SỰ THẬT NGÀY 17/6, TÔI BỊ HỐT LÊN XE CHỈ VÌ… CHỤP HÌNH

Khánh Mai

Tôi biết mình cần phải viết. Viết để trả nợ lại ánh mắt của hàng chục con người hoang hoải, mệt mỏi và giận dữ giữa một trại tạm giữ dã chiến ngay trung tâm Sài Gòn.

Tôi biết mình cần phải viết cho lời cầu xin của một chú từ đâu ở dưới miền Tây lên, chú nói rằng, ước gì có nhà báo nào đó, chứng kiến và viết lại những sự thật từ hôm nay.

Tôi biết, mình cần phải viết để tạ tội với những con người đã dũng cảm không sợ hãi trong ngày hôm qua, còn mình thì vẫn còn hèn yếu lắm, hoang mang lắm.
Tôi viết để phơi bày một sự thật mà có thể ai đó ở ngoài cuộc sẽ bán tín bán nghi…

Trong khuôn khổ, bài viết , tôi chỉ trình bày lại những gì tôi đã chứng kiến, và không bày tỏ quan điểm gì…

Ở ĐÂY TÔI XIN KHẲNG ĐỊNH, TÔI CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ NGƯỜI ĐI KỂ LẠI SỰ THẬT… KHÔNG THÊM KHÔNG BỚT VÀ KHÔNG PHỤC VỤ CHO BẤT CỨ MỘT TỔ CHỨC NÀO.

Ngày 17/6, trong khi tôi đang cùng với ekip của mình chụp ảnh mẫu tại đường sách Nguyễn Văn Bình, thì chứng kiến được khá nhiều cảnh công an bố ráp khắp nơi, lực lượng CSCĐ dàn trận trên toàn tuyến đường. Trong lúc anh nhiếp ảnh gia đang chụp hình người mẫu ở bờ tường của quán MC Donal, tôi nhìn thấy cảnh một nhóm người đang bắt một người phụ nữ. Tôi giơ máy điện thoại của mình lên và chụp… Ngay lập tức, tôi thấy một anh thanh niên chỉ thẳng vào mặt tôi từ phía xa, và một anh khác ở gần đó chạy lại, họ hét lên:

– Chụp cái gì đấy. Đưa về đồn ngay.

Tôi phản ứng: Ủa, tôi có làm gì đâu?

Nhưng, ngay lập tức tôi bị đẩy lên xe cùng với một chị phụ nữ đang gào khóc.

Họ nhét tôi vào giữa xe. Trên xe chỉ có tôi, chị phụ nữ bị bắt, 2 anh thanh niên, và 1 chị phụ nữ khác ngồi ở trên. Rồi xe nhanh chóng lao đi. Tôi vội vàng định bấm máy điện thoại để nhắn tin cho người nhà biết, thì chàng thanh niên trẻ, giật phắt điện thoại trên tay tôi, rồi lướt lướt xem và tịch thu…

Thời điểm đó, tôi khá bình tĩnh, nhưng cũng không kém phần hoang mang. Tôi nhẹ nhàng hỏi:

– Sao vậy? Ta đi về đâu vậy em?

– Về rồi biết…

– Sao em phải nói nặng nề vậy?

Im lặng…

Tôi bị đưa về một trại tạm giữ nơi đó đã có khá đông người ngồi sẵn. Đó là một căn phòng rộng, được dựng tạm bên sân bóng của công viên Tao Đàn, đường Huyền Trân Công Chúa. Phía trên có lớp tôn và phía dưới trải tấm bạt. Rất đông người la lết nằm ngồi một góc ở phía đó.

Sau những phần tạm giữ, hỏi han, tôi xếp hàng để được lăn tay, chụp hình cùng với tấm bảng ghi rõ họ tên của mình. Điều mà tôi thường được thấy trên tivi dành cho những kẻ phạm tội. Điều an ủi duy nhất của tôi là anh công an lăn tay khá dễ thương, anh nói hết sức nhẹ nhàng: “Chút xíu nữa là xong rồi chị”.

