủ các trận đấu. Chỉ khi nào đang ngồi học trên lầu nghe bọn sinh viên dưới từng nhất đang cổ vũ inh ỏi, la hét rung chuyển cả ký túc xá, không thể tiếp tục tập trung học nữa, thì tôi mới xuống ghé mắt xem.

Giải vô địch bóng đá thế giới gây cho tôi ấn tượng không thể nào quên là giải được tổ chức tại Mexico năm 1970. Tại giải này đội bóng Đức đã để một dấu ấn đáng ghi nhớ. Trong trận tứ kết bị đội Anh gác trước 2-0 và chỉ còn 20 phút chót, đội bóng Đức đã vùng lên gỡ hòa 2-2 để rồi cuối cùng loại đội tuyển Anh với tỷ số chung cuộc 3-2 thực hiện trong hiệp phụ. Vào bán kết gặp đội tuyển Ý vốn trên cơ, đội Đức một lần nữa đã thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường và bền bỉ của mình làm cả thế giới thán phục. Thủ quân Franz Beckenbauer đã tiếp tục thi đấu thêm 1 giờ ngay cả với cánh tay bị chấn thương khá nặng để cuối cùng chỉ chấp nhận thua cuộc 3-4 ở phút chót nhờ bàn ăn khá may mắn của trung phong Ý  Rivera.

Một giải khác, làm tôi nhớ mãi cũng được tổ chức tại Mexico năm 1986. Lúc này tôi đã giảng dạy đại học. Đây là giải thi đấu tầm cỡ thế giới mà đội Bỉ gây được tiếng vang đáng kề nhất trong lịch sử bóng đá của mình. Sau khi được vớt, thoát qua vòng đầu như là đội sắp hạng ba khá nhất, đội Bỉ đã tạo bất ngờ,  loại ngay Liên Xô tại vòng 1/8 với tỷ số đầy kịch tính 4-3. Chưa hết, vào tứ kết, đội Bỉ như vừa được thăng hoa, loại luôn đội vẫn thường đứng cao hơn mình là đội Tây Ban Nha trong hiệp đá luân lưu để rồi chỉ thua đội vô địch Argentina của Maradona tại bán kết với tỳ số 0-2. Một điều khá thú vị là trong những năm 70s về Việt Nam làm việc, khi tự giới thiệu là từ Bỉ về, các đồng nghiệp khoa học hay các học viên phần đông thường ít ai biết đến nước Bỉ. Thật vậy, nước Bỉ nào có nhãn hiệu xe hơi, đồng hồ gì đâu, còn sản phẩm xuất cảng chủ lực như cơ khí nặng, kim cương cao cấp thì lại là những thương hiệu không mấy phổ biến tại Việt Nam. Nhưng sau năm 1986, nói tới Bỉ tại Việt Nam là ai cũng biết. Tôi lấy làm lạ, hỏi tại sao thì hóa ra lý do là tại bóng đá.  Trận Bỉ thi đấu thắng Liên Xô năm 1986 đã đưa tên tuổi nuớc Bỉ đến với quần chúng Việt Nam. Thế mới biết đá bóng là một phương tiện rất hữu hiệu cho việc quảng bá thương hiệu của một nước vậy…

Nhưng sự kiện bóng đá đến với tôi như một cái duyên, có nhiều bất ngờ thú vị làm tôi nhớ mãi đó là năm «World Cup» 1998 được tổ chức tại Pháp. Đây cũng là khoảng thời gian mà các chương trình đào tạo cao học cho Việt Nam do tôi đề xướng và điều động tại Việt Nam được nâng cao và phát triển với những điều kiện tài chính dồi dào nhất. Năm ấy qua các chương trình do Bỉ và Châu Âu tài trợ, sinh viên Việt Nam được học bổng sang Bỉ thực tập khá đông. Năm học sắp hết, các học viên qua Pháp, Hà Lan cũng nhân dịp này tụ tập về Bỉ sum hợp cùng nhau.

