Thấm thoát đã 2 năm, Ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) đã đi xa nhưng cũng trong 2 năm ấy tư tưởng, tình cảm của Ông Sáu vẫn gần gũi với chúng ta biết bao nhiêu. Bởi vì càng ngày, người ta càng nhận thấy tầm vóc, tư tưởng, các ý kiến sắc sảo, thẳng thắn, trí tuệ và những ứng xử thường nhật của Ông đã vượt qua những ngăn cách cả về không gian và thời gian và càng trở nên mạnh mẽ, lay động đến từng con tim, khối óc con người. Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống nhất là công việc phản biện xã hội, những người thân cận, gần gũi không bao giờ quên lời nhắn nhủ của Ông Sáu :”Đừng nản chí mà phải bền bỉ hơn, sâu sắc hơn”.
Lịch sử Việt Nam sẽ còn nhắc nhiều về hình ảnh của nhân vật Võ Văn Kiệt, một con người với 2 chữ viết hoa hiếm có. Ông Sáu giữ vai trò quan trọng trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc có nhiều biến cố và nhiều thách thức nhất. Ông đã được đánh giá là người cộng sản đổi mới tư duy sớm nhất, can đảm “xé rào” khi còn là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, là một trong những kiến trúc sư của tiến trình Đổi mới. Nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước mang dấu ấn của ông Sáu. Ông chủ trương, tích cực thúc đẩy thực hiện việc thiết lập quan hệ ngoại giao làm bạn với tất cả các nước kể cả Hoa Kỳ và các nước Tây phương, cũng như việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) v.v…
Nhân kỷ niệm 49 ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về cõi vĩnh hằng, trong bài “Lỡ một chuyến đi xa” (báo Sài Gòn giải phóng), tôi đã có dịp nói lên trong trái tim của Ông Sáu còn rất nhiều điều băn khoăn, trăn trở về đất nước và con người, đồng thời nói lên tấm lòng của mình đối với Ông.
Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến Ông dưới góc độ khác, rất nhân văn, rất cần thiết trong bối cảnh đất nước hiện nay. Vĩ đại của con người không phải ở chỗ không có sai lầm (nhân vô thập toàn) mà là biết nhận ra sai lầm và biết tự sửa. Ông Sáu là người như thế! Không ít lần Ông cũng gặp phải phiền hà vì đã dám “cầm đèn chạy trước ô tô”, khi ấy ý kiến của ông còn là thiểu số phải phục tùng tổ chức. Sau này, khi có dịp nghĩ lại Ông vẫn tiếc “phải chi hồi ấy mình cương quyết, mạnh bạo hơn thì công việc chắc sẽ tốt hơn”.
Nhờ cơ duyên, ngay sau khi về nước nhận công tác ở Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam từ năm 1996, tôi thường xuyên được tiếp xúc, làm việc trực tiếp với Ông Sáu. Nhờ có Ông tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, tôi được đọc, được đi nhiều, viết nhiều và trưởng thành theo năm tháng. Khi hai “thày trò” hiểu và gần gũi nhau hơn, Ông luôn khuyến khích, động viên cùng thảo luận các vấn đề về kinh tế xã hội của đất nước, kể cả những vấn đề “nhạy cảm”.
Tôi sinh ra ở vùng quê lúa Thái Bình, đi xa nhưng vẫn mang cái chất của người nông dân nhiều khi cứ hồn nhiên tranh luận cả những vấn đề thuộc “vùng cấm”! Những giây phút cảm động nhất, kính trọng nhất, khâm phục nhất là khi được nghe Ông tâm sự rất chân thành về một vài quyết định của mình “chưa được trúng”! Trong bối cảnh ra quyết định đó, Ông là nhà chính trị trong hệ thống tổ chức, khó làm khác đi được nhưng thật sáng suốt và dũng cảm là qua kiểm nghiệm thực tế, biết lắng nghe ý kiến phản biện đa chiều, Ông tự nhìn ra những khiếm khuyết, biết sửa và biết rút ra bài học cho chính mình và các thế hệ đi sau.
Có lần một vị Ủy viên Bộ Chính trị đương chức đến thăm, định trao đổi một số công việc với Ông Sáu, chờ lúc lâu [đành] phải đi công tác xuống Đồng bằng sông Cửu Long, vì lúc đó Ông đang làm việc với một nhà khoa học. Biết chuyện, tôi hỏi nguyên nhân, Ông Sáu đáp: “Lúc đó , tao đang làm việc với GS. Tương Lai, chẳng nhẽ lại bỏ giở giữa chừng, coi nhà chính trị hơn nhà khoa học”?. Vài ngày sau, vị lãnh đạo nói trên trở lại làm việc với Ông Sáu, mọi việc kết thúc đều có hậu. Tính cách Sáu Dân là như thế cho nên trí thức cả trong Nam lẫn ngoài Bắc kể cả những trí thức Việt kiều rất khái tính đều ngưỡng mộ, tin tưởng và kính trọng Ông.