Công an, lực lượng dân phòng, cán bộ văn phòng được huy động làm việc một cách tích cực…

Lần đầu tiên, chứng kiến cảnh tượng cả đoàn người lê lết nằm ngồi, bị lăn tay, chụp hình với tôi là một kí ức khó quên. Tự nhiên, thấy mình bị ám ảnh bởi câu chuyện về “Nhật ký Anne Frank”.

Ở giữa một nơi quá nhiều những công an, tách biệt với thế giới bên ngoài, và không ai biết chúng tôi ở đâu để đi tìm. Chúng tôi cô độc và đâu đó là những nỗi lo sợ. Tôi có năn nỉ chị nữ văn phòng nhìn khá thân thiện là cho tôi gọi 1 cuộc về cho chồng tôi kẻo anh lo lắng, và tôi còn 2 con nhỏ, nhưng chị từ chối. Tôi tự hỏi, nếu như không có ai đó nhìn thấy tôi thì làm sao người nhà tôi biết được tôi bị công an bắt? Họ có thể dáo dác đi tìm khắp nơi, và lo lắng biết bao nhiêu thứ.

Cùng hoàn cảnh với tôi, có một chị đứng gần tôi, chị nói chị đi lễ nhà thờ, đang quay cảnh người dân bị bắt thì bị lôi lên xe. Có anh kia vào can ngăn cho chị, cũng bị lôi lên xe. Gia đình và bạn bè của chị hầu như không ai biết chị ở đâu.

Tôi để ý thấy, những ai không bị nghi ngờ gì sẽ được ở phòng chúng tôi, còn ai bị nghi ngờ hoặc có dấu hiệu chống đối sẽ được đưa vào phòng bên cạnh. Bên đó có những tiếng đánh huỳnh huỵt, và tiếng la hét vang trời (Có lẽ vì tường bằng tôn nên cách âm không tốt). Đến lúc, có tiếng hét to quá, những người ở phòng chúng tôi đều đứng dậy phản đối, lực lượng công an kéo tới dàn quân khắp nơi yêu cầu ngồi xuống. Một anh bị đánh đến mức khi vợ dìu ra ngoài cửa thì ngã lăn xuống đất, và được xe tới đưa đi cấp cứu. Sáng nay, đọc tin tôi biết anh đang bị chấn thương sọ não và hôn mê. Lòng đau đến tê tái.

Chúng tôi bị giữ khoảng vài tiếng đồng hồ thì lần lượt từng người đi lấy lời khai. Anh công an lấy lời khai của tôi là Hồ Minh Hùng, người Vĩnh Linh, Quảng Trị, khá trẻ và khá non. Nhưng, cách nói chuyện của anh rất cố gắng để thể hiện mình là người có đủ sự hiểu biết. Anh nói với tôi khá nhiều về luật ANM, có cả những cái cười nhếch mép của anh khi nghe tôi trình bày sự việc.

Anh yêu cầu tôi mở ip bằng vân tay, và lần đọc toàn bộ tin nhắn ở tất cả các ứng dụng của tôi. Anh vừa đọc, thỉnh thoảng lại nhếch miệng cười. Những năm tháng học luật đủ để tôi biết, anh xâm phạm thư tín của tôi là không được phép. Tôi có nhỏ nhẹ trình bày với anh là tôi đã tốt nghiệp xong lớp luật sư, nhưng anh vẫn lờ đi…

Tôi cố giữ hòa khí hết mức, không tranh cãi, không to tiếng và bảo vệ quan điểm của mình. Anh cũng cố khép tội tôi, nhưng tôi cũng nhẹ nhàng từ chối. Tôi nói, tôi không thấy biển cấm chụp hình, tôi không hò hét, tôi cũng không tụ tập, tôi cũng không thấy họ mặc đồng phục công an, tôi không làm gì sai hết. Nhưng, anh liên tục gắt gỏng… Thi thoảng, anh cáu lên vì cho rằng, tôi dùng sai từ, tôi lại nhẹ nhàng xin lỗi anh.

Ngồi làm việc đâu được 30 phút với những tranh luận qua lại, tôi và chàng trai công an trẻ bị 2 chú ông an tới nạt nộ:

– Làm nhanh nhanh lên. Biết mấy giờ rồi không mà còn ngồi đó tâm tình. Xem có tin nhắn không, không có thì xử phạt hành chính. Còn có tin nhắn, facebook này nọ thì báo lại với chú.