Một đồng nghiệp của tôi, GS Khoa trưởng Pierre Beckers, một trong những vị Giáo sư Bỉ  liên tục tham gia tích cực sang thỉnh giảng tại Việt Nam, có nhã ý tổ chức một buổi họp mặt dành cho học viên Việt Nam tại tư gia… Và trong những ngày trời đẹp ấy, các buổi dạ tiệc thường tập hợp chung quanh bếp thịt nướng ngoài vườn (barbecue) với màn khai vị là những chai rượu nho được dự trữ trong hầm từ năm trước… Nhưng vì đài tuyền hình đang chiếu giải vô địch bóng đá thế giới, các sinh viên VN đồng loạt xin phép thầy Beckers cho vào phòng khách xem đá bóng. Hôm ấy, chính là ngày 13/6/1998, dân Bỉ khắp nơi ăn mừng vì vừa thủ hòa được với kình địch láng giềng Hà Lan trong trận đấu đầu tiên… Nhưng lần này Bỉ không đi xa hơn vòng 1. Sau 3 trận hòa liên tiếp chỉ thu gặt có 3 điểm, sắp hạng thứ ba, đội Bỉ đành ngậm ngùi nhường bước cho Hà Lan và Mexico đi tiếp. Không thua trận nào mà vẫn bị loại!

Ngày hôm sau tôi lên đường đi Buenos Aire, thủ đô Argentina, Nam Mỹ tham gia Đại hội Cơ học tính toán toàn cầu lần thứ IV. Trên đường bay, tôi dừng lại thăm viếng thành phố Rio de Janeiro, Brasil vài ngày và nhân dịp gặp lại một cựu học viên thân thích của mình là Reinardo Jospin, người đã từng làm luận án Tiến sỹ với tôi hướng dẫn tại Liège trong thời 4 năm. Tiến Sỹ Jospin nay đã về Brasil và được bổ nhiệm một vị trí quan trọng tại Viện Nguyên tử lực của Brasil. Anh này (có họ thúc bá với cựu Thủ tướng Pháp) đón tiếp tôi rất nồng hậu và dành cho tôi một bữa tiệc sang trọng tại một quán ăn trung tâm thành phố. Sau đó, chúng tôi thả bộ theo bãi biển danh tiếng Copacabana để hóng mát. Bãi biển hôm ấy rất khác thường, đông nghẹt người với những hồi náo động cỗ vũ, kèn trống nhảy múa không khác những ngày có Carnaval tại Rio. Người dân lôi đài ra bãi biển, vừa tắm biển vừa chờ xem đá bóng. Tôi khá bất ngờ nhưng cũng rất thích thú hòa mình trong khoảnh khắc nồng nhiệt đặc biệt này: xem đội Brasil đá bóng cùng với người Brasil ngay tại Rio. Đó là trận Brasil-Maroc ngày 16/6/1998 và Brasil đã thắng 3-0.

Ở Argentina, tôi nhớ ngày cuối cùng, nán lại chờ đợi nghe một công bố khoa học mới mẻ đến từ một đồng nghiệp người Mỹ. Nhưng hôm ấy phòng họp chỉ còn lưa thưa vài người. Giờ giải lao cũng vắng bóng các tiếp viên phục vụ cà phê, nước ngọt. Hỏi ra thì có người cho hay là hôm nay ban tổ chức đang bận bịu vì một trận đá bóng đầy hứa hẹn. Tôi thử rời phòng họp,  đến phòng tiếp tân của khách sạn, nơi có chuẩn bị một đài TV có kích thước cỡ lớn. Vừa bước ra khỏi thang máy, tôi đã nghe vang lên tiếng hò reo từ sảnh khách sạn, đặc biệt là những âm vang rú lên trong đó có giọng cao vút của phụ nữ. Phụ nữ Argentina rất đam mê bóng đá! Tôi đi đến gần cố tìm cho được một chỗ ngồi còn sót lại: té ra ra đây là trận đấu Argentina-Anh kéo dài với nhiều kịch tính và kết quả là đội Anh bị loại sau đợt đá luân lưu (ngày 30/6/1998). Lần này Argentina cũng không đi sâu vào vòng trong bao nhiêu vì bị Hà Lan hạ 2-1 ở tứ kết. Chẳng ai buồn trở lại phòng họp, các buổi công bố khoa học chấm dứt trước giờ định sẵn, trận đá bóng đã chiếm lĩnh sân chơi và mọi người chỉ còn chút thời gian ngắn ngủi trở về khách sạn để chuẩn bị cho dạ tiệc bế mạc Tango Argentina được tổ chức sau đó.