Tư tưởng, tầm vóc của Ông luôn đi trước thời đại, bởi vậy không phải ai cũng hiểu được và chia sẻ. Bằng chứng là khi Ông nằm xuống chưa được bao lâu tờ báo Văn nghệ TP HCM đã cho đăng bài đả phá tư tưởng hòa hợp dân tộc của Ông qua câu nói liên quan đến ngày 30/4. Ông thấu hiểu nỗi đau, mất mát của chiến tranh, biết bao chiến sỹ, đồng bào phải hy sinh để đất nước có ngày thống nhất. Chiến tranh đã cướp mất của ông 4 người thân yêu nhất, vợ và 2 người con nhỏ bị bom không tìm được thi thể, còn người con trai là liệt sỹ hy sinh trên chiến trường, bản thân ông cũng trải qua biết bao bao gian khổ, và không ít lần hiểm nguy vì bom đạn của quân thù. Có thể nói gia đình ông là một trong những gia đình chịu nỗi đau mất mát nhiều nhất bởi chiến tranh nên ông luôn trân trọng giá trị của hòa bình, tự do và độc lập. Trái tim đầy xúc động, nhân ái của ông không chỉ rung lên những đau thương, tổn thất to lớn không gì bù đắp nổi của đồng bào, chiến sỹ phía ta mà còn biết cảm thông, chia sẻ cả mất mát của người dân bên kia chiến tuyến. Ông hiểu rõ những vết thương trên cơ thể của đất nước, những di chứng để lại trong tâm hồn của không ít đồng bào cả 2 bên chiến tuyến. Phải là người trí thức chân chính, có tầm nhìn xa, biết nén thù nhà, đặt lợi ích của đất nước lên trên tất cả, ông Sáu mới phát biểu: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Chỉ có tư tưởng của thời đại, đủ tư cách, đủ bản lãnh như Sáu Dân mới gọi đúng tên ngày 30/4/1975 là ngày thống nhất đất nước chứ không phải là ngày giải phóng miền Nam. Đấy cũng là chất nhân văn trong con mắt đại bàng của tầm vóc lãnh tụ.
Trong những ngày này, bầu không khí nóng lên cả trong và ngoài Quốc hội về việc tranh luận 2 siêu dự án Đường sắt cao tốc Bắc-Nam và Quy hoạch Thủ đô. Nhớ lại mấy năm trước, khi Quốc hội chuẩn bị “bấm nút” về Quyết định mở rộng Thủ đô, mặc dù biết đã muộn, Ông vẫn cho công bố ý kiến trên công luận. Ông biết ý kiến của mình sẽ là thiểu số vì chất lượng của đại biểu Quốc hội và “vòng kim cô” không cho phép người dân được tiếp tục phản biện công khai về chủ trương lớn này nhưng Ông không bao giờ bỏ cuộc. Lúc đó, tôi viết bài “Mở rộng Thủ đô – Bài toán không đơn giản” phân tích về kinh nghiệm xây dựng thủ đô của các nước và các nhóm lợi ích để rộng đường dư luận, chắc họ ngại nên không đăng bài này. Khi đọc bản sao công văn có dấu “Mật” của một Tổng công ty lớn của Nhà nước vận động cán bộ nhân viên kể cả cộng tác viên vào mạng máy tính bấm nút ủng hộ chủ trương mở rộng Thủ đô, Ông Sáu bảo rằng “đây là trò chơi áp đặt của cách làm dân chủ theo quy trình ngược”! Ngay sau đó, Ông đã viết thư gửi Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm của mình và không quên nhắc những người có trách nhiệm quản lý đất nước đừng mang Thủ đô ra làm thí điểm. Đến hôm nay, nếu suy ngẫm lại, những điều ông phân tích, cảnh báo và kiến nghị đã được thực tế chứng minh là đúng đắn, thể hiện tầm nhìn xa, “con chim báo bão” nhìn trước thời cuộc. Dám nói lên sự thật, những suy nghĩ táo bạo, là bản lãnh, tính cách riêng của công dân Võ Văn Kiệt.