Anh kia hoảng hốt:

– Dạ có, có đăng facebook, có nhắn tin…

Một anh mặt đồ dân thường tới cầm máy của tôi, yêu cầu mở vân tay và một lần nữa soi toàn bộ tin nhắn từ zalo, viber, facebook, email, trang cá nhân. Sau khi nhận thấy, không có dấu hiệu khả nghi gì, anh bỏ đi…

Riêng, chú công an tên Hùng kia vẫn ấm ức:

– Tôi biết chị không phải dạng vừa đâu. Nhưng bên an ninh đã không nói gì thì giờ tôi sẽ xử chị vi phạm hành chính rồi tha cho chị về thôi. Chỗ chị em miền Trung với nhau tôi không muốn làm khó chị. Chị hãy cư xử cho lịch sự như những người có học. Chúng ta đều là những người có học… Chị mà vào gặp tôi lần nữa, thì chúng ta không được ngồi thế này đâu. (Anh này có lẽ đang thử việc và muốn lập công chăng?).

Một anh khác tới lại yêu cầu tôi mở máy điện thoại, xem tới xem lui rồi lại bỏ đi.

Anh công an trẻ tên Hùng lại đọc tiếp và tò mò hỏi thêm: “Chị học thiền hả? Học ở đâu? Đông không?”

Một anh công an tới lại nói với anh công an trẻ:

– An ninh nó không nói gì thì lập biên bản nhanh lên. Có chứng minh nhân dân không? Có hả? Có thì xử lỗi tụ tập đông người… Hết giờ rồi đó. (Lẽ ra nên không mang theo CMND các bạn ạ, sẽ bị phạt tiền ít hơn).

Rất nhanh chóng, tôi đọc lại biên bản, biên bản ghi rất rõ, tôi đi một mình, có chụp hình lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và bị bắt, nhưng lại xử tôi tụ tập đông người, gây mất trật tự…

TÔI kí.

Ai đó bảo đừng kí thì bởi vì người đó biết chắc rằng, phía ngoài kia sẽ có những hậu thuẫn, sẽ có những người đứng ra bảo vệ cho họ, có những người theo sát và biết họ ở đâu, làm gì. Còn hơn 70 người chúng tôi ở trong đó, phần đông đều là những kẽ cô đơn, cô độc. Khát khao lúc đó là được ra ngoài, được thoát ra khỏi cái chỗ mà không biết số phận của mình rồi sẽ định đoạt ra sao? Và có ai bảo vệ mình không? Có bảo vệ được không?…

Sự thực là chúng tôi, lúc đó đơn độc, cô đơn và hoang mang lắm… Những người mà tôi có dịp tiếp xúc, tôi biết chẳng có ai bảo vệ họ đâu và cũng chẳng có KHOẢN TIỀN QUÁI QUỈ nào dành cho họ cả. Họ chỉ đơn giản là thể hiện một chút chính kiến nhỏ bé của mình.

Vây xung quanh tôi là những gương mặt nông dân lao động, là những cô cậu bé sinh viên hoặc những người thanh niên muốn làm được một cái gì đó cho đất nước này…

Có em bé sinh năm 1997, em từ BD lên, em đi một mình cầm theo khẩu hiệu do em tự viết. Em cười, nói và thoải mái đi lấy lời khai với vẻ tự tin. Có chị gái bị yếu tim, vẻ mặt đầy lo sợ, chị nói: Biết thế, chị đừng cầm theo biểu ngữ, không biết chị có bị gì không? Người nhà chị không có ai biết, và cũng chẳng có bạn bè hay tổ chức nào ở bên ngoài. Có ông chú, mặt mũi khắc khổ, đen nhẻm, chú nói: Chú bị đánh mấy cái vào đầu rồi, giờ chị em phụ nữ có đứng dậy không bị đánh, chứ đàn ông thanh niên bọn chú là bị còng số 8 liền, nên đừng trách chú nhu nhược ở đây”.