Ngày 7/6  xong Đại hội Cơ học, tôi ra sân bay Ezeiza lấy máy bay về Bỉ, máy bay của hãng VARIG, một hãng máy bay Brasil. Giờ bay đã đến, máy phóng thanh cho biết máy bay sẽ phải cất cánh trễ. Chờ thêm một tiếng mà máy bay vẫn chưa chuẩn bị lên đường. Nóng lòng lo ngại về Bỉ không kịp ngày đi nghỉ hè cùng với gia đình tại miền Nam nước Pháp, tôi đi tìm hỏi lý do. Và lý do chẳng có chi lạ. Đoàn phi hành người Brasil phải xem cho xong trận đá Brasil-Hà Lan mới chịu cho máy bay cất cánh. Thế là tôi cũng phải vui vẻ vào phòng xem trận đấu chung với các phi công và đoàn tiếp viên. Trận đá này cũng rất hấp dẫn và kéo dài cho đến mục đá luân lưu.  Giờ bay đã trễ gần hai tiếng, nhưng mọi người đều hả hê. Ai cũng biết Brasil đã thắng Hà Lan và sau đó vào chung kết với Pháp, nước chủ nhà.

Về Bỉ đúng ngày dự định, tôi lại chuẩn bị đưa gia đình đi nghỉ mát tại miền Nam nước Pháp bằng xe hơi riêng. Tôi đã thuê sẵn từ nhiều năm nay cho ba tuần đầu tháng 7 một caravan (một căn hộ di động nhỏ) trong một trại nghỉ hè, cách thành phố Marseille 50 cây số. Ngay ngày mới đến tôi đã thấy khu trại nhộn nhịp sắp xếp bàn ghế, treo màn ảnh lớn, chuẩn bị tiếp đón truyền hình trận chung kết Pháp-Brasil. Lái xe liên tục qua trên 1.000 cây số trong hai ngày, tuy khá mệt, tôi cũng nhanh chân thương lượng dành cho mình và gia đình một bàn ăn có vị trí thuận lợi cho việc xem đá bóng qua truyền hình. Hôm ấy ngày 12/7/1998, tôi có được cái may mắn chứng kiến trực tiếp tại Pháp, ngay tại vùng Marseille nổi tiếng về lòng nhiệt tình với bóng đá, không khí chưa từng có của giờ phút đội bóng Pháp với Zidane lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá, đoạt ngôi vô địch thế giới. Khuôn viên khu trại như vỡ tung ra với những tiếng reo hò, và người người ôm nhau vui mừng nhảy nhót trắng đêm…

Giải bóng đá thế giới chấm dứt. Pháp trở thành nhà vô địch. Chưa bao giờ những ngày nghỉ ngơi gần gũi các bạn người Pháp lại vui đến vậy. Sau ngày ấy các bạn Pháp ai cũng hào hiệp lạc quan!

Nhưng chưa hết. Năm ấy thật kỳ lạ, bóng đá lại đeo đẳng theo tôi về châu Á! Đầu tháng 9 tôi lại phải về Việt Nam chấm luận án cho hai chương trình cao học quốc tế EMMC (Thạc sỹ tính toán xây dưng) tại Đại học Bách Khoa TP HCM và MCMC (Thạc sỹ tính toán môi trường liên tục) tại Hà Nội.  Chiều ngày 2/9  tôi có hẹn với vài người bạn tại một tiệm cà phê quận 1. Sau vài chầu bia, tôi quyết định về nhà ông anh dùng cơm chiều cùng với vợ con. Nhưng than ôi, chiều hôm ấy đường thành phố không có cách chen chân, già trẻ lớn bé ai cũng ra phố hò reo, ca hát, ăn mừng chiến thắng. Việt Nam vừa mới cho Thái Lan đo ván tại sân Mỹ Đình 3-0 trong trận bán kết giải Tiger Cup 1998! Tôi chưa bao giờ mường tượng ra thành phố HCM đông dân và ồn ào đến vậy. Từ quận 1 đi xe gắn máy về đến quận 11, tôi phải mất gần hai tiếng đồng hồ.