Ngay từ tháng 4/2010 tôi viết bài “Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam – Cần thiết chưa”? được nhiều đồng nghiệp, nhà khoa học chia sẻ. Nhớ lời nhắn nhủ của Ông Sáu lúc sinh thời “Đừng nản chí mà phải bền bỉ hơn, sâu sắc hơn” tôi tiếp tục tìm đọc tư liệu, ngẫm suy viết bài “Siêu dự án đường sắt cao tốc – Kim tự tháp của Việt Nam “ (Tuần Việt Nam ngày 24/5/2010) và bài “Động lực bấm nút”. Chúng tôi tin rằng trong những ngày qua, các vị đại biểu Quốc hội đã tiếp cận được với rất nhiều thông tin đa chiều sẽ đồng thuận với nhân dân là không đồng ý xây dựng công trình quá tốn kém, không hiệu quả và đầy phiêu lưu, mạo hiểm này đã được nhiều nhà khoa học phân tích, đánh giá rất thuyết phục dưới các góc nhìn khác nhau. Người dân mong sao được lắng nghe đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cùng với kết quả bấm nút gắn liền với danh tính để nâng cao vai trò, trách nhiệm trước cử tri cả nước.
Cuộc đời quả là có chuyện “sắc sắc không không” theo một khía cạnh nào đấy của triết lý Phật giáo, còn theo triết lý dân gian thì “ngựa Tái ông, họa phúc biết về đâu“. Thế nhưng, trong cái sắc sắc không không ấy, ngẫm kỹ, triết lý Phật trong tư duy của Ông Cha ta có những khía cạnh thật đáng kính phục. Chẳng hạn như trong lời sư Vạn Hạnh bảo các đệ tử : “Thân người như bóng chớp, có rồi trở lại không/ Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt, đến mùa thu khô héo“. Để rồi từ đó mà dẫn đến cái ý sau đây thì quả thật là cao vòi vọi : Thịnh suy của một chế độ, nhìn vào lịch sử, chỉ như “khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ” thì chẳng có gì phải bi quan cả. Nhân bàn về đạo Phật, GS Tương Lai kể cho tôi nghe mới đến thăm triển lãm thơ Thiền của nhà thơ Nguyễn Duy. Khi bàn về thơ của các vị tiền nhân, lúc sinh thời Ông Sáu có lần tâm sự “Ông cha mình dữ dội thiệt mà cũng thâm thúy vô cùng. Bọn ta còn kém xa !”.
Kỷ niệm 2 năm ngày mất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là dịp để chúng ta kiểm nghiệm lại những điều ông Sáu đã nghĩ, đã nói, đã viết và đã làm. Rõ ràng Ông Sáu Dân vẫn đồng hành cùng chúng ta bởi vì Ông là người của thời đại mà thời đại thì luôn tồn tại và hướng về phía trước. Bởi lẽ đó, hôm nay tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một lần nữa chúng ta càng thấy rõ tầm vóc của Ông là tầm vóc của thời đại, và ý chí của Ông cũng là ý chí của thời đại. Cuộc đời và sự nghiệp của Ông Sáu Dân đã minh chứng Ông luôn là một người lạc quan trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất. Điều đó, bây giờ càng trở nên có ý nghĩa khi chúng ta đang phải gồng mình để vượt qua khó khăn, thử thách về kinh tế xã hội và chuẩn bị những công việc cần thiết cho Đại hội Đảng lần thứ XI vào quý đầu của năm 2011.
Ông Sáu nhắn nhủ ‘Đừng nản chí mà phải bền bỉ hơn, sâu sắc hơn” thực ra cũng chỉ nhắc lại một câu răn dạy rất hay của Ông Cha ta mà thôi đó là “Đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Thấu hiểu đất nước muốn phát triển bền vững, việc quan trọng nhất là phải thực sự biết trọng dụng người tài như cha ông đã dạy cho nên ông Sáu đang ấp ủ đề xuất giải pháp đột phá trong công tác nhân sự của Đại hội Đảng và Quốc hội khóa tới, đặc biệt ông muốn nâng tầm vai trò của Quốc hội (cơ quan dân cử) thực sự là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Nhà nước. Ông đi sâu, tìm hiểu, góp ý xây dựng chiến lược phòng chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng vì tác động trực tiếp đến Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn. Kỷ niệm 2 năm ngày mất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là dịp để chúng ta kiểm nghiệm lại những điều ông Sáu đã nghĩ, đã nói, đã viết và đã làm. Rõ ràng ông Sáu Dân vẫn đồng hành cùng chúng ta bởi vì ông là người của thời đại mà thời đại thì luôn tồn tại và hướng về phía trước. Bởi lẽ đó, hôm nay tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một lần nữa chúng ta càng thấy rõ tầm vóc của ông là tầm vóc của thời đại, và ý chí của ông cũng là ý chí của thời đại. Cuộc đời và sự nghiệp của ông Sáu Dân đã minh chứng ông luôn là một người lạc quan trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất. Điều đó, bây giờ càng trở nên có ý nghĩa khi chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, đang phải gồng mình để vượt qua khó khăn, thử thách.
TVT