Lấy lời khai xong chúng tôi ngồi vào một góc nữa. Có người ngồi thiền, có người nằm ngủ. Có người mệt mỏi dựa đầu vào người kia. Tôi ngồi cạnh em bé 16 tuổi ở một chỗ phía sau. Có lúc nóng quá, tôi đứng dậy đi vòng vòng, muốn đến chỗ có cái quạt để ngồi, thì bị một anh công an quắt mắt lên, chỉ chỏ yêu cầu về góc đằng kia… Chúng tôi được cho nước uống khi xin, hình như có thêm một bao bánh mì, nhưng không ai đụng vào.

Cảm giác chờ đợi đến lượt để gọi tên mình ra thật mòn mỏi, vì đã gần đến 5h chiều mà mới chỉ có khoảng 7, 8 người được công an phường áp giải ra và về…

Tôi bị hốt lên xe lúc 9h05 phút và được “đặc cách” thả ra lúc khoảng 4h45 phút…

Phía sau, vẫn là hàng loạt những con người nằm ngồi la liệt…

17/6 Một ngày buồn của tôi…!

K.M.

Nguồn: https://www.facebook.com/khanh.mai.127/posts/1939538656056977

***

VÔ PHÁP, VÔ ĐẠO, VÔ MINH

Đoàn Quý Lâm

Vợ tôi, một người viết báo, viết văn, từng là luật sư (tập sự), bị những người được gọi là đại diện công quyền khống chế bắt giữ một cách vô pháp ngay giữa trung tâm Sài Gòn sáng ngày 17/6.

Cô ấy bị bắt chỉ vì dùng iphone chụp lại cảnh một đám đông lôi kéo một người dân, trong khi đang cùng e-kip chụp ảnh cho khách hàng của công ty bên hông Nhà thờ Đức Bà.

Nhận được tin báo từ cô người mẫu, tôi lấy xe gắn máy chở theo 2 con nhỏ đi tìm. Đường phố khá vắng lặng, nhưng ngã nào cũng bị bủa vây bởi những người mặc sắc phục. Xe công vụ đậu khắp nơi. Thỉnh thoảng có những chiếc xe khách phủ kín rèm chạy ngang dọc.

Sau nửa ngày hỏi han thì tôi tìm được địa chỉ nơi đang giữ vợ tôi cùng khoảng 200 người khác. Đó là số 1 Huyền Trân Công Chúa. Hai đầu đường bị chắn bởi rào thép gai di động, có khá đông công an và nhiều lực lượng khác canh giữ.

Cho đến cuối buổi chiều, tôi quan sát thấy chỉ có một số người được thả tự do, trong đó có vợ tôi.

Về đến nhà, nhìn đêm xuống trong màn mưa dày đặc, chúng tôi cứ day dứt không biết những người còn lại bên trong cái “trại tạm giam” dã chiến đó sẽ như thế nào, người thân họ có lo lắng đi tìm hay không?

Họ, có người bị bắt vì công khai biểu tình, có người bị bắt nhầm trong lúc đi uống cà phê, ăn sáng, đi lễ nhà thờ ra, hay vô tình có mặt ở nơi mà công an đang bố ráp. Họ phải đối diện và chịu đựng những cách hành xử không có điều luật nào cho phép. Cầm giữ, tra khảo, lục xét, đánh đập và ghép tội mà không cần một tờ lệnh hay bản án nào cả.

Chính quyền này đã kiệt quệ kế sách rồi hay sao mà lại đi làm những cái trò ti tiện như vậy? Cho dù có trừng trị những người chống đối thì cũng cần làm sao cho họ tâm phục khẩu phục. Phải ứng dụng công cụ pháp luật sẵn có chứ không thể đưa lực lực lượng vũ trang ra cậy mạnh làm càn.

Chính quyền nào cũng tồn tại và hoạt động dựa trên nền tảng là nhân dân. Nếu cứ đánh vào chân mình, một ngày nào đó nó tách rời ra và những kẻ ăn trên ngồi tróc sẽ đổ xuống. Sure.

Nguồn: FB Đoàn Quý Lâm

This entry was posted in công an đánh dân. Bookmark the permalink.