Vừa chứng kiến mới đây thôi sự nhiệt tình cho bóng đá ở các nước Bỉ, Brasil, Argentina, Pháp, bây giờ về đây tôi mới thấy Việt Nam là số một!

Sáng 5/9 tôi lại phải bay ra Hà Nội vì công việc đã nói. Trên máy bay tôi tự bảo tiếc quá hơi trễ, nếu không thể nào tôi cũng cố mua vé xem cho được trận chung kết Việt Nam – Singapore trên sân Mỹ Đình Hà Nội. Làm gì ngày chót mà còn hy vọng có vé cho một trận đấu hứa hẹn như vậy tại Hà Nội. Nhưng kỳ lạ, bóng đá vẫn chưa tha cho tôi. Vừa mới đặt va li xuống khách sạn thì anh Hùng, chồng của một đồng nghiệp cùng ngành với tôi tại Viện Cơ học, biết tôi đang ở Hà Nội bất chợt điện thoại hỏi thăm. Rồi không hiểu tại sao anh ấy lại hỏi ngay tôi có theo dõi bóng đá và thích xem không. Thấy tôi không nói không, anh ấy đề nghị ngay là chiều nay cùng đi với anh ấy lên Mỹ Đình xem trận chung kết, anh còn dư một vé! Tôi bảo anh Hùng thế thì may quá và yêu cầu anh ấy sớm đến khách sạn đèo tôi đi. Và anh ấy sốt sắng làm ngay. Rút kinh nghiệm tại TP HCM, tôi bảo anh Hùng phải chuẩn bị vì sau trận đấu coi chừng không về đến nhà đươc vì nạn kẹt xe. Anh Hùng đồng ý và bảo với tôi là có sẵn giải pháp. Hai chúng tôi đều nghĩ là Việt Nam sẽ đoạt Tiger Cup, Singapore không phải là địch thủ đáng gờm. Nhưng cả hai chúng tôi đều đoán sai, nạn kẹt xe đã không xảy ra. Lý do? Cú đánh đầu vớt vát vào giờ chót của một cầu thủ cao lớn người Singapore đã làm cho đại cục nghiêng về đội khách, một cú đánh đầu mà tại Việt Nam ai cũng không thể quên!

Như vậy đó, năm 1998, bóng đá như cứ theo tôi từ Bỉ sang Brasil, rồi sang Argentina rồi sang Pháp, rồi về Việt Nam, đi Nam về Bắc như một mối duyên kỳ ngộ.  Ở đâu tôi cũng may mắn chứng kiến khí thế hừng hực của người hâm mộ. Bóng đá như làm người ta trẻ ra thêm và cuộc đời thêm chất hào hứng vậy.

Năm nay 2010, vài ngày nữa giải bóng đá thế giới lần thứ 19 sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Phi Châu. Âu cũng là chuyện hợp lý. Châu Phi đã sản sinh ra rất nhiều cầu thủ thượng thặng từ nhiều năm qua. Cái làm cho ai cũng vui là ngày hội lớn này của thế giới được tổ chức ngay tại xứ sở của Nelson Mandela – bậc vĩ nhân của thế giới hiện đại, người đã đem lại dân chủ hòa bình và công bằng cho dân tộc Nam Phi, không mất một giọt máu. Ông đã từng tuyến bố: «Thể thao là phương tiện hữu hiệu có khả năng làm thay đổi cục diện thế giới, là công cụ hữu ích cho tương quan thân hữu và nền hòa bình của thế giới… ». Điều mà mọi người tự hỏi và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Sepp Blatter mong mỏi là ở tuổi 92, liệu ông còn đủ sức khỏe để có mặt trên khán đài ngày khai mạc 11/6/2010 tại Johannesburg không?

Liège ngày 8/6/2010
NĐH
HC-ĐN Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
(*) Ông Nguyễn Đăng Hưng là Giáo sư TSKH ĐH Liège, Bỉ

This entry was posted in Thư Giãn Cuối Tuần. Bookmark the permalink.